Năng lượng: Giá dầu trải qua tháng giảm giá mạnh nhất trong vòng 10 năm
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11/2018, giá dầu thô giảm trở lại bởi giới đầu tư nghi ngờ về cam kết của Nga đối với việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Kết thúc phiên này, dầu ngọt nhẹ (WTI) trên sàn New York giảm 1% xuống 50,93 USD/thùng, trong phiên, có lúc xuống chỉ 49,65 USD/thùng; dầu Brent cũng giảm 1,3% xuống 58,71 USD/thùng - mức giá đóng cửa thấp nhất trong vòng 1 năm. Phiên này, đồng bạc xanh tăng giá so với rổ tiền tệ, giữa những hy vọng của giới đầu tư về một thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tính chung cả tháng 11/2018, giá dầu giảm hơn 22%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008.
Giá dầu thế giới đã giảm liên tục trong những tuần gần đây do sản lượng dầu tăng mạnh của các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, cộng thêm nỗi lo về sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu do nền kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu giảm tốc.
Hãng thông tấn Tass ngày 30/11 đưa tin rằng Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga nói Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác, gồm Nga, hài lòng với mức giá dầu hiện tại. Thông tin này làm dấy lên mối lo rằng Nga có thể phản đối kế hoạch cắt giảm sản lượng khi OPEC và đối tác nhóm họp ở Vienna (Áo) vào tuần tới. Trong khi đó, Wall Street Journal cho hay Ủy ban kinh tế của OPEC đã đề xuất cắt giảm sản lượng 1,3 triệu thùng/ngày so với mức sản lượng của tháng 10.
"Thị trường đang trông chờ vào một thỏa thuận hạ sản lượng", ông Amrita Sen, phụ trách phân tích thị trường dầu lửa thuộc Energy Aspects, nhận định. "Tôi nghĩ OPEC hiểu rằng sẽ xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung dầu nếu họ không hạ sản lượng. Nhưng vẫn chưa có gì chắc chắn là sẽ có thỏa thuận".
Những thông tin trái chiều này là một "chiến lược mà Nga đang sử dụng" để khiến thị tường phải đồn đoán - theo ông Harry Tchilinguirian, trưởng bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa cơ bản thuộc BNP Paribas, nhận xét. "Sẽ chẳng có sự rõ ràng nào cho tới khi diễn ra cuộc họp OPEC".
Thị trường hiện đang chờ những thông tin phát đi từ cuộc gặp thượng đỉnh G20 ở Argentina, nơi Tổng thống Nga Vladimir Putin và thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia sẽ có cuộc gặp riêng, để xác định rõ thêm về khả năng liệu có một thỏa thuận giảm sản lượng dầu tại cuộc họp OPEC và đối tác ở Vienna vào tuần tới.
Nhà phân tích thị trường hàng hóa cơ bản Giovanni Staunovo thuộc UBS Wealth Management nhận định thị trường đang kỳ vọng mức cắt giảm sản lượng ít nhất 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ OPEC và Nga. "Mức cắt giảm như vậy sẽ giúp giá dầu ổn định và phục hồi chắc chắn trong năm 2019", ông Staunovo nói.
Giới phân tích nói rằng nếu OPEC không hạ sản lượng, hoặc giảm sản lượng ít hơn mức kỳ vọng, thì giá dầu sẽ tuột khỏi mốc 50 USD/thùng. Mỹ hiện đang khai thác dầu với tốc độ mạnh hơn bao giờ hết, và điều này gia tăng sức ép giảm giá đối với dầu.
Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu của nước này đạt mức 11,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9, so với mức 11,4 triệu thùng/ngày trong tháng 8 và tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng dầu tăng góp phần khiến lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng 10 tuần liên tiếp.
Giá khí gas thiên nhiên cũng giảm trong phiên cuối tháng trên thị trường Mỹ do dự báo thời tiết sẽ ấm hơn so với dự kiến và sản lượng đạt mức cao kỷ lục. Khí gas kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn New York giảm 3,4 US cent tương đương 0,7% xuống 4,612 USD/mBTU. Song tính chung cả tuần, giá khí gas tăng khoảng 7%, tuần tăng thứ 5 liên tiếp và trong 11 tuần qua, giá khí gas tăng khoảng 67%. Trong tháng 11/2018, giá khí gas tăng khoảng 41%, tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2009 và tăng tháng thứ 4 liên tiếp – lần đầu tiên – kể từ tháng 12/2016.
Kể từ giữa tháng 11/2018, dự báo thời tiết lạnh và dự trữ ở mức thấp đã đẩy giá khí gas tự nhiên tăng cao nhất trong nhiều năm qua.
Kim loại quý: Giá vàng tăng tháng thứ 2 liên tiếp
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11/2018, giá vàng giảm do USD và chứng khoán Mỹ đều mạnh lên trước khi diễn ra cuộc đàm phán thương mại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Chốt phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,29% xuống 1.220,01 USD/ounce; vàng giao sau giảm 0,33% xuống 1.220,1 USD/ounce. Giá vàng dao động từ 1.210,65-1.230,7 USD/ounce trong 2 tuần qua. Cùng phiên, giá palađi giảm 0,24% xuống 1.178,15 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.200 USD/ounce.
Song tính chung trong tháng 11/2018, giá vàng và palađi đều tăng, trong đó palađi tăng hơn 9%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina để thảo luận về tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Walter Pehowich, nhà quản lý cấp cao tại Dillon Gage Metals, nhận định nếu hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc không thể đi đến một thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại, Fed có thể sẽ tạm dừng tiến trình nâng lãi suất vào năm tới và đây sẽ là nhân tố tích cực đối với giá vàng.
Trong năm nay, Fed đã ba lần tăng lãi suất. George Gero, nhà quản lý tại RBC Wealth Management, nhận định tăng lãi suất vẫn được đánh giá là “cơn gió ngược” đối với giá vàng.
Bên cạnh đó, sự đi lên của thị trường chứng khoán cũng hỗ trợ đồng USD và gây sức ép đối với giá kim loại quý này.
Theo các chuyên gia, định hướng của giá vàng trong ngắn hạn sẽ chịu sự chi phối của đồng USD, giữa bối cảnh đồng tiền này có thể chịu sức ép nếu Fed có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với chính sách lãi suất do những lo ngại về sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế vào năm tới.
Trong khi đó, nhà phân tích Ronan Manly, thuộc BullionStar cho rằng thị trường đang chờ thêm thông tin về chính sách lãi suất của Fed, dự thảo ngân sách của Italy và tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các chuyên gia nhận định đồng USD trong năm nay là một tài sản đảm bảo được ưa thích khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, do đó làm giảm sức hút của vàng. Giá vàng đã giảm khoảng 10% kể từ mức đỉnh hồi tháng Tư và giảm khoảng 6% kể từ đầu năm tới nay.
Kim loại công nghiệp: Thép giảm sâu
Phiên cuối tháng 11/2018, giá kim loại công nghiệp biến động thất thường. Đồng giảm trước thềm cuộc họp các nhà lãnh đạo toàn cầu tại hội nghị thượng đỉnh G20, nơi sẽ thảo luận về tranh chấp thương mại Mỹ - Trung kéo dài. Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 6.198 USD/tấn, tính chung cả tuần giá đồng gần như không thay đổi. Trong khi đó, giá kẽm tăng 2,9% lên 2.542 USD/tấn, cao nhất 1 tuần, do tồn kho kẽm tại LME chạm mức thấp nhất 10 năm (88.600 tấn) và tồn kho kẽm tại Thượng Hải giảm 25% xuống 26.779 tấn.
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) chính thức của Trung Quốc trong tháng 11/2018 giảm xuống mức thấp nhất năm 2016 (50), thấp hơn so với dự kiến thị trường và giảm so với 50,2 trong tháng 10/2018.
Giá thép xây dựng tại Trung Quốc giảm 5 tuần liên tiếp do nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu yếu. Phiên cuối tháng 11/2018, thép thanh giao tháng 1/2019 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Tương lai Thượng Hải giảm thêm 0,8% xuống 3.587 nhân dân tệ/tấn (516,64 USD/tấn). Mặt hàng này đã giảm 2,8% trong tuần này và giảm hơn 13% trong tháng 11/2018.
“Không có yêu cầu nào buộc các nhà máy thép phải giảm sản lượng. Quy định được linh hoạt hóa, đồng nghĩa một số nhà máy có thể vẫn được tiếp tục sản xuất. Mặc dù, biên lợi nhuận của ngành thép Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhưng lợi nhuận vẫn ở mức đủ cao để các nhà máy duy trì hoạt động”, chuyên gia phân tích Helen Lau tại Công ty Chứng khoán Argonaut cho biết.
Trong chiến dịch bảo vệ môi trường mùa đông 2018, chính phủ Trung Quốc cho phép các tỉnh, thành tự quyết định mức độ giảm sản lượng, thay vì áp chung một mức như năm 2017. Kết quả, sản lượng thép của nước này liên tục đạt kỷ lục mới trong những tháng gần đây trong khi nhu cầu có dấu hiệu giảm vì nền kinh tế trì trệ.
Mới đây, tập đoàn sản xuất thép lớn của Trung Quốc, Baowu, cho biết sẽ khánh thành dự án thép chất lượng cao tại thành phố Yancheng, với công suất dự kiến là 20 triệu tấn. Tổ hợp nhà máy này sẽ bao gồm cảng vận tải và một số khu sản xuất như luyện than cốc, cấp điện, thiêu kết, xử lý quặng, luyện sắt và cán thép. Đồng thời, tập đoàn cũng sẽ đóng một trong những nhà máy tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.
Ngược lại, giá quặng sắt tăng liên trong 3 phiên cuối tháng, nhưng kết thúc tuần qua vẫn giảm mạnh nhất trong 8 tháng vừa qua của vật liệu này. Giá quặng sắt trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên tăng 1,7% lên 482 nhân dân tệ/tấn. Giá giảm 5,6% trong cả tuần này và giảm hơn 10% trong cả tháng 11. Tương tự, giá than cốc cũng tăng 0,7% lên 2.135 nhân dân tệ/tấn trong phiên 30/11. Giá than mỡ tăng 0,3% lên 1.329,5 nhân dân tệ/tấn.
Nông sản: Giá cà phê và đường giảm
Phiên cuối tháng, giá cà phê giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng, do hoạt động bán ra mạnh và đồng real Brazil suy yếu, trong khi giá đường thô cũng giảm. Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 4,75 US cent tương đương 4,23% xuống 1,0755 USD/lb, trong phiên có lúc giảm 4,5% xuống 1.073 USD/lb, thấp nhất kể từ ngày 2/10/2018. Tính chung trong tháng 11/2018, giá cà phê arabica giảm 7,8%. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 26 USD tương đương 1,6% xuống 1.599 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 1.597 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 4/10/2018. Tính chung trong tháng 11/2018, giá cà phê robusta giảm 4,5%.
Giá đường cũng giảm. Đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 0,03 US cent tương đương 0,2% xuống 12,84 US cent/lb. Tính chung trong tháng 11/2018, giá đường thô giảm 2,7%. Trong khi đó, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn tăng 1,5 USD tương đương 0,4% lên 348,2 USD/tấn, song tính chung trong tháng 11/2018, giá đường trắng giảm 2,1%. Giá dầu thô suy yếu tiếp tục gây áp lực đối với giá đường, sản xuất ethanol Brazil có thể trở nên kém hấp dẫn hơn và nhiều cây mía đường có thể được sử dụng để sản xuất đường, đẩy sản lượng đường tăng.
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo tăng cao nhất gần 3 tuần, và đánh dấu tuần tăng đầu tiên trong 8 tuần do giá dầu và giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải tăng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn TOCOM tăng 2,9 JPY lên 161 JPY/kg, trong đầu phiên giao dịch đạt 161,1 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 12/11/2018. Tính chung cả tuần, giá cao su tại Tokyo tăng 4,1%, tuần tăng đầu tiên trong 8 tuần và tăng gần 7% kể từ mức thấp nhất 27 tháng trong ngày 21/11. Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2019 tại Thượng Hải tăng 40 CNY tương đương 0,4% lên 10.915 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới
Hàng hóa
|
ĐVT
|
Giá 31/10
|
Giá 30/11
|
Giá 30/11 so với 29/11
|
Giá 30/11 so với 29/11 (%)
|
Dầu thô WTI
|
USD/thùng
|
65,31
|
50,93
|
-0,52
|
-1,01%
|
Dầu Brent
|
USD/thùng
|
75,47
|
58,71
|
-0,80
|
-1,34%
|
Dầu thô TOCOM
|
JPY/kl
|
51.200,00
|
40.750,00
|
-690,00
|
-1,67%
|
Khí thiên nhiên
|
USD/mBtu
|
3,28
|
4,61
|
-0,03
|
-0,73%
|
Xăng RBOB FUT
|
US cent/gallon
|
176,80
|
144,13
|
-1,34
|
-0,92%
|
Dầu đốt
|
US cent/gallon
|
226,18
|
184,55
|
+0,19
|
+0,10%
|
Dầu khí
|
USD/tấn
|
689,75
|
545,00
|
-8,75
|
-1,58%
|
Dầu lửa TOCOM
|
JPY/kl
|
66.830,00
|
56.190,00
|
-720,00
|
-1,27%
|
Vàng New York
|
USD/ounce
|
1.218,70
|
1.226,00
|
-4,40
|
-0,36%
|
Vàng Tokyo
|
JPY/g
|
4.398,00
|
4.450,00
|
-1,00
|
-0,02%
|
Bạc New York
|
USD/ounce
|
14,31
|
14,22
|
-0,18
|
-1,28%
|
Bạc TOCOM
|
JPY/g
|
51,90
|
51,70
|
-0,50
|
-0,96%
|
Bạch kim
|
USD/ounce
|
840,69
|
798,10
|
-21,70
|
-2,65%
|
Palladium
|
USD/ounce
|
1.082,11
|
1.181,09
|
-1,98
|
-0,17%
|
Đồng New York
|
US cent/lb
|
265,90
|
278,75
|
-0,20
|
-0,07%
|
Đồng LME
|
USD/tấn
|
5.992,00
|
6.198,00
|
-14,00
|
-0,23%
|
Nhôm LME
|
USD/tấn
|
1.953,50
|
1.958,00
|
+18,00
|
+0,93%
|
Kẽm LME
|
USD/tấn
|
2.493,00
|
2.542,00
|
+72,00
|
+2,91%
|
Thiếc LME
|
USD/tấn
|
19.100,00
|
18.400,00
|
-125,00
|
-0,67%
|
Ngô
|
US cent/bushel
|
363,50
|
377,75
|
+4,50
|
+1,21%
|
Lúa mì CBOT
|
US cent/bushel
|
503,00
|
515,75
|
+8,00
|
+1,58%
|
Lúa mạch
|
US cent/bushel
|
279,25
|
292,25
|
+1,50
|
+0,52%
|
Gạo thô
|
USD/cwt
|
10,51
|
10,89
|
-0,03
|
-0,27%
|
Đậu tương
|
US cent/bushel
|
847,25
|
894,75
|
+7,50
|
+0,85%
|
Khô đậu tương
|
USD/tấn
|
305,50
|
310,50
|
+1,00
|
+0,32%
|
Dầu đậu tương
|
US cent/lb
|
27,92
|
28,06
|
+0,15
|
+0,54%
|
Hạt cải WCE
|
CAD/tấn
|
485,00
|
479,40
|
+0,90
|
+0,19%
|
Cacao Mỹ
|
USD/tấn
|
2.253,00
|
2.203,00
|
+38,00
|
+1,76%
|
Cà phê Mỹ
|
US cent/lb
|
112,70
|
107,55
|
-4,75
|
-4,23%
|
Đường thô
|
US cent/lb
|
13,19
|
12,84
|
-0,03
|
-0,23%
|
Nước cam cô đặc đông lạnh
|
US cent/lb
|
137,60
|
143,95
|
-0,60
|
-0,42%
|
Bông
|
US cent/lb
|
76,89
|
78,91
|
+0,23
|
+0,29%
|
Lông cừu (SFE)
|
US cent/kg
|
--
|
--
|
--
|
--
|
Gỗ xẻ
|
USD/1000 board feet
|
311,00
|
323,90
|
-5,80
|
-1,76%
|
Cao su TOCOM
|
JPY/kg
|
162,40
|
160,70
|
-0,30
|
-0,19%
|
Ethanol CME
|
USD/gallon
|
1,28
|
1,25
|
+0,02
|
+1,70%
|
Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg
Nguồn:Vinanet