menu search
Đóng menu
Đóng

TP HCM đã sẵn sàng cho cung ứng hàng hóa Tết 2017

10:17 30/11/2016

Để chủ động nắm tình hình thực hiện công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại các địa phương, Bộ Công Thương tổ chức Đoàn công tác làm việc với Ủy ban nhân dân TP HCM vào sáng ngày 29/11/2016.

Nội dung của buổi làm việc tâp trung vào các vấn đề như đánh giá tình hình thị trường cung - cầu, giá cả một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết trên địa bàn  TP HCM; Kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán của thành phố (Công tác dự trữ, chuẩn bị hàng hóa, bán hàng phục vụ Tết, đưa hàng về khu chế xuất, khu công nghiệp, ngoại thành…); Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng phục vụ Tết trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận; Các giải pháp để đảm bảo ổn định thị trường, giá cả trong dịp Tết Nguyên đán; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cần được tháo gỡ…

Theo báo cáo sơ bộ, đến nay, đã có 21/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch hoặc đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả cuối năm và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Năm nay các địa phương tiếp tục thực hiện Chương trình theo hướng xã hội hóa, các doanh nghiệp tự chủ động nguồn vốn,  hoặc được kết nối giữa các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình để được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, một số địa phương trích vốn ngân sách cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, hoặc hỗ trợ kinh phí đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo...; Các địa phương kết hợp các chương trình Bình ổn thị trường với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa phục vụ Tết cho nhân dân.

Trong tháng 11, 12 năm 2016, Bộ Công Thương đã và đang tổ chức đoàn công tác làm việc với một số Bộ, ngành, địa phương về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Năm nay, bên cạnh các hoạt động bảo đảm cân đối cung cầu, Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các thành phố lớn đẩy mạnh các hoạt động kết nối các sản phẩm nông sản thực phẩm sạch, an toàn để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp cao điểm lễ, Tết.

Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, 10 tháng đầu năm 2016, mặc dù kinh tế nói chung và thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng bởi sự biến động bất lợi của nền kinh tế thế giới nhưng TP HCM vẫn duy trì mức độ tăng trưởng tương đối ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm đạt 612.018 tỷ đồng, tăng 9,33% so cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá tăng 10,2% (cùng kỳ năm trước loại trừ giá tăng 7,65%). Như vậy tỷ trọng tổng mức bán lẻ của Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng hơn 20% so với cả nước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,62% so với tháng trước và tăng 3,3% so với tháng 12/2015 (mức tăng này của cả nước là 4,09%), bình quân 10 tháng chỉ số giá tiêu dùng của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,56% so với cùng kỳ năm 2015 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước là 2,27%). một số nhóm tăng chủ yếu: nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm nhà ở, điện nướC; nhóm giáo dục…

Mười tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp thành phố đạt 26.584,4 triệu USD, tăng 6,5% so cùng kỳ. Loại trừ giá trị dầu thô, trị giá xuất khẩu 10 tháng ước đạt 24.445,3 triệu USD, tăng 12,2%. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp thành phố 10 tháng đạt 30.172,2 triệu USD, tăng 8,6% so cùng kỳ.

Tính đến hết 31/12/2015, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 240 chợ (trong đó có 17 chợ hạng I, 53 chợ hạng II, 170 chợ hạng III), chiếm 24% số chợ trong vùng Đông Nam Bộ; có 179 siêu thị và 37 trung tâm thương mại, chiếm 82,5% số siêu thị và 62,7% số trung tâm thương mại trong vùng Đông Nam Bộ.

Đây là năm thứ 4 thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách cho cả 04 chương trình. Tổng số doanh nghiệp tham gia: 86 doanh nghiệp (42 doanh nghiệp lương thực, 15 doanh nghiệp Mùa khai trường, 14 doanh nghiệp dược phẩm, 05 doanh nghiệp sữa và 10 Ngân hàng).

Nguồn vốn các ngân hàng tham gia đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thực hiện bình ổn thị trường là 12.900 tỷ đồng, tăng 1.050 tỷ đồng (+8,9%) so năm 2015 với lãi suất tương đương năm 2015 từ 5,5-7%/năm trong ngắn hạn và 9-10% trong trung, dài hạn.

Bên cạnh việc bình ổn thị trường thành phố, thông qua Chương trình Hợp tác thương mại TP HCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, TP HCM đã làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho Thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang thực hiện kết nối cung cầu, cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, hoa tươi vào hệ thống phân phối và chợ đầu mối của Thành phố. Thông qua đó góp phần điều tiết cung cầu, ổn định thị trường giữa các địa phương. Nguồn cung hàng hóa phục Tết luôn dồi dào, đa dạng, phong phú.

Nguồn cung hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết chủ yếu từ 3 nguồn chính, gồm các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường (chiếm 30-40% thị phần), các chợ đầu mối (chiếm 60-70% thị phần), các doanh nghiệp còn lại (chiếm 10-20% thị phần).

Theo báo cáo của Sở Công Thương thành phố, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 02 tháng Tết là trên 17 nghìn tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng (+5,3%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân 2016 (16,2 nghìn tỷ đồng), trong đó giá trị hàng bình ổn thị trường là trên 6,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó 01 tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 29/12/2016 đến 27/01/2017 (từ 01 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị khoảng 9,7 nghìn tỷ đồng, giá trị hàng bình ổn thị trường khoảng 3,7 nghìn tỷ đồng.

Lượng hàng chuẩn bị tăng bình quân 15-20% so với kế hoạch Thành phố giao và tăng 25-45% so kết quả thực hiện Tết Bính Thân 2016. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối 35% – 52% thị phần như: thịt gia cầm (chiếm 59,6%), thịt gia súc (35,5%), gạo (33,3%), dầu ăn (34,5%), đường (43,4%), trứng gia cầm (48%)...

Đối với nguồn cung hàng hóa từ 03 Chợ đầu mối, lượng hàng hóa nhập chợ bình quân trên 8.500 tấn/ngày chủ yếu là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau củ quả và thủy hải sản. Dự kiến vào thời điểm cận Tết lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày. Chợ đầu mối Bình Điền sẽ tổ chức Hội Hoa xuân dự kiến từ 20 đến 30 tháng Chạp, diện tích 25.000 m2 với gần 250 gian hàng.

Ngoài ra, hệ thống Siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa với số lượng tăng từ hai đến ba lần so với tháng thường.

Đối với chợ truyền thống, Sở Công Thương đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành, tìm kiếm nguồn hàng đạt chuẩn an toàn, hàng đặc sản trên cả nước để kết nối đưa vào chợ truyền thống, bổ sung nguồn hàng phục vụ Tết.

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia, nước giải khát dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tăng khoảng 30% so với tháng thường và đang tích cức chuẩn bị triển khai kế hoạch cung ứng Tết; Các công ty sản xuất bánh kẹo cũng tăng sản lượng 10-20%, giá không tăng so với Tết Bính Thân 2016.

Giá hàng hóa trong Chương trình Bình ổn thị trường sẽ được giữ ổn định trong suốt 2 tháng trước và sau Tết (từ 01/01/2017 đến 28/02/2017). Đồng thời các doanh nghiệp tham gia Chương trình cũng có kế hoạch khuyến mãi, giảm giá sâu đồng loạt các mặt hàng vào các ngày cận Tết như: thịt gia súc giảm 5-10% trong 1 tháng trước Tết, thịt gia cầm giảm 10% trong 3 ngày cận Tết, rau củ quả, thủy hải sản giảm 15-20% trong 1 tháng trước Tết, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5-7% trong 2 tuần trước Tết...

Bên cạnh đó, để kích cầu tiêu dùng trong tháng cận tết, nhiều doanh nghiệp thực hiện các đợt khuyến mại tập trung vào các mặt hàng như nước giải khát, bánh mứt kẹo, quần áo... trị giá 1,2 nghìn tỷ đồng. Các hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon – Citimart, Big C cũng tổ chức nhiều Chương trình khuyến mại giảm giá từ 5-49% cho nhiều mặt hàng phục vụ Tết.

Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa Tết, các hệ thống siêu thị tham gia bình ổn thị trường sẽ kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng từ ngày 20 đến sáng 30 tháng Chạp. Khai trương năm mới sáng mùng 2 và tới mùng 5 Tết mở cửa từ 8h sáng đến 12h trưa. Mùng 6 Tết hoạt động kinh doanh bình thường trở lại.

Sở Công Thương TP HCM đang triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là điểm mới và cũng là điểm sáng của TP HCM trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nhất là trong dịp Tết khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Đề án dự kiến đưa vào vận hành trước Tết Đinh Dậu 2017 với sự tham gia của nhiều trang trại chăn nuôi lớn như Vissan, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, HTX Tiên Phong, CP Việt Nam, Japfa Việt nam, CJ Vina Agri...; các nhà máy giết mổ lớn như Vissan, An Hạ, Công ty CP Thực phẩm Hóc Môn...; 02 chợ đầu mối thịt heo lớn (Bình Điền, Hóc Môn); các hệ thống phân phối lớn: Sài Gòn Co.op, Satra, Big C, Sagrifood... và 03 chợ truyền thống bán lẻ (Thái Bình, An Đông, Bến Thành).

Đề án này được đưa vào vận hành sẽ giúp người tiêu dùng có thể biết nguồn gốc sản phẩm thịt heo, được đảm bảo về chất lượng thực phẩm đã được xác nhận chất lượng qua các khâu phân phối trước đó, đồng thời hỗ trợ cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp, người chăn nuôi, kinh doanh thịt heo an toàn xây dựng được thương hiệu thực phẩm an toàn trong lòng người tiêu dùng.

Đối với công tác phát triển mạng lưới phân phối, đến đầu tháng 10 năm 2016, tổng số điểm bán của 04 Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố là 10.140 điểm bán, tăng 935 điểm bán so năm 2015. Riêng Chương trình Lương thực - thực phẩm có 3.943 điểm bán gồm 111 siêu thị, trung tâm thương mại, 459 cửa hàng tiện lợi, 911 điểm bán trong 128 chợ truyền thống, 2.462 điểm bán trong khu dân cư. Trong đó: 926 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành; 16 điểm bán phục vụ công nhân tại 09 KCX- KCN, 03 cửa hàng tiện lợi tại xí nghiệp đông công nhân, 02 cửa hàng liên kết thanh niên phục vụ khu lưu trú công nhân; 1.573 điểm bán do Hội Liên hiệp Phụ Nữ phát triển gồm; 24 điểm bán do Thành đoàn TNCS HCM phát triển và tham gia quản lý.

Theo kế hoạch đến Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp Bình ổn thị trường phát triển thêm 248 điểm bán, tăng cường thực hiện bán hàng lưu động bình quân 120/chuyến/tháng, riêng 02 tháng cao điểm trước Tết thực hiện 307 chuyến. Trong đó, chú trọng đưa hàng đến các quận vẹn, huyện ngoại ngoại thành, KCX, KCN, khu lưu trú công nhân... để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết.

Bên cạnh công tác phát triển điểm bán, Thành đoàn sẽ thực hiện tăng tần suất các chuyến bán hàng lưu đông, tổ chức các Phiên chợ hàng Việt, phiên chợ Thanh niên, Phiên chợ thanh niên công nhân... phục vụ công nhân, người lao động tại các KCX, KCN.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao công tác Bình ổn thị trường và chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết của TP HCM. UBND thành phố đã sớm chỉ đạo Sở Công Thương và các Sở ngành liên quan tổ chức triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết tới từng Sở ban ngành, quận, huyên, doanh nghiệp.

Để phục vụ nhân dân đón Tết an vui, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đề nghị UBND TP HCM đôn đốc, chỉ đạo các sở ban ngành tiếp tục triển khai hiệu quả công tác chuẩn bị của địa phương. Thứ trưởng nhấn mạnh, TP HCM là trung tâm giao dịch lớn, nơi phát luồng hàng cho thành phố nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung, vì vậy, công tác chuẩn bị nguồn hàng, nhất là vào dịp cao điểm và Tết Nguyên đán cần được chú trọng và thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ hoặc các tiểu thương lợi dụng cơ hội găm hàng chờ tăng giá…; Là địa phương có sức tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ lớn trong cả nước, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu vào những dịp cao điểm, thành phố Hồ Chí Minh cần có sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành lân cận trong việc kết nối và truyền dẫn nguồn hàng tới người tiêu dùng, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa vừa tạo sự đa dạng trong nguồn hàng;

Thứ trưởng chỉ đạo các Sở, ngành chức năng (Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi nhánh NHNN…) có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức triển khai công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, chương trình dự trữ hàng hóa, BOTT, công tác chia sẻ thông tin trong khi triển khai các nhiệm vụ được giao; Tăng cường công tác thanh kiểm chất lượng hàng hóa, chống hàng giả, hàng nhái, phối hợp với các tỉnh, thành để tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn hàng,  thực hiện chuỗi liên kết truy xuất nguồn gốc cần để nâng tầm chất lượng, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa.

Thứ trưởng cũng yêu cầu UBND TP HCM chỉ đạo Sở Công Thương thành phố tiếp tục đưa vào ứng dụng thực tế mô hình của Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin” tại nhiều quận, huyện trong thành phố với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối hơn nữa nhằm cung cấp thêm công cụ hỗ trợ cho người dân trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về công tác chuẩn bị Tết, Chương trình bình ổn giá cả thị trường, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các họat động hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các điểm bán hàng bình ổn để người dân có thể tiếp cận được nguồn hàng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm với giá hợp lý.
Nguồn: Phương Thảo/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương