Đón nhận đà tăng mạnh mẽ nhất trong phiên hôm qua là các mặt hàng nông sản và nguyên liệu công nghiệp. Triển vọng nhu cầu khởi sắc tại Trung Quốc và một số lo ngại về nguồn cung tại các nước sản xuất chính đã hỗ trợ đáng kể cho giá. Trong khi đó, thị trường kim loại, đặc biệt là đồng và sắt thép vẫn đón nhận tín hiệu tích cực trước triển vọng tiêu thụ tại các quốc gia châu Á.
Ở một diễn biến khác, giá dầu đang lấy lại động lực tăng trước những thông tin mới từ lệnh cấm vận sản phẩm dầu tinh chế Nga của các nước phương Tây. Đây cũng là một trong những mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong thời gian tới. Sau kỳ nghỉ Lễ, các nhà đầu tư cho thấy tâm lý tích cực hơn, với dòng tiền tăng mạnh gần 43% lên mức hơn 5.100 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch của nhóm năng lượng tăng vọt 127%, đạt hơn 2.600 tỷ đồng.
Rủi ro nguồn cung rình tập, giá dầu lấy lại động lực tăng
Sau khi rơi xuống mức giá thấp nhất trong vòng một tuần, giá dầu đã lấy lại được động lực tăng trong phiên kết thúc ngày 26/1, với dầu WTI kỳ hạn tháng 3 trên sở NYMEX tăng 1,07% lên mức 81,01 USD/thùng, dầu Brent cùng kỳ hạn trên sở ICE tăng 1,57% lên 87,47 USD/thùng. Những diễn biến mới trong kế hoạch cấm vận của các nước phương Tây đối với các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga trong tháng 2 sắp tới, cùng một vài lo ngại về nguồn cung dầu từ Mỹ đã hỗ trợ cho sức mua quay trở lại thị trường.
Mới đây, Liên minh châu u (EU) đang xem xét kế hoạch giới hạn giá dầu diesel của Nga ở mức 100 USD/thùng, mức có thể giúp ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu mà khối này sẽ áp đặt đối với Moscow từ ngày 5/2. Tuy nhiên, tác động trên thực tế được nhiều chuyên gia đánh giá vẫn sẽ mang lại nhiều rủi ro. Các hợp đồng tương lai dầu diesel hiện đang giao dịch ở mức khoảng 130 USD/thùng ở Tây Bắc Châu u. Trong khi đó, nguồn cung của Nga gần đây đã được giao dịch với mức chiết khấu lớn so với những người từ nơi khác. Việc đánh giá dầu diesel của Nga đã bị tạm dừng vào đầu tháng này, nhưng mức chiết khấu gần nhất vào ngày 10/1 đang là 15,2 USD/thùng so với giá ở các khu vực khác. Do đó, mức giảm giá này vẫn khiến dầu diesel của Nga cao hơn mức trần giá và có thể sẽ hạn chế nguồn cung trong trường hợp giới hạn được thông qua.
Trong khi đó, việc gia tăng nguồn cung dầu thô từ Mỹ cũng còn gặp nhiều khó khăn. Căng thẳng giữa Tổng thống Joe Biden và ngành công nghiệp dầu mỏ đang gia tăng, với việc Tập đoàn Chevron quyết định mua lại 75 tỷ USD cổ phiếu và tăng chi trả cổ tức thay vì đầu từ vào hoạt động khoan mới. Ngoài ra, các công ty khoan dầu đá phiến cũng cho biết các vấn đề về chuỗi cung ứng, thiếu lao động, chi phí gia tăng và các chính sách liên bang không hữu ích đang ngăn cản họ gia tăng sản lượng. Các doanh nghiệp này đã phải vật lộn để giữ cho sản lượng dầu của Mỹ tăng trưởng, và thậm chí mức tăng khiêm tốn của họ cũng chậm lại trong nửa cuối năm 2022.
Đồng và sắt thép duy trì ở mức giá cao trước tiềm năng tiêu thụ tích cực
Cùng chung xu hướng giá với dầu thô, giá nhiều mặt hàng kim loại cơ bản tiếp tục ở vùng tích cực. Giá đồng COMEX tăng nhẹ 0,54% sau hai phiên giao dịch giằng co, đạt mức 4,27 USD/pound.
Động lực chính thúc đẩy giá vẫn là những lo ngại về nguồn cung tại hai nhà sản xuất hàng đầu là Chile và Peru. Trong khi hoạt động sản xuất đồng tại Peru bị gián đoạn vì các cuộc biểu tình thì sản lượng tại Chile đang tăng trưởng chậm hơn, trong bối cảnh nhiều dự án khai thác bị chậm tiến độ và không đáp ứng được các tiêu chuẩn về cơ sở kỹ thuật và môi trường.
Nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới hiện đang phải đối mặt với các vấn đề nan giải như chất lượng quặng giảm sút, thiếu hụt nước và nhân công.Theo ước tính, sản lượng đồng có khả năng đạt mức đỉnh khoảng 7,14 triệu tấn vào năm 2030, con số này thấp hơn nhiều so với mức 7,62 triệu tấn vào năm 2028 mà cơ quan quản lý Cochilco đã dự báo vào một năm trước. Trong khi đó, nhu cầu tại Trung Quốc và Ấn Độ bùng nổ có thể kéo thị trường đồng vào viễn cảnh thâm hụt trong năm 2023.
Đối với quặng sắt, giá tăng nhẹ 0,57% lên 126,3 USD/tấn. Giá của kim loại được tiêu thụ nhiều nhất tại Trung Quốc vẫn tăng đều đặn bất chấp tuần nghỉ lễ. Diễn biến giá tiếp tục phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc nhu cầu tiêu thụ sắt thép tại Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ sau kỳ nghỉ.
Sau năm 2022 đầy thách thức, ngành sắt thép Việt Nam được kỳ vọng dần phục hồi
Nền kinh tế Việt Nam ghi nhận những điểm sáng với ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%, thì đối với ngành thép Việt Nam, 2022 là một năm đầy thách thức, với tiêu thụ nội địa suy yếu, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp thép rơi vào tình trạng khó khăn.
Tuy nhiên, theo MXV, với sự bùng nổ trong nhu cầu tại nhiều quốc gia châu Á, thị trường sắt thép nội địa sẽ có nhiều cơ hội phục hồi và phát triển. Sản xuất thép cũng đã tích cực hơn trong giai đoạn cuối năm 2022. Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,135 triệu tấn, tăng 16,95% so với tháng 11/2022. Bán hàng thép các loại đạt 2,159 triệu tấn, tăng 11,17% so với tháng trước. Hoạt động đầu tư mới tiếp tục được đẩy mạnh trong năm mới, sẽ là chìa khoá giúp các doanh nghiệp sắt thép thoát khỏi thách thức và tăng cường tìm kiếm cơ hội.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)