Tham dự Kỳ họp có trưởng đoàn của hai bên là Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Bà Đại sứ María Cristina Boldorini, Quốc Vụ khanh phụ trách Quan hệ Kinh tế Quốc tế, Bộ Ngoại giao và Tôn giáo Ác-hen-ti-na cùng các đại biểu đại diện Lãnh đạo các Bộ/ngành của Ác-hen-ti-na, chào mừng các vị đại biểu đến Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ V Ủy ban liên Chính phủ giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hòa Ác-hen-ti-na.
Hai nước Việt Nam và Ác-hen-ti-na, mặc dù xa xôi về địa lý nhưng lại rất gần gũi về tinh thần, tình cảm dành cho nhau. Từ sau Kỳ họp lần IV của Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước được tổ chức trong năm 2014 tại Bu-ê-nốt Ai-rét, mối quan hệ hợp tác chặt chẽ đã và đang được hai bên chúng ta hiện thực hóa thông qua việc cùng nhau triển khai thực hiện có hiệu quả một số dự án hợp tác kỹ thuật.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Kỳ họp
Phát biểu tại Kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và nhiều rủi ro, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, gần đây là mưa lớn gây ngập úng ở nhiều thành phố, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các giải pháp, chính sách đã bước đầu đi vào cuộc sống. Tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%), nhưng đã cải thiện nhiều hơn so với 6 tháng đầu năm (5,52%). Trong mức tăng 5,93% của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,50%; khu vực dịch vụ tăng 6,66%; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%. Năm 2015, GDP đạt 204 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 2.109 USD.
Trong 9 tháng, FDI thực hiện tăng 12,4%; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khoảng 2,7 tỷ USD. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm 2016 tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2015, bao gồm: Nông nghiệp tăng 0,1%; lâm nghiệp tăng 6,3%; thủy sản tăng 1,9%.
Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,9%; riêng ngành khai khoáng giảm 4,1% (chủ yếu do khai thác dầu thô giảm).
Tính chung 9 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 253,6 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, xuất khẩu đạt 128,2 tỷ USD, tăng 6,7% và nhập khẩu đạt 125,4 tỷ USD tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất siêu 2,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 37,0 tỷ USD, tăng 5,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 91,2 tỷ USD, tăng 7,4% so với 9 tháng đầu năm 2015.
Lực lượng lao động ước tính 53,27 triệu người, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 41,9% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,7%; khu vực dịch vụ chiếm 33,4%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,29%, trong đó khu vực thành thị là 3,23%; khu vực nông thôn là 1,82%.
Lạm phát 9 tháng đầu năm được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,07% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng tăng 1,81% so với cùng kỳ cho thấy sức ép từ tổng cầu đối với lạm phát không lớn.
Kể từ sau Kỳ họp lần IV tổ chức vào tháng 10 năm 2014 tại Bu-ê-nốt Ai-rét cho đến nay, nhiều nội dung đã được hai Bên triển khai trong tất cả các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, nông nghiệp, văn hóa, y tế và pháp y, khoa học công nghệ...Hai Bên tiếp tục triển khai các hoạt động trao đổi đoàn nhằm tăng cường quan hệ song phương và hiểu biết giữa hai nước. Về phía Việt Nam có các đoàn thăm Ác-hen-ti-na của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân thăm Ác-hen-ti-na tháng 7 năm 2016, đoàn Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tháng 8 năm 2015, đoàn Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước tháng 9 năm 205... Về phía Ác-hen-ti-na, Tổng thống Mauricio Macri đã bày tỏ ý định thăm Việt Nam và hai Bên đang tích cực thúc đẩy chuyến thăm vào thời điểm thích hợp. Hai Bên sẽ tổ chức Phiên VII Tham khảo chính trị tại Bu-ê-nốt Ai-rét từ ngày 3 đến 5 tháng 12 năm 2016.
Tuy gặp phải một số khó khăn nhưng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, văn hóa, y tế và pháp y, khoa học công nghệ... được hai Bên cố gắng thúc đẩy triển khai; một số nội dung thỏa thuận ghi trong Biên bản Kỳ họp thứ V đã triển khai thực hiện đúng tiến độ. Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực của hai Bên trong việc triển khai các dự án hợp tác kỹ thuật trong khuôn khổ Quỹ Hợp tác Nam – Nam và Ba Bên của Ác-hen-ti-na (FOAR). Về hợp tác thương mại: 10 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang Argentina đạt 302,3 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm 2015; nhập khẩu từ Argentina đạt 2,12 tỷ USD, tăng 15,8%. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,42 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2015 (đạt 2,14 tỷ USD). Ước cả năm tổng kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt gần 3 tỷ USD.
Về đầu tư: Mặc dù Ác-hen-ti-na và Việt Nam có nhiều tiềm năng hứa hẹn về đầu tư, nhưng cho đến nay, số lượng nhà đầu tư đăng ký còn hạn chế. Hiện Ác-hen-ti-na có có 04 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 3,2 triệu USD và xếp thứ 80/112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nhân Ác-hen-ti-na đến kinh doanh đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà Ác-hen-ti-na có thế mạnh.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hai Bên đã ký Thỏa thuận hợp tác về kiểm soát an toàn thực phẩm (18/6/2014). Theo đó, 206 doanh nghiệp chế biến Thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Ác-hen-ti-na; 36 cơ sở sản xuất thịt và 221 cơ sở chế biến thủy sản của Ác-hen-ti-na vào Việt Nam. Ác-hen-ti-na cũng đã được công nhận là nước xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam.
Hai Bên đã thống nhất 11 mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch với sản phẩm có nguồn gốc động vật xuất khẩu từ Ác-hen-ti-na vào Việt Nam, gồm: thịt bò, thịt cừu đông lạnh và ướp lạnh; (ii) sữa và các sản phẩm từ sữa; (iii) sản phẩm chế biến từ trứng (sử dụng làm thực phẩm)... Việt Nam đang xúc tiến mở cửa thị trường vào Ác-hen-ti-na một số loại trái cây như thanh long, nhãn, vải, xoài. Ác-hen-ti-na đã gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu sang Việt Nam các loại quả cam, chanh, quýt, bưởi, blueberry (việt quất), táo, lê và anh đào ngọt.
Về hợp tác trong khuôn khổ Quỹ Hợp tác Nam-Nam và Ba Bên của Ác-hen-ti-na: Chúng tôi vui mừng nhận thấy những tiến triển của các dự án hợp tác kỹ thuật và đề nghị trong thời gian tới, hai Bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các dự án trao đổi kỹ thuật liên quan tới “kiểm soát bệnh lở mồm long móng”, “nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi”, “nâng cao khả năng chống thoái hóa cho các giống lúa”, “chọn tạo giống đậu tương chịu hạn và kháng bệnh đạo ôn”,” bảo quản nông sản sau thu hoạch”, và “nhân bản bò sữa”
Trong lĩnh vực văn hóa, nhiều hoạt động hợp tác trao đổi giữa Việt Nam và Ác-hen-ti-na đã được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (25/10/2013), hai Bên đã phối hợp tổ chức Tuần văn hóa Ác-hen-ti-na tại Việt Nam và Những ngày văn hóa Việt Nam tại Ác-hen-ti-na cũng như nhiều hoạt động văn hóa khác.
Về hội nhập quốc tế, Việt Nam có quan điểm và chính sách nhất quán trong việc hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Quan điểm của Việt Nam trong việc phát triển thương mại với quốc tế đều định hướng theo phát triển đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ. Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTA, cả ở cấp độ song phương và đa phương. Cho đến nay, có 10 FTA Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực; 2 FTA đã kết thúc đàm phán, đang chờ ký kết và phê chuẩn và 4 FTA đang đàm phán.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Kỳ họp lần V của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Ác-hen-ti-na là thời điểm thích hợp để hai bên ngồi lại cùng rà soát, kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án hợp tác giữa hai nước trong gian đoạn vừa qua và trao đổi, đề xuất các biện pháp để có thể thúc đẩy việc thực hiện thành công các dự án hợp tác giữa hai nước ở cả cấp Chính phủ, Bộ/ngành và cấp doanh nghiệp; xác định và lựa chọn ưu tiên cho các dự án hợp tác khả thi trong tương lai.
"Cá nhân tôi và Quốc Vụ khanh, Đại sứ Cristina Boldorini– đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Ác-hen-ti-na rất vui mừng khi nghe báo cáo về những kết quả hai Bên đã trao đổi và đạt được thỏa thuận trong hai ngày làm việc tích cực và có hiệu quả vừa qua" Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ và tin tưởng rằng, các đồng nghiệp Ác-hen-ti-na cũng đồng thuận rằng trong khuôn khổ Ủy ban liên chính phủ, cả hai bên cần chủ động đề xuất các biện pháp giải quyết những vướng mắc về thủ tục, bố trí nguồn lực hợp lý và hiệu quả để thúc đẩy triển khai những cam kết giữa hai Bên.
Thứ trưởng cũng đồng tình với quan điểm và kiến nghị của nhóm kỹ thuật về việc bên cạnh lĩnh vực ưu tiên là hợp tác thương mại và nông nghiệp, hai Bên cũng cần phối hợp thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác quan trọng khác như khoa học công nghệ, văn hóa – giáo dục, y tế...và khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước tham gia tích cực vào các dự án hợp tác trong các lĩnh vực nhằm tạo sự hợp tác toàn diện, gắn kết lâu dài.
Cũng tại Kỳ họp lần thứ V Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Ác-hen-ti-na, hai bên đã cùng ký Biên bản Kỳ họp lần V Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Ác-hen-ti-na.
Nguồn: Vụ Thị trường châu Mỹ/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương