• USD hồi phục
• ECB hạ 25 điểm cơ bản lãi suất tiền gửi xuống còn 2,25%
• Các nhà đầu tư tập trung vào các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ
• Đồng USD hưởng lợi từ việc bán kiệt sức
Đồng USD tăng giá vào thứ năm sau giai đoạn sụt giảm gần đây, trong khi đồng euro suy yếu nhẹ sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu cắt giảm lãi suất lần thứ bảy trong một năm. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, Dollar index vẫn giảm.
Tuần này, USD tương đối ổn định, sau khi giảm mạnh vào tuần trước do lo ngại về tác động kinh tế của thuế quan và các nhà đầu tư Mỹ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài.
“Hầu hết các loại tiền tệ G10 đã có đợt tăng giá mạnh và vì vậy tôi nghĩ rằng USD chỉ đang trong giai đoạn tạm dừng giảm vào lúc này”, Eric Theoret, chiến lược gia ngoại hối tại Scotiabank cho biết. “Quan điểm trung hạn của chúng tôi vẫn là bi quan về đồng USD, vì vậy chúng tôi chỉ coi đây là một đợt đi ngang”.
Các nhà giao dịch đang theo dõi chặt chẽ các cuộc thảo luận giữa chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đối tác thương mại để tìm kiếm dấu hiệu về thỏa thuận có thể làm rõ một số mục tiêu của chính quyền của ông Trump.
Hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, mặc dù ông không đưa ra thông tin cụ thể hoặc dấu hiệu nào về cách các cuộc đàm phán sẽ diễn ra với hai siêu cường.
Ông Trump và đồng minh thân cận là Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã bày tỏ sự lạc quan về việc giải quyết căng thẳng thương mại đã làm căng thẳng quan hệ Mỹ-Châu Âu, trước các cuộc đàm phán tại Nhà Trắng.
Ông Trump cũng đã ca ngợi "tiến triển lớn" trong các cuộc đàm phán thuế quan với Nhật Bản vào thứ Tư.
ECB đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022, với mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế khu vực đồng euro vốn đang gặp khó khăn và sẽ chịu tác động lớn từ thuế quan của Mỹ.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell hôm thứ Tư cho biết Fed sẽ chờ thêm dữ liệu về hướng đi của nền kinh tế trước khi thay đổi lãi suất, nhưng cảnh báo rằng các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump có nguy cơ đẩy lạm phát và việc làm xa hơn so với mục tiêu của ngân hàng trung ương. Ông Trump hôm thứ Năm đã kêu gọi ngân hàng trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất.
Số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm vào tuần trước, cho thấy điều kiện thị trường lao động vẫn ổn định vào tháng 4.
Đồng euro đã giảm 0,41% trong phiên vừa qua, xuống 1,1351 USD và đang gần sát mức cao nhất trong ba năm là 1,1473 USD đạt được vào thứ Sáu. So với đồng yên Nhật, USD đã tăng 0,51% lên 142,54. Trước đó, đồng USD ở mức 141,60, thấp nhất kể từ ngày 18 tháng 9.
Khối lượng giao dịch tiền tệ đã giảm trước Thứ Sáu Tuần Thánh, khi hầu hết các thị trường Mỹ sẽ đóng cửa mặc dù thị trường hối đoái vẫn mở.
So với đồng franc Thụy Sĩ, USD tăng 0,97% lên 0,821.
Trong khi đó, đồng đô la New Zealand tăng 0,59% lên 0,5968 USD sau dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của New Zealand tăng nhanh hơn dự kiến trong quý đầu tiên của năm nay. Đồng tiền của New Zealand trước đó đã đạt 0,5975 USD, mức cao nhất kể từ ngày 11 tháng 11.
Đồng đô la Australia tăng 0,24% lên 0,6385 USD. Dữ liệu cho thấy việc làm của Australia đã phục hồi vào tháng 3.
Bảng Anh tăng 0,1% lên 1,3253 USD sau khi đạt 1,3292 USD vào thứ Tư, mức cao nhất kể từ ngày 2/10.
Trên thị trường tiền điện tử, bitcoin tăng 0,97% lên 85.117 USD.
• Vàng dừng tăng sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại - 3.357,40 USD/ounce
• Palladium giảm hơn 1%
Giá vàng giảm sau khi tăng mạnh trong phiên trước đó khi các nhà đầu tư chốt lời trước kỳ nghỉ cuối tuần dài ở Mỹ, song vẫn duy trì trên mức 3.300 USD/ounce.
Giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 3.317,87 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức cao kỷ lục 3.357,40 USD. Tính chung cả tuần, vàng đã tăng hơn 2%. Hợp đồng vàng kỳ hạn tương lai chốt phiên giảm 0,5%, còn 3.328,40 USD/ounce.
Trong khi đó, giá bạc giao ngay giảm 0,9% xuống 32,44 USD/ounce, bạch kim gần như đi ngang ở mức 967,08 USD, trong khi palađi giảm 1,5% còn 956,92 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD phục hồi nhẹ nhưng vẫn hướng đến mức giảm hàng tuần. Đồng USD yếu khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người nắm giữ các đồng tiền khác.
"Tôi nghĩ (vàng) đã bị mua quá mức và có một số hoạt động chốt lời đang diễn ra... Tuy nhiên, giá vàng sẽ không giảm mạnh vì bối cảnh vào năm 2025 vẫn còn rất bất ổn", nhà phân tích Edward Meir của Marex cho biết.
Giá vàng tăng mạnh 3,6% vào thứ Tư, do lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump mở cuộc điều tra về thuế quan tiềm tàng đối với tất cả các mặt hàng khoáng sản quan trọng nhập khẩu, bên cạnh việc xem xét thuế nhập khẩu dược phẩm và chip.
"Chúng tôi vẫn lạc quan về vàng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn có khả năng xảy ra các đợt điều chỉnh khi những người chơi chiến thuật chốt lời hoặc có thể gặp phải các cuộc gọi ký quỹ do một đợt thanh lý cổ phiếu khác gây ra", công ty tư vấn Metals Focus cho biết.
• Giá dầu tăng trong phiên thứ Năm và cả tuần cũng tăng nhờ hy vọng về thỏa thuận thương mại
• Mỹ ban hành lệnh trừng phạt mới nhắm vào các nhà nhập khẩu dầu của Iran ở Trung Quốc
• Iraq, Kazakhstan và các nước khác sẽ cắt giảm sản lượng hơn nữa theo kế hoạch của OPEC
Giá dầu đã tăng hơn 3% do kỳ vọng vào một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu, cùng với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu dầu của Iran – những yếu tố làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.
Giá dầu Brent tăng 2,11 USD, tương đương 3,2%, lên 67,96 USD/thùng; dầu WTI của Mỹ tăng 2,21 USD, tương đương 3,54%, lên 64,68 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và WTI đều tăng khoảng 5%, là tuần tăng đầu tiên trong ba tuần qua. Phiên thứ Năm là phiên cuối tuần ở Mỹ vì thứ Sáu nghỉ lễ.
Theo ông Bob Yawger, Giám đốc mảng giao dịch năng lượng thuộc Mizuho, nếu đạt được thỏa thuận với EU, tác động tiêu cực của các chính sách thuế quan đến nhu cầu dầu có thể được hạn chế.
Các nhà phân tích thuộc Gelber and Associates cho biết: “Mỹ tiếp tục tích cực áp đặt lệnh trừng phạt Iran và các khách hàng mua dầu Iran. OPEC+ cũng đã cập nhật và trấn an thị trường rằng họ vẫn kiểm soát được tình hình và có khả năng linh hoạt cắt giảm sản lượng nếu cần thiết”.
Tuy nhiên, cùng thời điểm, OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và nhiều ngân hàng như Goldman Sachs và JPMorgan đã cắt giảm dự báo về giá dầu và tăng trưởng nhu cầu, trong bối cảnh các biện pháp thuế quan từ Mỹ và động thái trả đũa từ các quốc gia khác.
• Giá đồng giảm
• Giá quặng sắt dao động nhẹ
Giá đồng trên sàn London giảm nhẹ do USD tăng. Tuy nhiên, giá vẫn dao động trong biên độ hẹp do khối lượng giao dịch thấp trước kỳ nghỉ lễ Phục Sinh kéo dài bốn ngày, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giá đồng giao sau ba tháng trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) giảm 0,1%, xuống còn 9.195 USD/tấn. Đồng - kim loại phụ thuộc vào tăng trưởng – đã giảm giá 5% trong tháng này do xung đột thương mại gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gây lo ngại ảnh hưởng đến trưởng toàn cầu và nhu cầu về kim loại công nghiệp.
"Thuế quan có thể đã đạt đỉnh, nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt", các nhà phân tích tại Citi cho biết trong một lưu ý nghiên cứu.
Citi dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống 2,1% trong năm nay, giảm so với mức dưới 3% của năm ngoái, với mức tăng trưởng vào năm 2026 dự kiến chỉ phục hồi nhẹ lên 2,3%.
Giá nhôm trên sàn LME giảm 0,4% xuống 2.372,5 USD/tấn. Nhôm hiện đang chịu mức thuế nhập khẩu 25% của Mỹ và đã giảm 7% kể từ đầu năm.
Nhà sản xuất Alcoa cho biết ngay cả khi toàn bộ công suất luyện nhôm đang ngưng hoạt động tại Mỹ được khởi động lại, nước này vẫn sẽ thiếu hụt khoảng 3,6 triệu tấn nhôm. Công ty dự báo các biện pháp thuế quan đối với nhôm nhập khẩu từ Canada sẽ khiến họ thiệt hại 90 triệu USD trong quý này.
Trong nhóm kim loại khác, giá kẽm và nickel đều tăng nhẹ 0,1% lên lần lượt 2.58,5 USD/tấn và 15.695 USD/tấn; chì tăng 0,8% lên 1.922 USD/tấn, trong khi thiếc giảm 0,2% xuống còn 30.720 USD/tấn. Sàn LME sẽ đóng cửa vào thứ Sáu tuần này và thứ Hai tuần tới nhân dịp lễ Phục Sinh.
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc biến động nhẹ do các yếu tố cung – cầu trong ngắn hạn tích cực, nhưng triển vọng nhu cầu không chắc chắn bởi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE), hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2025 chốt phiên tăng nhẹ 0,07% lên 707 nhân dân tệ (tương đương 96,79 USD)/tấn, sau khi có lúc chạm 718 nhân dân tệ – mức cao nhất kể từ ngày 8/4.
Trong khi đó, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2025 trên Sàn Giao dịch Singapore giảm 0,24% xuống còn 97,95 USD/tấn, sau khi có lúc chạm 99,25 USD – mức cao nhất kể từ ngày 10/4.
Nguồn cung giảm do thời tiết khắc nghiệt trong quý trước cùng với nhu cầu vững chắc trong ngắn hạn đang hỗ trợ giá của nguyên liệu sản xuất thép quan trọng này.
Sản lượng thép thô bình quân mỗi ngày của các nhà máy thành viên thuộc Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA) trong 10 ngày đầu tháng 4 đạt khoảng 2,2 triệu tấn, tăng 3,4% so với 10 ngày liền trước. Riêng trong tháng 3, sản lượng thép thô của Trung Quốc tăng 4,6% lên 92,84 triệu tấn – mức cao nhất trong vòng 10 tháng.
• Giá lúa mì tăng do lo ngại về thời tiết, đường và cao su cũng tăng
• Giá đậu tương, ngô và cà phê giảm
Giá lúa mì Mỹ tăng do lo ngại rằng lượng mưa dự báo sẽ không đủ để làm giảm tình trạng khô hạn ở một số vùng sản xuất lúa mì của Mỹ. Giá ngô và đậu tương tương lai giảm khi các nhà giao dịch chốt lời trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh dài.
Các đại lý vẫn đang chờ đợi tin tức về các cuộc đàm phán thương mại có thể diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ, có thể khởi động lại hoạt động xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết phần lớn tác động của cuộc chiến thương mại đã được tính vào giá cả, chuyển sự chú ý của thị trường sang các yếu tố khác.
Kết thúc phiên, giá lúa mì trên Sàn giao dịch Chicago tăng 1 US cent lên 5,48-3/4 USD/bushel; ngô giảm 1-1/2 US cent xuống 4,90-1/4 USD/bushel, đậu tương giảm 2-1/4 US cent xuống 10,36-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô tăng 0,07 cent, tương đương 0,4%, lên 17,93 cent mỗi lb, sau khi chạm mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi vào tuần này là 17,51 cent, trong khi đường trắng tăng 0,3%, lên 498,90 USD mỗi tấn.
Các nhà giao dịch cho biết thị trường đường đang chịu áp lực từ lo ngại về nhu cầu yếu và nguy cơ suy thoái do thuế quan, cũng như kỳ vọng sản lượng từ Thái Lan, Ấn Độ, và có thể cả Brazil sẽ tăng lên.
Giá cà phê arabica giảm 1,2 cent, tương đương 0,3%, xuống 3,726 USD mỗi lb, sau khi tăng 1,8% vào thứ Tư, trong khi cà phê robusta giảm 1,9% xuống 5.277 USD mỗi tấn. Tính chung cả tuần, giá arabica tăng 5,3%, trong khi robusta tăng 5%.
Giá cà phê tại Việt Nam tăng trong tuần này khi sự chú ý chuyển sang nguồn cung hạn chế sau khi Mỹ tạm ngừng tăng thuế quan, trong khi giá cà phê ở Indonesia chuyển sang giảm giá.
Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản phục hồi sau hai phiên giảm liên tiếp do dữ liệu kinh tế khả quan từ Trung Quốc giúp cải thiện tâm lý thị trường, cùng với nguồn cung hạn chế do sản lượng thấp theo mùa.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên Sở Giao dịch Osaka tăng 6 yên, tương đương 2,1%, lên 292,1 yên (2,05 USD)/kg. Trong khi đó, hợp đồng cao su tháng 9 trên Sàn Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải giảm 95 nhân dân tệ, tương đương 0,64%, còn 14.640 nhân dân tệ (2.003,5 USD)/tấn.
Trên sàn SICOM Singapore, hợp đồng cao su giao tháng 5 chốt phiên ở mức 165,9 US cent/kg, tăng 0,5%. Thị trường tài chính Singapore sẽ nghỉ lễ vào thứ Sáu và giao dịch sẽ được nối lại vào thứ Hai, ngày 21 tháng 4.
Hợp đồng cao su butadien kỳ hạn tháng 5 trên sàn Thượng Hải giảm 155 nhân dân tệ, tương đương 1,38%, xuống 11.115 nhân dân tệ (1.521,1 USD)/tấn.
Nguồn cung nguyên liệu cao su trên toàn cầu vẫn ở mức thấp, với sản lượng khai thác nội địa rất hạn chế, theo công ty tư vấn Trung Quốc Jinlianchuang. Việc khai thác cao su dự kiến sẽ tăng trở lại vào tháng 5 khi các vùng sản xuất bước vào mùa thu hoạch.
Cây cao su thường trải qua giai đoạn sản lượng thấp từ tháng 2 đến tháng 5, trước khi bước vào mùa thu hoạch cao điểm kéo dài đến tháng 9.
Cơ quan khí tượng Thái Lan cảnh báo mưa lớn có thể gây lũ quét và ngập lụt tại khu vực phía nam từ ngày 17–20 tháng 4.

Nguồn:VITIC tổng hợp