menu search
Đóng menu
Đóng

Đừng nên xem ngành than là thủ phạm gây thiệt hại lũ lụt

18:47 10/08/2015

Vinanet - Tổn thất tại Quảng Ninh trong cơn mưa lớn lịch sử 40 năm qua được thống kê với con số không hề nhỏ, trong đó ngành than thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên, cũng từ sự cố được cho là "thảm họa" này, có thể nhìn nhận lại rằng ngành than cần phải có trách nhiệm hơn với môi trường xung quanh. 

Đó là quan điểm của hầu hết các chuyên gia nêu ra tại buổi tọa đàm Quản lý khai thác than và rủi ro môi trường nhìn từ sự cố tại vùng mỏ Quảng Ninh. Hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức chiều 10/8 tại Hà Nội.

Theo thống kê, mưa lũ kéo dài gần chục ngày thời điểm cuối tháng 7 và đầu tháng 8 đã khiến nhiều người chết, gây thiệt hại về kinh tế cho tỉnh Quảng Ninh lên tới 2.700 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn điện lực Việt Nam thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng Sản Việt Nam (Vinacomin) thiệt hại đến 1.200 tỷ đồng, chiếm 60% tổng thiệt hại. Mưa lũ đã gây ngập lụt nghiêm trọng và hư hại nặng nề ở 16 mỏ than. Tại các kho than, nước chảy xối xả đã cuốn trôi hàng tấn than ra ngoài. Ngành than phải dừng toàn bộ hoạt động sản xuất để tập trung cứu mỏ.

Theo các chuyên gia môi trường, đó chỉ là con số có thể thống kê trước mắt. Tổn hại kéo theo là đời sống người dân trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hệ sinh thái bị ô nhiễm: nguồn nước mạt, nước ngầm, vùng vịnh, thủy hải sản...Và đó là thiệt hại nguy hiểm và mang tính lâu dài. Điều này cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi về vấn đề quản lý, khai lý rủi ro khi khai thác than. 

Ths Đỗ Thanh Bái - Hội Hóa học Việt Nam cho rằng, những tổn thất tại Quảng Ninh đã vượt qua sự tính toán về mặt kinh tế và môi trường. Nguyên nhân chính là do việc khai thác than có vấn đề nên đã gây xung đột lớn về rừng phòng hộ, xung đột mục tiêu du lịch, tác động đến quy hoạch thủy sản, đô thị, hạ tầng giao thông…

Tuy nhiên, Ths Đỗ Thanh Bái cũng nhấn mạnh, việc khai thác than và sản xuất điện từ than dù tác động tiêu cực đến môi trường, nhưng đừng nhìn ngành than như tội phạm. 

"Trong 12 năm qua, Vinacomin đã đóng góp nhiều vào công cuộc bảo vệ môi trường bằng việc đầu tư hàng trăm tỷ cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhu cầu bảo tồn lớn nên con số này chưa thể đáp ứng", ông Bái nói. 

Trong khi đó, TS. Đào Trọng Hưng - Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cho rằng:  "Nếu doanh nghiệp chú trọng đầu tư ngay cho công tác bảo vệ môi trường từ đầu thì đã không xảy ra chuyện vừa qua. Thực tế, các doanh nghiệp khai thác có quy hoạch các mỏ than nhưng thường không quy hoạch bãi thải"

Ngoài ra theo ông Hưng, Vinacomin có ý thức bảo vệ môi trường, tuy nhiên quy mô đầu tư cho môi trường chưa đủ lớn nên không đáp ứng được với những tác động như trận lũ vừa qua gây ra. 

 

Không nên giảm phí môi trường cho Vinacomin

Về kiến nghị giảm thuế, phí môi trường của Vinacomin, ông Bái không đồng tình để Tập đoàn này giảm phí môi trường. Theo vị này, trên thực tế, chủ đầu tư cần đóng hai khoản thuế, gồm: thuế tài nguyên và phí môi trường. Trong đó, phí môi trường là khoản tiền bỏ ra đóng góp lại để phục hồi môi trường do quá trình khai thác gây ra.

"Trong sự cố này, Vinacomin có quyền xin giảm thuế tài nguyên là chính đáng vì đã bị giảm lợi nhuận do mưa lũ. Nhưng đối với khoản phí môi trường thì về cơ bản tôi không đồng ý, vì thực tế hậu quả của việc khai thác này có thể nhìn thấy là rất nghiêm trọng"- Vị này nêu quan điểm.

 

 

 

Huyền Thương