Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chúc mừng các cơ quan báo chí, truyền thông thuộc Bộ Công Thương nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
Phát biểu tại buổi chúc, Bộ trưởng đánh giá, trong 2 năm qua, công tác truyền thông của Bộ Công Thương đã có sự cải thiện rõ rệt, các cơ quan truyền thông báo chí trong Bộ đã rất nỗ lực trong việc cải tiến kỹ thuật, đổi mới công tác thông tin, bắt kịp với xu hướng mới. Đặc biệt hơn một năm trở lại đây, bối cảnh khó khăn chung của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, các cơ truyền thông, báo chí trong Bộ vẫn duy trì các hoạt động chuyên môn thường xuyên, ổn định việc làm, thu nhập cũng như giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách cho cán bộ, viên chức.
Thời gian qua, đặc biệt là trong 5 tháng đầu năm 2022, kinh tế toàn cầu tiếp tục găp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid -19 vẫn tiếp tục tiếp diễn trên toàn cầu, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina… tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn. Sự gián đoạn nguồn cung, giá cước vận tải gia tăng đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa. Giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (xăng dầu, khí đốt, lương thực) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao, một số mặt hàng chạm các mốc kỷ lục đã ảnh hưởng đến phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine càng khiến gia tăng sức ép lạm phát bởi nỗi lo thiếu nguồn cung năng lượng từ Nga và hoạt động sản xuất lương thực bị gián đoạn trong khi chuỗi cung ứng tiếp tục đối mặt các thách thức liên quan đến dịch bệnh... Theo thống kê của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), hơn 50% nền kinh tế đang phát triển có tỉ lệ lạm phát thường niên trên 7%; khoảng 60% nền kinh tế phát triển có tỉ lệ lạm phát thường niên cao hơn 5% (là tỉ lệ cao nhất kể từ thập niên 1980). Lạm phát ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc... gần đây tăng mạnh hơn dự báo.
Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục mở cửa trong trạng thái bình thương mới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, dịch Covid -19 cơ bản được kiểm soát nhờ tiến độ tiêm chủng nhanh, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và một số động lực chính như: việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong 5 tháng đầu năm 2022. Hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp; giá xăng dầu tăng đã tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó đã có những tác động làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế; việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định đúng tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra kịp thời, đúng hướng, hiệu quả; linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết đoán kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát diễn biến dịch bệnh và tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Theo Bộ trưởng, bên cạnh nỗ lực của Lãnh đạo Bộ cũng như các đơn vị thuộc Bộ trong việc hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng có những đóng góp quan trọng. "Mặc dù trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành thực thi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội. Kết quả, năm 2021, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương, đạt 2,58%, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế tiếp tục ghi nhận tăng trưởng cao. Đồng hành những hoạt động tham mưu, quản lý, báo chí nói chung và các cơ quan báo chí ngành Công Thương đã có nhiều nỗ lực tham gia, đóng góp công sức nhằm truyền tải đến người dân, bạn đọc những thông tin về hoạt động ngành Công Thương. Các kết quả này của ngành cũng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội ghi nhận, đặc biệt là các vấn đề điều hành cung ứng xăng dầu hay về tình hình các vật tư chiến lược như than, phân bón, xử lý giải tỏa nông sản ách tắc tại các cửa khẩu..." - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, đồng thời cũng ghi nhận, báo chí ngành Công Thương nói chung thời gian gần đây có sự đổi mới, không chỉ dừng lại đưa tin, phản ánh mà đã có tuyến bài phân tích, thực hiện chức năng dẫn dắt, phản bác các thông tin tiêu cực.
"Trong đó, Báo Công Thương đã có sự kết nối, mở rộng hợp tác với các chuyên gia kinh tế. Thông tin từ báo chí của Bộ đã lan tỏa sang báo khác, có sự ảnh hưởng tích cực"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra một số hạn chế. Đó là cần nâng cao hơn nữa tính kịp thời, sự đầy đủ thông tin, sự phân tích đấu tranh phản bác còn nhẹ...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng, với sự chủ động đưa tin, dẫn dắt, định hướng của các cơ quan báo chí, truyền thông thuộc ngành Công Thương, chắc chắn những nỗ lực của ngành Công Thương đối với sự phát triển kinh tế sẽ được ghi nhận hơn. Ngoài ra, các cơ quan báo chí của Bộ cũng cần tận dụng mạng xã hội để lan toả thông tin...
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương