menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa thế giới dưới tác động của Covid-19

17:00 08/05/2020

Vinanet - Giá hàng hóa nguyên liệu tuần qua nhìn chung diễn biến tích cực, dẫn đầu là giá dầu mỏ, khi một số quốc gia bắt đầu nới lỏng chính sách giãn cách xã hội để đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường.
Giá dầu mỏ tăng trở lại
Trong vòng một tuần qua, giá dầu Brent tăng khoảng 11% trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng khoảng 18% sau khi một số quốc gia bắt đầu nới lỏng chính sách giãn cách xã hội, đem lại kỳ vọng nhu cầu sẽ hồi phục sau khi giảm 30% trong tháng 4/2020.
Italy, Phần Lan Tây Ban Nha, Nigeria, Ấn Độ và một số tiểu bang của Mỹ đã quyết định nới lỏng các lệnh phong tỏa từ ngày 4/5 để hồi sinh nền kinh tế.
Nguồn cung dầu cũng đang thu hẹp dần do các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới cắt giảm sản lượng kể từ 1/5.
Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) nhận định việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ giúp cân bằng cán cân cung cầu của thị trường dầu mỏ trong quý 3/2020, thậm chí có thể gây thiếu hụt nguồn cung vào quý 4/2020. Trong khi đó Morgan Stanley cho rằng tình trạng dư cung của thị trường dầu thế giới có thể đã lên tới mức đỉnh điểm và những quan ngại về vấn đề thiếu công suất dự trữ đã giảm bớt phần nào.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, tồn kho dầu vẫn có thể tăng trong vài tuần tới, do đó giá vẫn dễ bị tổn thương với những đợt giảm sút mới.
Giá quặng sắt dự báo sẽ giảm
Giá quặng sắt trên thị trường thế giới đã mất khoảng 10% từ đầu năm tới nay. Quặng hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc đầu tháng 52020 ở mức 84 USD/tấn, so với 93 USD/tấn đầu tháng 1/2020. Các chuyên gia dự báo giá sẽ còn giảm tiếp xuống khoảng 70-75 USD/tấn trong quý 4/2020 do sản xuất công nghiệp, nhất là ngành ô tô, ở Mỹ và Châu Âu sụt giảm mạnh do Covid-19.
Giá gạo Ấn Độ và Việt Nam cao nhất nhiều tháng
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tuần này duy trì ở mức cao kỷ lục 9 tháng do nhu cầu mạnh từ cả Châu Á và Châu Phi, trong khi gạo Việt Nam cao nhất 2 năm vì nguồn cung hạn hẹp. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tuần này giá 378-383 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước. Nhu cầu từ cả khách hàng Châu Á và Châu Phi đều đang cải thiện dần vì giá gạo Ấn Độ rẻ hơn so với gạo Thái Lan. Trong khi đó tại Việt Nam, nguồn cung trong nước thấp đã đẩy giá gạo 5% tấm lên mức cao nhất trong vòng 2 năm, là 450 USD/tấn, mặc dù hoạt động xuất khẩu vẫn trầm lắng.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá hiện ở mức 515–546 USD/tấn, giảm so với 535-557 USD/tấn của tuần trước, do giảm bớt lo ngại về nguồn cung trong nước sau khi một số nơi có mưa, mặc dù nhu cầu từ bên ngoài vẫn không thay đổi.
Trung Quốc tăng nhập khẩu than
Nhập khẩu than của Trung Quốc trong tháng 4/2020 tăng 22% so với tháng 4/2019, do các thương nhân tăng cường mua than giá rẻ từ thị trường nước ngoài trong bối cảnh nhu cầu giảm bởi đại dịch Covid-19. Cụ thể, Trung Quốc đã nhập khẩu 30,95 triệu tấn than trong tháng trước, so với 27,83 triệu tấn đã nhập khẩu trong tháng 3/2020 và 25,3 triệu tấn trong tháng 4/2019.
Nguồn cung cà phê toàn cầu chuyển thành dư thừa
Công ty môi giới hàng hóa Marex Spectron cho biết nguồn cung cà phê toàn cầu chuyển từ thiếu hụt trong niên vụ 2019/20 thành dư thừa trong niên vụ 2020/21, do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng liên quan tới giãn cách xã hội làm giảm nhu cầu. Marex dự kiến sự cân bằng toàn cầu chuyển từ thiếu hụt 4,3 triệu bao (60 kg/bao) trong niên vụ hiện tại thành dư thừa 2 triệu bao trong niên vụ 2020/21( bắt đầu từ tháng 10 tới tháng 9 năm sau).
Tuần này, giá cà phê tại Việt Nam tăng do nguồn cung khan hiếm, trong khi hoạt động giao dịch tại Indonesia vẫn trầm lắng. Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) được chào với mức cộng 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn London, tăng so với mức cộng 150 USD/tấn cách đây 2 tuần.
Ciá cà phê robusta Indonesia loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 260-270 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn London, giảm so với mức cộng 300-310 USD/tấn cách đây 2 tuần, do nước này bắt đầu vào vụ thu hoạch mới.

Nguồn:VITIC tổng hợp