menu search
Đóng menu
Đóng

Tác động của Covid-19 đối với thị trường hàng hóa quốc tế trong tuần 11-18/3/2020

17:17 18/03/2020

Vinanet - Giá hàng hóa nguyên liệu trên thị trường quốc tế tuần qua biến động mạnh theo xu hướng giảm. Nguyên nhân do lo ngại Covid-19 lan rộng sẽ làm kinh tế toàn cầu suy thoái, kéo giảm nhu cầu hàng hóa.
Việc nhiều chính phủ trên khắp thế giới tăng cường các chương trình kích thích kinh tế không có tác động nhiều tới thị trường hàng hóa nguyên liệu khi tình hình dịch bệnh, nhất là ở Châu Âu, trở nên rất nghiêm trọng.
Chỉ số giá hàng hóa nguyên liệu quốc tế CRB giảm 13,51% trong tuần vừa qua. Các mặt hàng khoáng sản bị giảm giá nhiều nhất, đặc biệt là dầu mỏ.
Mặt hàng ĐVT Giá 18/3 So với 1 tuần trước So với 1 tháng trước So với 1 năm trước
Với sự lan rộng trên phạm vi toàn cầu, COVID-19 đang làm ‘rung chuyển’ thị trường tài chính và dầu mỏ, các nhà đầu tư đã đổ xô đi mua vàng vì xem đây là một nơi trú ẩn an toàn. Mặc dù thị trường vàng tuần vừa qua sụt giảm mạnh, song những mặt hàng bị ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại là dầu mỏ (bởi nó khiến cho cung vượt cầu) và đa số các khoáng sản khác (bởi nhu cầu suy yếu).
Dầu mỏ
Nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu sụt giảm do Covid-19 buộc nhiều Chính phủ phải ra lệnh cấm hoặc hạn chế việc đi lại, đồng thời khiến cho hoạt động sản xuất bị gián đoạn ở nhiều nơi, thậm chí bị ngừng hoàn toàn trong thời gian dài.
Giữa bối cảnh đó, Saudi Arabia và Nga – hai nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới – bắt đầu ‘cuộc chiến dầu mỏ’ sau khi Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC) và Nga không đạt được sự đồng thuận về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Hậu quả là giá dầu đã giảm hơn 30% trong phiên 9/3/2020, ngay khi thị trường vừa mở cửa, với hợp đồng dầu thô Brent xuống chỉ 31,02 USD/thùng – mức thấp nhất trong vòng hơn 4 năm. Tỷ lệ giảm giá ở phiên này là lớn nhất kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Những phiên giao dịch tiếp theo, giá dầu biến động rất mạnh. Sáng 18/3/2020, giá dầu đã chạm mức thấp nhất gần 17 năm do dịch virus corona lây lan quá nhanh gây lo ngại sẽ đẩy kinh tế toàn cầu sớm lâm vào suy thoái – điều sẽ khiến khoảng cách giữa cầu và cung dầu càng trở nên xa cách.
Tiếp tục nối dài chuỗi những phiên biến động mạnh mẽ nhất trông lịch sử thị trường dầu mỏ, giá dầu kỳ hạn trên sàn New York đã giảm 2,8% xuống 26,2 USD/thùng vào giờ giao dịch sáng 18/3 (theo giờ châu Á), là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003.
Trong vòng 1 tuần qua, giá dầu giảm khoảng 20%. Giữa lúc nhu cầu dầu toàn cầu đang suy yếu do Covid-19 thì thỏa thuận giữa OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga, về việc tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ tháng 4/2020 bị sụp đổ khiến giá dầu càng giảm sâu. Ngày 18/3/2020, giá dầu đã xuống thấp nhất 17 năm sau khi Saudi Arabia tuyên bố sẽ xuất khẩu 10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 4 tới.
Trong khi các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang đưa ra những quyết định chưa từng có nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, giá dầu vẫn tiếp tục suy giảm và các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới cũng không ngần ngại hạ tiếp giá bán dầu thô. Saudi Arabia vừa thông báo dự định sẽ xuất khẩu kỷ lục 10 triệu thùng dầu thô/ngày trong tháng 4 tới.
Các chuyên gia và tổ chức quốc tế trở nên bi quan hơn về triển vọng thị trường dầu mỏ.
Chiến lược gia thị trường châu Á Thái Bình Dương của AxiCorp, ông Stephen Innes, cảnh báo giá dầu có thể giảm xuống dưới 18-20 USD/thùng, thậm chí trong trường hợp các ca nhiễm virus corona tăng mạnh hơn nữa, nhất là ở Mỹ, thì ngành kinh doanh dầu mỏ sẽ thực sự rơi vào ‘địa ngục’.
Ngân hàng Goldman Sachs Group Inc hạ dự báo về giá dầu Brent trong quý II/2020 xuống 20 USD/thùng từ mức 30 USD dự báo trước đây. Công ty Mizuho Securities cũng đồng quan điểm khi cảnh báo giá dầu có thể sẽ còn giảm sâu nữa do dầu mỏ của Nga và Saudi Arabia làm cho thị trường vốn đang tràn ngập nguồn cung trở nên dư thừa hơn nữa.
Gạo
Nhu cầu gạo thế giới tăng do người dân tăng cường tích trữ gạo vì lo sợ dịch bệnh còn tiếp diễn trong thời gian dài.
Đường
Giá dầu giảm kéo giá đường giảm theo vì các nhà máy đường của Brazil giảm tỷ lệ mía dùng sản xuất ethanol và tăng tỷ lệ mía dùng sản xuất đường. Chỉ trong 1 tuần qua, đường đã mất 10% giá trị.
Vàng
Trong khi các thị trường dầu và chứng khoán lao dốc thì vàng trở nên hấp dẫn đối với nhà đầu tư vì là nơi trú ẩn an toàn.Suốt từ tháng 9 đến đầu tháng 11/2019, giá vàng quanh quẩn ở mức 1.490 – 1.500 USD/ounce, sau đó giảm xuống khoảng 1.450 USD/ounce vào tháng 11/2020, duy trì ở mức đó cho tới tháng 1/2020.
Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2020, dịch COVID-19 đã khiến giá vàng lao vụt lên nhanh chóng, đạt đỉnh cao 1.702,56 USD/ounce trong phiên 9/3/2020.
Mặc dù sau đó giá đã giảm trở lại, nhưng lý do chủ yếu vì nhà đầu tư bán chốt lời, hoặc bán để bù lỗ ở những thị trường khác, giữa bối cảnh thanh khoản của thị trường vàng đang rất tốt nên việc bán vàng là cách nhanh chóng nhất để tăng tiền mặt trong những lúc cần thiết.
Trong vòng 1 tuần qua giá vàng đã giảm gần 10%.
Bạc
Bạc thường được coi là kim loại ‘chị em’ của vàng, khi thường có diễn biến cùng chiều nhau. Giá bạc đã tăng từ mức 16,6 USD/ounce tháng 12/2019 lên 18,62 USD/ounce vào cuối tháng 2/2020. Cũng giống như vàng, giá bạc sau đó đã có sự điều chỉnh, phiên 13/2 ở mức 14,43 USD/ounce.

Kim loại công nghiệp

Các kim loại cơ bản đều giảm giá trong một tuần qua. Liên tiếp đi xuống, ngày 18/3 giá đồng chạm mức thấp nhất 40 tháng; giá nhôm, kẽm, chì, thiếc và nickel xuống thấp nhất kể từ năm 2016.
 Đồng. Bước sang năm 2020, giá đồng được dự báo là sẽ hồi phục mạnh mẽ. Nhưng thực tế hoàn toàn khác do sự lây lan của COVID-19 khiến các nhà máy ở khắp Trung Quốc phải nghỉ kéo dài sau Tết cổ truyền, giữa bối cảnh nhu cầu trên toàn cầu cũng chậm lại do dịch bệnh này.
Lượng đồng lưu kho trên sàn London đã tăng từ 125.000 tấn vào giữa tháng 1/2020 lên 190.000 tấn gần đây. Tồn kho tăng và số người nhiễm virus cũng tăng đã ép giá đồng xuống mức 5.482 USD/tấn trong phiên 9/3/2020, thấp nhất trong vòng gần 3 năm. Tiếp tục giảm trong những phiên sau đó, đồng kết thúc phiên 17/3 ở mức 5.144 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 5.127 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Như vậy, tính đến nay giá đồng giảm 20% kể từ giữa tháng 1/2020.
Trong mấy năm gần đây, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến giá đồng chịu áp lực giảm, giống một số kim loại cơ bản khác như nickel. Thỏa thuận Giai đoạn 1 giữa 2 nước được ký kết đem lại kỳ vọng năm 2020 thị trường này sẽ khởi sắc. Giá đồng do đó đã hồi phục lên 6.275,5 USD/tấn vào giữa tháng 1/2020, trước khi lại bị COVID-19 nhấn chìm một lần nữa.
Nickel. Bước vào năm 2020, giá nickel cũng được hy vọng sẽ khởi sắc khi nguồn cung sụt giảm mà nhu cầu lại tăng. Tuy nhiên, mặc dù nguồn cung vẫn khan hiếm, song việc các sơ sở sản xuất ngừng hoạt động do Covid-19 đã khiến tiêu thụ giảm sút và triển vọng thị trường trở nên thiếu sự chắc chắn. Kết quả là lượng nickel lưu kho trên sàn London tăng từ 156.378 tấn vào đầu tháng 1/2020 lên 235.368 tấn trong tháng 2/2020.
Do đó, giá nickel đã giảm từ 14.285 USD/tấn vào giữa tháng 1/2020 xuống chỉ 12.155 USD/tấn trong ngày 28/2/2020.
Vài ngày gần đây, thị trường nickel có dấu hiệu khan hiếm trở lại khi lượng lưu kho ở LME giảm nhẹ xuống 234.666 tấn, có thể do các nhà máy ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại.
Giá nickel đã giảm xuống chỉ 12.410 USD/tấn vào ngày 9/3/2020, và tiếp tục giảm còn 11.780 USD/tấn trong phiên 17/3.
Kẽm. Nhu cầu kẽm cũng chịu tác động từ COVID-19 nhưng có độ trễ hơn so với các kim loại khác nên lượng kẽm lưu kho trên sàn London giảm từ 51.125 tấn vào ngày 2/1/2020 xuống còn 49.625 tấn vào đầu tháng 2/2020. Tuy nhiên, sau đó lượng lưu khó bắt đầu tăng mạnh, lên 75.275 tấn vào cuối tháng 2/2020 trước khi giảm nhẹ xuống 75.225 tấn trong tuần này.
Cũng giống các kim loại cơ bản khác, giá kẽm giảm từ 2.466 USD/tấn ngày 22/1/2020 xuống 1.925 USD/tấn ngày 9/3/2020. Phiên 17/3, kẽm giao dịch ở mức 1.871 USD/tấn.
Chì. Cũng giống như các kim loại cơ bản khác, lượng chì lưu kho trên sàn LME tăng đều từ 66.100 tấn vào đàu tháng 1/2020 lên 68.100 tấn vào cuối tháng 2/2020 và ngày 11/3 đạt 70.300 tấn.
Về diễn biến giá, sau khi nhích dần lên ở đầu năm 2020, kim loại này đạt 2.026 USD/tấn vào ngày 16/1/2020, nhưng đã lao dốc xuống 1.809,5 USD/tấn vào giữa tháng 2/2020. Kể từ đó, giá không ngừng biến động, phiên 17/3 ở mức 1.619 USD/tấn.
Cobalt. Cobalt được giao dịch trên sàn London và có xu hướng biến động riêng trong 2 tháng qua. Kim loại này được sử dụng chủ yếu trong sản xuất ắc quy.
Bất chấp tác động tiêu cực từ Covid-19, lượng cobalt lưu kho trên sàn London giảm từ 668 tấn ngày 2/1 xuống 645 tấn ngày 12/3, cho thấy nhu cầu đối với kim loại này vẫn được duy trì.
Tuy nhiên, giá cobalt lại không phản ánh điều đó, khi ở mức 31.000 USD/tấn vào ngày 12/3/2020, so với mức 34.250 USD/tấn hồi đầu tháng 2/2020. Mặc dù vậy, mức 31.000 USD/tấn là đúng bằng giá hồi đầu năm 2020.

Lithium và graphite là 2 kim loại cũng dùng trong sản xuất ắc quy, được mua và bán dựa trên thỏa thuận cá nhân giữa người sản xuất và các bên liên quan. Sàn LME hiện đang sử dụng giá Fastmarkets cho hóa chất lithium để tham khảo. Giá đó từ tháng 2 tới nay chưa có sự thay đổi nào, hiện ở mức 8,75 USD/kg. Tương tự, giá tham chiếu Fastmarkets của mặt hàng hydroxit lithium cũng không thay đổi kể từ thời điểm đó, là 10,25 USD/kg.

 

Nguồn:VITIC/Reuters, Bloomberg, smallcaps