Giá thủy sản năm 2019 có thể tăng do Trung Quốc siết chính sách môi trường
Theo tin từ
vietnambiz.vn, Cục Xuất nhập khẩu nhận định nguy cơ sụt giảm sản lượng nuôi trồng thủy sản ở Trung Quốc do vấn đề môi trường, có thể dẫn đến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt. Chiến dịch môi trường cũng có thể khiến giá thủy sản thế giới tăng cao hơn.
Năm 2018, chiến dịch môi trường của Trung Quốc tiếp tục nhằm vào các trại nuôi trồng thủy sản vì nước này muốn kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Trong năm 2019 tình hình có thể tiếp tục diễn ra.
Theo dữ liệu của Tạp chí Nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc, cuộc chiến chống ô nhiễm của Trung Quốc có quy mô rất lớn, xóa sổ 300.000 lồng nuôi và 160.000 ha trang trại thủy sản.
Tuy vậy, tính đến giữa tháng 2, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất thủy sản nuôi trồng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 2/3 sản lượng cá, tôm và các loài thủy sản nuôi khác trên toàn cầu.
Bên cạnh sự sụt giảm mạnh sản lượng nuôi trồng, sản lượng thủy sản khai thác năm 2018 tại Trung Quốc cũng giảm vì có sự quản lý chặt chẽ hơn nghề khai thác thủy sản.
Tốc độ lây lan chóng mặt của dịch tả heo châu Phi (ASF)
Trang
vietnambiz.vn đưa tin, gần một tuần sau khi dịch tả heo châu Phi (ASF) chính thức được xác nhận tại Việt Nam, liên tiếp có thêm các tỉnh, thành báo cáo bùng phát bệnh dịch nguy hiểm gây tử vong gần như 100% ở cả heo nuôi và heo rừng.
Sau khi Hưng Yên và Thái Bình được xác nhận 8 ổ dịch nhiễm ASF, hai tỉnh mới công bố bùng phát dịch nguy hiểm ở heo gồm Hải Phòng hôm 22 và Thanh Hóa hôm 23/2. Như vậy, chưa tới một tuần, virus ASF đã lây lan từ phía đông Bắc Bộ xuống cực Bắc của Trung Bộ.
Trước đó, ngày 17/2, Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel F. Piñol tuyển bố cấm nhập khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo từ Việt Nam sau khi các báo cáo cho biết nhà chức trách Đài Loan (Trung Quốc) đã phát hiện thịt heo nhập khẩu từ Việt Nam xét nghiệm dương tính với virus ASF.
Để ngăn chặn dịch ASF lây lan, Cục Thú y đề nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện “5 KHÔNG” theo đúng quy định của Luật thú y gồm không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi heo.
Điểm mặt 6 loại trái cây Việt được vào thị trường Mỹ
Theo tin từ
thuongtruong.com.vn, sau gần 10 năm đàm phán, từ hôm 18/2, xoài Việt Nam chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây cũng là trái cây thứ 6 của Việt Nam được lọt vào thị trường Mỹ. Theo yêu cầu từ phía Mỹ, xoài Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường này phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe như điều kiện nhà vườn, đóng gói, xử lý chiếu xạ, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu nhập.
Trước đó, ngày 27/9/2017, Bộ Nông nghiệp Mỹ chính thức đồng ý cho Việt Nam được xuất khẩu quả vú sữa vào thị trường Mỹ. Lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ qua đường hàng không vào ngày 30/5/2015. Tháng 10/2014, quyết định của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép nhập khẩu quả nhãn từ Việt Nam chính thức có hiệu lực. Quả chôm chôm Việt Nam được phép xuất khẩu sang Mỹ từ năm 2011. Thanh long là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Giá thanh long Việt bán tại Mỹ giao động từ 130.000 - 180.000 đồng/kg tùy thời điểm, cách thức vận chuyển...
Giá sắn Thái Lan dự báo tăng trong năm 2019
Thông tin từ
vietnambiz.vn, giá sắn cùng với một số sản phẩm nông sản khác của Thái Lan như gạo và ngô được dự báo có thể tăng giá trong năm nay do nhu cầu từ các đối tác nước ngoài tăng. Bộ Thương mại Thái Lan sẽ giám sát chặt chẽ giá các mặt hàng thực phẩm trong năm 2019 nếu giá các sản phẩm này giảm xuống dưới mức cho phép.
Bên cạnh nhóm 7 mặt hàng nông nghiệp gồm dầu cọ, dừa khô, trứng, hẹ tây, hành, tỏi và dứa, các nhà chức trách Thái Lan cũng sẽ giám sát giá thực phẩm và dịch vụ tại các nhà hàng nhằm bảo đảm tính công bằng đối với người tiêu dùng.
Vụ Nội thương, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ chỉ tập trung giám sát các sản phẩm chính như xe ô tô, gạo, sắn và ngô. Các mặt hàng còn lại sẽ do các cơ quan địa phương giám sát. Vụ Nội thương cũng có kế hoạch làm việc với Hiệp hội Nhà hàng Thái để bảo đảm giá và dịch vụ, áp dụng trên toàn quốc, công bằng với khách hàng.
Trong 20 ngày đầu tháng 2, Hiệp hội Thương mại sắn Thái Lan thông báo giảm giá sàn xuất khẩu sắn thêm 5 USD/tấn, xuống còn 205 USD/tấn, FOB (giá giao trên tàu) Băng Cốc. Trong khi đó, chào giá xuất khẩu tinh bột sắn được điều chỉnh tăng thêm 5 -10 USD/tấn, so với cuối tháng 1, lên 450 - 455 USD/ tấn, FOB Băng Cốc.
Ở thị trường nội địa Thái Lan, giá tinh bột sắn được điều chỉnh giảm 0,3 baht/kg, so với cuối tháng 1 xuống mức 13,5 baht/kg, giá sắn nguyên liệu nội địa giữ ổn định so với cuối tháng 1, ở mức 2,3 - 2,6 baht/kg.
Thanh long tăng giá mạnh sau Tết
Theo
thuongtruong.com.vn, nếu như năm ngoái, sau rằm tháng Giêng giá thanh long hạ nhiệt thì năm nay lại tăng mạnh. Tại Bình Thuận, giá thanh long một tháng qua dao động ở mức 16.000 - 18.000 đồng một kg, và tăng thêm 1.000 - 3.000 đồng trong tuần qua.
Không chỉ thanh long ruột trắng ở Bình Thuận được giá, tại Tiền Giang, giá hàng ruột đỏ cũng tăng cao, thương lái thu mua 35.000 - 38.000 đ/kg, tăng gần gấp đôi thời điểm trước Tết và tăng 5.000 đồng so với hai tuần qua. Nguyên nhân khiến giá thanh long ruột đỏ sau Tết tăng cao là do thương lái thu gom mạnh trong khi đó nguồn cung không nhiều. Mặt khác, năm nay chất lượng sản phẩm đồng đều nên thị trường xuất khẩu chuộng.
Các nhà sản xuất hạn chế xuất khẩu cao su để kích giá
Vietnambiz.vn đưa tin, trong một tuyên bố chung hôm 22/2, các nhà sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới cho biết sẽ ngừng xuất khẩu lên tới 300.000 tấn nhằm thúc đẩy giá cao su toàn cầu.
Động thái này, biết đến chính thức là Kế hoạch thống nhất về khối lượng xuất khẩu (AETS), được công bố sau buổi họp ngày thứ Sáu (22/2) của Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC), gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Ba quốc gia này chiếm khoảng 70% sản lượng cao su tự nhiên trên toàn cầu.
Động thái đưa ra hôm 22/2 là lần thứ 6 tổ chức tuyên bố kế hoạch hạn chế xuất khẩu cao su tự nhiên. Biện pháp được đưa ra theo sau một thỏa thuận vào cuối năm 2017 nhằm giảm 350.000 tấn cao su xuất khẩu trong ba tháng.
Ngoài việc hạn chế xuất khẩu, tổ chức cũng đồng ý cố gắng thúc đẩy tiêu thụ nội địa một lượng đáng kể cao su tại cả ba quốc gia thông qua những dự án phát triển con đường bọc cao su.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet