menu search
Đóng menu
Đóng

Tin MXV sáng 20/5: Các mặt hàng kim loại đồng loạt khởi sắc, năng lượng phân hóa

10:00 20/05/2022

Kết thúc phiên giao dịch 19/05, mặc dù nhóm Nông sản và Công nghiệp đều suy yếu nhẹ, nhưng mức tăng mạnh của nhóm Năng lượng và đặc biệt là Kim loại đã giúp chỉ số MXV-Index phục hồi hơn 1%, lên mức 3.008,54 điểm.

Dòng tiền chảy vào thị trường hàng hóa có sự chững lại trong ngày hôm qua, sau khi đã gia tăng mạnh trong nửa đầu tuần. Giá trị giao dịch toàn Sở giảm mạnh hơn 20% về mức 6.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá trị của nhóm kim loại lại có sự bứt phá rõ rệt với mức tăng đến gần 70%, lên 1.500 tỉ đồng.

Kim loại bứt phá khi đồng dollar Mỹ suy yếu
Đóng cửa phiên hôm qua, bảng giá kim loại phủ kín trong sắc xanh. Giá vàng có phiên thứ 2 tăng liên tiếp với mức tăng 1,44% lên 1.841,72 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc và bạch kim đã lấy lại được sắc xanh với mức tăng lần lượt là 1,69% lên 21,9 USD/ounce và 3,17% lên mức 953,7 USD/pound.
Trong 5 phiên giao dịch gần nhất, giá bạc đã có 4 phiên tăng, tuy nhiên vẫn ở vùng thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Nhóm kim loại quý chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ chủ yếu là do sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ và mức giảm của lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm trong phiên hôm qua. Điều này đã làm giảm áp lực đối với chi phí nắm giữ vật chất, hỗ trợ cho đà tăng của bạc và bạch kim.
Ngoài ra, bất chấp những tín hiệu suy thoái từ Mỹ khi số đơn trợ cấp thất nghiệp trong tuần vừa qua đạt mức 218.000 người, mức cao nhất trong vòng 4 tháng, sự phục hồi tích cực của nền kinh tế Trung Quốc đã giúp bạc và bạch kim khôi phục sắc xanh. Hai mặt hàng này vốn là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là ô tô và điện tử, hai thế mạnh lớn trong nền kinh tế tại quốc gia này.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX ghi nhận mức tăng mạnh mẽ 2,5% lên 4,28 USD/pound, mức giá cao nhất trong vòng 1 tuần, trong khi giá quặng sắt cũng tăng hơn 1% và đóng cửa ở mức 126,51 UD/tấn. Đây là phiên tăng theo phần trăm mạnh nhất của giá đồng kể từ đầu tháng 3 tới nay, là dấu hiệu cho thấy thị trường có thể đã trải qua giai đoạn tiêu cực.
Giá của cả hai loại mặt hàng này đều đang được hỗ trợ chủ yếu nhờ vào những tín hiệu tích cực trong việc khôi phục các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, kế hoạch của Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng sẽ chứng kiến một con số khổng lồ khoảng 5,3 nghìn tỷ USD sẽ được bơm vào nền kinh tế trong năm nay, tương đương với khoảng 1/3 nền kinh tế trị giá 17 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Thông tin này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc nhanh chóng đẩy mạnh tốc độ phục hồi đầu tư và sản xuất.
Về phía nguồn cung, vào hôm qua, Chính phủ Peru lần thứ 4 thất bại sau những nỗ lực đàm phán với các cộng đồng bản địa để cho phép khởi động lại hoạt động tại mỏ đồng Las Bambas, chiếm 2% nguồn cung toàn cầu. Thông tin này cũng đã hỗ trợ cho giá đồng tăng do những lo ngại về nguồn cung vẫn chưa được tháo gỡ.
Giá dầu diễn biến bất thường
Thị trường năng lượng tiếp tục cho thấy sự biến động thất thường trong ngày hôm qua, khi giá hai loại dầu thô tăng trở lại sau 2 phiên giảm trước đó. Cụ thể, giá dầu WTI tháng 7 đóng cửa tăng 2,6% lên mức 109,89 USD/thùng và giá dầu Brent tháng 7 tăng 2,69% lên mức 112,04 USD/thùng.

Sau khi hợp đồng kỳ hạn tháng 6 đáo hạn, hợp đồng dầu WTI có khối lượng giao dịch nhiều nhất là tháng 7, hiện đã quay trở về mức giá thấp hơn so với dầu Brent, điều thường xảy ra trong hàng chục năm qua. Bên cạnh đó, giá xăng RBOB đã tăng trở lại 3% trong ngày hôm qua và tiếp tục hướng đến mức cao nhất mọi thời đại, do nguồn cung sụt giảm trong khi nhu cầu vẫn đang tăng lên tại Mỹ.
Giới chuyên gia đều đang có chung nhận định rằng giá dầu đang biến động vô cùng khó lường và các thông tin đều ít nhiều có tác động đến giá trong các phiên giao dịch. Tuy nhiên, chưa có thông tin nào đủ mạnh để tạo ra xu hướng kéo dài, nên khi có các thông tin trái chiều, thị trường có thể ngay lập tức đảo chiều chỉ trong một trong thời gian rất ngắn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV