menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 2/1: Giá gas trong nước sẽ giảm

09:52 02/01/2022

Giá gas trong nước tháng 1/2022 sẽ tiếp tục giảm mạnh, được chốt ở mức 725 USD/ tấn (thấp hơn 47,5 USD/ tấn so với tháng 12/2021), tương đương với mức giảm 15.103 đồng/bình 12 kg.
 
Đây là tháng thứ 2 liên tiếp giá gas giảm, giúp hạ nhiệt giá gas sau quãng thời gian tăng giá liên tục khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong tiêu dùng.
Theo đó, giá bán lẻ các loại bình gas trên thị trường trong nước đồng loạt giảm mạnh.
Giá gas Petrolimex tháng 1/2022 tại thị trường Hà Nội là 433.700 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.734.800 đồng/bình công nghiệp 48 kg, lần lượt giảm 15.100 đồng/bình 12 kg và 60.400 đồng/bình 48 kg
Giá bán PetroVietnam Gas giảm 667 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức giảm 8.000 đồng mỗi bình 12 kg và 30.000 đồng mỗi bình 45 kg so với tháng 12/2021.
Giá gas Pacific Petro giảm 8.000 đồng đối với bình 12 kg.
Giá gas SP giảm 833 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương 10.000 đồng/bình 12 kg, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 444.000 đồng/bình 12 kg.
Giá gas tiếp tục giảm sâu trong tháng đầu năm mới khiến người tiêu dùng cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn cần chú ý ghi nhớ, áp dụng những tiêu chí sử dụng gas an toàn, hiệu quả, tiết kiệm tại gia đình mình, nhất là trong dịp Tết sắp tới gần.
Với thị trường thế giới, giá gas thế giới trong phiên giao dịch cuối năm 31/12/2021 tăng nhẹ 0.06% lên mức 3.596 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 1/2022, cập nhật lúc 9h02 giờ Việt Nam.
Thông tin dự báo tiếp tục cho thấy thời tiết lạnh giá ở vùng đồng bằng phía Bắc và phía Nam của vùng Texas đang dần trở lên lạnh hơn. Chưa hết, đợt không khí lạnh kéo dài trên khắp miền Bắc nước Mỹ từ ngày 9 - 12/1 sẽ là cơ hội thuận lợi thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ khí đốt tăng lên.
Dự báo thời tiết là yếu tố quan trọng tác động đến tình hình giá khí đốt tự nhiên, đặc biệt trong mùa đông với nhu cầu sưởi ấm cao. Bên cạnh đó, giá khí đốt tự nhiên có thể biến động mạnh trong những ngày tới không chỉ do thời tiết mà còn vào các ngày lễ đầu năm của người dân.
Báo cáo mới nhất của Thông tin Năng lượng Mỹ - EIA cho thấy nguồn cung khí đốt khan hiếm cũng khiến rủi ro khí đốt bị nâng lên mức cao có thể thúc đẩy giá nhiên liệu này tăng lên đáng kể cũng sự biến động mạnh.
Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định ở mức cao, thị trường giao dịch ảm đạm.
Tại An Giang, giá lúa OM 6976 hôm nay ở mức 6.900 đồng/kg; lúa Jasmine 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.950 đồng/kg; Đài thơm 8 7.200 đồng/kg; OM 5451 7.000 đồng/kg; lúa Jasmine 7.000 đồng/kg; OM 9577 7.000 đồng/kg; OM 9582 7.000 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.400 – 6.600 đồng/kg; nếp tươi An Giang ở mức 5.800 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo hôm nay cũng chững lại và đi ngang. Cụ thể, gạo nguyên liệu NL IR 504 ở mức 9.800 đồng/kg; gạo NL OM 5451 ở mức 10.200 đồng/kg; gạo OM 18 ở mức 10.200 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu TP IR 504 ở mức 11.500 đồng/kg.
Theo các thương lái, hiện nguồn cung trong nước giảm mạnh, trong khi đó tại các nhà máy lượng gạo tồn kho trong năm 2020 còn ít khiến giá lúa gạo tiếp tục bị đẩy lên cao.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam duy trì ổn định ở mức 495 – 500 USD/tấn.
Thị trường gạo năm 2021 sẽ có nhiều điểm sáng khi nhập khẩu gạo của Philippines dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 0,4 triệu tấn vì sản lượng dự kiến giảm gần 8% và tiêu thụ sẽ tăng đều đặn. Ngoài ra, nhập khẩu dự báo sẽ tăng 200.000 tấn ở mỗi nước trong số các nước Bờ Biển Ngà, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Nhập khẩu dự báo cũng sẽ tăng nhẹ ở Guinea, Iran, Madagascar, Mali và Mỹ.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), các quốc gia thuộc khối này đã cam kết dành 10.000 tấn gạo hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Cộng hòa Armenia: 400 tấn; Cộng hòa Belarus: 9.600 tấn. Đây là cơ hội cho ngành gạo Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
 

Nguồn:VTIC/TTXVN/congthuong.vn