menu search
Đóng menu
Đóng

Tin MXV sáng 6/4: Thị trường hàng hoá tiếp tục xu hướng tăng

08:25 06/04/2023

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch 05/04 thị trường hàng hóa nhanh chóng lấy lại đà tăng sau phiên suy yếu nhẹ trước đó. Tuy nhiên, lực mua không quá áp đảo khiến chỉ số hàng hoá MXV- Index đóng cửa hôm qua chỉ tăng nhẹ 0,11% lên 2.324 điểm. Nhìn chung, xu hướng tăng giá đang tương đối rõ ràng trên thị trường trong 3 tuần trở lại đây. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng gần 17%, đạt trên 4.400 tỷ đồng.
 

Giá dầu giằng co trước triển vọng kinh tế kém sắc

Giá dầu tiếp tục xu hướng biến động giằng co trong phiên ngày 05/04, khi dữ liệu kinh tế kém sắc của Mỹ lấn át những lo ngại về nguồn cung. Giá dầu WTI kết phiên với mức giảm khiêm tốn 0,12% xuống 80,61 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng nhẹ 0,06% lên sát mốc 85 USD/thùng.
Sau đợt tăng giá mạnh từ đầu tuần, các nhà giao dịch dầu thô đang giữ tâm lý thận trọng, thể hiện qua khối lượng giao dịch mỏng và biên độ dao động giá hẹp. Lực bán chốt lời tại vùng kháng cự 81 – 82 USD/thùng là một phần nguyên nhân khiến giá dầu suy yếu nhẹ.
Báo cáo dầu khí được công bố bởi Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô thương mại trong tuần kết thúc ngày 31/03 giảm mạnh 3,7 triệu thùng, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng đã ghi nhận mức giảm lần lượt 4,1 và 3,6 triệu thùng so với tuần trước.
Theo EIA, nhập khẩu dầu thô của Mỹ đã tăng mạnh thêm 1,82 triệu thùng lên mức 7,14 triệu thùng trong tuần trước, trong khi xuất khẩu tăng nhẹ 0,65 triệu thùng. Tổng sản phẩm cung cấp, thước đo đại diện cho nhu cầu cũng tích cực hơn khi tăng 124.000 thùng lên mức 20,6 triệu thùng, cao hơn khoảng 2,6% so với mức trung bình 4 tuần.
Dữ liệu từ báo cáo của EIA cho thấy bức tranh tiêu thụ có phần cải thiện, tuy nhiên, giá dầu không nhận được động lực tăng đáng kể nào sau báo cáo, do loạt chỉ số kinh tế tiêu cực tại Mỹ đang làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế và hạn chế đà tăng của giá dầu.
Cụ thể, thay đổi việc làm phi nông nghiệp theo khảo sát của ADP đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 02/2021, đạt mức 145.000 việc làm, thấp hơn so với dự báo 200.000 của thị trường, tiếp tục là dấu hiệu cho thấy thị trường lao động dần hạ nhiệt trong bối cảnh lãi suất liên tục tăng cao.
Chỉ số quản lý mua hàng PMI phi sản xuất đo lường hoạt động ngành dịch vụ và xây dựng trong tháng 3 của Mỹ giảm xuống mức 51,2 từ mức 55,1 trong tháng 1.
Hoạt động kinh tế chậm lại cũng được xác nhận bởi dữ liệu thâm hụt thương mại đã tăng 2,7% lên 70,5 tỷ USD trong tháng 2 so với tháng trước, do xuất khẩu sụt giảm vượt xa mức giảm nhập khẩu. Điều này đã khiến Ngân hàng Goldman Sachs hạ ước tính tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên của Mỹ từ mức 2,6% xuống còn 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đà tăng của giá dầu bị cản trở bởi lo ngại tăng trưởng yếu kém sẽ hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu.
Mặc dù vậy, lo ngại thâm hụt nguồn cung trong dài hạn vẫn đang hỗ trợ giá dầu neo ở mức cao so với giai đoạn trước. Theo hãng tin Reuters, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia, đã tăng giá dầu thô Arab Light xuất khẩu sang thị trường châu Á thêm 30 cent/thùng, khiến mức chênh lệch được đẩy lên 2,80 USD/thùng so với giá tiêu chuẩn của Oman/Dubai.
Giá cà phê bật tăng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/04, sắc xanh tiếp tục áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi 2 mặt hàng cà phê cùng bật tăng mạnh nhờ những hộ trợ từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Arabica bật tăng hơn 3% nhờ hỗ trợ từ tồn kho tiếp tục giảm. Theo báo cáo hàng ngày của ICE, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE London đã giảm về 731.959 bao loại 60kg, mức thấp nhất kể từ 13/12/2022, dấy lên lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá tăng. Bên cạnh đó, những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung càng được gia tăng sau báo cáo xuất khẩu hàng tháng của ICO với sự sụt giảm mạnh của Arabica. Cụ thể Brazilian Naturals giảm 33% và Colombian Milds giảm 6,8% trong tháng 2, góp phần hỗ trợ đà tăng của giá trong phiên hôm qua.
Nhờ lực kéo của Arabica cũng như những lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, giá Robusta ghi nhận mức tăng 2,66% trong phiên hôm qua. Xuất khẩu Robusta trong tháng 2 trên phạm vi toàn cầu cũng ghi nhận mức giảm mạnh từ 3,35 triệu bao vào 03/2022 về mức 2,89 triệu bao trong 02/2023. Điều này làm gia tăng lo ngại khan hiếm nguồn cung tại các nước cung ứng chính ở thời điểm hiện tại, từ đó hỗ trợ giá nối tiếp đà tăng sang phiên thứ liên tiếp.
Đường thô tiếp tục xác lập kỷ lục giá mới sau khi tăng thêm 2,14% trong phiên hôm qua, giá đạt mức cao nhất kể từ 10/2016. Những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tiếp tục được củng cố khi Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ cho biết nước này đã sản xuất được 30 triệu tấn trong niên vụ hiện tại, giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết hợp với dự báo sản lượng thấp tại các quốc gia sản xuất lớn khác như Thái Lan, Trung Quốc, đã đẩy thị trường vào trạng thái lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên phạm vi toàn cầu, từ đó hỗ trợ giá tiếp tục đi lên.
Ở chiều ngược lại, giá dầu cọ đã sụt giảm mạnh hơn 2% trong ngày hôm qua, kết thúc đà tăng mạnh trong 2 phiên trước do áp lực chốt lời. Trong một cuộc khảo sát của Reuters, các thương nhân và nhà phân tích cho rằng tồn kho dầu cọ cuối tháng 03 của Malaysia sẽ đạt mức 1,77 triệu tấn, giảm 16,3% so với một tháng trước, đồng thời cũng là mức tồn kho thấp nhất kể từ tháng 07 năm ngoái. Đây là thông tin đang kìm hãm đà giảm của dầu cọ.
Giá cà phê nội địa tăng mạnh so với đầu năm nay
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục nối dài đà tăng. Theo đó cà phê trong nước được thu mua trong khoảng 49.000 – 49.400 đồng/kg; tăng 400 đồng/kg so với ngày hôm qua. Như vậy, giá cà phê nội địa đã tăng 1.300 đồng/kg trong 1 tháng. Còn nếu so với đầu năm nay, cà phê trong nước thậm chí đã tăng rất mạnh khoảng 8.800 đồng/kg. Đây là tín hiệu rất tích cực đối với bà con trồng cà phê trong nước khi giá thành sản phẩm đầu ra ngày càng được nâng cao.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc