menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11/2019 giảm nhưng nhập khẩu tăng

09:20 11/12/2019

Vinanet - Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11/2019 giảm tháng thứ 4 liên tiếp, cho thấy áp lực kéo dài cho các nhà sản xuất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, nhưng tăng trưởng nhập khẩu cho thấy các bước kích thích của Bắc Kinh đang khơi dậy nhu cầu.
Tranh chấp thương mại kéo dài 17 tháng đã nâng cao nguy cơ suy thoái toàn cầu, và gây suy đoán rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể tung thêm kích thích khi tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới thấp nhất trong gần 30 năm.
Xuất khẩu giảm 1,1% trong tháng 11/2019 so với tháng 11/2018, dự đoán của giới phân tích trong thăm dò của Reuters là tăng 1% và giảm 0,9% trong tháng 10/2019.
Nhập khẩu bất ngờ tăng 0,3% so với một năm trước, đánh dấu tăng trưởng lần đầu tiên kể từ tháng 4/2019 và so với dự đoán của các nhà kinh tế sụt giảm 1,8%.
Số liệu nhập khẩu tốt hơn dự kiến có thể chỉ ra nhu cầu trong nước đang mạnh, sau khi hoạt động sản xuất có những dấu hiệu bất ngờ cải thiện gần đây, mặc dù các nhà phân tích lưu ý sự phục hồi có thể khó duy trì trong bối cảnh nguy cơ thương mại.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 11/2019 đứng ở mức 38,73 tỷ USD, so với dự đoán thặng dư 46,3 tỷ USD trong một thăm dò và 42,81 tỷ USD thặng dư ghi nhận trong tháng 10/2019.
Căng thẳng thương mại
Bắc Kinh và Washington đang đàm phán giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại nhằm giảm tranh chấp thương mại leo thang nhưng họ tiếp tục tranh cãi về các chi tiết quan trọng.
Một dự thảo luật của Mỹ nhắm tới các phe phái dân tộc tiểu số Hồi giáo ở Tân Cương và các dự luật khác hỗ trợ người biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong cũng khiến Bắc Kinh nổi giận, tiếp tục gây u ám cho triển vọng của thỏa thuận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang đi đúng hướng, tạo ra một giai điệu lạc quan ngay cả khi các quan chức Trung Quốc giữ vững quan điểm của họ rằng thuế quan hiện nay phải được loại bỏ như một phần của thỏa thuận tạm thời. Trước đó Trump đã làm náo loạn thị trường toàn cầu khi ông cho biết thỏa thuận có thể phải đợi cho đến sau bầu cử năm 2020.
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết thời hạn chót ngày 15/12/2019 vẫn diễn ra việc áp thuế mới của Mỹ với hàng hóa trị giá 156 tỷ USD của Trung Quốc, nhưng Tổng thống thích các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra.
Một quan chức Trung Quốc trả lời phỏng vấn của Reuters rằng Trung Quốc sẽ thực thi thuế riêng của họ như một biện pháp đối phó nếu thuế quan ngày 15/12 diễn ra, điều này có thể phá vỡ cơ hội cho một thỏa thuận thương mại ngắn hạn.
Trump đã yêu cầu Trung Quốc xác nhận cụ thể lượng nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ trong số các nhượng bộ khác về quyền sở hữu trí tuệ, tiền tệ và tiếp cận các thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 11/2019 đứng ở mức 24,6 tỷ USD, theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu của hải quan, giảm so với thặng dư 26,45 tỷ USD trong tháng trước.
Trong ngày 6/12/2019, Trung Quốc đã xác nhận họ sẽ bỏ thuế nhập khẩu với một số lô hàng đậu tương và thịt lợn từ Mỹ.
Nhu cầu trong nước
Nhập khẩu đồng tăng 12,1% trong tháng 11/2019 do lĩnh vực sản xuất cải thiện, theo số liệu của hải quan.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tháng 11/2019 trở lại tăng trưởng lần đầu tiên trong 7 tháng, với một khảo sát tư nhân chỉ ra hoạt động sản xuất tăng ở tốc độ nhanh nhất trong gần 3 năm.
Nhưng lợi nhuận sản xuất công nghiệp và giá đang giảm cho thấy áp lực giảm liên tục lên lĩnh vực này.
Nhập khẩu quặng sắt giảm tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 1/2019, bởi nhập khẩu giảm từ các công ty khai mỏ hàng đầu ở Australia và Brazil bất chấp nhu cầu mạnh tại các nhà máy.
Mặc dù nền kinh tế tăng trưởng yếu, Bắc Kinh vẫn không muốn thực hiện các kích thích kinh tế lớn vì sợ rủi ro cho tài chính do mức độ nợ cao.
Thay vào đó các nhà chức trách đã lựa chọn thêm các biện pháp như giảm lãi suất gia tăng và đưa ra 1 nghìn tỷ CNY (142,1 tỷ USD) trong hạn ngạch trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương.
Nguồn: VITIC/Reuters