menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hóa TG tuần tới 8/7: Nhiều mặt hàng giảm giá

22:42 09/07/2017

Vinanet - Tuần qua giá nhiều mặt hàng giảm, trong đó có dầu, vàng và cao su. Lo ngại nguồn cung dư thừa là nguyên nhân chính gây áp lực lên các thị trường này.
Năng lượng: Giá dầu giảm tuần thứ 6 trong vòng 7 tuần
Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu giảm gần 3% do lo ngại về tình trạng dư cung đè nặng lên tâm lý của các nhà giao dịch. Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 1,4 USD (2,9%) xuống 46,71 USD/thùng; còn giá dầu WTI giảm 1,29 USD (2,8%) xuống 44,23 USD/thùng.
Bất chấp hai phiên tăng giá trong tuần, hai loại dầu chủ chốt trên thị trường năng lượng vẫn ghi nhận tuần giảm thứ sáu trong bảy tuần qua, với dầu Brent giảm 2,5% và dầu WTI giảm 3,9%.
Những phiên giá tăng trong tuần là do các dữ liệu mới cho thấy hoạt động khai thác dầu thô của Mỹ lần đầu tiên suy giảm trong nhiều tháng qua. Thống kê cho thấy số giàn khoan dầu của Mỹ lần đầu tiên trong 23 tuần qua giảm 2 giàn xuống còn 756 giàn. Trong thông báo hàng tuần, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm tới 6,3 triệu thùng, nhiều hơn mức dự báo giảm 2,3 triệu thùng dầu của các chuyên gia, xuống mức 502,9 triệu thùng trong tuần tính đến 30/6, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017.
Tuy nhiên theo số liệu nghiên cứu của Thomson Reuters, lượng dầu xuất khẩu của OPEC đã ạt mức 25,92 triệu thùng/ngày trong tháng Sáu, tăng 450.000 thùng/ngày so với tháng Năm và 1,9 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia Matt Smith, thuộc Clipperdata, cho biết bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, lượng dầu xuất khẩu của khối này trong tháng Sáu vừa qua vẫn tăng 2 triệu thùng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, công ty Baker Hughes cho biết trong tuần này số giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng thêm 7 giàn lên 763 giàn khoan, mức cao nhất kể từ tháng 4/2015. Theo EIA, trong tuần trước, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng 1% lên 9,34 triệu thùng/ngày.
Bank of America Merrill Lynch (BAML) đã hạ dự báo giá dầu WTI xuống 47 USD/thùng trong năm nay và 50 USD/thùng vào năm tới, trong khi các con số được đưa ra trước đó là 52 USD/thùng và 53 USD/thùng. Ngân hàng này cũng hạ dự báo đối với dầu Brent xuống 50 USD/thùng trong năm nay và 52 USD/thùng trong năm tới, giảm so với các mức tương ứng 54 USD/thùng và 56 USD/thùng đưa ra trước đó.
Giá dầu vẫn tiếp tục phải chịu áp lực do sản lượng khai thác của Libya và Nigeria phục hồi sau quãng thời gian dài bị gián đoạn. Sản lượng khai thác của Libya gần chạm mức 1 triệu thùng/ngày, gần bằng so với mục tiêu mà Công ty Dầu khí Quốc gia nước này đề ra.
Kim loại quý: Giá vàng giảm
Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần 4 tháng, sau khi số liệu mới về thị trường lao động Mỹ làm gia tăng triển vọng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất. Giá vàng giao ngay đã có thời điểm rơi xuống 1.207,15 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 15/3. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 8 giảm 1,1% xuống 1.209,70 USD/ounce.
Bộ Lao động Mỹ cho biết số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng thêm 220.000 trong tháng trước, cao hơn con số dự kiến 179.000 trước đó.
Chuyên gia phân tích thị trường Naeem Aslam, thuộc Think Markets nhận định số liệu trên là thông tin bi quan đối với các nhà giao dịch vàng. Bên cạnh đó, sự tăng giá của đồng USD cũng gây thêm sức ép đối với giá vàng.
Tính chung cả tuần, kim loại quý này giảm khoảng 2,5%, mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 5/5.
Theo nhà phân tích Edward Meir, thuộc INTL FCStone, với sự vững giá của đồng USD và sự ổn định của thị trường chứng khoán Mỹ, giá vàng sẽ vẫn đi xuống trong ngắn hạn. Còn chuyên gia phân tích Wang Tao thuộc hãng tin Anh Reuters dự báo giá vàng giao ngay có thể giảm xuống 1.204-1.211 USD/ounce.
Nông sản: Giá biến động trái chiều
Giá nông sản trên thị trường thế giới biến động trái chiều, trong khi đường tăng thì gạo và cao su giảm. Với cà phê, giá arabica tăng nhưng robusta cũng giảm.
Gạo: Giá gạo trên cả 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới đều sụt giảm bất chấp Philippines chào mua và Bangladesh vẫn đang tìm mua, do hầu hết các nhà nhập khẩu, nhất là châu Phi, tạm dừng giao dịch vì cho rằng giá quá cao và sắp giảm xuống khi vào vụ thu hoạch mới. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm 10-20 USD/tấn xuống 420 – 430 USD/tấn (FOB Bangkok), của Việt Nam giảm 5 USD/tấn xuống 405-410 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn) trong khi của Ấn Độ giảm 2 USD/tấn xuống 419 – 422 USD/tấn.
Mặc dù vậy, các yếu tố tác động tới thị trường gạo cho thấy triển vọng giá sẽ không giảm nhiều.
Về nhu cầu, cơ quan thu mua ngũ cốc quốc gia Philippines ngày 6/7 thông báo sẽ mở thầu quốc tế để mua 250.000 gạo trắng hạt dài loại 25% tấm, hàng giao trong khoảng tháng 8 đến tháng 9, trong bối cảnh lượng dự trữ của chính phủ xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 năm, chỉ tương đương 5 ngày sử dụng. Bên cạnh đó, phái đoàn Bangladesh hiện đang ở Thái Lan để hoàn tất hợp đồng nhập khẩu gạo liên chính phủ trong khi cũng đang đàm phán với Ấn Độ về việc mua gạo của nước láng giềng này. Bangladesh vẫn khẳng định sẽ đẩy mạnh nhập khẩu vì dự trữ gạo quốc gia sắp cạn kiệt và giá gạo nội địa lên kỷ lục sau đợt lũ lụt gần đây, và cần nhập gấp nên không thể mở thầu mua gạo vì sợ chậm trễ, phải lựa chọn loại hợp đồng liên chính phủ.
Về nguồn cung, mặc dù Việt Nam sắp thu hoạch lúa song lo ngại chất lượng và sản lượng vụ này sẽ không cao do yếu tố thời tiết. Mặt khác, luật lao động mới gây áp lực lên người nhập cư ở Thái Lan cũng có thể sẽ tác động bất lợi tới ngành lúa gạo nước này vì sẽ thiếu nhân lực nghiêm trọng.
Cao su: Mặc dù tăng trong phiên cuối tuần lên 197,1 yen (1,73 USD)/kg nhưng giá cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) vẫn giảm 1,9% trong tuần qua. Giá cao su tại Thượng Hải thậm chí còn giảm mạnh hơn, mất 3,5% xuống 12.885 NDT (1.895 USD)/tấn.
Tuần trước đó (kết thúc vào 30/6), giá cao su TOCOM đã tăng mạnh hơn 6%.
Điểm lại tuần qua, trong 2 phiên 4/7 và 6/7 đều giảm mạnh theo xu hướng giá dầu thế giới và giá cao su tại Thượng Hải. Việc đồng yen mạnh lên so với USD trong những phiên còn lại không đủ để kéo giá cao su tăng trong cả tuần. Phiên cuối tuần 7/7, yen có lúc lên tới 113,835 JPY/USD, mức cao nhất kể từ ngày 12/5, khiến các hàng hóa giao dịch bằng yen Nhật trở nên đắt đỏ đối với những người nắm giữ các loại tiền khác.
Ngày 3/7 các hãng sản xuất ô tô lớn thông báo doanh số bán ô tô mới ở Mỹ tháng 6 sụt giảm tháng thứ 4 liên tiếp và thấp hơn cả mức dự báo của thị trường, mặc dù người mua được hưởng thêm rất nhiều ưu đãi về giá. Thông tin này càng gây áp lực lên thị trường cao su.
Chuyên gia phân tích Toshitaka Tazawa thuộc Fujitomi Co. nhận định “Mặc dù các thị trường Tokyo và Thượng Hải gần đây có nhiều phiên hồi phục nhưng vẫn đang trong giai đoạn khó có thể tăng giá khi các nước sản xuất chủ chốt ở Đông Nam Á vào mùa sản lượng tăng, bắt đầu từ tháng 6”. Cây cao su cho thu hoạch mủ quanh năm, nhưng sản lượng vào mùa đông khô hạn thấp do cây trút lá. Mùa đông ở Thái Lan – nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới – kéo dài từ tháng 2 đến khoảng tháng 5.
Dự trữ tại các kho trên sàn Thượng Hải tăng 2,7% trong tuần vừa qua. Sản lượng cao su Ấn Độ tháng 5/2017 cũng tăng 8,7% so với cùng tháng năm trước, lên 50.000 tấn. Dự trữ cao su thô tại các cảng Nhật Bản cũng đã lên tới 6.348 tấn tới thời điểm 30/6, tăng 22,1% so với số liệu trước đó, lên mức 6.348 tấn, theo Hiệp hội Cao su Nhật Bản công bố ngày 7/7.
Tuy nhiên, thông tin về sản xuất ở Mỹ và Trung Quốc đã ngăn đà giảm giá cao su. Hoạt động sản xuất ở các nhà máy Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 6 lên mức cao nhất trong vòng 3 năm cho thấy kinh tế nước này quý 2 tăng trưởng mạnh. Chi tiêu xây dựng của Mỹ cũng vững trong tháng 5. Tại Trung Quốc, hoạt động chế tạo tháng 6 đã tăng trưởng trở lại với tốc độ tăng nhanh nhất 3 tháng sau khi bất ngờ sụt giảm vào tháng 5 cho thấy dấu hiệu của sự hồi phục tăng trưởng kinh tế.
Cà phê: Sau khi sụt giảm khoảng 10% trong quý 2, thị trường cà phê có dấu hiệu hồi phục dù chưa rõ rệt. Tuần qua, giá arabica tại New York tăng 2,5% lên 1,289 USD/lb tuần qua, trong khi tại London giá robusta giảm 1,7% xuống 2.111 USD/tấn xuống mức thấp nhất 1 tuần. ở châu Á, mức trừ lùi cà phê Việt Nam và Indonesia nới rộng ra 10-20 USD/tấn (Việt Nam) và 60 USD/tấn (Indonesia), gấp đôi mức trừ lùi cách đây 2 tuần.
Xuất khẩu cà phê gia tăng ở hầu hết các nơi trên toàn cầu. Xuất khẩu của Colombia tăng 3% trong tháng 6 lên 960.000 bao mặc dù sản lượng arabica sạch giảm 9% so với tháng 5 xuống 1,049 triệu bao; xuất khẩu của tỉnh Sumatra (Indonesia) tăng 10% so với cùng tháng năm ngoái lên 17.777,2 tấn; đặc biệt của Honduras tăng mạnh 71% lênm 972.969 bao. Tính chung trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu từ Honduras đã tăng trên 1/3 lên 5,9 triệu bao.
Tuy nhiên, tại Costa Rica, xuất khẩu giảm 21,4% trong tháng 6 xuống chỉ 124.516 bao, và tính chung 6 tháng giảm 16%, còn của Việt Nam ước tính giảm 15,5% trong 6 tháng xuống 829.000 tấn.
Trong báo cáo công bố đầu tháng 7, Citigroup đã nâng dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2017/18 lên 151,6 triệu bao, và cho rằng nguồn cung robusta khan hiếm arabica sẽ giữ khoảng chênh lệch giữa 2 loại ở mức khá gần và khích lệ các nhà rang xay chuyển hướng sang sử dụng arabica thay vì robusta. Tổ chức này dự báo giá arabica trung bình năm 2017 sẽ ở mức 1,35 USD/lb từ mức 1,52 USD dự báo trước đây do triển vọng nguồn cung cải thiện.
Đường: Quý 2 vừa qua, giá đường đã giảm trên 18%, nhiều nhất kể từ quý 1/2010 và là quý giảm thứ 3 liên tiếp.
Tuần đầu tiên của tháng 7, giá đường trắng tăng mạnh 7,8% lên 413,40 USD/tấn trong khi đường thô tăng vừa phải 3,4% lên 14,15 US cent/lb.
Cuộc đình công của công nhân ở Petrobras (Brazil) đã hỗ trợ giá nhiên liệu, trong đó có ethanol – ở Brazilsản xuất từ cây mía.
Mưa lũ ở Trung Quốc cũng hỗ trợ giá mặt hàng này. Mặc dù Trung tâm quản lý dự trữ đường quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ từng bước đảm bảo lượng đường dự trữ quốc gia ở mức an toàn trong mùa mưa, trong bối cảnh mưa lớn ở khu vực phía nam, nhưng tỉnh Quảng Tây là nơi trồng mía chính của Trung Quốc nằm trong vùng ngập lụt, sản lượng sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, một số thông tin mới bất lợi cho giá đường. Thời tiết tại Brazil, Ấn Độ và Thái Lan đều tốt lên, hứa hẹn sẽ dư thừa cung trong vụ 2017/18. Và mới đây nhất, ngày 7/7, Ấn Độ – nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới – thông báo sẽ nâng thuế nhập khẩu đường lên 50% từ mức 40% hiện nay để hạn chế đường giá rẻ nhập khẩu vào nước này.
Hãng tư vấn Brazil Datagro ngày 4/7 dự báo thế giới sẽ dư thừa 590.000 tấn đường trong niên vụ 2017/18, thấp hơn 640.000 tấn dự báo trước đây.

Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

1/7

8/7

8/7 so với 7/7

8/7 so với 7/7 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

46,04

44,23

-1,29

-2,83%

Dầu Brent

USD/thùng

48,77

46,71

-1,40

-2,91%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

34.240,00

33.250,00

-560,00

-1,66%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

3,04

2,86

-0,02

-0,83%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

151,37

149,84

-3,03

-1,98%

Dầu đốt

US cent/gallon

148,31

144,82

-3,37

-2,27%

Dầu khí

USD/tấn

436,00

428,00

-18,50

-4,14%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

48.880,00

48.550,00

-440,00

-0,90%

Vàng New York

USD/ounce

1,257.30

1.209,70

-13,60

-1,11%

Vàng TOCOM

JPY/g

4,471.00

4.436,00

-19,00

-0,43%

Bạc New York

USD/ounce

16,63

15,43

-0,56

-3,49%

Bạc TOCOM

JPY/g

60,10

57,70

-0,70

-1,20%

Bạch kim giao ngay

USD/t oz.

925,87

907,06

-4,21

-0,46%

Palladium giao ngay

USD/t oz.

844,18

841,14

+5,48

+0,66%

Đồng New York

US cent/lb

271,10

264,70

-1,45

-0,54%

Đồng LME 3 tháng

USD/tấn

5.937,00

5.828,00

-23,00

-0,39%

Nhôm LME 3 tháng

USD/tấn

1.919,00

1.930,00

-14,00

-0,72%

Kẽm LME 3 tháng

USD/tấn

2.758,00

2.793,00

+8,00

+0,29%

Thiếc LME 3 tháng

USD/tấn

19.975,00

19.565,00

-380,00

-1,91%

Ngô

US cent/bushel

381,00

392,50

+2,00

+0,51%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

526,00

535,00

-4,00

-0,74%

Lúa mạch

US cent/bushel

282,75

286,00

+9,75

+3,53%

Gạo thô

USD/cwt

11,82

12,00

+0,07

+0,59%

Đậu tương

US cent/bushel

954,75

1.015,50

+16,25

+1,63%

Khô đậu tương

USD/tấn

311,20

338,00

+8,30

+2,52%

Dầu đậu tương

US cent/lb

33,34

33,32

-0,06

-0,18%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

498,00

517,30

-1,10

-0,21%

Cacao Mỹ

USD/tấn

1.940,00

1.872,00

-55,00

-2,85%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

125,70

128,90

-0,20

-0,15%

Đường thô

US cent/lb

13,81

14,15

+0,23

+1,65%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

132,55

133,75

-3,05

-2,23%

Bông

US cent/lb

68,59

68,59

+0,24

+0,35%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

356,10

352,80

0,00

0,00%

Cao su TOCOM

JPY/kg

202,00

195,90

-1,20

-0,61%

Ethanol CME

USD/gallon

1,52

1,52

+0,01

+0,86%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg, CafeF

Nguồn:Vinanet