menu search
Đóng menu
Đóng

TT vật liệu xây dựng: Cung đáp ứng đủ cầu

07:00 22/04/2019

Vinanet -Theo thông tin từ trang điện tử vật liệu xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng tiếp tục được kiểm soát, phát triển ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu nội địa.
Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, thị trường vật liệu xây dựng trong những tháng đầu năm không có nhiều biến động, hiện nhiều ngành hàng vật liệu xây dựng đang từng bước đẩy mạnh xuất khẩu, chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên.
Đối với mặt hàng thép, dù liên tục phải đối mặt với những khó khăn do các vụ kiện phòng vệ thương mại, quý I/2019, sản lượng sản xuất sắt, thép thô vẫn tăng mạnh.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, những tháng đầu năm 2019, giá nguyên liệu quặng sắt, sắt, thép vụn trên thế giới tăng mạnh đã khiến giá thép trong nước cũng tăng theo.
Tháng 1, 2/2019, giá thép điều chỉnh tăng 400.000 - 500.000 đồng/tấn. Hiện, giá thép trong nước khoảng 12,5 - 12,6 triệu đồng/tấn. Mặc dù tăng giá nhưng mức tiêu thụ của mặt hàng này vẫn rất tốt.
Cụ thể, tiêu thụ các sản phẩm thép tháng 1/2019 đạt 1.958.009 tấn, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 2/2019, đạt 1.648.961 tấn, giảm 15,87% so với tháng trước nhưng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 3/2019, sản lượng sắt, thép thô đạt 1.684.000 tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018.
Về xuất khẩu, số liệu thống kê sơ bộ mới đây của Tổng cục Thống kê, tháng 3/2019 đã xuất khẩu trên 554 triệu tấn, trị giá 366,3 triệu USD, tăng 20,9% về lượng và 25,9% trị giá so với tháng 2/2019, nâng lượng sắt thép xuất khẩu quý 1/2019 lên 1,7 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá 1,1 tỷ USD, twang 24,2% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về tăng trưởng của ngành thép trong năm nay, Bộ Công Thương cho biết, ngành thép có triển vọng tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Năm 2019, Dự án thép Formosa Hà Tĩnh sẽ vận hành 2 lò cao hết công suất; thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến cũng được đưa vào vận hành… Dự kiến mức tăng trưởng của ngành thép trong năm nay cao hơn khoảng 10% so với năm 2018.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành thép cũng phải đối mặt với một số khó khăn do trào lưu bảo hộ thương mại và phụ thuộc vào giá nguyên liệu thế giới. Cùng với đó, năm 2019, giá điện tăng cũng khiến ngành thép thêm khó khăn. Theo ước tính của Hiệp hội này, giá điện tăng 8,36%, giá thép có thể tăng khoảng 100.000 đồng/tấn.
Trước tình hình đó, Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp tăng cường các biện pháp quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất để giảm tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là điện. Việc làm này không chỉ giúp giảm tối đa tác động của việc tăng giá điện mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, tăng chất lượng sản phẩm và mức giá sẽ hợp lý hơn.
Đối với mặt hàng xi măng, theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam tháng 3/2019 đã xuất khẩu được 3,42 triệu tấn, trị giá 145,3 triệu USD, tăng 49,8% về lượng và 49,5% trị giá so với tháng 2/2019 nâng lượng xi măng xuất khẩu quí 1/2019 lên 8,55 triệu tấn, trị giá 364,5 triệu USD, tăng 0,9% về lượng và 23,3% trị giá so với cùng kỳ.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành để có những điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các nhà máy ximăng hoạt động ổn định; đồng thời, sử dụng hợp lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án xây dựng.
Theo đó, các quy hoạch sản phẩm thuộc lĩnh vực vật liệu xây dựng và vấn đề phát sinh trong quản lý Nhà nước được rà soát, tổng hợp lại sau khi quy hoạch sản phẩm thuộc lĩnh này hết hiệu lực ngày 31/12/2018. Từ đó, đề xuất một số giải pháp quản lý thay thế cho quy hoạch sản phẩm vật liệu xây dựng khi hết hiệu lực theo quy định của Luật Quy hoạch và báo cáo lên Chính phủ.
Một số nội dung đang được Bộ Xây dựng tập trung như Chiến lược Phát triển công nghiệp ximăng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050; Đề án Nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến 2025; tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung…
Cùng với việc đôn đốc các địa phương thực hiện đúng lộ trình xóa bỏ lò gạch, lò vôi thủ công và tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng thời gian tới là rà soát, bổ sung danh mục vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được nhằm kiểm soát, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; xử lý kịp thời vướng mắc về khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu ximăng…
Nguồn: VITIC Tổng hợp

Nguồn:Vinanet