Giá lợn sẽ sớm chạm mốc 40.000 đồng/kg
Trang
nongnghiep.vn đưa tin, kinh nghiệm cho thấy, thịt lợn chiếm tới 70% nhu cầu thực phẩm của người Việt Nam và rất khó để tìm ra loại thịt nào thay thế. "Nếu thời điểm này, các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt lợn an toàn, nhất là sản phẩm thịt lợn được sản xuất theo chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, thì chắc chắn giá lợn sẽ tăng từ 32.000 - 33.000 đồng lên 40.000 đồng trong thời gian rất ngắn, thậm chí chỉ trong khoảng một tuần", ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Hiện nay, nguồn cung thịt lợn từ các trang trại chăn nuôi trong nước không nhiều. Tuy nhiên, do tâm lý lo sợ của người tiêu dùng đối với sản phẩm thịt lợn khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, nên nhu cầu sử dụng thịt lợn ở thời đoạn ngắn hạn sẽ bị hạn chế, thay vào đó là các thực phẩm khác như thuỷ sản, gia cầm, thịt bò, thịt trâu, trứng...
Ở Trung Quốc thời điểm hiện tại, do nguồn cung lợn đang ở mức thấp nên giá thịt lợn được đẩy lên rất cao. Thậm chí tăng tới 37% chỉ trong vòng 1 tuần.
Ô tô bán tải cháy hàng trước ngày tăng thuế
Thông tin từ
dantri.com.vn, từ 10/4/2019, lệ phí trước bạ xe bán tải (pick up) sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Nhiều người vội vàng tìm mua xe nhưng thị trường đang trong cảnh cháy hàng, xe thiếu, khách phải chờ.
Một lô xe nhập về cảng đến khi xong thủ tục và giao về đại lý phải mất 45 ngày. Lệ phí trước bạ áp cho xe bán tải hiện là 2%, từ 10/4 sẽ tăng lên mức 6-7,2% tùy từng địa phương. Với mức mới, chi phí bỏ ra khi đăng ký xe bán tải sẽ tăng thêm 24-50 triệu đồng.
Đa số khách hàng mua xe Pick up trong khoảng giá từ 650-800 triệu đồng, phí trước bạ sẽ tăng thêm từ 26-41 triệu đồng so với hiện nay. Số tiền này cũng không phải là quá cao. Vì vậy, cho dù có “cháy hàng” thì giá xe bán tải cũng khó có thể tăng. Nếu giá tăng thêm vài chục triệu đồng, khách hàng sẽ chẳng mua bởi ngang bằng với tiền nộp lệ phí trước bạ mới.
Tuy nhiên, khi lệ phí trước bạ tăng sẽ dẫn đến doanh số bán của dòng xe Pick up có nguy cơ giảm. Với những DN ô tô mà xe Pick up đóng góp doanh số lớn sẽ là vấn đề.
Vì thế, sau ngày 10/4 chắc chắn các DN sẽ có những chương trình ưu đãi để giữ doanh số. Một số đại lý tiết lộ, nhà cung cấp thông báo rằng khách mua xe bán tải sẽ được hỗ trợ 50% mức phí trước bạ tăng thêm. Như vậy, khi mua một chiếc bán tải sau ngày 10/4, nếu phải chi thêm 40 triệu đồng do phí trước bạ tăng thì thực tế khách chỉ phải bỏ ra 20 triệu đồng.
Trung Quốc muốn tăng mua tổ yến Việt Nam
Theo
thanhnien.vn, Cục Chăn nuôi ước tính sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam năm 2018 khoảng 68 tấn, giá 1.500 - 2.000 USD/kg, giá trị xuất khẩu thu về 100 - 125 triệu USD/năm. Đây thực sự là một ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện cả nước có 42/63 tỉnh thành có nghề nuôi chim yến với tổng số 8.304 nhà yến. Đồng bằng sông Cửu Long dẫn đầu về số lượng nhà nuôi yến, đứng thứ 2 là Đông Nam bộ, kế đó là các tỉnh duyên hải miền Trung.
Trung Quốc chiếm đến 80% thị phần yến sào toàn cầu. Ngay cả các sản phẩm yến ở các thị trường phương Tây cũng nhằm phục vụ cho người gốc Á tại các nước này. Nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu sản phẩm yến sào của người Trung Quốc không ngừng tăng trong những năm gần đây. Từ 3,1 tấn hồi năm 2014 lên tới 81,4 tấn trong năm 2017, tăng 26 lần. Năm 2018, số lượng nhập khẩu tiếp tục tăng 56% so với năm 2017. Giao dịch thương mại yến sào tiếp tục tăng vì nó là một nhánh ưu thế trong ngành thực phẩm bổ dưỡng truyền thống.
Số lượng doanh nghiệp trong ngành yến sào của Trung Quốc cũng chiếm con số áp đảo 56 doanh nghiệp so với 33 của Malaysia, 23 ở Indonesia và 2 của Thái Lan. Thị trường của Trung Quốc đang chuyển từ tổ yến sang các sản phẩm yến ăn liền và tổ yến sạch.
Nhu cầu thịt lợn tại các siêu thị lớn tăng mạnh
Trang
nongnghiep.vn đưa tin, mặc dù một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện ích như Coopmart, Vinmart+, BigC Thăng Long niêm yết giá cao hơn 20 – 30% so với "thịt lợn chợ", nhưng khá đông khách hàng vẫn tìm đến mua.
Trung bình mỗi ngày, hệ thống siêu thị Big C tiêu thụ hơn 5 - 7 tấn và Big C cam kết sẽ không có bất cứ biến động nào về giá, số lượng trong thời gian tới.
Tại chuỗi hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, giá thịt tại đây cao hơn 25 - 35% so với thịt lợn các nơi khác (trung bình 150.000 đồng/kg). Thậm chí, để kích cầu tiêu dùng thịt lợn, chuỗi cửa hàng này còn khéo léo kết hợp nhiều thực phẩm khác nhau để tạo nên những sét thực đơn món ăn khác nhau chứa đầy đủ dinh dưỡng trong mâm cơm (bao gồm thịt lợn ba chỉ, thịt sườn lợn, cá, thịt gà, trứng và rau củ quả, hải sản) với giá 780.000 đồng.
Ngoài ra, Sói Biển còn đưa ra chương trình đụng lợn hàng tuần vào ngày thứ 5. Mỗi con lợn sẽ được chia thành 18 suất, mỗi suất khoảng 4,5kg giá 500.000 đồng. Những con lợn phục vụ khách hàng được tuyển chọn kỹ lưỡng, có chất lượng tốt; sau khi giết mổ và sơ chế sẽ được hút chân không, đảm bảo an toàn thực phẩm. Để tránh phiền hà, cửa hàng nhận giao hàng tận nhà, miễn phí vận chuyển nội thành Hà Nội bán kính 7km. Các chương trình khuyến mãi trên giống như các nam châm, thu hút sự chú ý đặc biệt của người tiêu dùng.
Xuất khẩu rau, quả hướng tới mục tiêu 5 tỉ USD năm 2020
Theo
congthuong.vn, tại Hội thảo "Diễn đàn xuất khẩu và kết nối doanh nghiệp” nhiều ý kiến cho rằng, XK rau, quả sẽ đạt mốc 5 tỉ USD vào năm 2020.
Nếu như năm 2004, Việt Nam mới có 13 thị trường XK rau, quả trị giá trên 1 triệu USD, thì đến năm 2018, mặt hàng này đã được XK sang 55 thị trường, trong đó, 13 thị trường XK có giá trị trên 25 triệu USD. Trung Quốc vẫn là thị trường chính, chiếm trên 70% thị phần XK; tiếp theo là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan, Australia, Đài Loan (Trung Quốc)...
Một trong những giải pháp quan trọng là đàm phán mở rộng thị trường XK, trước mắt là các đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do; ký hiệp định công nhận kết quả lẫn nhau về kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, củng cố thị trường lớn, tiềm năng, mở thị trường XK mới... Cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp phải cập nhật nhu cầu, phù hợp với đối tượng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa bộ máy thương mại trong nước với cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.
Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực và sắp tới là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là cơ hội lớn để rau, quả của Việt Nam rộng đường vào các thị trường có quy mô lớn, sức tiêu thụ mạnh.
Lúa gạo ùn ứ, không nên tăng sản lượng
Theo
sggp.org.vn, vụ đông xuân 2018-2019, nông dân ĐBSCL xuống giống khoảng 1,6 triệu ha, tăng hơn 30.000ha; năng suất bình quân ước đạt 6,8 tấn/ha, tăng 0,1 tấn/ha so cùng kỳ năm trước, tổng sản lượng đạt gần 11 triệu tấn lúa hàng hóa.
Tuy nhiên, từ sau Tết, lúa gạo bắt đầu ùn ứ, giá thấp, nông dân không bán được và Thủ tướng đã phải tổ chức họp bàn giải pháp tiêu thụ; chỉ đạo các bộ, ngành thu mua 200.000 tấn gạo dự trữ và 800.000 tấn lúa (tương đương với 1,2 triệu tấn lúa) để tạo sự chuyển biến cho thị trường và giúp nông dân có thể đạt 30% lợi nhuận như mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.
Trong khi lúa đông xuân vẫn chưa thu hoạch xong, Bộ NN-PTNT đã họp sơ kết và triển khai kế hoạch sản xuất lúa hè thu. Theo đó, năm 2019, ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,6 triệu ha, tương đương với diện tích sản xuất vụ đông xuân. Tính chung cả năm 2019, ĐBSCL sẽ xuống giống trên 4,2 triệu ha lúa, với sản lượng đạt gần 26,5 triệu tấn, tăng gần 35.000ha về diện tích và hơn 644.000 tấn lúa so với năm 2018. Đây là điều rất đáng lo ngại trong bối cảnh hạn, mặn đang diễn biến phức tạp và sự phập phù của thị trường xuất khẩu gạo thời gian qua.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải giảm diện tích trồng lúa, nhất là lúa vụ 3 để chuyển đổi sang mô hình canh tác khác hiệu quả hơn.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, lúa gạo nước ta đang được sản xuất thặng dư trên 10 triệu tấn/năm. Nguồn cung tăng nhiều mà cầu không tăng tương xứng thì giá phải sụt giảm, hơn nữa, trồng lúa cần nhiều nước ngọt nhưng giá gạo lại quá thấp, dân trồng lúa không được hưởng lợi bao nhiêu. Do vậy, dứt khoát phải giảm diện tích trồng lúa, chuyển các diện tích lúa bấp bênh, vốn đầu tư cao ở vùng phèn nặng, nhiễm mặn sang nuôi trồng cây con khác có giá trị cao, như trồng cây ăn trái thích hợp, nuôi cá đồng, nuôi tôm…
Theo các chuyên gia, một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện nay là phải đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng gia tăng giá trị, cải thiện thu nhập cho người trực tiếp làm ra lương thực, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng duy trì sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực bền vững, chứ không thể năm nào cũng gia tăng diện tích và sản lượng như một căn bệnh thành tích mà nông dân trồng lúa lại là người luôn chịu thiệt thòi!
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet