Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển, Viện Kinh tế và quản lý TP. Hồ Chí Minh, để doanh nghiệp (DN) không bị thua ngay trên sân nhà khi thực hiện các luật định, quy định của Hiệp định WTO, ASEAN, TPP… thì các Bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ những khó khăn cho DN trong môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục, chính sách, thuế, hải quan, nguồn vốn.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, điều quan trọng là phải đảm bảo sự ổn định, nhất quán mang tính chất lâu dài về chính sách để tạo điều kiện cho DN xây dựng chiến lược của mình và phát triển bền vững. Tuy nhiên, bản thân mỗi DN cũng phải nâng cao nhận thức khi đương đầu với thách thức.
Chia sẻ cụ thể những chính sách hỗ trợ với DN, ThS Nguyễn Văn Tuất - đại diện Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phía Nam thông tin, hiện chính sách hỗ trợ cho DN được thực hiện ở cả 2 cấp độ gồm cấp độ quốc gia và cấp DN. Trong đó, ở cấp độ quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì hai vấn đề lớn là: xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV, triển khai Quỹ phát triển DNNVV. Về luật thì đang được xây dựng, còn vấn đề vốn, trong năm 2016, Quỹ phát triển DNNVV đã triển khai 4 chương trình hỗ trợ tài chính với hạn mức 560 tỷ đồng.
Ở cấp độ DN, Trung tâm Hỗ trợ DNNVV phía Nam đã thiết kế và cung cấp các chương trình hỗ trợ đem lại hiệu quả cho DN như: tư vấn hiện trường sau đào tạo, chương trình In-house dành riêng cho từng DN…
Với các chính sách về thuế, ông Lê Duy Minh - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ về một số giải pháp hỗ trợ về thuế cho các DN như: giảm thuế suất, thuế thu nhập DN áp dụng với DNNVV, DN khởi nghiệp xuống còn 17% trong các năm tới, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao…
Tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành nhiều giải pháp cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN bằng việc công khai các thủ tục hành chính thuế; Mở rộng và nâng cao chất lượng kê khai nộp thuế điện tử, đảm bảo 98% DN khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử; Thực hiện quản lý thuế theo rủi ro; đảm bảo hoạt động thanh kiểm tra hiệu quả trên cơ sở phân tích đánh giá rủi ro, không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm; Vận động hỗ trợ các hộ kinh doanh có quy mô trên 10 lao động thành lập DN theo đúng quy định của pháp luật…
Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông - chia sẻ, không có DN nào không đủ tiêu chuẩn vay ngân hàng, chỉ có những DN mà ngân hàng chưa xây dựng được công thức cho vay. Theo ông Tùng, mọi ngân hàng đều tạo điều kiện giúp đỡ DN, không chỉ DN lớn mà còn có DNNVV, thậm chí là siêu nhỏ. Do đó, các DN nên mạnh dạn lập hồ sơ, thủ tục, chứng minh tài chính để nhận được những gói vay thiết thực, hỗ trợ cho công cuộc phát triển thương hiệu.
Tại tọa đàm, các DN tham gia cũng đánh giá cao vai trò hiện nay của đội ngũ báo chí đối với sự phát triển của DN và khẳng định báo chí luôn đồng hành cùng DN. Bà Đặng Thị Thu Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, trước nhu cấp bách của xã hội là cần các sản phẩm thực phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe, Vissan đã và đang quyết liệt thực hiện mô hình “3F” về sản xuất sạch. Trong quá trình thực hiện, việc thông tin đến người tiêu dùng là rất cần thiết do vậy đội ngũ báo chí rất quan trọng với DN. Thông qua các phương tiện truyền thông, người tiêu dùng sẽ nhận biết được thực phẩm an toàn để tiếp cận đồng thời nói không với những đơn vị sản xuất không minh bạch, lừa dối người tiêu dùng.
Nguồn: VietnamExport.com
Nguồn:VietnamExport.com