menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hóa TG tuần tới 14/4: Nhiều mặt hàng tăng giá

22:42 15/04/2018

Vinanet -Thị trường hàng hóa thế giới tuần qua tiếp tục bị chi phối bởi căng thẳng địa chính trị và biến động tỷ giá đồng USD.
Năng lượng: Giá dầu tăng mạnh nhất 9 tháng
Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu Brent tăng 56 US cent lên 72,58 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) tăng 32 US cent lên 67,39 USD/thùng. Tính chung cả tuần, cả 2 loại đều tăng 8%, nhiều nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Lo ngại về khả năng phương Tây tiến hành quân sự ở Syria và báo cáo cho thấy dự trữ dầu thế giới sụt giảm đã khiến giá dầu tăng mạnh trong tuần qua. Hôm thứ Tư (11/4) giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối 2014, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa tên lửa “sẽ tới” để đáp trả việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và Saudi Arabia cho biết đã chặn tên lửa bắn vào Riyadh.
Syria từ một nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ nay phải phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Sản lượng dầu thô của Syria đã giảm từ 385.000 thùng/ngày vào năm 2010 xuống còn 8.000 thùng/ngày vào năm 2017. Theo một số chuyên gia phân tích, cuộc khủng hoảng tại Syria có thể gây ra những hậu quả đối với các nhà sản xuất dầu lớn khác như Nga và Iran, hay Iraq - nước láng giềng của Syria. Mặc dù Syria không phải nước khai thác dầu lớn, nhưng nước này nằm gần eo biển Hormuz - trạm trung chuyển quan trọng với hàng triệu thùng dầu đi qua mỗi ngày, nên cũng có những lo ngại cuộc xung đột ở Syria sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển dầu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận định tình trạng dư thừa trong các kho dự trữ dầu mỏ toàn cầu gần như sắp kết thúc do nhu cầu năng lượng của thế giới tăng và nỗ lực cắt giảm nguồn cung từ các nước trong và ngoài OPEC. Theo thống kê, dự trữ dầu tại nhóm các nền kinh tế đã phát triển giảm 17,4 triệu thùng trong tháng Hai, xuống còn 2,854 tỷ thùng. Trong khi đó, sản lượng của OPEC trong tháng 3 giảm xuống 31,96 triệu thùng/ngày, thấp hơn 201.000 thùng/ngày so với tháng 2. Tổng thư ký OPEC, ông Mohammad Barkindo cho biết, nhóm này và các nước sản xuất đồng minh dự kiến sẽ tiếp tục thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến 2019, mặc dù lượng dư thừa đã giảm nhiều.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong một báo cáo công bố hôm qua đã tỏ ý rằng thị trường có thể trở nên quá thắt chặt nếu nguồn cung vẫn hạn hẹp. Nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc trong tháng 3 cũng tăng lên mức cao kỷ lục thứ 2 trong lịch sử.
Trong khi đó, số giếng khoan dầu tại Mỹ ở tuần tới 13/4 đã tăng thêm 7 giếng, dưa tổng số lên 815, theo số liệu của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Sản lượng dầu Mỹ

Dự trữ dầu Mỹ

So sánh sản lượng dầu của Nga, Saudi Arabia và Mỹ

Kim loại quý: Vàng tiếp tục tăng

Phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.344,40 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng gần 1%; vàng giao tháng 6 tăng 6 USD tương đương 0,5% lên 1.347,90 USD/ounce. Đây là tuần thứ 2 tăng liên tiếp do đồng USD yếu đi và tình hình căng thẳng tại Syria.
Tuần này giá vàng đã lên mức cao nhất kể từ 25/1 khi căng thẳng leo thang ở Syria, Mỹ trừng phạt Nga và lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như chỉ số đồng USD. Giá vàng đã tăng hơn 3% trong năm nay do căng thẳng quốc tế và biến động trên thị trường cổ phiếu, tuy nhiên xu hướng tăng vẫn bị hạn chế bởi lãi suất Mỹ cũng tăng. So với thời điểm đầu năm, giá vàng hiện tăng mạnh nhất trong số các kim loại quý. Tuy nhiên, giá vẫn chưa vượt khỏi ngưỡng tâm lý là 1.300 – 1.370 USD/ounce, lý do bởi dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất thêm vài lần nữa trong năm nay, mà lãi suất tăng sẽ kìm hãm đầu tư cho những tài sản như vàng.
Thị trường vàng thường trồi sụt theo diễn biễn "sức khỏe" của đồng USD, động thái của ngân hàng trung ương các nước cũng như những bất ổn địa chính trị. Trong bối cảnh bất ổn về chính trị hay kinh tế, các nhà đầu tư bắt buộc phải tìm kiếm các “hầm trú ẩn an toàn” như vàng. Nhu cầu đối với kim loại quý này tăng sẽ hỗ trợ giá vàng trong thời gian tới.
Các nhà đầu tư kim loại quý cũng đang theo dõi tình hình ở bán đảo Triều Tiên. Một số nhà phân tích lo ngại rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ còn diễn biến phức tạp – điều sẽ đẩy giá vàng tăng.
Đối với các kim loại khác, giá bạch kim tăng 0,4% lên 928,4 USD/ounce trong phiên cuối tuần và cả tuần tăng 1,7% (nhiều nhất khoảng 2 tháng), palađi tăng 2,2% lên 985,40 USD/tấn, cả tuần tăng hơn 9% (nhiều nhất kể từ tháng 1/2017). Nga cung cấp hơn 40% sản lượng palađi toàn cầu, do đó việc Mỹ trừng phạt các tài phiệt Nga đẩy giá kim loại quý này tăng mạnh trở lại sau khi giảm 10% ở quý 1.
Kim loại cơ bản: Nhôm tăng gần 12%
Phiên cuối tuần giá nhôm cao kỷ lục 6 năm, tính chung cả tuần tăng mạnh nhất kể từ khi đưa ra hợp đồng trên sàn, sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với hãng Rusal của Nga – nhà sản xuất nhôm lớn thứ 2 thế giới.
Nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London trong phiên vừa qua có lúc đạt 2.340 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 3/2012, trước khi hạ nhẹ xuống 2.285 USD/tấn vào lúc đóng cửa, giảm 1,7% so với phiên trước đó. Tuy nhiên tinihs chung cả tuần, giá vẫn tăng mạnh gần 12% - mức chưa từng có kể từ khi hợp đồng nhôm được đưa lên sàn, năm 1987.
Gần như toàn bộ nhôm ở Mỹ đã bị đưa ra khỏi các kho ngoại quan của sàn Comex (New York) trong tuần này. Dự trữ đã giảm khoảng 44.000 tấn xuống 11.168 tấn.
Đối với những kim loại cơ bản khác, giá đồng tăng 0,1% trong phiên cuối tuần lên 6.830 USD/tấn, kẽm tăng 0,7% lên 3.117 USD/tấn, trong khi chì giảm 1,3% xuống 2.303 USD/tấn. thiếc tăng 0,7% lên 21.050 USD/tấn và nickel tăng 1,6% lên 13.940 USD/tấn.
Sắt thép tăng
Giá sắt và thép tại Trung Quốc đều tăng trong phiên cuối tuần do nhu cầu mua mạnh đối với những tài sản rủi ro khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ý định quay trở lại TPP. Thép thanh giao tháng 10 trên sàn Thượng Hải tăng 0,6% lên 3.418 NDT (543 USD)/tấn, trong khi quặng sắt giao tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 0,3% lên 449,50 USD/tấn. Dự báo nhu cầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, sẽ tăng trong quý 2 do mùa vụ và dự trữ thép đang giảm cũng góp phần đẩy giá tăng lên. Dự trữ thép cây của các thương gia Trung Quốc giảm tuần thứ 3 liên tiếp từ mức cao nhất 5 năm là gần 10 triệu tấn hồi giữa tháng 3 xuống hiện chỉ 8,73 triệu tấn.
Nông sản: Cao su và cà phê tăng, đường và dầu cọ giảm
Giá cà phê arabica giao tháng 7 giảm 0,5 US cent trong phiên cuối tuần, tương đương 0,4% xuống 1,195 USD/lb do triển vọng Brazil năm nay sẽ được mùa; tuy nhiên tính chung cả tuần giá vẫn tăng nhẹ. Robusta giao cùng kỳ hạn vững ở mức 1.736 USD/tấn.
Giá đường thô giao tháng 5 phiên cuối tuần tăng 0,03 US centg tương đương 0,3% lên 12,08%, tuy nhiên vẫn không xa mức thấp nhất 2 năm rưỡi (11,93 US cent), và tính chung cả tuần giảm 2,1%, là tuần thứ 7 giảm liên tiếp. Nguồn cung năm nay dự báo sẽ tăng mạnh ở cả Trung Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ và có thể cả Liên minh c hâu Âu, mặc dù giá giảm khiến ngành đường EU không mấy mặn mà với cây trồng này.
Giá dầu cọ giảm 1% trong phiên cuối tuần, là phiên thứ 5 liên tiếp giảm, sau khi Malaysia – nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới - thông báo sẽ khôi phục thuế xuất khẩu và dự báo tăng trưởng nhu cầu sẽ chậm lại. Dầu cọ giao tháng 6 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 1% xuống 2.390 ringgit (618,54 USD)/tấn, đầu phiên có lúc chỉ 2.398 ringgit, thấp nhất kể từ 4/4. Tính chung cả tuần giá giảm 4,2%, mạnh nhất trong vòng 4 tháng. Đối với những loại dầu thực vật khác, giá dầu đậu tương giao tháng 5 tại Chicago phiên vừa qua tăng 0,3% nhưng cả tuần vẫn giảm 1%, giá đậu tương giao cùng kỳ hạn trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) giảm mạnh 0,4%, dầu cọ trên sàn Đại Liên giảm 0,04%. Giá dầu cọ có thể chịu ảnh hưởng bởi xu hướng giá của những sản phẩm cạnh tranh nói trên.
Nhà phân tích Thomas Mielke dự báo giá dầu cọ thế giới có thể giảm thêm 50 USD/tấn trong vài tuần tới do sản lượng tăng. Tuy nhiên, giá sẽ tăng trở lại vào năm 2019 và 2020 do thiếu cung. Chuyên gia này của Oil World cho biết sản lượng dầu cọ thế giới trong năm tính tới tháng 9/2018 có thể ở mức 70,5 triệu tấn, tăng 3,8% so với 67,9 triệu tấn của năm 2017. Sản lượng những năm tiếp theo dự báo cũng sẽ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn, đến năm 2025 có thể đạt 86,3 triệu tấn.
Giá cao su kỳ hạn trên sàn Tokyo phiên cuối tuần tăng lên mức cao nhất gần 2 tuần do yen yếu đi so với USD và lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hợp đồng giao tháng 9 tăng 1,8 JPY lên 184,8 JPY (1,72 USD)/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm 185 JPY – cao nhất kể từ 2/4. Tính chung cả tuần giá tăng nhẹ. Nhà phân tích Satoru Yoshida thuộc Rakuten Securities lạc quan tin tưởng cao su sẽ tiếp tục tăng lên 188 JPY vào tuần tới.

Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá 7/4

Giá 14/4

14/4 so với 13/4

14/4 so với 13/4 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

62,06

67,39

+0,32

+0,48%

Dầu Brent

USD/thùng

67,11

72,58

+0,56

+0,78%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

41.370,00

44.530,00

+170,00

+0,38%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,70

2,74

+0,05

+1,82%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

195,47

206,54

+1,08

+0,53%

Dầu đốt

US cent/gallon

195,78

210,02

+1,64

+0,79%

Dầu khí

USD/tấn

601,00

642,50

+6,00

+0,94%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

57.400,00

61.020,00

+590,00

+0,98%

Vàng New York

USD/ounce

1.336,10

1.347,90

+6,00

+0,45%

Vàng Tokyo

JPY/g

4.574,00

4.633,00

+18,00

+0,39%

Bạc New York

USD/ounce

16,36

 

+0,19

+1,12%

Bạc TOCOM

JPY/g

56,40

57,30

+0,50

+0,88%

Bạch kim

USD/ounce

917,35

931,34

+3,19

+0,34%

Palladium

USD/ounce

905,35

988,36

+21,98

+2,27%

Đồng New York

US cent/lb

305,85

307,10

+0,75

+0,24%

Đồng LME

USD/tấn

6.769,00

6.830,00

+9,00

+0,13%

Nhôm LME

USD/tấn

2.042,00

2.285,00

-40,00

-1,72%

Kẽm LME

USD/tấn

3.232,00

3.117,00

+23,00

+0,74%

Thiếc LME

USD/tấn

21.050,00

21.050,00

+150,00

+0,72%

Ngô

US cent/bushel

397,00

394,50

-2,75

-0,69%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

472,25

489,25

-9,00

-1,81%

Lúa mạch

US cent/bushel

233,25

234,25

-3,25

-1,37%

Gạo thô

USD/cwt

12,50

13,11

+0,23

+1,75%

Đậu tương

US cent/bushel

1.044,75

1.065,00

-6,75

-0,63%

Khô đậu tương

USD/tấn

386,30

386,80

-0,60

-0,15%

Dầu đậu tương

US cent/lb

31,53

31,75

-0,15

-0,47%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

522,30

526,00

-2,00

-0,38%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.498,00

2.576,00

+12,00

+0,47%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

117,45

119,50

-0,50

-0,42%

Đường thô

US cent/lb

12,34

12,20

+0,07

+0,58%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

137,45

141,05

+1,10

+0,79%

Bông

US cent/lb

82,54

83,35

+0,35

+0,42%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

536,20

526,80

+2,50

+0,48%

Cao su TOCOM

JPY/kg

179,30

185,00

+0,20

+0,11%

Ethanol CME

USD/gallon

1,43

1,49

-0,01

-0,67%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg

Nguồn:Vinanet