menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hóa TG sáng 18/12/2018: Nhiều mặt hàng xác lập kỷ lục về giá

14:12 18/12/2018

Vinanet -Phiên 17/12/2018 trên thị trường quốc tế, giá một số mặt hàng như lúa mì, cao su, quặng sắt… tăng mạnh, trái lại dầu thô và cà phê arabica giảm sâu.
Trên thị trường năng lượng, dầu thô giảm do dấu hiệu dư thừa nguồn cung ở Mỹ, trong bối cảnh giới đầu tư đang ngày càng lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu sa sút.
Kết thúc phiên, dầu Brent Biển Bắc giảm 0,67 USD (hay 1,11%) xuống còn 59,61 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,32 USD hay 2,58% và chốt phiên ở mức 49,88 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10/2017, giá dầu thô Mỹ giảm xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng.
Số liệu từ công ty Genscape cho thấy lượng dầu dự trữ tại Cushing ở Oklahoma đã tăng hơn 1 triệu thùng trong giai đoạn từ 11 đến 14/12/2018. Chuyên gia phân tích Phil Flynn của Price Futures Group ở Chicago cho rằng điều này càng củng cố những quan ngại rằng nguồn cung đang gia tăng, trong lúc nhu cầu giảm xuống. Toàn bộ thị trường, nhất là các thương gia, thường theo dõi sát tình hình cung cấp ở trung tâm này vì đó là điểm giao nhận các hợp đồng kỳ hạn và có ảnh hưởng tới toàn bộ các loại dầu thô ở những khu vực khác.
Sản lượng dầu từ 7 khu vực khai thác đá cát chủ chốt của Mỹ dự kiến vượt 8 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Sản lượng của Nga cũng cao kỷ lục 11,42 triệu thùng/ngày từ đầu tháng 12/2018 tới nay. Trong khi đó, lọc dầu của Trung Quốc tháng 11/2018 lại giảm so với tháng 10/2018, cho thấy nhu cầu yếu đi, giữa bối cảnh sản xuất công nghiệp của nước này hiện đang thấp nhất trong vòng gần 3 năm vì kinh tế mất đà.
Cả giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ và giá dầu Brent đã giảm hơn 30% từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11, khi sự dư thừa trong nguồn cung đã khiến lượng dầu dự trữ trên toàn cầu gia tăng. Nhưng giá dầu đã bình ổn trở lại trong ba tuần vừa qua và biến động trong biên độ khá hẹp, khi các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhất trí cắt giảm sản lượng bớt đi 1,2 triệu thùng/ngày tổng cộng từ tháng 1/2019.
Phát biểu với báo giới tại Dubai ngày 17/12/2018, Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei cho rằng thị trường dầu đang điều chỉnh và ông mong rằng các nước sẽ tuân thủ kế hoạch cắt giảm sản lượng đã đặt ra.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra nghi ngại rằng lượng dầu cắt giảm theo kế hoạch trên sẽ là không đủ nhiều để giúp tái cân bằng thị trường. Sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ đang tăng đều, từ đó giành thị phần của các nước thành viên OPEC và khiến việc cân bằng ngân sách của họ trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, những lo ngại ngày càng gia tăng về đà tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nhiều thị trường lớn như Trung Quốc và châu Âu cũng làm giảm nhu cầu của giới đầu tư đối với dầu thô và các loại tài sản khác.
Trên thị trường kim loại quý, giá đồng loạt tăng giữa bối cảnh sự đi xuống của đồng USD khiến giá kim loại quý này trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Giá vàng kỳ hạn giao sau tăng 0,8% lên 1.251,80 USD/ounce; vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.246,10 USD/ounce, từ mức thấp nhất kể từ ngày 4/12/2018 ở cuối tuần trước (1.232,39 USD/ounce). Giá palađi vọt lên mức cao nhất trong lịch sử là 1.269,50 USD/ounce vào đầu phiên giao dịch vừa qua do thị trường thiếu cung triền miên và giới đầu tư tăng cường mua vào kim loại quý này kể từ khi giá trở nên đắt hơn vàng. Kết thúc phiên, palađi vẫn tăng 1,2% so với cuối phiên trước, lên 1.252,7 USD/ounce, trong khi đó bạc tăng 0,6% lên 14,66 USD/ounce, còn bạch kim tăng 1% lên 795,10 USD/ounce.
Đồng bạch xanh đã trượt giá so với các đồng tiền khác trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), diễn ra trong hai ngày 18-19/12/2018. Hiện các nhà đầu tư đang ngóng chờ thông tin về đường hướng chính sách của Fed trong năm 2019 và lộ trình tăng lãi suất trong thời gian tới.
Sự đi xuống của các thị trường chứng khoán và nỗi lo kinh tế toàn cầu giảm tốc đã làm gia tăng những đồn đoán rằng Fed sẽ dừng chu trình thắt chặt chính sách lãi suất, nếu không sẽ có nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch đầu tuần với những kết quả đáng ngại khi cả 3 chỉ số chính là Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều mất điểm. Kết thúc phiên, chỉ số Dow Jones giảm 2,1% còn 23.592,98 điểm; S&P 500 giảm 2,1% còn 2.545,94 điểm và chỉ số Nasdaq giảm 2,3% còn 6.753,73 điểm. Chỉ số Nasdaq lúc này đã ở mức thấp hơn 16,7% so với đỉnh cao đạt được của nó hồi tháng 8.
Tổng thống Donald Trump đã lại chỉ trích Cục dự trữ liên bang (FED) về diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán. Ngay trước một ngày tổ chức tài chính này nhóm họp, ông Trump kêu gọi ngân hàng trung ương Mỹ không nên tăng lãi suất. Giới quan sát cho rằng phần đông thị trường kỳ vọng FED sẽ phớt lờ sức ép từ chính giới để tiếp tục thông báo đợt tăng lãi suất lần thứ tư trong năm nay. Các dữ liệu kinh tế Mỹ công bố ngày 17-12 cũng khiến giới đầu tư thêm lo lắng. Kết quả khảo sát tình hình sản xuất tại khu vực New York cho thấy mức sụt giảm bất ngờ, lòng tin của giới phát triển nhà ở cũng giảm mạnh. Trước đó, từ cuối tuần trước, hàng loạt các thông tin kinh tế từ Trung Quốc phát đi cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chậm lại nhiều cũng khiến Phố Wall thêm ảm đạm. Giới phân tích cho rằng mọi yếu tố đang tác động tới các thị trường trong nhiều tuần qua và có thể sẽ kích hoạt một đợt bán tống bán tháo cổ phiếu.
Trong diễn biến liên quan, đầu ngày 17/12/2018 các thị trường chứng khoán lớn tại châu Âu cũng đã giảm điểm đáng kể. Ở London, ngoài ảnh hưởng từ những lo ngại về tiến trình Brexit thì thêm một cú sốc khác với thị trường sau khi nhà bán lẻ thời trang online của Anh ASOS phát đi cảnh báo xấu về tình hình lợi nhuận.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá quặng sắ tại Trung Quốc vừa lập đỉnh cao nhất gần 4 tuần do nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh lượng lưu kho tại các cảng thấp và dự báo nhu cầu của các nhà máy thép sẽ hồi phục mạnh trước mùa nghỉ lễ. Quặng sắt hợp đồng tham chiếu trên sàn Thượng Hải phiên vừa qua tăng 2,3% lên 592 CNY (71,30 USD)/tấn, mức chưa từng có kể từ 22/11/2018. Tuy nhiên, so với một năm trước đây, giá vẫn thấp hơn 4,5%.
Chính quyền hai thành phố sản xuất thép lớn ở Trung Quốc, Đường Sơn và Từ Châu, vừa yêu cầu các nhà máy thép giảm sản lượng vì lo ngại sẽ không đạt mục tiêu giảm phát thải cho năm 2018. Thành phố Đường Sơn cảnh báo mức 1 về mật độ khí thải, đồng thời yêu cầu các nhà máy thép giảm 40% công suất sản xuất. Ngoài ra, các nhà máy thép sẽ phải ngừng tất cả máy móc phục vụ cho quá trình thiêu kết, các cơ sở xử lý quặng sắt thô trước khi được đưa vào nung chảy thành thép, và các lò cao không đạt tiêu chuẩn về mức độ phát thải, văn bản này cho hay.
Mới đây, thành phố Từ Châu thuộc tỉnh sản xuất thép lớn thứ 2 của Trung Quốc, Giang Tô, cũng yêu cầu các nhà máy thép ngừng hoạt động tới hết tháng 12/2018. “Ngày 11/12/2018, chúng tôi bị yêu cầu phải ngừng hoạt động tới ngày 31/12 vì chính quyền thành phố đang gặp khó trong việc đạt được mục tiêu giảm phát thải”, lãnh đạo của Công ty Xuzhou Jinhong Iron & Steel cho biết.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì tại Nga tăng mạnh trong tuần qua sau khi giá lúa mì tại Chicago (Mỹ) lên cao nhất trong vòng gần 2 tháng và nguồn cung trong nước sụt giảm bởi yếu tố mùa vụ. Lúa mì Biển Đen loại 12,5% protein kỳ hạn giao tháng 1 năm sau hiện ở mức 238 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với một tuần trước đó.
Lúa mì tại các thị trường khác cũng đồng loạt tăng theo giá tại Nga. Trên sàn Euronext của châu Âu, lúa mì giao tháng 3 năm sau tăng 0,2% lên 307,25 EUR/tấn vào cuối phiên sau khi có lúc đạt 208,25 EUR; trên sàn Chicago hợp đồng giao cùng kỳ hạn cũng tăng 5-1/4 US cent lên 5,35-1/4 USD/bushel.
Nga đã giảm xuất khẩu lúa mì trong mấy tuần gần đây. Do đó, tính từ đầu năm marketing (bắt đầu từ 1/7/2018) tới nay, xuất khẩu chỉ tăng 4%, so với mức tăng 40% tính tới thời điểm đầu tháng 9/2018.
Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành nhà nhập khẩu ngũ cốc ròng lần đầu tiên trong vòng hơn một thập kỷ do hạn hán kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng lúa mì, khiến cho thị trường ngô và lúa mì nóng lên, và lúa mì Nga trở nên có sức cạnh tranh đặc biệt.
Tính từ đầu niên vụ 2018/19 tới ngày 16/12/2018, EU đã nhập khẩu 13,15 triệu tấn ngũ cốc, trông khi chỉ xuất khẩu được 12,64 triệu tấn. Lần gần đây nhất khu vực này nhập khẩu ròng là niên vụ 2007/08, khi cũng bị mất mùa bởi hạn hán.
Từ một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, nay EU đang nhập khẩu lúa mì chủ yếu từ các nước quanh Biển Đen và Mỹ. Đối với ngô, EU vẫn thường rơi vào tình trạng nhập khẩu ròng, nhưng giai đoạn này đang nhập khẩu nhiều kỷ lục.
Giá cà phê arabica giảm mạnh do áp lực dư cung trên toàn cầu. Arabica giao tháng 3/2019 giảm 2,15 USD tương đương 2,1% xuống 1,001 USD/lb vào cuối phiên, sau khi có lúc chỉ 99,75 US cent, thấp nhất kể từ 19/9/2018.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa nâng dự báo về nguồn cung trên toàn cầu niên vụ 2018/19 lên kỷ lục cao 175,5 triệu bao (1 bao = 60 kg), từ mức 171,2 triệu bao đưa ra trước đây. USDA cũng là đơn vị đưa ra con số dự báo về mức dư thừa cao nhất trong số các dự báo.
Trái với arabica, robusta giao tháng 3 năm sau tăng 8 USD tương đương 0,5% lên 1.478 USD/tấn. Dự trữ cà phê xanh tại Mỹ trong tháng 11 vừa qua đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp, xuống chỉ 6,08 triệu bao, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2016.
Giá cao su tại Tokyo đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng do hoạt động mua mạnh bởi kỳ vọng các nước sản xuất chủ chốt sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ giá. Hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2019 trên sàn Tokyo kết thúc phiên tăng 3 JPY tương đương 1,8% lên 171,6 JPY (1,51 USD)/kg. Trong phiên có lúc giá đạt 172,9 JPY, cao nhất kể từ 11/10/2018.
Đại diện của các nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới là Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã họp trong hai ngày 12 à 13/12/2018 để thảo lận về giải pháp đẩy giá tăng lên. Ba nước sẽ gặp nhau thêm một lần nữa trước khi kết thúc năm nay để đưa ra giải pháp thực hiện trong năm 2019. Thị trường cũng đang kỳ vọng vào kinh tế Trung Quốc khi Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình sẽ đọc diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm 40 năm cải cách của nước này, diễn ra vào ngày 18/12/2018 .
Cũng trong xu hướng tích cực, giá cao su kỳ hạn giao tháng 5/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 60 CNY trong phiên vừa qua, lên 11.340 CNY (1.644 USD)/tấn, mặc dù dự trữ cao su trên sàn này đã tăng 4,9% trong vòng một tuần qua.
Hiệp hội các nước sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo, năm 2019 sản xuất cao su thế giới sẽ tăng 5,8% so với năm 2018, lên 14,69 triệu tấn, tiêu dùng dự báo đạt 14,73 triệu tấn, tăng 3,6% và giá cao su tự nhiên sẽ chịu tác động của diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới. Nếu giá dầu đi lên, giá cao su sẽ có cơ hội tăng. Năm 2018, mặc dù tiêu thụ cao su tự nhiên ước tính ở mức 14,21 triệu tấn, cao hơn so với sản lượng 13,89 triệu tấn, nhưng vẫn chưa tạo ra sự chênh lệch lớn về cung - cầu để hỗ trợ giá.
Trong dài hạn (từ 3 đến 10 năm tới), nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên trên toàn cầu sẽ tăng, hỗ trợ giá cao su. Tuy nhiên, giá sẽ không tăng quá cao. Những nước sản xuất cao su hàng đầu bao gồm Thái Lan, Malaysia và Indonesia dự kiến sẽ họp vào ngày 16/12/2018 để thảo luận về các biện pháp hỗ trợ giá, bao gồm cả khả năng hạn chế xuất khẩu.
Giá tôm tại Mỹ đang ở mức thấp nhất 3 năm. Hãng Urner Barry ((UB) tuần trước báo giá tôm ở mức thấp nhất 52 tuần. Lý do bởi lượng nhập khẩu cao kỷ lục, nhất là từ Trung Quốc, mặc dù tiêu thụ bình quân đã tăng từ 4lb/người năm 2016 lên 4,5lb năm 2017. Thị trường tôm Mỹ có dấu hiệu bão hòa. Trong khi đó, tại Hội nghị nuôi trồng thủy sarnt oàn cầu, các chuyên gia dự báo sản lượng tôm nuôi trên toàn cầu sẽ tăng 6-7% mỗi năm. Hiện ở các nước sản xuất đều đang thuận lợi, không có dịch bệnh nghiêm trọng nào xảy ra. Tuy nhiên, có nguy cơ giá tôm giảm thấp kéo dài sẽ khiến người nuôi tôm không muốn mở rộng sản xuất.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc có thể sẽ tăng kéo dài từ trước Tết Nguyên đán tới cuối năm 2019. Dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở Trung Quốc, và theo nhận định của Ban Cải cách và phát triển quốc gia nước này thì nguồn cung lợn bị thắt chặt do dịch bệnh có thể khiến giá thịt lợn tại nước này tăng trong năm 2019. Trước mắt, giá có nhiều khả năng tăng ngay trước thềm Tết Nguyên đán, kéo dài sang sau Tết bởi người chăn nuôi không muốn tái đàn. Sau đó, dự báo đến mùa Hè, thậm chí có thể cả nửa cuối năm 2019 giá sẽ tăng mạnh hơn nữa.

Giá hàng hóa thế giới

Mặt hàng

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

49,88

-1,32

-2,58%

Dầu Brent

USD/thùng

59,61

-0,67

-1,11%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

40.190,00

-1.130,00

-2,73%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

3,53

-0,30

-7,81%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

141,04

-2,39

-1,67%

Dầu đốt

US cent/gallon

182,67

-1,86

-1,01%

Dầu khí

USD/tấn

542,00

-14,25

-2,56%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

56.410,00

-840,00

-1,47%

Vàng New York

USD/ounce

1.251,80

+10,40

+0,84%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.507,00

+7,00

+0,16%

Bạc New York

USD/ounce

14,76

+0,12

+0,83%

Bạc TOCOM

JPY/g

53,20

0,00

0,00%

Bạch kim

USD/ounce

795,38

+0,81

+0,10%

Palađi

USD/ounce

1.263,49

+0,35

+0,03%

Đồng New York

US cent/lb

275,45

-0,80

-0,29%

Đồng LME

USD/tấn

6.131,50

-23,50

-0,38%

Nhôm LME

USD/tấn

1.926,00

-6,00

-0,31%

Kẽm LME

USD/tấn

2.543,00

-23,00

-0,90%

Thiếc LME

USD/tấn

19.330,00

-70,00

-0,36%

Ngô

US cent/bushel

384,00

-0,75

-0,19%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

535,25

+5,25

+0,99%

Lúa mạch

US cent/bushel

288,00

+0,50

+0,17%

Gạo thô

USD/cwt

10,56

-0,02

-0,19%

Đậu tương

US cent/bushel

918,00

+4,25

+0,47%

Khô đậu tương

USD/tấn

313,40

+1,80

+0,58%

Dầu đậu tương

US cent/lb

28,45

-0,31

-1,08%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

485,50

+0,30

+0,06%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.230,00

-7,00

-0,31%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

100,10

-2,15

-2,10%

Đường thô

US cent/lb

12,49

-0,16

-1,26%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

139,60

+0,45

+0,32%

Bông

US cent/lb

78,54

-1,06

-1,33%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

320,70

-0,90

-0,28%

Cao su TOCOM

JPY/kg

172,30

+0,70

+0,41%

Ethanol CME

USD/gallon

1,26

+0,00

+0,08%

Nguồn: VITIC/Bloomberg, Reuters

Nguồn:Vinanet