menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường thủy sản nửa đầu tháng 7/2021

07:52 20/07/2021

Việt Nam hiện là thị trường cung cấp tôm mã HS 030617 lớn thứ 4 cho Nga, sau Ê-cu-a-đo, Ắc-hen-ti-na và Ấn Độ.
 
Mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga có lợi thế về thuế so với các thị trường cung cấp khác khi thuế đã về 0% ngay khi Hiệp định EAEU có hiệu lực.
Sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ thực phẩm sẽ là động lực chính thúc đẩy tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc trong năm 2021. Đầu tháng 7/2021, Cơ quan Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ 8 nhà cung cấp thủy sản của Ấn Độ trong thời gian từ 1 đến 9 tuần.
Theo Bộ Thủy sản In-đô-nê-xi-a (KKP), trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của nước này đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,94% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ tạm áp biên độ thuế chống bán phá giá cao nhất từ năm 2007 đến nay đối với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ.
Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga tăng mạnh. Trong 5 tháng đầu năm 2021, thị phần thủy sản của Việt Nam tính theo lượng trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản ổn định so với cùng kỳ năm 2020.
Thị trường thế giới
Trung Quốc: Theo Euromonitor International, tổng khối lượng thủy sản tiêu thụ ở Trung Quốc năm 2020 giảm mạnh. doanh số bán lẻ tăng mạnh không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm doanh số bán thủy sản theo kênh dịch vụ thực phẩm, vốn chiếm khoảng 60% doanh số tiêu thụ thủy sản ở Trung Quốc vào năm 2019.
Năm 2020, khối lượng bán lẻ thủy sản của Trung Quốc tăng từ 12,5 triệu tấn, lên 15,9 triệu tấn, nhưng tiêu thụ tại phân khúc dịch vụ thực phẩm giảm nhiều đối với cá và hải sản tươi sống.
Sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ thực phẩm sẽ là động lực chính thúc đẩy tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc trong năm 2021. Nhưng những lo ngại kéo dài của người tiêu dùng Trung Quốc về thủy sản nhập khẩu bị nhiễm virút Sars-Cov-2 có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của thị trường. Hơn nữa, thiệt hại kinh tế đáng kể từ đại dịch có thể làm giảm thu nhập khả dụng, có nghĩa là ít người có khả năng ăn tối thường xuyên ở ngoài như trước đại dịch. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng nấu ăn tại nhà có thể giúp duy trì tăng trưởng bán lẻ mạnh mẽ hơn.
Đầu tháng 7/2021, Cơ quan Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ 8 nhà cung cấp thủy sản của Ấn Độ trong thời gian từ 1 đến 9 tuần. Lệnh cấm nhập khẩu một tuần được áp dụng đối với Wellcome Fishery, Suryamitra Exim, St. Peter & Paul Seafood Exports, J.M. Marine Exports, Shivganga Marine Products và S. S. International. Padmashree Export đã bị đình chỉ nhập khẩu trong hai tuần, trong khi RVR Marine Products Limited bị đình chỉ nhập khẩu với thời hạn 9 tuần.
3 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Ê-cu-a-đo đã bị Trung Quốc tạm dừng khai báo nhập khẩu gồm Peskorea (1 tuần), Omarsa và Cultivo Y Exportacion Acuicola Ceaexport (4 tuần). Hai công ty sau đã nhiều lần bị Trung Quốc cho ngừng nhập khẩu. Công ty thủy sản Ocean Gold Seafood của Pa-kít-xtan bị đình chỉ nhập khẩu một tuần.
In-đô-nê-xi-a: Theo Bộ Thủy sản In-đô-nê-xi-a (KKP), trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của nước này đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,94% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao bao gồm: tôm đạt 865,9 triệu USD, chiếm 41% tổng giá trị xuất khẩu; cá ngừ đại dương, cá saba đạt 269,5 triệu USD, chiếm 12,7%; bạch tuộc đạt 223,6 triệu USD, chiếm 10,6%. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản chính của In-đô-nê-xi-a, đạt 934,1 triệu USD, chiếm 44,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; Trung Quốc đạt 311,2 triệu USD, chiếm 14,7%; các nước ASEAN đạt 230,7 triệu USD, chiếm 10,9%
Sri Lan-ca: Cơ quan Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt giấy chứng thư vệ sinh sửa đổi, cho phép nhập khẩu thủy sản và các sản phẩm thủy sản từ Sri Lan-ca từ ngày 1/7/2021. Năm 2020, Sri Lan-ca xuất khẩu 1,3 nghìn tấn thủy sản, trị giá 1 tỷ USD sang thị trường Trung Quốc.
Hoa Kỳ: Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 15 đối với lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh từ Ấn Độ. Trong số 155 công ty từ Ấn Độ được đánh giá, hai công ty bắt buộc là: MSA Marines và HN Indigos đã được chọn để điều tra việc bán hàng vào Hoa Kỳ từ ngày 01/02/2019 đến ngày 31/01/2020, theo một thông báo được công bố trên Đăng ký Liên bang vào ngày 25/6/2021.
DOC cho rằng: “Bộ Thương mại Hoa Kỳ xác định sơ bộ rằng, một lượng tôm nước ấm đông lạnh của Ấn Độ đang hoặc có khả năng được bán ở thị trường Hoa Kỳ với giá thấp hơn giá trị bình thường trong giai đoạn xem xét”.
Theo đánh giá sơ bộ, tôm từ MSA Marines sẽ bị áp mức thuế chống bán phá giá 4,73% trong khi các sản phẩm từ HN Indigos sẽ bị đánh thuế 11,36%. Các sản phẩm từ 153 nhà xuất khẩu tôm khác của Ấn Độ sẽ bị đánh thuế suất tương tự là 7,57%.
Đây là biên độ bán phá giá cao nhất được tính cho các nhà xuất khẩu tôm của Ấn Độ kể từ khi Bộ Thương Mại Hoa Kỳ hoàn thành đợt rà soát hành chính đầu tiên đối với tôm Ấn Độ vào năm 2007. DOC dự kiến ban hành kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính này trong vòng 120 ngày kể từ ngày công bố các kết quả sơ bộ này. Tháng 12/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14, theo đó sản phẩm tôm của Công ty ZA Sea Foods Private Limited của Ấn Độ xuất khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 01/02/2018 – 31/01/2019 sẽ bị đánh thuế ở mức 3,06%. Sản phẩm tôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ 181 nhà xuất khẩu tôm khác của Ấn Độ sẽ bị áp mức thuế tương tự là 3,06%. Đây là mức thấp hơn mức sơ bộ 3,57% đối với các nhà xuất khẩu Ấn Độ mà DOC đã công bố vào tháng 3/2020.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga tăng mạnh
Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga sau khi chững lại trong năm 2017 và giảm năm 2018 đã tăng mạnh trở lại kể từ năm 2019 đến nay.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga đạt 21,3 nghìn tấn, trị giá 72,2 triệu USD, tăng 72% về lượng và tăng 60,4% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2020.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tôm đông lạnh các loại là mặt hàng có trị giá xuất khẩu sang Nga lớn nhất, chiếm 25% trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, đạt 2,01 nghìn tấn, trị giá 18,4 triệu USD, tăng 69,6% về lượng và tăng 72,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam hiện là thị trường cung cấp tôm mã HS 030617 lớn thứ 4 cho Nga, sau Ê-cu-a-đo, Ắc-hen-ti-na và Ấn Độ. Mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga có lợi thế về thuế so với các thị trường cung cấp khác khi thuế đã về 0% ngay khi Hiệp định EAEU có hiệu lực.
Đây là yếu tố hỗ trợ để nhập khẩu tôm mã HS 030617 của Nga từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh nhất so với các nguồn cung khác, tăng 207,4% về lượng và tăng 241% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, giá tôm trung bình nhập khẩu của Nga từ Việt Nam ở mức cao hơn so với 3 nhà cung cấp lớn nhất khiến thị phần tôm của Việt Nam tính theo lượng trong tổng nhập khẩu của Nga vẫn ở mức thấp, mặc dù đã tăng từ mức 2,6% trong 4 tháng đầu năm 2020, lên 6,2% trong 4 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, giá tôm nhập khẩu của Nga từ thị trường Ê-cu-a-đo trong 4 tháng đầu năm 2021 trung bình ở mức 4,7 USD/kg; giá tôm nhập khẩu từ Ắc-hen-ti-na trung bình ở mức 6,5 USD/kg; giá nhập khẩu từ Ấn Độ trung bình ở mức 1,06 USD/kg và giá nhập khẩu từ Việt Nam trung bình ở mức 7,6 USD/kg.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam sang thị trường Nga cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Xuất khẩu cá tra đông lạnh tăng 134,7% về lượng và tăng 124,6% về trị giá; surimi tăng 36,1% về lượng và tăng 51,9% về trị giá; cá chỉ vàng khô tăng 22,5% về lượng và tăng 22,8% về trị giá; cá ngừ đông lạnh tăng 21,4% về lượng và tăng 76% về trị giá; cá cam đông lạnh tăng 43,1% về lượng và tăng 27,8% về trị giá; cá cơm khô tăng 13% về lượng và tăng 18,1% về trị giá; cá ngân khô tăng 114,3% về lượng và tăng 136,7% về trị giá; bạch tuộc đông lạnh tăng 152,8% về lượng và tăng 170,3% về trị giá…
Dung lượng thị trường nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản và thị phần của Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Nhật Bản, tháng 5/2021 nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản đạt 150,48 nghìn tấn, trị giá 114,7 tỷ Yên (tương đương 1,03 tỷ USD), giảm 1,6% về lượng, nhưng tăng 9,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản đạt 761,4 nghìn tấn, trị giá 544 tỷ Yên (tương đương 4,9 tỷ USD), giảm 1,1% về lượng và giảm 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, Nhật Bản đẩy mạnh nhập khẩu cá ngừ.
Theo đó, nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản trong tháng 5/2021 đạt 50,2 nghìn tấn, trị giá 44 tỷ Yên (tương đương 396,1 triệu USD), tăng 23,5% về lượng và tăng 30,5% về trị giá so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản đạt 263,5 nghìn tấn, trị giá 207,8 tỷ Yên, tăng 17,6% về lượng và tăng 14,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Nhập khẩu tôm của Nhật Bản trong tháng 5/2021 đạt 14,97 nghìn tấn, trị giá 16,99 tỷ Yên (tương đương 152,9 triệu USD), tăng 21,9% về lượng và tăng 22,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu tôm của Nhật Bản đạt 82 nghìn tấn, trị giá 89,2 tỷ Yên (tương đương 803,3 triệu USD), tăng 5,4% về lượng, nhưng giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 5/2021, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản từ Trung Quốc tăng, trong khi nhập khẩu từ Chi-lê giảm. Ngược lại, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản từ Trung Quốc giảm, trong khi nhập khẩu từ Chi-lê lại tăng. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Nhật Bản trong tháng 5/2021, đạt 11,07 nghìn tấn, trị giá 9,6 tỷ Yên (tương đương 86,5 triệu USD), bằng lượng xuất khẩu tháng 5/2020, nhưng tăng 2,4% về trị giá.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản từ Việt Nam đạt 54,06 nghìn tấn, trị giá 44,6 tỷ Yên (tương đương 401,7 triệu USD), tăng 0,2% về lượng, nhưng giảm 6,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng thủy sản Nhật Bản nhập khẩu từ Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của nước này 5 tháng đầu năm 2021 ổn định so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc