Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm trở lại do thị trường lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung và triển vọng nhu cầu không mấy tích cực. Bên cạnh đó, USD và chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cũng tác động xấu tới giá dầu.
Kết thúc phiên giao dịch, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn giao sau giảm 2,29 USD (4,75%) xuống 45,88 USD/thùng; trong khi đó tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc kỳ hạn giao sau cũng mất 2,89 USD (5,05%) xuống 54,35 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm giá dầu Brent rơi xuống 54,28 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9/2017, còn giá dầu WTI chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2017 là 45,67 USD/thùng.
Các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đỏ sàn sau quyết định nâng lãi suất của Fed tại cuộc họp vừa kết thúc ngày 19/12. Đây là lần nâng lãi suất thứ tư trong năm nay của Fed và thể chế này vẫn hướng tới kế hoạch duy trì lộ trình nâng lãi suất trong hai năm tới, bất chấp sức ép từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma (trung tâm giao nhận dầu thô kỳ hạn của Mỹ) đã tăng 1,85 triệu thùng trong tuần tới 18/12/2018, theo số liệu của công ty Genscape.
Theo ông Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giá dầu khó có khả năng phục hồi và tăng mạnh trong ngắn hạn, trừ khi xảy ra biến cố địa chính trị mới. Mặc dù Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước bên ngoài tổ chức này, bao gồm Nga, vừa đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày tổng cộng hồi đầu tháng, song việc cắt giảm phải tới tháng 1/2019 mới được thực hiện, trong khi sản lượng dầu tại Mỹ, Nga và Saudi Arabia đều đang tăng lên các mức cao kỷ lục hoặc xấp xỉ mức kỷ lục.
Sản xuất dầu thô gia tăng tại Mỹ sẽ bù đắp thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC - nhằm cân bằng lại thị trường trước khi kết thúc năm tới. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực của tổ chức khi các nhà sản xuất dầu đá phiến tăng cường sản lượng bất chấp cái giá môi trường phải trả. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu của quốc gia này trong tuần kết thúc thúc vào ngày 14/12 đạt 11,6 triệu thùng/ngày, gần mức kỉ lục từng được ghi nhận là 11,7 triệu thùng/ngày. Nếu sản xuất tiếp tục mở rộng với tốc độ mà EIA đã dự báo, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các đợt giảm sản lượng của OPEC vào cuối năm 2019.
Giá hai loại dầu trên hiện đều thấp hơn 35% so với hồi đầu tháng 10/2018. Những lo ngại về tình trạng dư cung đã tác động mạnh đến giá dầu trong hai tháng qua, với giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm xuống còn 46 USD/thùng vào ngày 18/12 từ đỉnh hơn 76 USD/thùng ghi nhận trong tháng 10.
Sản lượng dầu của Mỹ trong năm ngoái đã vượt qua kỉ lục 10 triệu thùng/ngày xác lập vào năm 1970. Với những tiến bộ trong công nghệ gồm thủy lực cắt phá, Mỹ đã vươn lên trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, và sản lượng dự kiến sẽ vượt quá 12 triệu thùng/ngày trong vài tháng tới. Điều này nhấn mạnh sự khó khăn ngày càng gia tăng của OPEC trong việc kiểm soát nguồn cung để kéo giá lên mức mà tổ chức cho là chấp nhận được đối với ngân sách của các quốc gia.
OPEC dự định công bố bảng chi tiết về hạn ngạch cắt giảm sản lượng tự nguyện cho các thành viên và đồng minh của họ trong thời gian tới nhằm nỗ lực vực dậy giá dầu. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Khalid al-Falih dự báo rằng nguồn dầu mỏ dự trữ trên toàn cầu sẽ sụt giảm vào cuối quý I/2019, nhưng nói thêm rằng thị trường vẫn dễ bị tổn thương bởi các yếu tố chính trị và kinh tế cũng như hoạt động đầu cơ.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng sau khi USD và chứng khoán đều giảm, thúc đẩy nhiều nhà đầu tư hướng tới các tài sản được coi là kinh đầu tư an toàn.
Kết thúc phiên, giá vàng kỳ hạn giao sau tăng 0,9% lên 1.267,9 USD/ounce; vàng giao ngay tăng 1,6% lên 1.262,84 USD/ounce, sau khi trong phiên có lúc tăng lên 1.265,28 USD/ounce.
Những lo ngại về triển vọng tăng trưởng ảm đạm trên toàn cầu đang lan vào các thị trường chứng khoán sau khi Fed tăng lãi suất và dự kiến sẽ tiến hành hai lần tăng lãi suất trong năm 2019 thay vì ba lần như dự đoán đưa ra hồi tháng 9/2018. Hỗ trợ giá vàng phiên này còn là việc đồng bạc xanh yếu đi. Chỉ số đồng USD - thước đo sức mạnh của đồng tiền này với giỏ các đồng tiền chủ chốt khác - giảm 0,8% xuống 96,263 (điểm).
Đối với những kim loại quý khác, giá palađi giảm 0,8% xuống 1.250,5 USD/ounce sau khi đã tăng lên mức cao kỷ lục 1.283,49 USD/ounce trong phiên trước; giá bạc tăng 1,2% lên 14,77 USD/ounce sau khi có lúc tăng lên 14,84 USD/ounce, mức cao nhất kể từ phiên 2/11; giá bạch kim tiến 1% lên 794 USD/ ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng sau khi Mỹ tuyên bố sẽ xóa bỏ các trừng phạt đối với hãng Rusal của Nga, tạo cơ hội để hãng này thúc đẩy nguồn cung tăng lên.
Nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London trong phiên có lúc xuống chỉ 1.905,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ 4/8/2017, và kết thúc ở mức 1.912 USD/tấn, giảm 0,8% so với cuối phiên trước.
Đáng chú ý là giá nhôm vẫn giảm bất chấp thông tin sản lượng nhôm nguyên khai toàn cầu tháng 11/2018 giảm xuống 5,312 triệu tấn, từ mức 5,49 triệu tấn của tháng 10/2018.
Trong bối cảnh này, đại diện của các hãng sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc hôm nay nhóm họp tại Quảng Tây để thảo luận về vấn đề này. Hãng CRU ước tính các nhà máy nhôm nước này đã phải giảm công suất đi 2 triệu tấn trong năm nay do giá giảm. Lượng nhôm lưu kho trên sàn Thượng Hải lần đầu tiên lên tới 1 triệu tấn vào đầu mùa Xuân vừa qua, sau đó giảm xuống dưới 700.000 tấn nhưng hiện vẫn cao gấp 7 lần so với đầu năm 2017.
Được biết giá nhôm tại Trung Quốc đã giảm 14% từ đầu năm đến nay, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2015, do nhu cầu của Trung Quốc sụt giảm trong khi nguồn cung tại đây vẫn dồi dào. Giá nhôm tại Trung Quốc phiên vừa qua chỉ 13.610 CNY (1.970,20 USD)/tấn, thấp nhất kể từ tháng 9/2016. Đầu tháng 12 này có lúc giá cũng đã từng chạm mức này. Năm 2015 khi giá xuống dưới 10.000 CNY các hãng nhôm Trung Quốc cũng đã họp khẩn và cắt giảm sản lượng.
Trái với nhôm, giá sắt thép tại Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tuần bởi hy vọng nhu cầu mạnh lên và lo ngại nguồn cung suy giảm. Thép cây trên sàn Thượng Hải tăng 1,8% lên 3.492 CNY (506,09 USD)/tấn, cao nhất kể từ 16/11/2018. Quặng sắt trên sàn Đại Liên cuối phiên cũng tăng 1,9% lên 496,5 CNY/tấn, trong phiên có lúc đạt 497 CNY, cao nhất trong vòng 4 tuần.
Giới đầu tư lại dấy lên hy vọng nhu cầu từ lĩnh vực xây dựng ở Trung Quốc sẽ tăng lên sau khi 2 thành phố của nước này nới lỏng những hạn chế trong lĩnh vực bất động sản nhằm thúc đẩy ngành này hồi phục. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm qua cũng thông báo một chính sách mới nhằm tăng cường cho các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ vay tiền.
Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, sản lượng thép thô tháng 11/2018 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 149 triệu tấn. Thông tin này có thể ảnh hưởng tới giá thép tại Trung Quốc trong ngày hôm nay 21/12.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica trên sàn New York tăng 1,65 US cent tương đương 1,6% lên 1,025 USD/lb sau khi đồng tiền Brazil (real) mạnh lên. Robusta tại London cũng tăng, với hợp đồng giao tháng 1 năm sau thêm 17 USD tương đương 1,13% lên 1.524 USD/tấn.
Tại châu Á, giá cà phê Việt Nam hồi phục từ mức thấp nhất 3 tháng chạm tới hồi đầu tuần này. Tuy nhiên, các thương gia lo ngại việc Fed nâng lãi suất có thể cản trở đà hồi phục.
Hiện cà phê nhân xô được bán với giá 32.600 – 33.500 đồng/kg, tăng so với 31.600 -32.400 đồng hôm 17/12/2018, và ngang mức 33.500 đồng cách đây một tuần. Cà phê robusta xuất khẩu loại 5% đen & vỡ giá trừ lùi 40 – 50 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 5 tại London, so với mức trừ lùi 80-85 USD/tấn cách đây một tuần. Vụ mùa cà phê hiện tại đã thu hoạch được khoảng 85%, giai đoạn thu hoạch sẽ kéo dài tới giữa tháng 1 tới.
Tại Indonesia, cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) giá cộng 20-30 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 5 tại London, không thay đổi so với cách đây một tuần.
Hãng tư vấn Safras & Mercados vừa dự báo Brazil sẽ sản xuất 63,7 triệu bao cà phê trong niên vụ 2018/19, tăng 5% so với dự báo trước đây.
Giá đậu tương trên sàn Chicago vừa giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tuần do triển vọng ở khu vực Nam Mỹ dự báo sẽ được cải thiện, làm giảm tác động tích cực từ việc Trung Quốc nối lại mua đậu tương Mỹ.
Đậu tương giao tháng 1 năm sau đã giảm 6-1/2 US cent xuống 8,93-1/2 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ ngày 30/11/2018.
Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang lên kế hoạch mua đậu tương Mỹ đợt thứ 3 chỉ trong vòng vài ngày, sau khi đầu tháng 12 hai nước đã thỏa thuận đình chiến. Một số nguồn tin cho biết, Bắc Kinh sẽ đặt mua thêm hơn 2 triệu tấn đậu tương trước Giáng Sinh năm nay. Nếu đó là sự thật, khối lượng đậu tương Mỹ mà Trung Quốc đặt mua riêng trong tháng 12 sẽ là 5 triệu tấn. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức xuất khẩu 12,25 triệu tấn đậu tương sang Trung Quốc trong năm 2017.
Trong báo cáo hàng tuần đưa ra ngày 20/12/2018, Bộ Nông nghiệp Mỹ xác nhận Mỹ đã vận chuyển 1,561 triệu tấn sang Trung Quốc trong tuần trước và 1,403 triệu tấn trong tuần này.
Đây được xem là một động thái tích cực của Trung Quốc hướng tới hòa giải với Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết hai quốc gia đang lên kế hoạch cho vòng đàm phán tiếp theo trong tháng 1/2019.
Giá cao su tại Tokyo đã tăng mạnh trong phiên vừa qua bởi nguồn cung cao su cho thị trường này dự báo sẽ trở nên khan hiếm trong bối cảnh các nước sản xuất cao su chủ chốt đã nhất trí cùng áp dụng các biện pháp đẩy giá tăng lên. Đáng chú ý là giá cao su tăng bất chấp chứng khoán châu Á sụt giảm, giá dầu đang đi xuống và đồng yen mạnh lên so với USD (JPY tăng 5 phiên liên tiếp hiện đạt 112,38 JPY/USD).
Cao su giao tháng 5 năm sau tại Tokyo tăng 3,2 JPY tương đương 1,9% lên 174,3 JPY (1,56 USD)/kg vào cuối phiên, trước đó có lúc đạt 174,8 JPY, cao nhất kể từ 3/9/2018. Cao su đặc biệt TSR 20 trên sàn TOCOM cũng tăng 0,6% lên 148,4 JPY/kg. Cùng chiều, giá cao su tại Thượng Hải tăng 140 JPY lên 11.490 CNY (1.666 USD)/tấn, và cao su tại Singapore tăng 1,1% lên 127,2 US cent/kg.
Giá lợn hơi tại tỉnh Quảng Đông này 19/12/2018 dao động ở mức 16 CNY/kg, tăng 10% so với đầu tháng 8/2018, khi Trung Quốc bắt đầu phát hiện có lợn chết do dịch tả. Ngày 19/12/2018, Bắc Kinh xác nhận dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại phía nam tỉnh Quảng Đông. Đây là khu vực tiêu thụ nhiều thịt lợn và phải phụ thuộc vào nguồn cung từ các tỉnh khác. Dịch bệnh xảy ra ở Quảng Đông có thể khiến giá mặt hàng này tại các khu vực lân cận tăng mạnh.
Đối với mặt hàng hạt tiêu, kể từ đầu mùa thu hoạch tới nay, giá hạt tiêu tại Campuchia chỉ dưới 2,6 USD/kg, dưới biên lợi nhuận. Ông Sopha nhận định giá giảm là do thị trường toàn cầu. Theo ông Yin Sopha, Giám đốc điều hành Hợp tác xã Phát triển Hồ tiêu Dar-Memot, giá hạt tiêu thấp kéo dài đã gây khó khăn lớn cho các nhà trồng tiêu nước này, nhất là những nơi không có chỉ dẫn địa lý. Nhiều diện tích tiêu dự kiến sẽ bị sụt giảm trong năm tới bởi các nhà trồng tiêu nhận định giá sẽ chưa thể hồi phục sớm.
Giá hàng hóa thế giới
Mặt hàng
|
ĐVT
|
Giá
|
+/-
|
+/- (%)
|
Dầu thô WTI
|
USD/thùng
|
45,88
|
-2,29
|
-4,75%
|
Dầu Brent
|
USD/thùng
|
54,35
|
-2,89
|
-5,05%
|
Dầu thô TOCOM
|
JPY/kl
|
37.000,00
|
-1.230,00
|
-3,22%
|
Khí thiên nhiên
|
USD/mBtu
|
3,71
|
-0,02
|
-0,51%
|
Xăng RBOB FUT
|
US cent/gallon
|
132,24
|
-6,39
|
-4,61%
|
Dầu đốt
|
US cent/gallon
|
174,97
|
-5,57
|
-3,09%
|
Dầu khí
|
USD/tấn
|
521,50
|
-17,25
|
-3,20%
|
Dầu lửa TOCOM
|
JPY/kl
|
52.400,00
|
-1.480,00
|
-2,75%
|
Vàng New York
|
USD/ounce
|
1.267,90
|
+11,50
|
+0,92%
|
Vàng TOCOM
|
JPY/g
|
4.500,00
|
+25,00
|
+0,56%
|
Bạc New York
|
USD/ounce
|
14,87
|
+0,05
|
+0,34%
|
Bạc TOCOM
|
JPY/g
|
52,90
|
+0,30
|
+0,57%
|
Bạch kim
|
USD/ounce
|
795,60
|
+0,42
|
+0,05%
|
Palađi
|
USD/ounce
|
1.262,91
|
+1,37
|
+0,11%
|
Đồng New York
|
US cent/lb
|
269,65
|
-1,95
|
-0,72%
|
Đồng LME
|
USD/tấn
|
6.015,00
|
+45,00
|
+0,75%
|
Nhôm LME
|
USD/tấn
|
1.927,00
|
+2,00
|
+0,10%
|
Kẽm LME
|
USD/tấn
|
2.541,00
|
+21,00
|
+0,83%
|
Thiếc LME
|
USD/tấn
|
19.270,00
|
+60,00
|
+0,31%
|
Ngô
|
US cent/bushel
|
375,25
|
-6,50
|
-1,70%
|
Lúa mì CBOT
|
US cent/bushel
|
523,50
|
+1,00
|
+0,19%
|
Lúa mạch
|
US cent/bushel
|
278,25
|
-8,25
|
-2,88%
|
Gạo thô
|
USD/cwt
|
10,62
|
0,00
|
0,00%
|
Đậu tương
|
US cent/bushel
|
906,25
|
-6,75
|
-0,74%
|
Khô đậu tương
|
USD/tấn
|
312,00
|
0,00
|
0,00%
|
Dầu đậu tương
|
US cent/lb
|
28,48
|
-0,24
|
-0,84%
|
Hạt cải WCE
|
CAD/tấn
|
485,80
|
-2,70
|
-0,55%
|
Cacao Mỹ
|
USD/tấn
|
2.271,00
|
-46,00
|
-1,99%
|
Cà phê Mỹ
|
US cent/lb
|
102,50
|
+1,65
|
+1,64%
|
Đường thô
|
US cent/lb
|
12,43
|
-0,04
|
-0,32%
|
Nước cam cô đặc đông lạnh
|
US cent/lb
|
129,90
|
-5,00
|
-3,71%
|
Bông
|
US cent/lb
|
75,06
|
-1,65
|
-2,15%
|
Lông cừu (SFE)
|
US cent/kg
|
--
|
--
|
--
|
Gỗ xẻ
|
USD/1000 board feet
|
334,80
|
-1,00
|
-0,30%
|
Cao su TOCOM
|
JPY/kg
|
174,00
|
-0,30
|
-0,17%
|
Ethanol CME
|
USD/gallon
|
1,26
|
-0,02
|
-1,25%
|
Nguồn: VITIC/Bloomberg, Reuters, CafeF
Nguồn:Vinanet