Tương tự như diễn biến thường thấy của nhóm nông sản sau khi thị trường quay trở lại giao dịch sau đợt nghỉ lễ, giá các mặt hàng lại trải qua các biến động lớn ngay từ đầu phiên. Giá đậu tương tạo gapdown trong phiên sáng nay do áp lực bán kĩ thuật ở vùng đỉnh trước. Bên cạnh đó, các số liệu kém khả quan phần nào đã được phản ánh vào đợt tăng mạnh trong tuần công bố báo cáo Cung – cầu tháng 1 nên tác động “bullish” cũng dần suy yếu.
Mối quan tâm hàng đầu của thị trường sẽ là triển vọng mùa vụ ở Argentina vì đây là yếu tố chính gây ra những biến động trong tuần trước và cũng là số liệu được USDA điều chỉnh mạnh tay trong báo cáo WADE. Theo dự báo thời tiết, trong 5 ngày tới, khu vực Pampas sẽ vẫn nóng và hầu như khô ráo. Tuy nhiên, vào cuối tuần, một cơn bão từ miền nam Argentina dự kiến sẽ mang lại lượng mưa lớn cho khu vực đồng bằng Pampas. Nhiệt độ sẽ giảm xuống mức gần như bình thường và tổng lượng mưa sẽ đạt 35-50 mm ở Córdoba. Mưa cũng được dự báo sẽ xuất hiện thường xuyên hơn cho đến cuối tháng 1/đầu tháng 2, và tình trạng hạn hán trên khắp Pampas có thể sẽ suy yếu trong những tuần tới. Nếu như khô hạn vẫn luôn là yếu tố “bullish” mạnh nhất đối với giá đậu tương trong vài tháng vừa qua thì việc thời tiết có dấu hiệu cải thiện trong trung hạn ngược lại sẽ khiến cho giá có thể chịu sức ép lớn. Từ nay cho tới cuối tuần, nếu như mưa xuất hiện trở lại ở Argentina như dự báo thì giá đậu tương sẽ chịu áp lực bán mạnh.
Trong khi đó, hoạt động bán hàng của Brazil lại đang được đẩy mạnh và xoa dịu lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn. Theo dữ liệu từ Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex), nước này đã xuất khẩu 2.94 triệu tấn ngô chỉ trong 2 tuần đầu của tháng này, vượt qua con số 2.73 triệu tấn được ghi nhận cho cả tháng 01 năm ngoái. Đây cũng là yếu tố góp phần tác động “bearish” lên giá đậu tương.
Thông tin cơ bản diễn biến trái chiều, giá 2 mặt hàng cà phê khả năng cao sẽ diễn biến giằng co trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/01, khi mặt hàng Arabica nghỉ lễ, Robusta đã quay đầu giảm sau 2 phiên tăng mạnh vào cuối tuần trước. Thị trường hấp thụ thông tin thời tiết chuyển hướng khô ráo, ủng hộ hoạt động thu hoạch và sản xuất cà phê tại Việt Nam.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê của Brazil trong năm 2022 đạt 39.35 triệu bao, giảm nhẹ 3.1% so với năm 2021. Riêng trong tháng 12 vừa qua, số lượng xuất khẩu của quốc gia này đạt 3.195 triệu bao, giảm gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân cho sự suy yếu trong số lượng xuất khẩu đến từ việc sản lượng sụt giảm mạnh do tác động tiêu cực bởi thời tiết cũng như việc nhu cầu suy yếu do lo ngại suy thoái kinh tế tại các thị trường tiêu thụ hàng đầu như Mỹ và EU.
Cũng trong báo cáo này, Cecafe cho thấy, trong 06 tháng đầu niên vụ 2022/23, xuất khẩu cà phê Arabica chứng kiến sự tăng nhẹ 7%, trong khi đó Robusta lại chịu sự giảm mạnh với 61.2% so với niên vụ trước.
Bước sang năm 2023, số liệu xuất khẩu trong những ngày đầu tháng 01 cũng đang cho thấy sự suy yếu so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, sự suy yếu này chủ yếu đến từ mặt hàng Arabica khi tính đến ngày 12/1/2022 đã xuất khẩu được 642,234 bao loại 60kg, giảm so với 710,189 bao của năm ngoái, trong khi Conillon và hòa tan đều có sự tăng trưởng khá tốt. Những thong tin về xuất khẩu của Brazil có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ giá trong phiên hôm nay.
Dự báo thời tiết cho thấy Minas Gerais, vùng chiếm 30% sản lượng cà phê của Brazil sẽ chuẩn bị tiếp đón lượng mưa lớn lên tới 100mm trong 15 ngày tới. Điều này sẽ tiếp tục ủng hộ sự phát triển của cây cà phê trong thời gian tới và gây áp lực lên giá.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại gây áp lực tới giá đồng do triển vọng nhu cầu suy yếu
Phiên sáng ngày 17/01, dữ liệu kinh tế suy yếu từ Trung Quốc phản ánh hoạt động kinh tế lẫn tiêu dùng người dân sụt giảm trong tháng 12, kéo theo tâm lý lo ngại về nhu cầu tiêu thụ đồng giảm khiến giá đồng tiếp tục gặp áp lực sau khi ghi nhận giảm vào hôm qua, chấm dứt đà tăng 07 phiên liên tiếp.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nước tiêu thụ đồng hàng đầu khiến triển vọng tiêu thụ tiếp tục suy yếu trong phiên hôm nay. Theo báo cáo số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt và sự sụt giảm của thị trường bất động sản đã kéo mức tăng trưởng kinh tế năm 2022 xuống mức tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ. Đối với năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ghi nhận tăng 3.0%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là khoảng 5.5% và giảm mạnh so với mức tăng trưởng 8.4% vào năm 2021.
Ngoài ra, sản lượng công nghiệp tăng 1.3% trong tháng 12 so với cùng kì năm trước, chậm lại so với mức tăng 2.2% trong tháng 11. Trong khi doanh số bán lẻ, thước đo tiêu dùng chính, giảm 1.8% trong tháng 12, kéo dài mức giảm 5.9% của tháng 11. Đầu tư vào bất động sản giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022, mức giảm đầu tiên kể từ năm 1999, so với mức giảm 9.8% trong 11 tháng đầu năm.
Mặc dù các số liệu đều vượt kỳ vọng cho thấy dấu hiệu nền kinh tế phục hồi trong dài hạn, tuy nhiên vẫn còn yếu. Do đó, dự báo giá đồng tiếp tục gặp áp lực trong phiên hôm nay, đặc biệt là khi nước này càng tiến gần hơn tới kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khiến hoạt động công nghiệp chậm lại, kéo theo nhu cầu sụt giảm. Theo nguồn tin của SMM (Shanghai Metals Market), tồn kho hiện tại trên các thị trường lớn của Trung Quốc đã tăng thêm 18,700 tấn so với thứ Sáu tuần trước lên mức 154,200 tấn.
Ngoài ra, về yếu tố vĩ mô, giá đồng cũng chịu áp lực khi đồng Dollar Mỹ phục hồi trở lại. Dollar Index hiện tăng 0.1%, khiến chi phí nắm giữ đồng tăng lên kéo theo lực mua giảm bớt.
Diễn biến của đồng USD và báo cáo tháng của OPEC sẽ là chất xúc tác lớn với thị trường dầu
Giá dầu tăng nhẹ trong sáng nay trong bối cảnh hàng loạt số liệu kinh tế quan trọng của Trung Quốc được công bố.
Phần lớn các số liệu đều tích cực hơn so với dự báo, củng cố thêm kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu trong năm nay. Cụ thể, GDP Trung Quốc tăng trưởng 3% trong năm 2022, dù vẫn thấp hơn so với mục tiêu của Bắc Kinh nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng tốt trong một năm khó khăn vừa qua. Các hoạt động đầu tư vào tài sản cố định trong tháng 12 cũng tăng 5.1%, trong khi doanh số bán lẻ giảm nhẹ 1.8% và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5.5%.
Triển vọng phục hồi của Trung Quốc có thể là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu,tuy nhiên, các nhà chức trách cần nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế, thay vì chỉ dựa vào một động thái mở cửa. Bên cạnh đó, các nhà phân tích dự đoán, khối lượng nhập khẩu ròng của Trung Quốc sẽ tăng 5-8%, nhưng điều này khó có thể khiến giá dầu tăng, bởi nhà nhập khẩu số một thế giới vẫn đang mua dầu với giá chiết khấu từ Nga”.
Trong hôm nay, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ công bố báo cáo tháng. Nhiều khả năng, OPEC sẽ tiết lộ nhiều thông tin về cán cân cung cầu thế giới hiện nay, cũng như chính sách của nhóm trong bối cảnh có nhiều thay đổi xoay quanh nguồn cung từ Nga và nhu cầu của Trung Quốc.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)