Đây là một nội dung tại Diễn đàn "Doanh nghiệp Việt: Kết nối và Hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức ngày 23/6 tại Hà Nội.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Khi hội nhập, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng. Người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa tốt và rẻ hơn, nhưng các doanh nghiệp sẽ phải sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thách thức. Một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề xây dựng thương hiệu, đẳng cấp cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nhấn mạnh vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội dẫn chứng: Sản xuất gạo của Việt Nam có tiềm năng nhưng giá thấp, còn sản lượng cà phê đứng thứ 4, thứ 5 thế giới nhưng chưa có tên tuổi nhiều. Do thương hiệu chưa mạnh nên người nông dân vẫn phải chịu cảnh “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”.
Đánh giá về sự thích ứng của các doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng việc các doanh nghiệp quan tâm đến thương hiệu chính là sự chuyển biến quan trọng về nhận thức. Doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức hơn về việc bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình khi hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng các doanh nghiệp cần thấy rõ rằng, chi phí cho đăng ký thương hiệu là chi phí lâu dài, không đem lại hiệu quả trước mắt mà sẽ mang lại lợi ích lâu dài.
Về hỗ trợ vốn, ông Nguyễn Sơn cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành đã đưa ra khung hỗ trợ xây dựng theo hướng tín chấp nhưng cần có một số ý kiến góp ý bổ sung.
Về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hiện đã có quỹ nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được vay mà phải đáp ứng một số quy chế xây dựng trên cơ sở đóng góp ý kiến của các bên, tránh việc doanh nghiệp lạm dụng dựa vào vốn hỗ trợ.
Dưới góc độ một tổ chức tín dụng lớn, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng: Các doanh nghiệp rất cần lưu ý, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, các sản phẩm hàng hóa, nông sản Việt Nam chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt, các thị trường tiềm năng cao cấp luôn yêu cầu tiêu chí xanh, sạch, an toàn được đặt lên hàng đầu.
Nhấn mạnh vai trò của xúc tiến thương mại và dữ liệu thông tin doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty cổ phần Dự án công nghệ Nhật Hải (OIC) cho rằng cần sớm có một quy trình liên kết doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực để có sự tra cứu dễ dàng hơn. Ví dụ, cần có một cổng thông tin gồm danh sách các ngành nghề trong xã hội, qua đó khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm đầy đủ những DN trong lĩnh vực quan tâm cùng với những thông tin cụ thể của doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ
Nguồn:Báo điện tử Chính Phủ