Thuế nhập khẩu đường sắp về 0%, nguy cơ nhiều DN phá sản
Thông tin từ
vov.vn, theo cam kết tại Hiệp định ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đối với các nước ASEAN kể từ ngày 1/1/2018. Nhưng VN đã hoãn thêm 2 năm, nghĩa là từ ngày 1/1/2020, hạn ngạch chính thức được xoá bỏ và mức thuế suất NK đường vào Việt Nam sẽ là 0%.
Ngành mía đường Việt Nam đến nay vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho việc thực thi cam kết ATIGA, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chủ động, tự tin để thích ứng, thậm chí vẫn mong muốn tiếp tục được Chính phủ kéo dài thêm thời gian bảo hộ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sự chuẩn bị của toàn ngành mía đường chưa đủ độ “chín”. Gần 2 năm qua, năng suất ngành mía đường vẫn đang thấp hơn bình quân thế giới, thấp hơn khu vực châu Á và giá thành mía của Việt Nam còn cao do năng suất thấp.
Theo các chuyên gia, khi hạn ngạch thuế quan NK đường bị xoá bỏ, thuế suất NK về 0% và thị trường mía đường được mở cửa hoàn toàn, nếu nhà máy nào đã chuẩn bị được nguyên liệu cũng như có thay đổi trong quản trị doanh nghiệp, đa dạng hoá sản phẩm vẫn có thể sẽ gặp khó khăn nhưng vẫn trụ được.
Tuy nhiên thực tế cho thấy tại Việt Nam, có khoảng 1/3, thậm chí đến 1/2 số nhà máy đường chưa thích ứng được với những thay đổi lớn. Vì thế, khi mở cửa thị trường, việc phá sản của nhiều doanh nghiệp mía đường là khó tránh khỏi và đây là điều mà nhiều doanh nghiệp dù không muốn nhưng vẫn lâm vào cảnh “lực bất tòng tâm”.
Giá cá tra giảm mạnh
Theo
vietnambiz.vn, nếu như năm 2018, có thời điểm người nuôi cá tra lãi tới khoảng 10.000 đồng/kg thì đến nay, nhiều hộ phải chịu lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Tháng 5, giá cá tra nguyên liệu tại tỉnh An Giang giảm 2.000 - 3.500 đồng/kg so với cuối tháng 4 xuống còn 21.000 - 23.000 đồng/kg, tùy loại. Nếu so với cùng kì năm ngoái, mức giá này giảm tới 9.000 đồng/kg.
Lí do giá cá tra liên tục giảm sâu, do năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt kỉ lục 2,3 tỉ USD. Có thời điểm người nuôi lãi tới khoảng 10.000 đồng/kg. Nhiều hộ đổ xô nuôi dẫn đến năm nay nguồn cung lớn.
Còn ở đầu ra, lượng tiêu thụ ở nước ngoài bị chững lại, đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, lượng tiêu thụ ở trong nước chỉ chiếm chưa đầy 10%. Nếu như trước đây, Việt Nam có thể xuất khẩu cá tra qua cả đường chính ngạch và tiểu ngạch thì bước sang năm 2019, việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch bị siết chặt.
Ngoài ra, việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá khiến giá cá tra mà nước này nhập khẩu tăng lên, tác động xấu đến nhu cầu tiêu thụ. Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng, một số sản phẩm thủy sản của Trung Quốc không thể xuất khẩu sang Mỹ do chịu mức thuế cao. Do đó, Trung Quốc thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản nội địa trong đó có cả cá rô phi.
Mặc dù xuất khẩu cá tra sụt giảm tại các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Mỹ nhưng ở các thị trường khác như EU, ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Philippines) kim ngạch vẫn tăng mạnh do Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Dự báo tình hình vẫn tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, việc có đạt được mục tiêu xuất khẩu cá tra hay không rất khó đoán định.
Xuất khẩu thịt heo tăng gần 80% do dịch ASF
Vietnambiz.vn đưa tin, theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản xuất khẩu các sản phẩm thịt heo tăng mạnh nhờ nhu cầu nhập khẩu tại Hong Kong, Malaysia và Trung Quốc tăng mạnh do bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát.
4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm từ heo đạt gần 24,8 triệu USD, tăng 78,6% so với cùng kỳ. Tại thị trường trong nước, dịch tả heo châu Phi vẫn đang có những diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Một số tỉnh dù đã công bố hết dịch nhưng sau đó dịch bệnh vẫn quay trở lại bùng phát do việc kiểm soát dịch bệnh vẫn chưa được chặt chẽ, chủ yếu phát sinh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do thiếu ý thức phòng chống dịch, không khử trùng chuồng trại, dùng thức ăn thừa cho heo...
Tại nhiều địa phương, hầu hết hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều không tái đàn do lo sợ dịch tả heo châu Phi. Do đó, nguồn cung thịt heo vào cuối năm 2019 có thể giảm mạnh và giá tăng lên thời gian tới.
Cá tra chinh phục nhiều thành phố lớn của Trung Quốc
Theo
baohaiquan.vn, thông qua các kênh trực tuyến như sàn Alibaba, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã xuất hiện tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc.
Theo VASEP, trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra nguyên con tới một số tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc, nhưng hiện nay sản phẩm cá tra philê đã có mặt tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ còn cao hơn nữa.
Hiện nay, xuất khẩu cá tra trong nước đang được hưởng lợi từ sự rạn nứt thương mại Mỹ - Trung với việc các nhà nhập khẩu lớn chuyển sang nhập khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam.
Theo VASEP, thị trường Trung Quốc với cơ hội lớn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm và thương mại tiểu ngạch.
Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc vẫn tăng đều đặn từng năm với sản lượng khoảng hơn 3 triệu tấn. Người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng sản phẩm nước ngoài và khai thác tự nhiên do lo ngại về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua các sản phẩm đã được thị trường Mỹ và châu Âu chấp nhận. Điển hình như sản phẩm cá tra Việt Nam từ ngày vào Mỹ đã tăng mức tiêu thụ tại Trung Quốc.
Năm 2019 sẽ là cơ hội cho DN ở rộng XK bằng đường biển vào các thành phố lớn của Trung Quốc nâng cao chất lượng và số lượng XK chính ngạch. Xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ đạt mức 1,5 tỷ USD trong năm nay, trong đó cá tra là một trong những mặt hàng chủ lực.
Xuất khẩu thủy sản quý II dự kiến tăng 8%
Theo
baohaiquan.vn, trong khi xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến giữa tháng 5/2019 giảm nhẹ thì nhập khẩu nguyên liệu thủy sản đầu vào để chế biến xuất khẩu lại có xu hướng tăng.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, 15 ngày đầu tháng 5/2019, xuất khẩu thủy sản ước đạt 324,97 triệu USD, giảm 1,9% so với 15 ngày trước đó và giảm 1,96% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2019, xuất khẩu thủy sản đạt 2,74 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, 15 ngày đầu tháng 5/2019, nhập khẩu thủy sản đạt 86,7 triệu USD, tăng 32,7% so với 15 ngày trước đó và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ đầu năm 2019 đến hết ngày 15/5/2019, nhập khẩu thủy sản đạt 647,69 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018.
Với nhiều lợi thế về thuế suất khi thực hiện các hiệp định thương mại, ASEAN đang được kỳ vọng là thị trường xuất khẩu thủy sản tiềm năng của Việt Nam, sẽ đạt con số 1 tỷ USD trong tương lai gần, giúp doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào thị trường chính.
Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý II/2019 có thể tăng ở mức lạc quan nhất là 8% trong điều kiện xuất khẩu các mặt hàng hải sản như cá biển, cá ngừ, mực bạch tuộc tăng mạnh và cá tra duy trì ở mức ổn định.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet