menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hóa TG sáng 26/10/2018: Giá hồi phục theo thị trường chứng khoán

14:43 26/10/2018

Vinanet - Phiên 25/10/2018 trên thị trường thế giới (kết thúc vào rạng sáng 26/10/2018 giờ VN), giá dầu tăng trở lại, vàng giảm trong khi cà phê biến động thất thường.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô tăng trở lại sau khi chứng khoán phố Wall tăng điểm và Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia nói bóng gió về việc các nhà sản xuất dầu chủ chốt có thể ngừng can thiệp vào thị trường năng lượng toàn cầu.
Kết thúc phiên, dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 51 US cent lên 67,33 USD/thùng; dầu Brent Biển Bắc tăng 72 US cent lên 76,89 USD/thùng.
Chứng khoán phố Wall phục hồi trở lại sau khi giảm mạnh nhất kể từ năm 2011 ở phiên trước đó, giữa bối cảnh báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ quý 3/2018 đạt kết quả khả quan.
Trong khi dó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Khalid Al-Falih, phát biểu rằng có thể không cần can thiệp để giảm lượng tồn trữ dầu sau khi giá tăng những tháng gần đây.
Theo một quan chức của Saudi Arabia tại OPEC, thị trường dầu mỏ thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung trong quý 4/2018, giữa bối cảnh các thị trường tài chính đang gặp khó bởi nhiều mối lo như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sự bất ổn của các thị trường tiền tệ mới nổi, lãi suất cho vay và lợi suất trái phiếu tăng, cùng với những vấn đề ngân sách của Italia.
Giá than tăng do nhu cầu mạnh. Tại Trung Quốc, than cốc giao dịch trên sàn Đại Liên đã tăng 2,2% trong phiên vừa qua lên 2.495 CNY/tấn , trong khi than luyện cốc tăng 2,3% lên 1.410 CNY/tấn. Nhu cầu mạnh từ lĩnh vực luyện thép đang hỗ trợ giá mặt hàng này tăng nhanh.
Tại Ấn Độ, nhu cầu than cũng đang ở mức cao. Nhập khẩu than nhiệt vào Ấn Độ quý 3/2018 tăng nhanh nhất trong vòng 3,5 năm do nhu cầu tăng trong khi hạ tầng cơ sở trong nước bị tắc nghẽn. Trong quý 3 năm nay, Ấn Độ đã nhập khẩu 42,7 triệu tấn than nhiệt, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu đạt 124,6 triệu tấn, tăng 20%.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do đồng USD mạnh và thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi sau nhiều ngày lao dốc.
Giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống còn 1.229,43 USD/ounce, đầu phiên có lúc đạt 1.239,22 USD/ounce, gần sát mức cao nhất 3 tháng; vàng giao sau tiếp tục tăng thêm 1,3 USD tương đương 0,11% lên 1.232,40 USD/ounce.
Phố Wall nối gót chứng khoán châu Âu đi lên trong phiên ngày 25/10, một ngày sau khi chứng khoán Mỹ trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2011. Chỉ số Dow Jones chấm dứt chuỗi giảm ba phiên liên tiếp trong khi S&P500 xanh phiên đầu tiên trong 7 phiên nhờ nhóm tiêu dùng và công nghệ. Tuy nhiên, chứng khoán châu Á đóng cửa phiên vừa qua vẫn trong sắc đó, với chỉ số Nikkei thấp nhất trong vòng 7 tháng.
Chiến lược gia thị trường của công ty RJO Futures, Bob Haberkorn, nhận định rằng vàng sẽ không thể duy trì được đà khởi sắc, mà thay vào đó, các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn sẽ lựa chọn trái phiếu chính phủ.
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt, đã chạm mức cao nhất trong hai tháng. Đồng USD mạnh sẽ khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác. Chính phủ Mỹ cho biết số người Mỹ nhận trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 45 năm, một dấu hiệu cho thấy tình hình thắt chặt trên thị trường lao động. Điều này có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lộ trình nâng lãi suất một lần nữa vào tháng 12 tới. Triển vọng lãi suất tăng có tác động tiêu cực đối với vàng vì nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý không sinh lời này.
Về những kim loại quý khác, giá bạc và giá bạch kim đều giảm 0,1% xuống lần lượt là 14,62 USD/ounce và 826,60 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá quặng sắt tăng phiên thứ 4 liên tiếp. Trên sàn Đại Liên, quặng sắt tăng 1% lên 533 CNY/tấn, cao nhất kể từ 7/3/2018. "Tình trạng khan hiếm quặng năm nay chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn. Các biện pháp cải cách nguồn cung của Trung Quốc sẽ giữ nhu cầu quặng chất lượng cao ở mức cao", ngân hàng ANZ nhận định. Theo ANZ, chiến dịch cải tổ ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc có thể làm cho công suất sản xuất thép thô của nước này giảm 16 triệu tấn trong quý 4/2018 và quý 1/2019 so với cùng kỳ năm trước.
Giá thép xây dựng tại Trung Quốc tăng phiên thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu vững và tồn trữ giảm. Không giống như kim loại cơ bản, thị trường thép đang miễn nhiễm với việc chứng khoán toàn cầu cũng như giá các kim loại cơ bản trong phiên liền trước cùng sụt giảm.
Thép cây kỳ hạn giao tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 0,8% lên 4.192 CNY (503,54 USD)/tấn, cao nhất kể từ 10/9/2018, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,4% lên 3.914 CNY/tấn.
Các yếu tố cơ bản đang rất có lợi cho xu hướng giá tăng. Tồn trữ các sản phẩm thép của các thương gia Trung Quốc giảm 370.000 tấn xuống 10,3 triệu tấn trong tuần tới 19/10/2018.
Giá thép giao ngay đang cao hơn khoảng 600 1 so với các hợp đồng kỳ hạn, và tiêu chuẩn quốc gia (mới) đối với mặt hàng thép cây – sẽ được đưa ra vào ngày 1/11/2018 – sẽ đẩy chi phí tăng thêm 200 CNY/tấn.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới (worldsteel), sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 9 tăng 4,4% so với cùng kì năm ngoái lên 151,7 triệu tấn. Lũy kế đến tháng 9, sản lượng thép toàn cầu tăng 4,7% so với cùng kì năm 2017 lên 1.347 triệu tấn. Trong đó, châu Á sản xuất 946,8 triệu tấn thép thô, tăng 5,5% so với năm 2017; sản lượng thép thô của Liên minh châu Âu (EU) tăng 1,3% lên 128 triệu tấn.
Sản lượng thép thô của Bắc Mỹ tăng 3,4% lên 89,7 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm; còn Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) sản xuất 76,2 triệu tấn thép thô, tăng 1,8%.Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất thép số một thế giới với 80,8 triệu tấn trong tháng 9, tăng 7,5% so với cùng kì năm ngoái và 0,6% so với tháng 8. Đóng góp của Trung Quốc đối với sản lượng thép toàn cầu tăng 0,4 điểm phần trăm so vơi tháng 8 lên 53,3%. Trong khi đó, Nhật Bản sản xuất 8,4 triệu tấn thép thô trong tháng 9, giảm 2,4% so với cùng kì năm ngoái. Tại EU, sản lượng thép thô tháng 9 của Pháp tăng 1,4% so với năm ngoái lên 1,3 triệu tấn. Sản xuất thép tho tại Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt tăng 5,1% và 5,9% lên 1,3 triệu tấn và 21,8 triệu tấn. Trái lại, Italy giảm sản lượng thép thô 0,8% xuống 2,2 triệu tấn. Sản xuất thép thô tại Mỹ tăng 9% lên 7,3 triệu tấn trong tháng 9; tại Bazil tăng 2,5% lên 3 triệu tấn.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê biến động trái chiều giữa 2 thị trường chủ chốt. Arabica giao tháng 12/2018 tăng 0,9 US cent tương đương 0,8% lên 1,2115 USD/lb vào cuối phiên, trước đó có lúc đạt 1,231 USD, nhờ hoạt động mua mạnh trong bối cảnh đồng real Brazil mạnh lên. Như vậy, kể từ giữa tháng 9 (khi giá xuống thấp nhất 12,2 năm) tới nay, arabica đã tăng khoảng 30%.
Tuy nhiên, robusta giao tháng 1 năm sau đã giảm 10 USD tương đương 0,6% trong phiên vừa qua, xuống 1.707 USD/tấn, mặc dù có tin xuất khẩu cà phê Ấn Độ có thể giảm 8% xuống 230.000 tấn trong năm 2019 do sản lượng dự báo thấp nhất 5 năm vì lũ lụt ở những bang trồng cà phê chủ chốt.
Trên thị trường châu Á, giá tại Việt Nam tăng trái chiều với giá quốc tế, trong khi mức cộng của cà phê Indonesia vững do nguồn cung thấp vì cuối vụ thu hoạch.
Cà phê loại 2 (5% đen & vỡ) của Việt Nam hiện giá trừ lùi 70 – 90 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 1/2019 trên sàn London, so với mức trừ lùi 60- 70 USD/tấn cách đây một tuần. Cà phê nhân xô tại Tây Nguyên giá cũng giảm từ 38.000 – 38.500 đồng xuống 36.800-37.000 đồng. Mặc dù giá giảm và cuối vụ thu hoạch nhưng nông dân vẫn bán hàng ra.
Tại Indonesia, cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) vững ở cộng 0-20 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 1/2019 trên sàn London.
Giá lúa mì trên sàn Chicago đã giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2018 do nhu cầu lúa mì Mỹ xuất khẩu thấp và USD mạnh lên. Hợp đồng kỳ hạn tháng 12 giảm 12-1/4 US cent xuống 4,87-1/4 USD/bushel vào cuối phiên, trước đó có lúc chỉ 4,85-1/2 USD, thấp nhất kể từ 24/1/2018. Trên thế giới, Ủy ban Ngũ cốc Quốc tế (IGC) vừa nâng dự báo vê sản lượng lúa mì toàn cầu niên vụ 2018/19 lên 728,8 triệu tấn từ mức 716,7 triệu tấn dự báo trước đây, trong đó sản lượng của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt 134,7 triệu tấn (cao hơn mức 122,5 triệu tấn dự báo trước đây), của Liên minh châu Âu, Nga và Algeria cũng được điều chỉnh tăng, song của Argentina và Australia bị hạ xuống.
Ngô và đậu tương cũng giảm trong phiên vừa qua bởi số liệu cho thấy xuất khẩu của Mỹ tuần qua thấp trong khi vụ mùa phát triển thuận lợi. Ngô giao tháng 12 trên sàn Chicago giảm 7-1/4 US cent xuống 3,61 USD/bushel vào cuối phiên sau khi có lúc chạm mức thấp nhất 2 tuần là 3,60-1/2 USD; đậu tương giao tháng 11 giảm 8-1/2 US cent xuống 8,41-3/4 USD/bushel sau khi có lúc cũng thấp nhất 1 tháng là 8,40 USD.
Trên thế giới, yếu tố cơ bản đối với ngô và đậu tương vẫn khá tích cực. IGC dự báo sản lượng ngô thế giới niên vụ 2018/19 sẽ đạt 1,074 tỷ tấn, còn đậu tương đạt 369 triệu tấn (so với 370 triệu tấn dự báo trước đây). Theo IGC, tiêu thụ các ngũ cốc này trong các ngành thức ăn chăn nuôi, thực phẩm cũng như công nghiệp sẽ vẫn tiếp tục xu hướng tăng.
Giá cao su trên sàn Tokyo đã giảm phiên thứ 3 liên tiếp do các nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường hàng hóa khi thấy sắc đỏ vẫn bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu, kể cả chứng khoán Nhật Bản. Giới đầu tư ngày càng lo ngại kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại.
Cao su giao tháng 3 năm sau trên sàn Tokyo đã giảm 1,8 JPY tương đương 1,1% xuống 165 JPY (1,47 USD)/kg vào cuối phiên, trong ngày có lúc chỉ 163 JPY, thấp nhất kể từ 3/10/2016.
Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng giao tháng 1 năm sau cũng giảm 130 CNY xuống 11.785 CNY (1.697 USD)/tấn vào cuối ngày, sau khi có lúc chạm 11.535 CNY, thấp nhất kể từ 3/8/2018.
Giá hàng hóa thế giới

 

Mặt hàng

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

67,33

+0,51

 

Dầu Brent

USD/thùng

76,89

+0,72

+0,95%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

52.020,00

+780,00

+1,52%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

3,18

-0,02

-0,78%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

180,51

-0,78

-0,43%

Dầu đốt

US cent/gallon

227,25

-0,56

-0,25%

Dầu khí

USD/tấn

699,25

+5,50

+0,79%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

67.900,00

+770,00

+1,15%

Vàng New York

USD/ounce

1,236.80

+5.70

+0.46%

Vàng TOCOM

JPY/g

1.234,00

+1,60

+0,13%

Bạc New York

USD/ounce

14,66

+0,03

+0,21%

Bạc TOCOM

JPY/g

52,80

-0,40

-0,75%

Bạch kim

USD/ounce

827,85

+0,41

+0,05%

Palađi

USD/ounce

1.104,66

+0,43

+0,04%

Đồng New York

US cent/lb

275,30

-0,15

-0,05%

Đồng LME

USD/tấn

6.226,00

+47,00

+0,76%

Nhôm LME

USD/tấn

1.994,00

-3,00

-0,15%

Kẽm LME

USD/tấn

2.637,00

-26,00

-0,98%

Thiếc LME

USD/tấn

19.325,00

+50,00

+0,26%

Ngô

US cent/bushel

361,00

-7,25

-1,97%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

487,25

-12,25

-2,45%

Lúa mạch

US cent/bushel

285,75

-6,00

-2,06%

Gạo thô

USD/cwt

10,98

-0,08

-0,72%

Đậu tương

US cent/bushel

854,50

-9,00

-1,04%

Khô đậu tương

USD/tấn

304,30

-1,80

-0,59%

Dầu đậu tương

US cent/lb

28,39

-0,22

-0,77%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

491,10

+0,10

+0,02%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.209,00

+72,00

+3,37%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

121,15

+0,90

+0,75%

Đường thô

US cent/lb

13,97

-0,04

-0,29%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

139,15

-0,90

-0,64%

Bông

US cent/lb

77,68

+0,61

+0,79%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

305,70

+2,70

+0,89%

Cao su TOCOM

JPY/kg

165,50

+0,50

+0,30%

Ethanol CME

USD/gallon

1,28

-0,02

-1,24%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg