menu search
Đóng menu
Đóng

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các ngành hàng xuất khẩu

22:35 13/02/2020

Vinanet - Xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất; XK thủy sản sang Trung Quốc ngừng trệ; Thanh long ùn ứ do dịch bệnh corona; Nhiều chợ biên giới Trung Quốc đóng cửa….
Xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất
Thông tin từ ttvn.toquoc.vn, theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng ANZ, Việt Nam là một trong những thị trường khu vực Châu Á chịu nhiều tác động tiêu cực về xuất khẩu sang Trung Quốc (chỉ sau Đài Loan), với mức thiệt hại ước tính khoảng 0,44 điểm % GDP khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 20% trong 3 tháng tới.
Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng nông - thủy sản chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 20%) tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là hàng nông-lâm-thủy sản… sẽ còn khó khăn.
Theo chiều ngược lại, trong cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc, rất nhiều hàng hóa là nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 11,52 tỷ USD hàng dệt may, da giày từ Trung Quốc, chiếm 47,74% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam. Tương tự, Trung Quốc là đối tác lớn nhất cung cấp hóa chất và sản phẩm từ hóa chất; chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo cho Việt Nam, đạt lần lượt 3,23 tỷ USD (chiếm 30,6% tổng kim ngạch mặt hàng này) và 3,99 tỷ USD (chiếm 25,7% tổng kim ngạch mặt hàng này). Điều này cho thấy một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, sẽ chịu tác động tiêu cực (nhất là trong quý 1 và quý 2/2020) do thiếu nguyên liệu đầu vào, gián đoạn chuỗi cung ứng (trong khi tồn kho và nguồn thay thế còn hạn chế).
Tác động đối với hoạt động bán lẻ (tiêu dùng cá nhân) trong nước: dự báo dịch bệnh nCoV sẽ có tác động hai chiều, tuy nhiên tác động tiêu cực nhiều hơn. Thứ nhất, dịch bệnh sẽ tác động đến tâm lý của người dân, theo đó người dân sẽ có xu hướng phòng thủ, tiết kiệm, hạn chế chi tiêu, làm ảnh hưởng đến sức mua, khiến tiêu dùng cá nhân (tương đương 74% GDP của Việt Nam năm 2018) dự báo sẽ giảm trong ngắn hạn. Thứ hai, dịch bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình khi các lễ, hội, tụ tập bị dừng tổ chức hoặc thu hẹp quy mô, đặc biệt là sau dịp Tết; trong đó có nhiều lễ hội thu hút hàng triệu khách du lịch. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành nghề dịch vụ, kinh doanh phục vụ trực tiếp lễ hội (ăn uống, vận tải, du lịch, lữ hành…v.v), từ đó ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ.
Tác động đến các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng: Dịch nCoV tác động đến các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng tại Việt Nam ở hai khía cạnh. Một là, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, nhiều ngành sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng như điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may, da giày, sản xuất – chế biến nông sản, ô tô – xe máy, sắt – thép, lọc hóa dầu, bán lẻ…(đều là những ngành xuất khẩu chủ lực, tạo việc nhiều làm của Việt Nam), đều đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, do thiếu nguồn cung đầu vào cũng như xuất khẩu đầu ra bị nghẽn, bị giảm.
Nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thuộc các ngành nêu trên cũng bị ảnh hưởng tương tự. Một số doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Formosa, Apple, Toyota, Honda….v.v. gặp phải 2 khó khăn lớn: (i) thiếu nguồn cung đầu vào nhập từ Trung Quốc, và (ii) thiếu lực lượng lao động do lệnh phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế đi lại đối với nhân công, chuyên gia từ Trung Quốc. Những tác động này là khá lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, việc làm và tiêu dùng của Việt Nam.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc ngừng trệ
Ndh.vn đưa tin, theo VASEP, do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc ngừng trệ, kéo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 1/2020 xuống 644 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019.
VASEP dự báo, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn có thể nhận được hợp đồng mới, song số lượng sẽ giảm. Các hệ thống nhà hàng của Trung Quốc ngừng hoặc giảm tiêu thụ sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Hiện tại, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đang bị tồn kho. Chi phí bảo quản đông lạnh không hề nhỏ, dù doanh nghiệp có kho lạnh hay phải đi thuê.
Dẫu vậy, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nhận định, tác động của dịch Corona đến xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm chưa quá trầm trọng, vì thông thường, sớm nhất cũng phải sau tháng 3, tháng 4 hàng năm, các đơn hàng nhập thủy sản của Trung Quốc mới bắt đầu tăng lên.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho ràng, hiện tại, chưa thể biết dịch nCoV sẽ kéo dài trong bao lâu để có thể đánh giá tác động đến ngành tôm. Nếu nCoV được kiểm soát trong vài tháng tới, thì ngành tôm Việt Nam sẽ không ảnh hưởng lớn, vì chưa vào chính vụ.
Trung Quốc là một trong 4 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 16 - 17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, do đó, những diễn biến từ thị trường lớn này và tình hình dịch bệnh cần tiếp tục được theo dõi để có những nhận định sát hơn và kịp thời tìm kiếm giải pháp.
Giải pháp:
Chuẩn bị để sản xuất hàng đông lạnh, đồ hộp, bởi khi có dịch bệnh, thói quen, văn hóa ăn uống của người dân sẽ thay đổi, nhiều khách hàng chuyển sang dùng đồ hộp thay vì hàng tươi sống. Một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam (như cá ngừ) đang bị giảm sâu. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có thủy sản, tạo cơ hội cho nguồn cung từ các thị trường khác vào Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, năm 2020 sẽ diễn ra nhiều sự kiện lớn như Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, vòng chung kết Euro 2020, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản và các nước châu Âu, đặc biệt là tôm, nên nhu cầu tiêu thụ tôm dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm trên thế giới. Dịch Corona bùng phát tại Trung Quốc sẽ khiến nhiều thị trường lớn giảm nhập hàng hóa từ Trung Quốc. Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng xuất khẩu vào Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu. Đặc biệt, khi xuất khẩu có tín hiệu không thuận, nên tập trung gia tăng thị phần ngay tại thị trường nội địa.
Thanh long ùn ứ do dịch bệnh corona
Theo vietnambiz.vn , thanh long tại Bình Thuận đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh corona, hiện có 6 đơn vị như Big C, VinMart, Lotte Mart, Co.op Mart… đã thông báo sẽ mua thanh long Bình Thuận với số lượng dự kiến 120 tấn/ngày.
Ngoài ra, Sở Công Thương TP HCM, Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cũng đang giới thiệu 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Môn, Hóc Môn, các doanh nghiệp thành viên hỗ trợ tiêu thụ thanh long Bình Thuận.
Tại tỉnh, những ngày qua có một số công ty xuất khẩu thanh long chính ngạch vào Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ đã mua và trữ thanh long với hơn 1.000 tấn như Công ty TNHH Sơn Thủy, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản Nguyên Thuận, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Kiên Kiên…
Trong khi đó, tổng sản lượng thanh long sẽ thu hoạch trong tháng 2 của toàn tỉnh là 44.586 tấn, cụ thể, từ 5/2 - 9/2 phải thu hoạch hơn 19.300 tấn; từ 10/2 - 16/2 thu hoạch khoảng 7.000 tấn; từ 17/2 - 23/2 khoảng 8.000 tấn và 24/2 - 29/2 khoảng 10.250 tấn. Còn tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Bình Thuận có 500 xe thanh long đang chờ thông quan.
Nhiều chợ biên giới Trung Quốc đóng cửa
Theo tuoitre.vn, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới, và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, trước mắt là tới cuối tháng 2.
Về phía chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), hiện chưa có thông tin chính thức nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, nhiều khả năng chính quyền tỉnh Vân Nam cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự. Trước đó, nhiều xe container chở hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua hình thức chính ngạch và trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) bị ùn tắc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bộ Công thương nhận định quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới của chính quyền 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam dự kiến sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các loại nông sản này.
Bộ Công thương sẽ chỉ đạo các phòng giấy phép của bộ tại các địa phương ưu tiên cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức chính ngạch. Đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường tìm kiếm thị trường mới.
Bộ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là có kho lạnh, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh nông sản thông qua việc ưu tiên bảo quản các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa...
Các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị... tiếp tục hỗ trợ nông dân tiêu thụ các loại nông sản đang gặp khó khăn như thanh long, dưa hấu.
Xuất khẩu sữa chưa bị ảnh hưởng nhiều
Theo vietnambiz.vn, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết sữa Việt Nam, cụ thể là TH True Milk mới được xuất khẩu sữa chính ngạch sang Trung Quốc từ quí IV năm ngoái nên lượng chưa đủ lớn để bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mặc dù Vinamilk, Nutifood không được xuất khẩu sữa chính ngạch sang Trung Quốc nhưng một số sản phẩm như sữa chua của họ được xuất sang thị trường này qua đường biển nên cũng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên vấn đề tiêu thụ ở thị trường nội địa Trung Quốc có thể giảm do dân chúng đi lại khó khăn.
Mặc dù vậy vẫn chưa thấy các doanh nghiệp phản ánh gì về khó khăn tại thị trường này. Nhưng nếu về lầu dài thì chắc chắn việc dịch bệnh do virus corona lan rộng tại Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng chung.
Đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng trong thời gian tới doanh nghiệp cần đẩy mạnh tiêu thụ sữa tại thị trường nội địa: “Doanh nghiệp cần đẩy mạnh tiêu thụ sữa ở thị trường trong nước. Chẳng hạn như tăng cường truyền thông về sản phẩm sữa chua có tác dụng tốt cho sức đề kháng”

Nguồn:VITIC