Sầu riêng, chanh leo... có thể mất cơ hội vào Trung Quốc
Theo
plo.vn, công ty chứng khoán SSI vừa nhận định trong thời gian đến, lĩnh vực xuất nhập khẩu Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh virus Corona (nCoV). Nguyên nhân các nhà máy Trung Quốc chuyên sản xuất các nguyên liệu mà Việt Nam hay nhập khẩu chưa đi vào hoạt động.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam về các mặt hàng như máy móc, nguyên liệu sản xuất dệt may, da giày, nhựa, hóa chất, thép, điện thoại di động và linh kiện. Do đó, thị trường Trung Quốc có thể gây tổn thương cho Việt Nam trong bối cảnh dịch nCoV bùng phát.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đứng thứ ba và là điểm đến quan trọng của ba mặt hàng: nông sản, đồ gỗ, điện thoại di động & linh kiện. Trung Quốc hiện cũng là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư với tổng giá trị 1,23 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo SSI, sự bùng phát dịch nCoV không chỉ ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu hiện tại mà còn ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc với mặt hàng sầu riêng và chanh leo. Thậm chí, chuyến thăm Việt Nam của phái đoàn hải quan Trung Quốc cũng bị hủy bỏ.
Nếu ảnh hưởng của nCoV chỉ diễn ra một vài tuần và các cửa khẩu sớm được lưu thông bình thường trở lại thì dịch bệnh sẽ không tạo ra quá nhiều áp lực với tăng trưởng cả năm của nền kinh tế.
Có thể đảm bảo nguồn cung hơn 4 triệu tấn thịt heo trong năm 2020
Theo
Vietnamplus, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tốt. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã tăng số lượng tổng đàn từ 5-15% so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 2, dự báo sản lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt 330.000 tấn; tháng 3 khoảng 350.000 tấn; tháng 4 khoảng 360.000 tấn; tháng 5 khoảng 360.000 tấn; tháng 6 khoảng 365.000 tấn; quý 3 đạt khoảng trên 1 triệu tấn; quý 4 khoảng 1,145 triệu tấn. Tổng sản lượng thịt các loại nhập khẩu năm 2019 trên 280.400 tấn, tăng khoảng 17% so với năm 2018; tháng 1/2020 trên 10.100 tấn.
Theo Bộ NN-PTNT, tính từ tháng 11/2019 (khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn) đến ngày 31/1/2020, đã nhập khẩu được 17.421 tấn thịt lợn và sản phẩm từ lợn. Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra cũng đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, kể cả việc đi lại của các doanh nghiệp sang các nước để tìm kiếm, đàm phán nhập khẩu thịt lợn.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động làm việc, trao đổi với hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm thịt có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam. Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra cũng đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, kể cả việc đi lại của các doanh nghiệp sang các nước để tìm kiếm, đàm phán nhập khẩu thịt lợn.
Xuất nhập khẩu sang Trung Quốc giảm hơn 25% trong tháng 1
Thông tin từ
vietnambiz.vn, xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tháng 1 đạt 8,29 tỉ USD, giảm 25,8% so với tháng 12 và giảm 11,8% so với cùng kì năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,75 tỉ USD, giảm 35,3% so với tháng 12/2019 và nhập khẩu đạt 5,54 tỉ USD, giảm hơn 20%. Nguyên nhân chính dẫn đến giảm xuất nhập khẩu với Trung Quốc giảm là Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 rơi hoàn toàn vào tháng 1/2020.
Thống kê theo giá trị trung bình theo ngày làm việc (trừ thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ lễ quốc gia) trong tháng, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 1/2020 đạt 130,52 triệu USD mỗi ngày, giảm 20,18% so với tháng 12 trước đó nhưng tăng 18,5% so với cùng kì năm 2019. Trong khi đó, trị giá nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc trong tháng 1/2020 tính trung bình theo ngày đạt 261,47 triệu USD mỗi ngày, giảm 6,5% so với tháng 12 và giảm hơn 2% so với tháng 1/2019.
Ba ngày làm việc sau nghỉ Tết Nguyên đán gồm 30, 31/1 và 3/2/2020, tổng trị giá xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 82,1 triệu USD mỗi ngày, chỉ bằng 63% ngày làm việc thông thường trong tháng 1/2020 trước đó; trong khi đó nhập khẩu đạt 182,8 triệu USD mỗi ngày, chỉ bằng gần 70% ngày làm việc thông thường trong tháng 1/2020 trước đó.
Lạng Sơn: Từ ngày 10/2, mở lại các cửa khẩu phụ, cặp chợ biên giới
Thông tin từ
bnews.vn, Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngày 5/2, Sở này đã nhận được thông báo của Thị Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) về việc mở lại các cửa khẩu phụ, cặp chợ biên giới. Theo đó, Sở Ngoại vụ Lạng Sơn đã tiếp nhận thông tin từ Tổng lãnh sự quán cung cấp về việc Văn phòng điều phối thương mại – kinh tế đối ngoại Thị Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) đã có thông báo về việc chính thức mở lại các cửa khẩu phụ, cặp chợ biên giới bắt đầu từ ngày 10/2 (tức 17 tháng Giêng âm lịch).
Sở Ngoại vụ Lạng Sơn đã tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, Cục hải quan và các lưc lượng chức năng kịp thời thông báo cho Sở Công Thương, người dân và doanh nghiệp các địa phương có các hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn về việc phía Quảng Tây (Trung Quốc) mở lại các cửa khẩu phụ, cặp chợ biên giới.
Phó Thủ tướng: Chống dịch nhưng không để ách tắc hàng hóa
Theo
plo.vn, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam sẽ vận động các doanh nghiệp hội viên giảm 10%-20% phí lưu kho lưu bãi.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết tại Lạng Sơn, một số khối lượng hàng hóa nhất định đã được thông quan do chủ hàng đồng ý chuyển sang xuất theo chính ngạch, chịu thêm thuế VAT. Trong khi đó, tại Móng Cái, Lào Cai, hàng hóa chưa thể xuất được do chủ hàng không đồng ý chuyển xuất chính ngạch, quyết chờ đợi chợ đầu mối biên giới mở cửa.
Một khó khăn nữa là về quy trình phòng, chống dịch yêu cầu phải cách ly 14 ngày với tài xế chở hàng qua biên giới Trung Quốc. "Để thuận lợi cho giao thương, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị thống nhất quy trình phòng dịch ở cửa khẩu tuyến hai. Bộ Y tế cần sớm trả lời để đàm phán với phía Trung Quốc, thống nhất quy trình phòng dịch bệnh để đảm bảo chống dịch nhưng không gây gián đoạn quá mức hoạt động xuất nhập khẩu" - ông Khánh đề nghị.
Đại diện Bộ Y tế cho biết dịch nCoV chỉ lây qua người chứ không lây qua hàng hóa. Vì thế, Bộ sẽ thống nhất với Bộ Công Thương quy trình kiểm soát, phòng dịch với hàng hóa thông quan tại cửa khẩu để tránh ách tắc, ảnh hưởng kinh tế.
Phó Thủ tướng nêu mấu chốt vẫn là phải làm sao chuyển xuất tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Tài chính, hải quan, Bộ Y tế thống nhất với nước bạn quy trình kiểm soát hàng hóa, con người thông quan ở các cửa khẩu làm sao vừa đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch bệnh, không chỉ đường bộ mà cả đường biển. Quy trình khử trùng xe, tàu, hàng hóa như thế nào cho đảm bảo...
Dịch corona bùng phát: Giá nông sản Đà Lạt tăng vọt?
Danviet.vn đưa tin, chỉ cách đây hai tuần, một số nhà vườn trồng rau ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đã phải nhổ rau cho bò ăn, tuy nhiên hiện tại giá rau đã tăng lên khá cao, do dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus corona gây ra, tuy nhiên đại diện Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho rằng dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến nông sản địa phương.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 720 triệu USD với thị trường trên 40 nước trên thế giới. Trong đó, chủ yếu là các mặt hàng nông sản như rau đạt 42 triệu đô, chè đạt 31 triệu USD, hoa lá cắt cành đạt 16 triệu USD, cà phê nhân đạt 208 triệu USD.
Các mặt hàng nói trên thì xuất khẩu sang Trung Quốc là rất nhỏ bé, chủ yếu chúng ta xuất đi các nước Đông Bắc Á, Châu Âu. Mặt hàng hoa, tại Lâm Đồng công ty Hasfarm là lớn nhất, tuy nhiên họ cũng có một chi nhánh sản xuất tại Thượng Hải. Vì vậy, tình hình dịch bệnh không ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của địa phương. Mặt hàng sầu riêng, có một doanh nghiệp tại Đạ Huoai xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc, nhưng hiện tại sầu riêng chưa đến mùa nên chưa thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát để đánh giá được mức độ ảnh hưởng cụ thể của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra.
Hiện nay nhiều mặt hàng rau rại Lâm Đồng đang được thu mua với giá cao. Rau xà lách xoăn đạt 20.000 đồng/kg thương lái thu mua tại vườn. Đậu leo từ 9.000 đồng/kg cũng đã tăng lên 20.000 đồng/kg tại vườn. Bên cạnh đó, sú tim, cải thảo cũng tăng từ 1.000 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg.
Nguồn:VITIC