menu search
Đóng menu
Đóng

Giá dầu cọ cao có thể làm trì hoãn kế hoạch B40 của Indonesia

13:05 22/09/2021

Theo một quan chức cấp cao của Indonesia, kế hoạch tiến hành thử nghiệm đối với loại dầu diesel phối trộn 40% nhiên liệu sinh học (B40) của Indonesia có thể bị trì hoãn do giá dầu cọ cao.
Nước này đã ứng dụng thành công và thương mại hóa nhiên liệu sinh học B30 hồi đầu năm ngoái, và sẽ tiếp tục kế hoạch mở rộng việc sử dụng loại dầu này để cắt giảm nhiên liệu nhập khẩu, theo báo cáo ngày 26/8.
Việc triển khai chương trình B30 hồi năm 2020 đã giúp Indonesia tiêu thụ thêm 3 triệu tấn dầu cọ. Theo tính toán, để chuyển sang sử dụng nhiên liệu xanh, Indonesia cần khoảng 8,8 triệu ha cọ dầu.
Các nhà chức trách đã lên kế hoạch tăng tỷ lệ hỗn hợp lên 40% vào tháng 7/2021, nhưng kế hoạch thực hiện chương trình B40 hiện chưa cụ thể. Hồi đầu năm, Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI) cho biết họ dự kiến B40 sẽ bị trì hoãn sau năm 2022.
Tổng Giám Đốc Dadan Kusdiana của Bộ Năng Lượng cho rằng, việc triển khai B40 vào năm 2022 sẽ là "thách thức".
Cũng theo Báo cáo, Indonesia đã tài trợ cho chương trình diesel sinh học của mình bằng tiền thu được từ thuế xuất khẩu cọ. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã sửa đổi các quy định về thuế ba lần kể từ năm ngoái trong nỗ lực hỗ trợ chương trình diesel sinh học sau khi giá tăng vọt, nhưng không ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Ngoài B30 và B40, năm ngoái, Indonesia còn đặt mục tiêu tham vọng triển khai chương trình B50 và tung ra thị trường các sản phẩm diesel sinh học gốc (B100) gồm cả nhiên liệu hàng không vào năm 2022, 2023.
Theo báo cáo, mặc dù diesel sinh học hứa hẹn sẽ giảm phát khí thải, nhưng việc sử dụng dầu cọ làm nguyên liệu thô đã làm dấy lên lo ngại về nạn phá rừng, khi phải giải phóng mặt bằng để trồng nó. Còn Liên minh châu Âu đang có kế hoạch loại bỏ việc sử dụng dầu cọ làm nhiên liệu cho giao thông.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Ofimagazine