Ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá hàng hóa cũng giúp cho dòng tiền của giới đầu tư nội địa chảy mạnh vào thị trường này. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh 25% lên xấp xỉ 5.000 tỉ đồng. Trong đó, giá trị của riêng nhóm năng lượng cũng chiếm đến 50%.
Giá dầu thô bất ngờ tăng 6%
Giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày hôm qua, trước một số tín hiệu tích cực từ Trung Quốc và khả năng căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraine. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng mạnh 6,69% lên 100,6 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 6,26% lên 104,64 USD/thùng.
Dầu thô tăng gần như không điều chỉnh từ phiên sáng, một phần dưới tác động của các lực bắt đáy. Thông tin Thượng Hải đang phân loại các khu dân cư không còn chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, phần nào tiến tới dỡ bỏ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất đang được áp dụng tại Trung Quốc cũng hỗ trợ tâm lý cho thị trường, bất chấp một loạt các thành phố lớn khác vẫn đang bị đặt dưới các lệnh kiểm soát. Điều này làm giảm lo ngại về nhu cầu sụt giảm từ phía Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cho biết các cuộc đàm phán với Ukraine đang đi vào “ngõ cụt” và sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đã 7 tuần kể từ khi xung đột bắt đầu và hàng loạt các cuộc đối thoại ngoại giao diễn ra, tuy nhiên phát biểu trên củng cố nhận định rằng cuộc chiến sẽ không thể nhanh chóng kết thúc.
Hai báo cáo thị trường dầu tháng 3 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cũng không cản trở đà tăng của giá dầu, mặc dù cả 2 tổ chức đều cắt giảm dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu thô của thế giới trong năm 2022 so với báo cáo tháng 03, lần lượt ở mức 480.000 thùng/ngày và 800.000 thùng/ngày.
Nguyên nhân một phần là do sản lượng thực tế của OPEC trong tháng vừa rồi thiếu hụt mạnh so với hạn ngạch đề ra. Cụ thể, 10 thành viên tham gia thỏa thuận chỉ tăng sản lượng ở mức 79.000 thùng/ngày, so với cam kết tăng 253.000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, báo cáo của 2 tổ chức năng lượng cũng thể hiện rằng vẫn còn nhiều khác biệt trong dự báo về sản lượng dầu sụt giảm thực tế của Nga. OPEC hạ dự báo sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga trong cả năm 2022 ở mức 531.000 thùng/ngày xuống 11,23 triệu thùng/ngày, còn EIA hạ dự báo sản lượng dầu thô Nga ở mức 10,83 triệu thùng/ngày xuống 10,43 triệu thùng/ngày.
Trên thị trường nội địa, từ ngày 12/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh mỗi lít xăng giảm 830 - 840 đồng, còn dầu hoả, diesel hạ khoảng 700 - 740 đồng.
Nhóm kim loại khởi sắc
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tiếp tục tăng nhẹ 0,7% lên 1.966 USD/ounce, còn giá bạc đóng cửa cao hơn gần 3% lên 25,7 USD/ounce. Trái lại, giá bạch kim giảm nhẹ 0,6% về 972,4 USD/ounce. Phần lớn các mặt hàng kim loại quý đều nhận được sức mua lớn nhờ vai trò trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát trên toàn cầu ngày một leo thang.
Không chỉ Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới được công bố của Mỹ cũng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, và 1,2% so với tháng 2, vượt dự đoán của các chuyên gia và vẫn mạnh nhất trong vòng 40 năm. Chỉ số CPI lõi (ngoại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm) tăng 0,3% so với tháng 2, thấp hơn mức dự báo.
Mức chênh lệch lớn giữa hai chỉ số này cho thấy áp lực lạm phát của Mỹ vẫn bắt nguồn từ sự leo thang của giá năng lượng và thực phẩm. Tin tức tiêu cực này khiến cho triển vọng tăng trưởng của Mỹ cũng đi xuống và kéo theo sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ.
Dòng vốn vì vậy mà phân bổ vào các thị trường trú ẩn an toàn hàng đầu như vàng, bạc và trái phiếu. Giá bạch kim không giữ được sắc xanh bởi nhiều khả năng giá năng lượng tăng cao sẽ làm giảm sức mua xe ô tô mới, và trực tiếp làm ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ bạch kim trên toàn cầu.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, phần lớn các mặt hàng đã khôi phục lại sắc xanh. Giá đồng tăng 1,6% và lấy lại mức 4,71 USD/pound, giá quặng sắt cũng tăng 2,5% lên 155,6 USD/pound. Ngoài ra, phần lớn các mặt hàng khác trên Sở LME cũng nhận được sức mua lớn trong phiên hôm qua.
Áp lực lạm phát gia tăng khiến cho các loại nguyên vật liệu đầu vào thiết yếu như kim loại trở nên giá trị hơn. Không chỉ chi phí sản xuất tăng, áp lực gián đoạn trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu cũng khiến cho các mặt hàng kim loại này khó tới tay người tiêu dùng hơn.
Trên thị trường thép nội địa, các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên mức giá niêm yết trong gần một tháng qua.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV