Nhằm vực dậy ngành sản xuất đang chao đảo vì dịch Covid-19, ngày 19 /3/2020, Bộ Công Thương đã có Công văn số 202/BCT-KH trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp trước tác động của dịch Covid-19, theo đó đề xuất một số hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp trong các ngành: sản xuất, lắp ráp ô tô; sản xuất sắt thép; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; dệt; sản xuất bông, xơ, sợi; dệt nhuộm hoàn tất vải; sản xuất trang phục; sản xuất sản phẩm từ da; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Mới đây, Bộ Công Thương tiếp tục trình Thủ tướng Công văn số 2282/BCT-CN về rà soát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các ngành công nghiệp trọng điểm ngành Công Thương.
Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn, hỗ trợ thông quan cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ đẩy mạnh thêm các giải pháp hỗ trợ đặc thù về tín dụng, tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp.
Về tín dụng, Bộ Công Thương cho rằng để cân bằng lợi ích của 2 nhóm ngân hàng thương mại và doanh nghiệp công nghiệp, Bộ Công Thương đề xuất sử dụng công cụ tái cấp vốn với tỷ lệ chiết khấu phù hợp cho các ngân hàng thương mại, để trực tiếp chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp công nghiệp, đơn giản hóa và minh bạch hoá các thủ tục để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với các hỗ trợ tín dụng của nhà nước.
|
Nguồn: Baocongthuong |
Mức giảm lãi suất bằng 30% so với mức lãi suất hiện nay trong thời hạn 12 – 24 tháng.
Đồng thời, điều điều chỉnh thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 18 tháng hoặc 24 tháng để doanh nghiệp có thời gian phục hồi hoạt động sản xuất, thay vì thời gian cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng như quy định hiện nay.
Trong đó, hướng đến đơn giản hóa hồ sơ chứng minh của các doanh nghiệp về mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như nguồn trả nợ và điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ trực tiếp ban hành các gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong thời kỳ khó khăn, như cho vay lãi suất thấp, giãn thời gian trả nợ lãi cho khách hàng,…
Bộ Công Thương đề xuất loạt giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng để giúp doanh nghiệp sản xuất vượt qua đại dịch Covid-19
Bộ Công Thương đề xuất loạt giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng để giúp doanh nghiệp sản xuất vượt qua đại dịch Covid-19
Riêng với ngành dệt may, Bộ Công Thương đề xuất chỉ đạo hệ thống ngân hàng có giải pháp hỗ trợ giảm tỷ lệ ký quỹ, giảm phí thanh toán quốc tế đối với doanh nghiệp có nhập khẩu nguyên liệu để doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất; hỗ trợ kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng, bao gồm cả phần đang vay do nguyên phụ liệu về chậm và khách hàng cũng chậm trả, giãn tiến độ giao hàng.
Với ngành ô tô, đề xuất sớm xem xét thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, khuyến khích gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa đối với sản phẩm ô tô sản xuất trong nước nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô tại Việt Nam.
Để cân đối nguồn thu ngân sách bảo đảm thực hiện các giải pháp hỗ trợ này, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước để tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Trong dài hạn, Bộ Công Thương đề xuất ban hành chính sách tín dụng ưu đãi cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển theo định hướng của Đảng và Chính phủ, với cơ chế sử dụng nguồn vốn thương mại lãi suất thấp do ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất (khoảng 3%/năm) trong một thời hạn nhất định để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng hiệu quả phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cho rằng cần sớm thông qua Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép cán nóng, sản xuất vải, dệt nhuộm hoàn tất vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu.
Mặt khác, đối với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định, cần sửa đổi quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng về việc hoàn thuế giá trị gia tăng có thời hạn (không thực hiện hoàn thuế theo phương pháp khấu trừ như hiện nay) nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất, tăng tính độc lập, tự chủ cho các ngành công nghiệp trong nước.
Nguồn:Tapchicongthuong.vn