Tạo điều kiện tiếp cận vốn
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Tô Hoài Nam cho biết, so với thời điểm tháng 6/2015, tỷ lệ DNNVV khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng nay đã giảm 10 điểm %, từ 40% xuống 30%. Ông Nam đánh giá, khó khăn trong tiếp cận vốn của khối DN này vẫn là một trong những hạn chế lớn hiện nay. “30% DN chưa thể tiếp cận vốn hiện nay hầu như “hết cửa” đến với ngân hàng” - ông Nam khẳng định.
Qua khảo sát của Hiệp hội DNNVV, 2/3 trong 30% DN nói trên gặp khó do vướng quy định riêng của các tổ chức tín dụng và quy định của cơ quan quản lý về chuẩn mực tài chính, buộc ngân hàng phải tuân thủ.
Chia sẻ khó khăn này, ông Jinchang Lai - Trưởng nhóm Cơ sở hạ tầng tài chính khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) - khẳng định, việc tiếp cận vốn khó khăn do Việt Nam chưa phát triển được thị trường động sản (quyền của DN đối với các khoản thu trong tương lai; các khoản thanh toán từ hợp đồng bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu, tài sản sở hữu trí tuệ…) để làm tài sản thế chấp thay cho bất động sản. Trên thế giới, khoảng 80% khoản vay của DN đều có sự tham gia của động sản.
Để giải quyết vấn đề, ông Jinchang Lai đề xuất, các bộ, ngành, cơ quan quản lý xây dựng hệ thống chính sách theo hướng cho phép DN được sử dụng động sản khi vay vốn; hình thành hệ thống thông tin hiệu quả để DN minh bạch thông tin, tránh rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng, giúp DNNVV tăng cơ hội tiếp cận vốn bằng hình thức tín chấp thay vì thế chấp hiện nay.
Ưu đãi về thuế
Cùng với việc rút ngắn khoảng cách DN - ngân hàng, GS-TS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) - cần thay đổi chính sách thuế theo hướng khuyến khích DN. Theo đó, nhà nước ban hành chính sách ưu đãi thuế mở rộng hơn, ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), còn bao gồm thuế liên quan đến chi phí, giá thành và lợi nhuận của DN trong ít nhất 5 năm.
Phân tích sâu hơn, ông Mại khẳng định, theo Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, nếu chỉ giảm 50% thuế TNCN cho một số lĩnh vực nhất định thì DNNVV sẽ không có cơ hội thụ hưởng chính sách này, bởi đa số người lao động tại các DN này có thu nhập thấp hơn mức phải chịu thuế TNCN. Cùng với đó, việc giảm thuế TNDN đối với DNNVV xuống 15-17% cũng tương tự vì chỉ có DN kinh doanh có lãi mới được thụ hưởng.
Cũng theo GS-TS. Nguyễn Mại, bên cạnh việc giảm các khoản đóng vào ngân sách, cũng cần có chính sách thuế thiết kế theo “gói” đối với một số dự án đầu tư quy mô lớn trong ngành và lĩnh vực được khuyến khích. Như vậy, sẽ kích thích người dân bỏ vốn kinh doanh, thành lập DN. Từ đó, nhà nước sẽ gia tăng nguồn thu hàng năm.
Nguồn: Báo công thương điện tử
Nguồn:Báo Công thương điện tử