menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 27/2/2019: Cơ hội giảm giá ô tô; khoai lang Nhật bí đầu ra…

20:00 27/02/2019

Vinanet - Cơ hội giảm giá ô tô; khoai lang Nhật bí đầu ra; ngành chè tăng trưởng kép; xuất khẩu cao su giảm, hải sản tăng…là những thông tin đáng chú ý trong ngày.
Những "cơ hội vàng" giảm giá ô tô trong năm 2019
Theo doanhnghiepvn.vn, đầu năm, trên thị trường xe hơi Việt đã xuất hiện một số dòng xe giảm giá, nhiều nhất là các dòng xe của Nissan như X- Trail giảm từ 20 - 30 triệu đồng/chiếc, dòng Sunny cũng giảm giá 20 triệu đồng/chiếc. Dòng Navara hay Terra cũng được giảm giá từ 10 đến 15 triệu đồng/chiếc.
Dòng EcoSport của Ford có mức giảm từ 15 đến 30 triệu đồng/chiếc tùy theo mẫu. Trong khi đó, mẫu Camry đời 2018 của Toyota cũng được giảm giá tối đa 40 triệu đồng/chiếc. Các mẫu như Altis đời 2018 được giảm giá 30 triệu đồng, đời 2019 được giảm giá 10 triệu đồng; mẫu Innova đời 2018 - 2019 giảm tối đa 30 triệu đồng.
Một trong những dòng xe ăn khách nhất năm 2018 là Mazda CX5 cũng được hưởng mức ưu đãi tối đa 30 triệu đồng/chiếc.
Theo dự đoán của các chuyên gia về ô tô, việc thích nghi kịp thời các chính sách đã, đang và sẽ giúp các doanh nghiệp đưa xe về Việt Nam nhiều hơn và thị trường xe hơi ngày càng rộng mở hơn.
Khoai lang Nhật ở Gia Lai “bí” đầu ra
 Thông tin từ doanhnghiepvn.vn, do "bí" đầu ra nên mặc dù đã tới thời vụ thu hoạch, nhưng hơn 600 ha khoai lang Nhật của nông dân Gia Lai vẫn ế ẩm, bị mọc mầm, có nguy cơ bị bỏ thối.
Toàn xã có khoảng 300ha nhưng mới có khoảng 4-5 hộ bán được vài tấn cho hàng chợ. Sự việc, xã sẽ có báo cáo tình hình sản xuất cụ thể lên huyện và ngành chức năng để tìm hướng tháo gỡ cho dân.
Vài năm trước, nhiều người trông khoai lang Nhật "trúng đậm" bởi giá cao ngất ngưởng. Do vậy, không ít nông dân nơi đây xen canh loại cây này giữa hai vụ lúa, thậm chí có người còn bỏ tiền ra thuê đất để trồng khoai lang Nhật, đi kèm với hy vọng "đổi đời" chỉ qua mấy vụ khoai.Nguyên nhân là do vụ năm ngoái được cả mùa lẫn giá, bình quân mỗi ha khoai thu lãi cả trăm triệu đồng, gấp 8- 9 lần so với trồng lúa nên năm nay nhiều hộ tăng diện tích.
Tuy nhiên, giấc mơ đổi đời chưa kịp đến thì thực tế, bạt ngàn những ruộng khoai thì đành... bỏ cho bò, cho gà ăn, bởi 1 kg khoai bán chưa được 1.000 đồng.
Thị trường chè dự báo tăng trưởng kép 5%/năm giai đoạn 2019 - 2023
Vietnambiz.vn đưa tin, theo Tổ chức FAO, sản lượng và tiêu thụ chè thế giới tăng trưởng 4,4%/năm trong giai đoạn năm 2007 - 2016. Xu hướng tăng trưởng tiêu thụ và sản xuất chè được dự báo sẽ tiếp tục trong giai đoạn 2019 - 2023. FAO dự báo thị trường chè toàn cầu tăng trưởng kép hàng năm gần 5% trong giai đoạn 2019 - 2023, với quy mô thị trường chè đạt gần 12,62 tỉ USD. Trong đó châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực đóng góp vào sự tăng trưởng cao nhất của thị trường chè trong suốt giai đoạn dự báo. Sự gia tăng tiêu thụ chè là một trong những lý do chính cho sự tăng trưởng cao của thị trường chè ở khu vực này. Theo nghiên cứu, chè đen vẫn chiếm thị phần lớn.
Thẻ vàng IUU có thể phải chờ đến tháng 6
Thông tin từ thanhnien.vn, theo lịch trình, trong tháng 1.2019, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ xem xét lại vấn đề thẻ vàng của ngành hải sản VN. Tuy nhiên việc này đang bị trì hoãn, trong khi đó doanh số xuất khẩu thủy sản của VN sang thị trường EU đang bị thiệt hại nặng.
Năm 2019, ngành thủy sản đặt kế hoạch xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỉ USD, trong đó ngành tôm đạt 4,2 tỉ USD, cá tra 2,3 tỉ USD và hải sản 3,5 tỉ USD. Với hải sản, để đạt được con số trên, vấn đề tiên quyết là phải “gỡ” được thẻ vàng chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) của EU vì đây là một trong những thị trường tiêu thụ quan trọng.
Năm 2018, các nhóm hàng hải sản xuất khẩu đều tăng trưởng với tổng giá trị đạt trên 3,1 tỉ USD. Tuy nhiên, nếu xét theo thị trường thì một trong những thị trường quan trọng nhất là EU lại tăng trưởng âm.
Gỡ nút thắt tín dụng cho ngành lúa gạo
Theo VTV.vn, "Vốn" là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt và phải có những giải pháp để gỡ nút thắt về vốn cho các doanh nghiệp gạo hiện nay.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, với giá lúa như hiện nay, doanh nghiệp mua vào sẽ có lãi rất tốt. Các doanh nghiệp lớn có vốn nhiều sẽ rất thuận lợi, nhưng những nhà máy có quy mô nhỏ, thiếu vốn sẽ rất khó để đẩy mạnh việc thu mua lúa tạm trữ.
Các tổ chức tín dụng khẳng định sẽ đồng hành với doanh nghiệp, nông dân không chỉ trong vụ lúa Đông Xuân này mà còn ở các vụ mùa khác. Để nguồn vốn đầu tư hiệu quả hơn, ngành lúa gạo cần phải tái cơ cấu theo hướng bền vững.
Tính đến chiều 26/2, giá lúa ở ĐBSCL duy trì mức tăng từ 200 - 300 đồng/kg so với cách đây vài tuần. Hy vọng định hướng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, đặc biệt sự đồng hành từ các tổ chức tín dụng và việc đẩy mạnh thu mua của các doanh nghiệp sẽ giúp thị trường lúa gạo khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Việc tìm giải pháp cho thực trạng lúa gạo ĐBSCL bị rớt giá, khó bán đang là vấn đề nóng của ngành nông nghiệp trong thời gian gần đây. Ngày 26/2, tại tỉnh Đồng Tháp, Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL đã được tổ chức. Để ổn định giá cả, đầu ra cho người trồng lúa, tại hội nghị nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc tập trung thu mua tạm trữ, các doanh nghiệp cần dự báo được nhu cầu của thị trường về số lượng, chủng loại để đặt hàng nông dân sản xuất, đồng thời phải sớm có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp.
Dự báo Việt Nam xuất khẩu 6 triệu tấn gạo năm 2019
Trang vov.vn đưa tin, tại Hội nghị “Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra sáng 26/2 tại Đồng Tháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức, nhiều giải pháp đã được đề xuất nhằm giải quyết khó khăn trước mắt và lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL.
Trước sự vào cuộc chỉ đạo kịp thời, khẩn trương và quyết liệt của Chính phủ, giá lúa gạo đã tăng nhẹ 100-300 đồng/kg và nhiều đối tác đã đặt vấn đề nhập khẩu trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn.
Bên cạnh những điểm nghẽn, khó khăn, tín hiệu đáng mừng tại hội nghị này cho thấy mặc dù Chính phủ phải chỉ đạo doanh nghiệp mua lúa gạo dữ trữ và giá lúa đang xuống thấp nhưng triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới được dự báo nhiều khả năng sẽ có chuyển biến khá hơn. Bởi theo lãnh đạo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) trong năm nay, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt 6 triệu tấn, tương đương so với kết quả đã đạt được của năm ngoái, chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á./.
Australia đẩy mạnh xuất khẩu nho tươi vào Việt Nam
Trang thuongtruong.com.vn đưa tin, Đại sứ quán Australia cho biết, ba nhà trồng nho lớn từ Sunraysia (nơi cung cấp đến 99% sản lượng nho xuất khẩu) đại diện cho Hiệp hội Nho tươi Australia cùng với phái đoàn từ Cơ quan Thương mại Australia (Austrade), sẽ đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ ngày 28/2 đến ngày 1/3/2019 để quảng bá sản phẩm nho tươi, một loại trái cây cao cấp của quốc gia này.
Được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Taste Australia của Hort Innovation, hoạt động tiếp thị tới đây nhằm củng cố các mối quan hệ thương mại hiện có và xây dựng các mối quan hệ đối tác mới và hiệu quả.
Ngành nho tươi Australia đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ hàng năm về sản lượng xuất khẩu và đây là một kết quả rất khả quan đối với người trồng nho. Trong vòng bốn năm qua, xuất khẩu nho tươi của Australia đã tăng trưởng 73%, cho thấy nhu cầu ngày càng tăng của thị trường thế giới đối với sản phẩm chất lượng và cao cấp của Australia.
Nhiều nhà vườn đã trồng các giống mới với số lượng lớn theo giấy phép thương mại và đã bắt đầu xuất khẩu. Giống nho không hạt Thompson Seedless và Crimson Seedless dự kiến vẫn tiếp tục là các giống nho xuất khẩu chính của Australia.
Sẽ không có vướng mắc với DN thu mua lúa gạo khi vay ngân hàng
Theo VTV.vn, Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam khẳng định sẽ không có vướng mắc gì với doanh nghiệp thu mua lúa gạo khi vay ngân hàng.
Sau hội nghị bàn giải pháp về việc thu mua lúa gạo tại ĐBSCL trong buổi sáng 26/2/2019, ngành ngân hàng đã triển khai những bước đi cụ thể nhằm đảm bảo doanh nghiệp thu mua lúa gạo có thể tiếp cận vốn nhanh nhất.
DN trong quá trình sản xuất, thu mua và chế biến lúa gạo có thể nhận mức lãi suất ưu đãi từ 5 - 6% và thời hạn cho vay phù hợp.
Đối với ngành lúa gạo, đến cuối tháng 1 năm nay, dư nợ đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, trong đó, khu vực ĐBSCL đạt 50.000 tỷ, chiếm khoảng 50%, tăng 0,8% so với năm 2018.
Xuất khẩu hải sản của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, đạt 3,5 tỷ USD năm 2019
Theo Vov.vn, mặc dù mặt hàng hải sản phải chịu thẻ vàng IUU của EU nhưng năm 2018, vẫn xuất khẩu tăng trưởng ổn định. Xuất khẩu cá ngừ đạt gần 650 triệu USD, tăng 10% so với năm trước. Mực và bạch tuộc là sản phẩm giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định với 670 triệu USD, tăng 7%. Thị trường tiêu thụ lớn nhất là EU, Hàn Quốc,Nhật Bản, Mỹ…
VASEP cho biết, việc bị thẻ vàng cảnh báo của EU, hải sản xuất khẩu sang EU đều giảm 4 – 20%, trừ xuất khẩu cá ngừ. Khó khăn thứ 2 là sản lượng khai thác không đủ để đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu, Việt Nam đang phải tăng nhập khẩu nguyên liệu từ các nước. Hiện tại khi nhập khẩu hải sản về để chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác.
Năm 2019 dự kiến xuất khẩu hải sản tăng 17%, đạt 3,5 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu cá ngừ sẽ đạt 1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2018. Xuất khẩu cá biển khác 1,5 tỷ USD, tăng 7%; mực, bạch tuộc 750 triệu USD, tăng 8%; hải sản khác 250 triệu USD.
Xuất khẩu cao su giảm trong 2 tháng đầu năm 2019
Theo VOV.VN, ước tính tháng 2/2019, lượng cao su xuất khẩu đạt 51.000 tấn, trị giá 76 triệu USD, giảm 61,8% về lượng và 61% trị giá so với tháng 1/2019. Đây là tháng thứ hai liên tiếp kể từ đầu năm 2019, xuất khẩu cao su giảm nhưng tăng 18,2% về lượng và 2,9% trị giá so với tháng 2/2018. Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, ước đạt 186.000 tấn, trị giá 274 triệu USD.
Trung Quốc đại lục thị trường xuất khẩu chủ lực cao su của Việt Nam, chiếm 66,2% thị phần cao su xuất khẩu, đạt 104.000 tấn, trị giá 131,6 triệu USD, giá xuất bình quân chỉ đạt 1264,52 USD/tấn.
Thị trường đứng thứ hai là Ấn Độ đạt 13.500 tấn, trị giá 17,7 triệu USD. Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên thế giới (ANRPC), tiêu thụ cao su tự nhiên của Ấn Độ có thể tăng trưởng chậm lại, với mức tăng khoảng 4% trong năm 2019.
Đối với thị trường các nước EU và Đông Nam Á, xuất khẩu cao su đều giảm cả lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.
Nguồn: VITIC tổng hợp 

Nguồn:Vinanet