menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 3/6/2019: Giá lúa giảm; chưa nên bỏ kháng sinh ra khỏi TĂCN

16:38 03/06/2019

Vinanet - Lúa hè thu đầu vụ mất mùa, rớt giá; Xuất khẩu thủy sản sang Nga chưa tận dụng được cơ hội từ FTA; Ít nhất 5 năm nữa mới nên loại bỏ kháng sinh ra khỏi thức ăn chăn nuôi… là những thông tin đáng chú ý trong ngày.
ĐBSCL: Lúa hè thu đầu vụ mất mùa, rớt giá
Sggp.org.vn thông tin, vụ hè thu năm 2019, nông dân các tỉnh ĐBSCL sản xuất khoảng 1,6 triệu ha. Hiện nay, các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, TP Cần Thơ… bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm, nhưng năng suất không cao và giá lúa cũng thấp.
Tại Cần Thơ, hiện nay nhiều hộ đang thu hoạch lúa hè thu sớm, năng suất chỉ đạt khoảng 500- 600 kg/công, giảm 100- 200 kg/công so vụ trước. Điều đáng lo ngại là giá lúa đầu vụ lúc này không cao. Lúa tươi loại thường thu mua chỉ 4.200- 4.300 đồng/kg, lúa tươi hạt dài khoảng 4.500- 4.600 đồng/kg… giảm khoảng 800 đồng/kg trở lên so cùng kỳ. Với tình hình trên, tính ra nông dân lãi rất thấp chỉ khoảng 500.000 – 900.000 đồng/công”.
Tại Hậu Giang, gần 73.000 ha lúa hè thu cũng đang thu hoạch sớm, thời tiết bất lợi, nắng nóng gay gắt khiến lúa chậm phát triển, nông dân tốn nhiều chi phí đầu vào, nhưng năng suất lúa không cao chỉ 450-550 kg/công, giảm gần 200 kg/công so với vụ hè thu năm 2018.
Tại các tỉnh khác ở ĐBSCL, nhiều nông dân cũng nhìn nhận giá thành sản xuất lúa vụ này cao bởi tăng số lần thuê bơm nước vào ruộng do nắng nóng, tăng thêm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Trong khi năng suất lúa loại thường cao nhất chỉ đạt 500- 600 kg/công, giá bán cao nhất là 4.300 đồng/kg; tính ra nông dân chỉ lời khoảng 500.000 đồng/công. Riêng những hộ canh tác năng suất thấp thì chỉ hòa vốn, thậm chí bị thua lỗ.
Đối với tình hình xuất khẩu gạo cũng không mấy khả quan. Tháng 5-2019, xuất khẩu gạo khoảng 739.000 tấn, giá trị 314 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2019 lên hơn 2,8 triệu tấn, giá trị hơn 1,2 tỷ USD, giảm 4% về khối lượng và giảm 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Các doanh nghiệp nhận định, thị trường xuất khẩu gạo trên thế giới gần đây diễn biến giảm. Giá gạo 5% của Thái Lan dao động khoảng 385- 400 USD/tấn, trong khi gạo 5% của Ấn Độ 365 USD/tấn, của Việt Nam khoảng 350 USD/tấn…
Các doanh nghiệp dự báo thị trường gạo tiếp tục trầm lắng do nhu cầu ở châu Á suy giảm. Trong khi đó, giá lúa gạo ở ĐBSCL dự báo khó tăng, bởi tới đây vùng này thu hoạch rộ lúa hè thu…
Ít nhất 5 năm nữa mới nên loại bỏ kháng sinh ra khỏi thức ăn chăn nuôi
Baohaiquan.vn đưa tin, các đại biểu đưa ra lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị tổ chức ngày 1/6/2019 tại TPHCM.
Loại bỏ kháng sinh ra khỏi thức ăn chăn nuôi sẽ đặt ngành chăn nuôi đứng trước rủi ro lớn về dịch bệnh
Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng việc đưa ra thời hạn cho phép các tổ chức, cá nhân sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh cho con con đến hết ngày 31/12/2020 là quá khó khăn, có thể sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, nên dời thời hạn này thêm ít nhất là 5 năm nữa.
Quy định về khoảng cách chăn nuôi chỉ nên áp dụng với các trang trại mới thành lập, còn việc bắt các trang trại cũ phải di dời là rất khó khăn.
Luật Chăn nuôi đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 10/2019 để đảm bảo Luật Chăn nuôi được triển khai đồng bộ ngay khi có hiệu lực thi hành.
Yêu cầu kiểm tra tình trạng tôm hùm đất được bày bán tràn lan
Theo baochinhphu.vn, trong những ngày qua, nhiều cơ quan báo chí phản ánh việc tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu, cấm phát triển từ năm 2013 nhưng vẫn được bày bán, kinh doanh trên thị trường nội địa với số lượng lớn.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh việc tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu từ năm 2013 nhưng vẫn được bày bán, kinh doanh trên thị trường nội địa; xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực – Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kết quả.
Triển vọng xuất khẩu sữa ra thế giới
Theo vietnambiz.vn, xuất khẩu sữa đang phát triển tại các thị trường Trung Đông, Đông Nam Á, châu Âu, kể cả Mỹ và Trung Quốc. Dư địa của ngành sữa Việt Nam trong và ngoài nước được đánh giá còn rất lớn.
3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sữa đạt 48,6 triệu USD. Hiện, sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam đã xuất khẩu sang 43 nước và vùng lãnh thổ, đặc biệt là sản phẩm sữa bột công thức xuất sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Philippines.
Theo Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2016 - 2018, xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa liên tục tăng, từ 84,47 triệu USD năm 2016 lên 82,65 triệu USD năm 2017 và 129,68 triệu USD năm 2018. Giá trị kim ngạch xuất khẩu trung bình cả giai đoạn tăng trưởng là 27,37%.
Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, năm 2018, cả nước có 294,4 ngàn con bò sữa, với tốc độ tăng đàn bình quân là 10,9%/năm. Sản lượng sữa năm 2018 đạt 936 nghìn tấn, tăng bình quân 15%/năm cho giai đoạn 2011-2018, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Năm 2019, xuất khẩu sữa dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khoảng 9 - 10% và đạt mức 28 lít sữa/người/năm vào năm 2020.
Xuất khẩu thủy sản sang Nga: Chưa tận dụng được cơ hội từ FTA
Theo congthuong.vn, Hiệp định FTA Việt Nam-EAEU chính thức có hiệu lực vào năm 2016, mở ra nhiều cơ hội cho thủy sản vào thị trường Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, DN trong nước vẫn chưa tận dụng hết cơ hội này.
Theo cam kết, thủy sản Việt Nam XK sang khu vực này sẽ được giảm 100% thuế, trong đó 95% dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn với lộ trình 10 năm; 75% dòng thuế được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, XK tôm Việt Nam sang Nga chưa tận dụng được lợi thế này. Từ thời điểm FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực đến nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này liên tục giảm. Năm 2016, XK tôm sang Nga đạt 20,3 triệu USD, năm 2017 giảm xuống 18,2 triệu USDvà giảm còn 15,2 triệu USDnăm 2018.
Vasep cho biết, trong thời gian qua, các DN XK tôm Việt Nam vẫn tập trung khai thác những thị trường truyền thống hấp dẫn như Mỹ và EU, chưa quan tâm, mặn mà với thị trường Nga. Bên cạnh đó, giá XK tôm từ Việt Nam sang Nga khá cao so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc, Ecuador… nên chưa hấp dẫn được các nhà NK của Nga.
Hiện nay, Trung Quốc với thế mạnh cá rô phi, Việt Nam với sản phẩm cá tra, basa và Argentina với cá hake. Có một tín hiệu khác đang diễn ra trong bức tranh XK tôm 3 tháng đầu năm, XK tôm Việt Nam sang Nga đảo chiều với kim ngạch đạt 1,9 triệu USD, tăng 109% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là tin tốt cho ngành tôm trong khi XK sang các thị trường chính sụt giảm.
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh XK sang thị trường Nga nói riêng và Bắc Âu nói chung đòi hỏi sự nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để xác định rõ tiềm năng và mong muốn của đối tác, thường xuyên liên lạc với đối tác để gắn kết lâu dài.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:Vinanet