menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hóa TG tuần tới 22/4: Hầu hết hàng hóa giảm giá

21:53 23/04/2017

Vinanet - Trong tuần này, giá dầu, kim loại cơ bản và nhiều mặt hàng nông sản đều giảm giá do lo ngại dư cung. Chỉ riêng vàng tiếp tục tăng giá bởi những căng thẳng địa chính trị khiến vàng lại thu hút giới đầu tư.
Năng lượng: Giá dầu giảm sau 3 tuần liên tiếp tăng
Sau ba tuần đi lên liên tiếp, giá dầu thế giới đã quay hướng giảm trong tuần này do 3 phiên liên tiếp mất giá do hoạt động bán tháo chốt lời sau khi trải qua kỳ nghỉ Lễ Phục Sinh kéo dài từ cuối tuần trước, trong bối cảnh sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục tăng cao, tạo thêm áp lực cho thị trường giữa lúc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước khác nỗ lực hạn chế nguồn cung nhằm giúp giá “vàng đen” phục hồi.
Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 6/2017 trên sàn New York giảm 1,09 USD (2,13%), xuống 49,62 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 29/3/2017 và cũng là lần đầu tiên trong hai tuần qua dầu WTI chốt phiên dưới mức 50 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn cũng giảm 1,03 USD (1,9%), xuống 51,96 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 6,7%, dầu Brent hạ 7%, cả 2 đều giảm mạnh nhất trong vòng hơn 1 tháng.
Việc hai nước thành viên của OPEC là Saudi Arabia và Kuwait phát đi tín hiệu rằng các quốc gia trong và ngoài OPEC, trong đó có Nga, có khả năng sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ đã giúp giá dầu Brent phục hồi trong phiên giao dịch ngày 20/4, song giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tiếp tục đi xuống phiên thứ ba liên tiếp khi EIA cho biết lượng xăng dự trữ của Mỹ đã tăng thêm 1,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/4.
Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Kalid al-Falih nói hôm thứ Năm rằng nhiều thành viên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về cắt giảm nguồn cung. Reuters đưa tin Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố Nga, không phải là thành viên của OPEC, sẽ thảo thuận về việc gia hạn thỏa thuận đóng băng sản lượng với OPEC vào ngày 24/5 tới, một ngày trước khi diễn ra cuộc họp của OPEC tại Vienna.
OPEC sẽ nhóm họp vào ngày 25/5 nhằm ra quyết định về việc có gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không. Các nước lớn như Arab Saudi và Nga thì đã tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận, nhưng Iraq và một số nước khác thì không như vậy, theo Andrew Lipow, giám đốc Lipow Oil Asssociates (Mỹ). Điều này khiến thị trường phải xem xét lại khả năng kiểm soát sản lượng của OPEC.
Trong khi đó, báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, sản lượng dầu của Mỹ tại các mỏ đá phiến lớn có thể tăng lên 5,2 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2017, khiến các nhà đầu tư năng lượng thêm lo ngại về tình trạng dôi dư nguồn cung dầu toàn cầu. Một số chuyên gia phân tích cho rằng việc các công ty tài chính đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động sản xuất dầu mỏ là một trong những nguyên nhân có thể khiến sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ tiếp tục cao trong thời gian tới.
Báo cáo hàng tuần của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này đã tăng thêm 5 giàn, lên 688 giàn khoan, đánh dấu tuần tăng thứ 14 liên tiếp. Điều này càng dấy lên thêm lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu toàn cầu và sự hoài nghi về khả năng OPEC sẽ kéo dài chương trình cắt giảm sản lượng nhằm vực dậy giá dầu.
Tại Libya,xung đột chính trị khiến sản lượng dầu của nước này giảm xuống, nhưng tập đoàn xăng dầu quốc gia của Libya đã mở cửa trở lại một khu vực khai thác dầu.
Theo Tyler Richey, đồng chủ biên của Sevens Report, trong bối cảnh sản lượng Mỹ gia tăng, giá dầu khó có thể tăng mạnh trong trung hạn.
Tuy vậy, nhiều nhà phân tích vẫn lạc quan về giá dầu. Các nhà phân tích của Citibank cho biết: “Chúng tôi vẫn lạc quan với các nỗ lực cân bằng thị trường dầu mỏ cuả các nước trong và ngoài OPEC. Giá dầu Brent sẽ lên mức 60-65USD/thùng”.
Kim loại quý: Vàng tăng giá 6 tuần liên tiếp
Phiên giao dịch cuối tuần, vàng tiếp tục tăng giá. Vàng giao tháng 6/2017 tăng 5,3 USD (0,4%), lên 1.289,10 USD/ounce. Tính chung cả tuần này, giá vàng tăng gần 0,1%, đánh dấu tuần đi lên thứ sáu liên tiếp, sau khi tăng mạnh 2,5% trong tuần trước đó.
Giá vàng thế giới tiếp tục đi lên trong tuần qua, có lúc chạm mức cao kỷ lục 5 tháng do đồng USD yếu đi, tình hình căng thẳng tại CHDCND Triều Tiên và tâm lý lo lắng trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp chi phối giới đầu tư. Tâm lý lo ngại dấy lên trong giới đầu tư về tình trạng bất ổn địa chính trị trên toàn cầu đã ngăn cản họ rót tiền vào các kênh rủi ro mà tập trung vào "thiên đường an toàn" như vàng.
Cuộc chạy đua nước rút giữa các ứng viên Tổng thống Pháp trước khi vòng bỏ phiếu đầu tiên diễn ra ngày 23/4 càng khiến các thị trường hàng hóa và cổ phiếu “lặng sóng”, nhưng lại giúp vàng hưởng lợi bởi các nhà đầu tư luôn coi vàng là một nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn. Thêm vào đó, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sớm triển khai kế hoạch cải cách thuế cũng khiến tâm lý thận trọng bao phủ thị trường.
Việc Thủ tướng Theresa May kêu gọi tổng tuyển cử sớm lại càng khiến tâm lý giới đầu tư thêm bất ổn, sau những căng thẳng địa chính trị liên quan đến tình hình ở Syria, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ và các mối quan hệ của Mỹ với Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà chiến lược về hàng hóa Ryan McKay thuộc TD Securities tại Toronto dự đoán giá vàng sẽ không tăng vượt 1.300 USD/ounce, và rằng có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng hai lần lãi suất nữa trong năm nay.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay kết thúc tuần hạ 0,6%, xuống 17,89 USD/ounce. Như vậy, giá mặt hàng này đã mất tới 3% trong tuần qua, sau khi chạm mức cao nhất 5 tháng vào phiên đầu tuần. Giá bạch kim và palađi lần lượt lùi 0,8% và 1% trong phiên này.
Kim loại cơ bản: Giá đồng giảm tuần thứ 3 liên tiếp
Giá đồng vừa trải qua tuần giảm thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh các kim loại cơ bản khác cũng giảm giá bởi lo ngại về sự bất ổn chính trị leo thang và lo ngại về triển vọng nhu cầu trên toàn thế giới.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,2% trong tuần, kết thúc ở mức 5.622,5 USD/tấn. Phiên 19/4 có lúc giá chỉ 5.530 USD/tấn, thấp nhất kể từ 4/1.
Thị trường đồng tinh luyện toàn cầu dư thừa 51.000 tấn trong tháng 1, tăng so với 44.000 tấn cùng tháng năm ngoái, theo Tập đoàn Nghiên cứu Đồng Quốc tế.
Nguồn cung đang gia tăng sau khi cơ sở của Freeport McMoran Inc (Indonesia) đwọc cấp phép xuất khẩu 1,11 triệu tấn dồng tinh luyện cho tới tháng 2/2018.
Nông sản: Giá cà phê thấp nhất 4 tháng rưỡi do bán ra mạnh
Giá cà phê robusta phiên cuối tuần giảm gần 150 USD/tấn, mức giảm nhiều nhất trong 6 năm, xuống mức thấp nhất 4 tháng rưỡi do các nhà đầu cơ bán ra mạnh khi giá giảm xuống dưới ngưỡng trung bình.
Robusta giao tháng 7 giá giảm 134 USD/tấn hay 6,3% xuống 1.990 USD/tấn, trong phiên có lúc giá chạm 1.977 USD/tấn, thấp nhất kể từ đầu tháng 12.
Arabica cũng giảm giá 3 phiên liên tiếp, với hợp đồng giao tháng 7 giá giảm 1,4 US cent hay 1% xuống 1,392 USD/lb, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất 10 tháng rưỡi là 1,3155 USD.
Công ty giao dịch hàng hóa Trung Quốc COFCO dự báo sản lượng cà phê Brazil năm nay sẽ giảm khoảng 15-20% nhưng sẽ hồi phục mạnh trogn năm 2018.
Với ngũ cốc, giá lúa mì và ngô đều giảm trong phiên cuối tuần do triển vọng diện tích trồng lúa mì ở Canada cao hơn dự kiến sẽ làm gia tăng lượng dự trữ trên toàn cầu và thời tiết tốt lên ở khu Trung Tây nước Mỹ trong những tuần tới sẽ có lợi cho sự tăng trưởng của cây ngô.
Giá ngô giao tháng 7 trên sàn Chicago kết thúc tuần giảm ½ US cent xuống 3,63-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc giá xuống 3,60-3/4 USD, thấp nhất kể từ 30/12.
Trong bối cảnh dư thừa nhiều, Trung Quốc kế hoạch sẽ giảm diện tích trồng ngô trong niên vụ 2017/18 xuống mức thấp nhất trong 6 năm. Trong vụ gieotrồng mùa xuân bắt đầu vào tháng 4/2017, nông dân sẽ cắt giảm diện tích trồng ngô năm thứ 2 liên tiếp, xuống còn 35,2 triệu ha, giảm 4,1% so với 36,7 triệu ha vụ trước để giảm sản lượng ngô giảm xuống còn 207,5 triệu tấn trong năm 2017/18 kết thúc tháng 9, giảm 5,5% so với 219,6 triệu tấn sản xuất năm 2016/17.
Về thông tin liên quan, Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) dự báo sản lượng đậu tương nước này trong năm nay sẽ đạt mức kỷ lục 110,9 triệu tấn, tăng 15,9% so với năm 2016. Trong khi đó, sản lượng ngũ cốc, các loại đậu và hạt có dầu của nền kinh tế số một Mỹ Latinh cũng ước đạt 230,3 triệu tấn trong năm 2017, tăng 25,1% so với năm 2016 và tăng 3,3% so với dự báo mà IBGE đưa ra tháng trước.
Brazil là nước sản xuất đậu tương lớn thứ hai thế giới, đóng góp tới 30,3% tổng sản lượng đậu tương trên toàn cầu và cũng là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu nông sản. Hiện nay nông sản của Brazil chiếm 1/4 tổng lượng nông sản lưu thông trên thị trường thế giới và dự báo sẽ tăng lên 1/3 vào năm 2030 do nhu cầu tăng từ các nước châu Á. Tiềm năng sản xuất và cung ứng lương thực Brazil có thể đáp ứng 40% nhu cầu lương thực của toàn thế giới.

Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

15/4/17

23/4/17

23/4 so với 22/4

23/4 so với 22/4 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

53,18

49,62

-1,09

-2,15%

Dầu Brent

USD/thùng

55,89

51,96

-1,03

-1,94%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

37.770,00

35.260,00

-710,00

-1,97%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

3,23

3,10

-0,06

-1,84%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

173,49

164,45

-2,60

-1,56%

Dầu đốt

US cent/gallon

164,95

155,33

-2,56

-1,62%

Dầu khí

USD/tấn

498,00

467,50

-9,25

-1,94%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

49.250,00

46.490,00

-590,00

-1,25%

Vàng New York

USD/ounce

1.288,50

164,45

-2,60

-1,56%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.503,00

155,33

-2,56

-1,62%

Bạc New York

USD/ounce

18,51

17,94

-0,16

-0,89%

Bạc TOCOM

JPY/g

64,80

62,70

-0,30

-0,48%

Bạch kim giao ngay

USD/t oz.

973,15

972,38

-6,79

-0,69%

Palladium giao ngay

USD/t oz.

796,58

794,33

-9,51

-1,18%

Đồng New York

US cent/lb

257,05

255,10

-0,60

-0,23%

Đồng LME 3 tháng

USD/tấn

5.692,00

5.623,00

0,00

0,00%

Nhôm LME 3 tháng

USD/tấn

1.909,00

1.933,50

-9,50

-0,49%

Kẽm LME 3 tháng

USD/tấn

2.625,00

2.584,00

-48,00

-1,82%

Thiếc LME 3 tháng

USD/tấn

19.605,00

19.750,00

-125,00

-0,63%

Ngô

US cent/bushel

378,00

363,75

-0,50

-0,14%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

442,75

421,00

-0,75

-0,18%

Lúa mạch

US cent/bushel

225,50

216,25

-1,75

-0,80%

Gạo thô

USD/cwt

10,17

9,77

-0,08

-0,81%

Đậu tương

US cent/bushel

966,25

960,75

+4,00

+0,42%

Khô đậu tương

USD/tấn

321,80

313,60

+1,70

+0,55%

Dầu đậu tương

US cent/lb

31,38

32,16

+0,04

+0,12%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

499,00

520,00

+4,30

+0,83%

Cacao Mỹ

USD/tấn

1.915,00

1.850,00

+51,00

+2,83%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

141,25

132,90

-1,40

-1,04%

Đường thô

US cent/lb

16,57

16,51

+0,10

+0,61%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

160,75

152,40

+0,25

+0,16%

Bông

US cent/lb

76,54

79,33

+0,22

+0,28%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

385,00

398,50

+9,70

+2,49%

Cao su TOCOM

JPY/kg

217,60

213,00

-3,00

-1,39%

Ethanol CME

USD/gallon

1,67

1,60

+0,00

+0,19%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg

 

Nguồn:Vinanet