menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hóa TG sáng 16/3: Giá nhôm, đường, cà phê thấp kỷ lục nhiều tháng

10:25 16/03/2018

Vinanet - Phiên giao dịch 15/3 trên thị trường thế giới (kết thúc vào rạng sáng 16/3), hầu hết các mặt hàng chủ chốt đồng loạt giảm giá, trong đó một số mặt hàng xuống mức thấp nhất nhiều tháng.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng dù thiếu sự ổn định sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu sẽ tăng trong năm nay, đồng thời cảnh báo nguồn cung cũng tăng rất nhanh.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) trên sàn New York tăng 23 US cent (0,4%) lên 61,19 USD/thùng, trong khi dầu Brent trên sàn London tăng 23 US cent lên 65,12 USD/thùng.
Nhu cầu dầu tăng trên toàn cầu cùng với việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạn chế nguồn cung đã giữ giá mặt hàng này duy trì ở trên 60 USD/thùng. Chuyên gia kỳ cựu tại RJO Futures ở Chicago, Phillip Streible nói rằng việc IEA nhận định nhu cầu sử dụng dầu mỏ trên thế giới tăng trong năm nay làm các nhà đầu tư vững tâm hơn.
Mặc dù dự báo nhu cầu tăng, song IEA cho rằng nguồn cung còn tăng nhanh hơn, nên dự trữ sẽ tăng trong quý 1/2018. Sản lượng dầu thô Mỹ đã vượt Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ trên 11 triệu thùng/ngày trong năm nay. IEA tin rằng nguồn cung dầu của các nước ngoài OPEC, dẫn đầu là Mỹ, sẽ tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2018, trong khi nhu cầu chỉ tăng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.
Giá dầu và chứng khoán đang có xu hướng biến động cùng chiều, bởi về cơ bản dầu rất nhạy cảm với triển vọng tăng trưởng. Trong khi đó, chứng khoán Mỹ tăng điểm - chủ yếu bởi các cổ phiếu blue-chip ngành tài chính và năng lượng – đang tăng liên tiếp 99 ngày qua, kỳ dài nhất trong hơn 2 năm, do đó hậu thuẫn tích cực cho giá dầu.
OPEC và một số nước sản xuất bên ngoài tổ chức này, trong đó có Nga, bắt đầu cắt giảm nguồn cung vào tháng 1/2017 trong nỗ lực làm giảm nguồn cung dư thừa và hỗ trợ giá dầu. Tổ chức này cho biết nhu cầu đối với dầu thô của OPEC trong năm nay được dự báo ở mức 32,6 triệu thùng/ngày, giảm 0,2 triệu thùng/ngày so với một năm trước.
Về thông tin liên quan, tại hội nghị CERAWeek ở Houston, Giám đốc điều hành Saudi Aramco, ông Amin Nasser, cho biết ngành dầu khí toàn cầu cần đầu tư hơn 20.000 tỷ USD trong 25 năm tới để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhu cầu và bù đắp cho sự sụt giảm tự nhiên trong các lĩnh vực phát triển. Ông đưa ra dữ liệu ngành công nghiệp này đã mất 1.000 tỷ đầu tư kể từ khi giá dầu suy thoái từ năm 2014 đến năm 2016.
Theo ông, khoảng 99% xe chở khách đang hoạt động sử dụng động cơ đốt trong, thậm chí cả xe hybrid, và ông cho biết điện sản xuất cho các loại xe chạy bằng pin đi kèm thông qua việc phát điện, vốn vẫn bị chi phối bởi than đá, đặc biệt là ở các thị trường như Ấn Độ và Trung Quốc. Ngay cả với sự tăng trưởng của các phương tiện điện, nhu cầu gia tăng từ các thị trường hóa dầu trong 2 thập kỷ tới sẽ đòi hỏi đầu tư thêm và nhu cầu về dầu thô. Ông ước tính sẽ cần khoảng 20 triệu thùng/ngày trong 5 năm tới.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do đồng USD mạnh lên mặc dù căng thăng giữa Anh và Nga hỗ trợ giá phần nào.
Vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.317 USD/ounce, phiên trước đó giá lập kỷ lục cao nhất 1 tuần; vàng giao tháng 4 giảm 7,8 USD (0,6%) xuống 1.317,80 USD/ounce.
Chỉ số dollar index so với rổ các tiền tệ chủ chốt khác tăng trong bối cảnh các nhà kinh doanh nóng lòng chờ đợi cuộc họp sẽ diễn ra vào tuần tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Theo các nhà phân tích, sự tăng giá của đồng bạc xanh đã gây sức ép đối với giá vàng. Mỹ công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua giảm, có thể là yếu tố để Fed nâng số lần tăng lãi suất trong năm nay.
Nhà quản lý Chris Gaffney thuộc EverBank, nhận định các đồn đoán về một đợt nâng tiếp lãi suất cùng với khả năng tăng lãi suất lần thứ tư đang là “cơn gió ngược” đối với thị trường vàng, khi kim loại quý luôn tỏ ra nhạy cảm với việc thay đổi lãi suất của Mỹ.
Tuy nhiên, Commerzbank cho hay phiên này giá vàng đã nhận được hỗ trợ từ tình hình căng thẳng chính trị giữa nước Anh và nước Nga. Ngày 15/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lên tiếng chỉ trích lập trường của nước Anh liên quan vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc, đồng thời cảnh báo Moskva đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả London trong vụ việc này. Ông Peskov nhấn mạnh các cáo buộc của nước Anh nhằm vào Nga không có bằng chứng xác thực và "có nhiều dấu hiệu khiêu khích".
Trước đó ngày 14/3, Thủ tướng Theresa May tuyên bố London đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga và trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại nước Anh, sau khi London cáo buộc Moskva đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal.
Đối với những kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,5% xuống 16,42 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,7% xuống 951,49 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng do dự trữ tăng trong bối cảnh Mỹ áp thuế nhập khẩu mặt hàng này và nguồn cung từ Trung Quốc dự báo sẽ tăng sau khi kết thúc những kiểm soát về ô nhiễm trong giai đoạn mùa đông.
Kết thúc phiên giao dịch, giá tại London giảm 0,2% xuống 2,.085 USD/tấn, trong phiên có lúc giá chỉ 2.070,50 USD/tấn, thấp nhất kể từ 19/12.
Nếu không xuất khẩu sang Mỹ được nữa, các nhà xuất khẩu nhôm sẽ buộc phải tìm cách bán sang các thị trường khác, điều này có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh thương mại, “điều này có thể kéo giảm tốc độ tăng trưởng trên toàn cầu”, giám đốc nghiên cứu hàng hóa của Julius Baer, ông Norbert Ruecker cho biết.
Giai đoạn kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm không khí tại 28 thành phố miền Bắc Trung Quốc vừa kết thúc vào ngày 15/3. Mức giảm sản lượng nhôm trên thực tế không nhiều như dự kiến, nhưng đã gây áp lực giảm giá. Sản lượng nhôm Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2018 giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Dự trữ nhôm trên sàn LME (London) đã tăng 16.275 tấn, tăng 24% kể từ đầu tháng 2. Trong khi đó, khoảng 4,4 triệu tấn công suất mới dự kiến sẽ đi vào sản xuất trong năm nay.
Trả lời phỏng vấn của hãng Reuters, nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao nhận định giá nhôm có thể hồi phục lên khoảng 2.108 – 2.131 USD/tấn trước khi giảm trở lại.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica giao tháng 5 giảm 2,3 US cent tương đương 1,9% xuống 1,1875 USD/lb, trong phiên có lúc giá chỉ 1,175 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 6, do đồng real Brazil yếu đi so với USD và dự báo sẽ dư cung.
Robusta giao cùng kỳ hạn cũng giảm 24 USD tương đương 2,4% xuống 1.728 USD/tấn.
Đối với mặt hàng đường, giá đường trắng xuống mức thấp nhất 2 năm rưỡi do lượng bán ra mạnh từ các nhà đầu cơ và lo ngại nguồn cung dư thừa nhiều trên toàn cầu, chủ yếu do sản lượng tăng tại Thái Lan và Ấn Độ.
Đường trắng giảm 4,9 USD (1,4%) xuống 349 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức chỉ 348,20 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 9/2015; đường thô cũng giảm 0,02 US cent (0,2%) xuống 12,47 US cent/lb.
Dự báo Ấn Độ sẽ xoá bỏ thuế 20% đánh vào mặt hàng đường xuất khẩu, và yêu cầu các nhà máy xuất khẩu 2-4 triệu tấn đường dư thừa ra thị trường quốc tế để đẩy giá trong nước tăng lên.
Trong khi đó tại Thái Lan, lệnh áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái và sẽ tiếp tục có hiệu lực trong nhiều năm tới. Thái Lan là một trong những nước tiên phong trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á thực hiện áp lệnh thuế này theo đề xuất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm đấu tranh với tình trạng béo phì.
Mặt hàng cao su tiếp tục tăng giá trong phiên vừa qua. Giá cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn TOCOM tăng 0,5 JPY lên 195,2 JPY (1,84 USD)/kg vào cuối phiên giao dịch. Trong phiên, có lúc giá đạt 195,8 JPY, mức cao nhất kể từ 5/3. Cao su TOCOM tiếp tục theo xu hướng giá trên sàn Thượng Hải, nơi hợp đồng giao tháng 5 tăng 30 NDT lên 12.810 NDT (2.027 USD)/tấn. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi JPY tăng lên mức cao nhất 1 tuần so với USD, trong bối cảnh USD giảm bởi lo ngại chiến tranh thư3ong mại toàn cầu.
Từ cuối tháng 1 tới nay, cao su TOCOM luôn giao dịch dưới mức 200 JPY do dự trữ tăng ở cả Nhật Bản, Trung Quốc và các thị trường khác.
Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

61,19

+0,23

+0,4%

Dầu Brent

USD/thùng

65,12

+0,23

+0,35%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

40.290,00

+220,00

+0,55%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,68

+0,00

+0,11%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

192,29

-0,19

-0,10%

Dầu đốt

US cent/gallon

189,59

+0,30

+0,16%

Dầu khí

USD/tấn

574,75

+2,50

+0,44%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

55.970,00

+250,00

+0,45%

Vàng New York

USD/ounce

1.315,90

-1,90

-0,14%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.490,00

-20,00

-0,44%

Bạc New York

USD/ounce

16,39

-0,03

-0,19%

Bạc TOCOM

JPY/g

55,90

-0,50

-0,89%

Bạch kim giao ngay

USD/ounce

954,69

-0,29

-0,03%

Palladium giao ngay

USD/ounce

988,20

+0,80

+0,08%

Đồng New York

US cent/lb

312,30

-0,45

-0,14%

Đồng LME 3 tháng

USD/tấn

6.920,00

-68,50

-0,98%

Nhôm LME 3 tháng

USD/tấn

2.085,00

-4,00

-0,19%

Kẽm LME 3 tháng

USD/tấn

3.235,00

+8,50

+0,26%

Thiếc LME 3 tháng

USD/tấn

21.025,00

-125,00

-0,59%

Ngô

US cent/bushel

386,75

-2,00

-0,51%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

478,75

-10,00

-2,05%

Lúa mạch

US cent/bushel

251,00

-4,75

-1,86%

Gạo thô

USD/cwt

12,41

+0,07

+0,57%

Đậu tương

US cent/bushel

1.040,75

+8,50

+0,82%

Khô đậu tương

USD/tấn

371,00

+0,10

+0,03%

Dầu đậu tương

US cent/lb

32,06

+0,35

+1,10%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

522,00

+3,60

+0,69%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.536,00

-20,00

-0,78%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

118,75

-2,30

-1,90%

Đường thô

US cent/lb

12,74

-0,02

-0,16%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

138,80

-0,60

-0,43%

Bông

US cent/lb

83,53

+0,09

+0,11%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

494,40

+10,00

+2,06%

Cao su TOCOM

JPY/kg

193,70

-1,50

-0,77%

Ethanol CME

USD/gallon

1,51

-0,01

-0,85%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg

Nguồn:Vinanet