Chính sách giảm giá nhân dân tệ có thể gây bất lợi cho DN xuất khẩu sắn
Vietnambiz.vn đưa tin, xuất khẩu sắn 5 tháng đầu năm giảm 17,6% về khối lượng và giảm 11% so với cùng kỳ. Trung Quốc chiếm 89,2%, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với cùng kì do xuất khẩu tinh bột sắn suy giảm mạnh trên hai kênh chính ngạch và biên mậu.
Dự đoán xuất khẩu sắn thời gian tới tiếp tục ảm đạm do nhu cầu từ Trung Quốc yếu, xuất khẩu tinh bột sắn vẫn thấp đến hết quý II/2019. Hiện đang mùa nắng nóng, theo quy luật hàng năm, nhu cầu sử dụng tinh bột sắn cho sản xuất thực phẩm tại Trung Quốc giảm mạnh. Tuy nhiên, lượng tồn kho của các nhà máy Việt Nam vụ 2018 - 2019 không còn nhiều, do đó sẽ không có hiện tượng dư cung cho tới vụ mới 2019 - 2020.
Trong khi đó, mức thuế VAT sản phẩm sắn tại Trung Quốc giảm sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch qua các cảng biển Trung Quốc và buộc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tinh bột sắn qua đường biên mậu phải điều chỉnh giá phù hợp.
Nhu cầu sử dụng sắn lát từ Trung Quốc giảm mạnh, dẫn đến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam khá thấp. Dự báo nhu cầu tiêu thụ sắn lát của Trung Quốc có thể tăng trở lại sau khi nước này tăng thuế nhập khẩu lên 25% với gói hàng hóa trị giá 60 tỉ USD của Mỹ khiến nguồn cung cồn nhập khẩu giảm.
Để giảm áp lực thuế quan đối với xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, Trung Quốc đang áp dụng chính sách giảm giá đồng nhân dân tệ, gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn qua kênh biên mậu.
Theo vietnambiz.vn, xuất khẩu tiêu 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 144.00vriệu USD, tăng 33,2% về khối lượng nhưng giảm 2,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang các thị trường chính đều tăng mạnh về lượng nhưng vẫn giảm về giá trị do giá xuất khẩu vẫn thấp và chưa có khả năng phục hồi. Tại thị trường trong nước, giá hạt tiêu tiếp tục giảm trong tháng 5. So với tháng trước, giá tiêu tại Đắc Lắc, Đắc Nông và Bà Rịa Vũng Tàu giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 44.000 – 45.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại Gia Lai và Đồng Nai vẫn giữ mức 43.000 đồng/kg. Giá tiêu trắng và tiêu đen của Việt Nam giao ngay tại cảng Sài Gòn tiếp tục giảm trong tháng 5.
Nguyên nhân là nguồn cung hạt tiêu toàn cầu hiện vẫn còn nhiều và đang tiếp tục được bổ sung bởi một số nước sản xuất lớn đang trong vụ thu hoạch như Sri Lanka và Madagascar. Dự báo trong thời gian tới, giá tiêu toàn cầu vẫn chưa thể phục hồi do thị trường hạt tiêu vẫn còn chịu áp lực giảm giá từ việc cung vượt cầu, tuy nhiên tốc độ giảm có thể sẽ chậm lại.
Áp lực ngành ghẹ Việt Nam khi đứng giữa cuộc chiến Mỹ - Trung
Theo
vietnambiz.vn, mức thuế 25% đã gây thiệt hại cho toàn bộ hoạt động kinh doanh ghẹ đỏ của Mỹ và quốc gia này ráo riết tìm kiếm nguồn cung ghẹ đỏ thay thế từ Việt Nam và các nước khác.
Với mức thuế suất 25% mới, mỗi container chở ghẹ hiện đã chịu gánh nặng thuế quan 100.000 - 125.000 USD trả cho Dịch vụ Hải quan Mỹ trong vòng hai tuần kể từ khi nhận được.
Cả hai mức thuế 10% và 25% đã gây thiệt hại cho toàn bộ hoạt động kinh doanh ghẹ đỏ của Mỹ và vấn đề này bắt đầu dấy lên lo ngại.
Ngoài ra, để đối phó với vấn đề thuế quan, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã tiếp cận Việt Nam như một nguồn cung ghẹ đỏ thay thế giúp các nhà sản xuất ở Việt Nam nhận được mức giá cao hơn. Tuy nhiên Việt Nam không có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường Mỹ.
Mỹ chỉ nhập khẩu 2.186 tấn ghẹ trị giá 55,2 triệu USD từ Việt Nam trong năm 2018, theo dữ liệu của NOAA. Mặc dù vậy, con số này đang tăng lên khi trong 3 tháng đầu năm 2019, Mỹ nhập khẩu 531 tấn ghẹ từ Việt Nam trị giá 13,3 triệu USD, tăng từ 10,5 triệu USD trong cùng kì năm 2018.
Một tác động khác của thuế quan là gây ra áp lực trong tìm kiếm nguồn cung ghẹ xanh từ Indonesia và các nước khác. Xu hướng này diễn ra khi giá ghẹ đỏ nhỉnh hơn giá ghẹ xanh khoảng 2 - 3 USD. Người tiêu dùng ghẹ đỏ khổng lồ đã chuyển hướng sang tìm nguồn cung ghẹ xanh và thịt càng ghẹ.
Quá khó để thực hiện cấp đông thịt lợn
Trang
nongnghiep.vn đưa tin, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT cùng một số doanh nghiệp, địa phương vừa tổ chức buổi họp khẩn bàn giải pháp, chính sách hỗ trợ cấp đông thịt lợn đối phó với dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan, diễn biến vô cùng phức tạp khi đã xuất hiện trên 46 tỉnh thành với số lợn tiêu hủy theo thống kế đã xấp xỉ 2 triệu con.
Để tham gia cấp đông thịt lợn các doanh nghiệp yêu cầu được hỗ trợ vốn vay, lãi suất, tiền điện và bảo hiểm.
Hiện cả nước có khoảng 14 doanh nghiệp có kho lạnh và năng lực cấp đông.Tuy nhiên, 5/14 doanh nghiệp đó chuyên xuất khẩu lợn sữa (heo sữa) đã từ chối vì chỉ đủ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp còn lại tổng công suất kho cấp đông khoảng 6.000 tấn thịt lợn, hiện đang cấp đông 1.200 tấn, như vậy kho chỉ còn trống khoảng 4.800 tấn, con số quá nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn hiện nay.
Việc cấp đông thịt lợn nếu không có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của ngân hàng như cho vay lãi suất 0%, hỗ trợ tiền điện, giãn tiến độ trả vốn, các doanh nghiệp như VISSAN không dám tham gia bởi rủi ro rất lớn. Hơn nữa, giả sử nếu không giải phóng được hàng tồn kho hoặc hàng tồn kho quá lâu sẽ rất phức tạp.
Nếu không có ngay chính sách bảo hiểm với các doanh nghiệp cấp đông thịt lợn không đơn vị nào đủ bản lĩnh, năng lực tham gia bởi rủi ro rất lớn, sau khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại Việt Nam các ngân hàng gần như đã ngay lập tức siết lại nguồn vốn dành cho các doanh nghiệp liên quan đến con lợn.
Hiện nhiều doanh nghiệp chế biến, giết mổ, sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay đang gặp khó khăn vì hết vốn nên nếu thực sự không có chính sách hỗ trợ về vốn và bảo hiểm cùng quy trình cấp đông khoa học, bài bản, hiệu quả, không doanh nghiệp nào dám tham gia cấp đông.
Ô tô nhập khẩu giảm nhẹ trong tháng 5
Theo
baohaiquan.vn, mặc dù vẫn ở mức cao, nhưng kim ngạch ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu trong 5/2019 giảm nhẹ so với tháng trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2019 đạt 3,781 tỷ USD so với tháng giảm 19,9% so với tháng 4; kim ngạch nhập khẩu đạt 4,901 tỷ USD, giảm 7,5% so với tháng 4/2019. Trong đó, mặt hàng ôtô dưới 9 chỗ ngồi cũng giảm nhẹ: tháng 5/2019 đạt kim ngạch 25,914 triệu USD, trong khi tháng 4 đạt kim ngạch 26,201 triệu USD, giảm 3,84%.
Với các tác động trên, số thu ngân sách tháng 4/2019 tăng 22,33% so với cùng kỳ năm 2018 thì đến tháng 5/2019 chỉ còn tăng 19,68% so với cùng kỳ năm 2018 (đã giảm 2,65%). Tính đến hết tháng 5/2019, Cục Hải quan TPHCM thu ngân sách khoảng trên 49.000 tỷ đồng, đạt hơn 45% chỉ tiêu pháp lệnh (108.800 tỷ đồng).
Phế liệu tồn ở cảng Cát Lái đã giảm rõ rệt
Theo
baohaiquan.vn, sau thời gian nỗ lực của cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh cảng, lượng phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái đã giảm rõ rệt, hiện còn khoảng trên 1.300 container, giảm hàng ngàn container so với thời điểm vào cuối tháng 2/2019, tồn hơn 3.800 container.
Theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, tuy hết thời hạn giảm phí lưu bãi đối với phế liệu tồn, nhưng lãnh đạo cảng này cho biết, vẫn chủ trương tạo thuận lợi tối đa, nếu khách hàng nào có nhu cầu lấy hàng, cảng vẫn tạo điều kiện giải quyết giảm phí tùy trường hợp cụ thể.
Đối với hơn 1.300 container phế liệu còn tồn đọng, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tiếp tục phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM đánh giá, phân loại, giám định phế liệu để xác định chất lượng phế liệu nào đủ tiêu chuẩn nhập khẩu thì tổ chức bán đấu giá, phế liệu nào không đủ tiêu chuẩn thì tiêu hủy hoặc tái xuất…
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet