menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 15/2/2023 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:28 15/02/2023

Nhịp điều chỉnh của giá đậu tương có khả năng sẽ tiếp tục mở rộng trong phiên hôm nay nhưng sẽ bị hạn chế ở vùng 1520.
 
Giá đậu tương mở cửa phiên giao dịch ngày 15/02 đã tiếp tục đà suy yếu sau khi gặp phải kháng cự tại vùng đỉnh được thiết lập vào tháng 6 năm ngoái. Lực bán kĩ thuật tiếp tục được đẩy mạnh khi mô hình giá đậu tương xuất hiện nến Spinning Top dự báo dấu hiệu đảo chiều trong ngắn hạn. Nhìn chung, xu hướng tăng giá của mặt hàng này vẫn đang được duy trì do triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn ở Argentina và Brazil.
Bên cạnh mùa vụ đáng thất vọng của Argentina trong năm nay sau đợt hạn hán nghiêm trọng nhất được ghi nhận trong vài thập kỷ, đánh giá về vụ đậu tương của Brazil cũng đang dần trở nên kém khả quan. Sau khi hoàn thành các cuộc khảo sát thực địa, hãng tư vấn Agroconsult mới đây đã hạ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 22/23 của Brazil xuống còn 153 triệu tấn, từ mức 153.4 triệu tấn trong báo cáo tháng trước, trong bối cảnh triển vọng mùa vụ ở bang Rio Grande do Sul đang rất tiêu cực. Kết quả của cuộc khảo sát cho tại Rio Grande do Sul, hạn hán kéo dài đã khiến Agroconsult cắt giảm dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 22/23 của bang đi 5.2 triệu tấn, xuống còn gần 10 triệu tấn. Trong những tuần gần đây, hạn hán đã trở nên tồi tệ hơn tại Rio Grande do Sul, nhất là khi khoảng 80% diện tích đậu tương đang trong quá trình tạo vỏ. Agroconsult cho biết, nếu khô hạn tiếp tục diễn ra và không có mưa như dự báo trong tuần này, thì năng suất đậu tương tại bang có thể còn giảm hơn nữa. Đây được xem là một trong những tổ chức đầu tiên cắt giảm sản lượng dự báo của Brazil và do mức điều chỉnh không quá đáng kể nên thông tin này chỉ mang tính hỗ trợ cho giá không giảm sâu.
Mặc dù các thông tin cơ bản đang củng cố uptrend nhưng tín hiệu kĩ thuật cho thấy lực bán mạnh ở vùng 1550 có thể sẽ khiến cho nhịp điều chỉnh của giá đậu tương tiếp tục trong phiên hôm nay.

Dự báo triển vọng nguồn cung tích cực hơn tại Brazil sẽ khiến giá cà phê đảo chiều suy yếu
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/02, cả 2 mặt hàng cà phê đều tăng mạnh nhờ sự hỗ trợ từ việc Dollar Index suy yếu sau dữ liệu lạm phát tháng 1 của Mỹ. Arabica bật tăng 3.68% và là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của mặt hàng này. Robusta ghi nhận mức tăng nhẹ hơn với 1.25% khi kết thúc phiên hôm qua.
Dữ liệu lạm phát tháng 01 của Mỹ được công bố với mức gia tiêu dùng trên năm đạt 6.4%, giảm nhẹ so với mức 6.5% của tháng trước nhưng vẫn cao hơn mức kỳ vọng của thị trường. Kết hợp với quan điểm cứng rắn trong việc cần tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát vấn đề lạm phát đang ở mức cao so với mục tiêu của các quan chức Fed, sẽ khiến Dollar Index hồi phục lại trong phiên hôm nay, từ đó gây áp lực khiến giá suy yếu.
Bên cạnh đó, những dự báo tích cực về triển vọng nguồn cung cà phê trong năm nay tại Brazil vẫn tiếp diễn và sẽ là yếu tố cản trở sự hồi phục gần đây của giá. Theo đó, công ty môi giới hàng hóa StoneX mới đây đã dự báo nước này sẽ sản xuất 62.3 triệu bao cà phê trong niên vụ 23/24, tăng 4.3% so với niên vụ trước. Trong đó, sản lượng cà phê arabica và robusta của Brazil trong niên vụ tới lần lượt đạt 40.7 triệu bao và 21.6 triệu bao, tăng 6.4% và 0.6% so với niên vụ hiện tại.
Thiếu động lực mạnh, giá đồng khó có thể bứt phá khỏi vùng đi ngang 4.01 – 4.12 USD/pound
Đồng mở cửa phiên giao dịch hôm nay ngày 15/02 với lực bán áp đảo do đồng USD phục hồi gây áp lực tới chi phí nắm giữ đồng.
Tuy vậy, đà phục hồi của giá đồng nhiều khả năng sẽ sớm quay trở lại nhờ thông tin tích cực từ phía Trung Quốc. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), đúng như dự kiến, đã tăng cường hỗ trợ thanh khoản để đáp ứng nhu cầu vay tăng đột biến, nhằm hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế sau khi nước này chấm dứt Zero-Covid. Theo Bloomberg, PBOC đã bơm ròng 199 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 29.15 tỷ USD) thông qua các khoản cho vay trung hạn một năm (1 year-MLF – Medium-term Lending Facility rate) trong tháng này, trong khi tỷ lệ vay MLF vẫn được giữ nguyên ở mức 2.75%.
Động thái này của PBOC có thể làm gia tăng triển vọng nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng mà Trung Quốc là nhà tiêu thụ chính, trong đó có đồng. Tuy nhiên, hiện tại tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải tiếp tục tích lũy tăng cao, đồng thời, chưa có sự cải thiện rõ ràng về nhu cầu tiêu thụ. Theo thống kê của SMM, tỷ lệ hoạt động của các nhà sản xuất thanh đồng catot giảm mạnh trong tháng 1 và tỷ lệ hoạt động bình quân của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp. Do đó, dự báo giá hôm nay chưa thể tăng mạnh.
Về yếu tố vĩ mô, tối nay Mỹ sẽ công bố loạt dữ liệu bao gồm doanh số bán lẻ và tình hình sản xuất của Mỹ và dự báo sẽ có tác động nhất định tới giá đồng trong phiên. Hiện phần lớn các nhà kinh tế kỳ vọng doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tháng 1 đều tăng trưởng so với tháng trước. Do đó, với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, triển vọng tích cực về hoạt động kinh tế của Mỹ sẽ thúc đẩy giá đồng tăng trong phiên. 

Dầu thô có biến động mạnh trong phiên hôm nay trước loạt báo cáo từ thị trường
Giá dầu mở cửa phiên ngày hôm nay với lực bán khá mạnh, chịu sức ép một phần từ đồng USD đang mạnh lên khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố cao hơn kỳ vọng của thị trường khiến cho các nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn sẽ mạnh tay trong kế hoạch thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới. Tối nay, Mỹ cũng sẽ tiếp tục công bố dữ liệu quan trọng về doanh số bán lẻ trong tháng 1, với dự báo của thị trường cho rằng Mỹ sẽ lấy lại được đà phục hồi trong bức tranh tiêu dùng với mức tăng 1.8% so với tháng trước, sau khi giảm 1.1% trong tháng 4. Trong trường hợp doanh số bán lẻ tích cực hơn mức dự báo, nhiều khả năng sẽ là tín hiệu tích cực hỗ trợ cho giá dầu khi niềm tin Mỹ có thể “hạ cánh mềm” được củng cố.
Bên cạnh đó, báo cáo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vào chiều nay cũng có thể là một yếu tố hỗ trợ cho giá nếu như các dự báo của cơ quan này đồng thuận với báo cáo của nhóm OPEC vào tối qua, với đánh giá tích cực từ phía nhu cầu, đặc biệt là tại Trung Quốc. Mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm ròng 199 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 29.15 tỷ USD) thông qua các khoản cho vay trung hạn một năm (MLF) nhằm kích thích thêm cho nền kinh tế. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đang hạ nhiệt với báo cáo chính thức cho biết tỷ lệ tử vong của quốc gia này đã giảm 98% so với mức đỉnh ngày 4/1.
Tuy nhiên, các thông tin trên vẫn sẽ là động lực mang tính dài hạn, còn trong ngắn hạn, các áp lực vẫn còn đang khá rõ. Dữ liệu sớm của Viện dầu khí Mỹ API vào sáng nay đã cho thấy tồn kho tăng mạnh 10.5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 10/5. Nhiều khả năng dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào tối nay cũng sẽ cho thấy mức tồn kho gia tăng, phản ánh nhu cầu còn chậm và giá dầu vẫn sẽ gặp áp lực.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin MXV