Giá đậu tương mở cửa trở lại phiên đầu tuần sau đợt nghỉ lễ đã tạo gapup mạnh, kết thúc chuỗi điều chỉnh trong tuần trước đó. Thông thường, sau những phiên thị trường nghỉ giao dịch, nhóm nông sản sẽ trải qua những biến động rung lắc khá mạnh, đặc biệt là trong giai đoạn các yếu tố cơ bản đang có tác động rất lớn tới xu hướng giá như hiện nay. Không chỉ có tình hình mùa vụ đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng của Nam Mỹ mà triển vọng nguồn cung còn phụ thuộc vào hoạt động gieo trồng sắp diễn ra của nông dân Mỹ.
Theo AgRural, tiến độ thu hoạch đậu tương niên vụ 22/23 tại Brazil đạt 25% kế hoạch tính tới cuối tuần trước, đánh dấu mức tăng 8% so với một tuần trước đó. Tuy vậy, tiến độ năm nay vẫn chậm hơn so với mức 33% cùng kỳ năm trước. Theo AgRural, hoạt động thu hoạch diễn ra thuận lợi nhất ở bang sản xuất hàng đầu Mato Grosso, nhưng mưa liên tục ở các bang Parana và Mato Grosso do Sul khiến công việc bị trì hoãn và gây ra một số lo ngại về chất lượng. Về mặt sản lượng, AgRural đã hạ dự báo sản lượng đậu tương năm nay của Brazil xuống còn 150.9 triệu tấn, từ mức 152.9 triệu tấn ước tính trước đó, do hạn hán nghiêm trọng ở bang cực nam Rio Grande do Sul. Tuy vậy, đây vẫn sẽ là mức sản lượng đậu tương kỷ lục của quốc gia Nam Mỹ này.
Mặc dù vẫn đứng trước một số lo ngại nhưng so với năm ngoái, sản lượng đậu tương dự báo của 3 nước sản xuất lớn ở Nam Mỹ vẫn nới lỏng hơn, nếu tính cả thiệt hại do hạn hán. Trong khi đó, mối quan tâm của thị trường đang dần hướng về vụ đậu tương năm nay của Mỹ. USDA công bố các dự báo cập nhật về cung và cầu năm 2023 tại Diễn đàn Triển vọng Nông nghiệp hàng năm vào thứ 6 tuần này. Diện tích dự kiến sẽ là số liệu nối bật nhất, được đưa ra dựa trên các mô hình lý thuyết nhưng sẽ là mốc so sánh cho khảo sát công bố vào cuối tháng 3. Năm nay với mức lợi nhuận tương đương nhưng chi phí phân bón giảm bớt, diện tích ngô có thể sẽ được đẩy mạnh hơn và hạn chế diện tích đậu tương.
Thông tin cơ bản diễn biến trái chiều khả năng cao khiến giá cà phê giằng co trong phiên hôm nay
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, cả 2 mặt hàng cà phê cùng nối dài đà tăng khi nhu cầu bán hàng từ phía nông dân vẫn còn yếu. Arabica tăng hơn 6%, đẩy giá lên mức cao nhất trong 4 tháng. Robusta có tuần tăng thứ 6 liên tiếp với mức tăng gần 3%.
Những thông tin cơ bản trên thị trường đang vẽ ra một bức tranh trái chiều đối với Arabica.
Thời tiết chuyển hướng tích cực hơn với lượng mưa được dự đoán sẽ thấp hơn 20-40 mm tại Minas Gerais, cùng với nhiệt độ tăng 2-4 độ C, hạn chế lượng mưa quá dồi dào trước đó, tạo điều kiện tốt hơn để nông dân có thể tập trung bón phân và phun thuốc, giúp đảm bảo quá trình phát triển của cây cà phê, từ đó đưa đến triển vọng nguồn cung tích cực hơn.
Tuy vậy, lực bán vẫn còn quá kém thông qua số liệu xuất khẩu trong 20 ngày đầu tháng 02 tại Brazil. Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), tính đến ngày 20/02/2023 quốc gia này đã đẩy được 1.30 triệu bao Arabica, giảm mạnh 30.48% so với mức 1.87 triệu bao của cùng kỳ tháng trước. Điều này làm gia tăng lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá.
Sự suy yếu trong việc đẩy hàng của Brazil cũng khiến tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York giảm liên tiếp 7 phiên gần đây về mức 832,230 bao. Với tình trạng nhu cầu bán hàng yếu như hiện tại, mức tồn kho còn có thể kéo dài đà giảm trong thời gian tới và góp phần thúc đẩy giá.
Giá đồng có thể giữ được đà tăng trước triển vọng kinh tế khởi sắc của các nền kinh tế lớn
Sau khi tăng hơn 1% vào hôm qua, giá đồng vẫn giữ được đà tăng trong phiên sáng nay ngày 21/02 bất chấp sức ép từ đồng Dollar Mỹ, chỉ số Dollar Index sáng nay tiếp tục tăng lên mức 104.06 điểm. Tuy vậy, dự báo giá đồng sẽ giằng co mạnh vào phiên chiều khi thị trường chứng khoán Mỹ vào phiên sau ngày thứ Hai tạm dừng giao dịch.
Sau một ngày tạm thời vắng bóng tin tức vĩ mô do Mỹ nghỉ Lễ Tổng thống, vào hôm nay, Mỹ sẽ công bố loạt dữ liệu bao gồm chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tháng 2 và doanh số bán nhà tháng 1. PMI ước tính tăng từ 46.8 trong tháng 1 lên mức 47.1 trong tháng 2, mặc dù vẫn nhỏ hơn ngưỡng 50 nhưng cho thấy kỳ vọng tích cực trong hoạt động kinh tế của Mỹ. Hơn nữa, doanh số bán nhà cũng được kỳ vọng tăng 2% so với mức giảm 1.5% trong tháng 12. Nếu số liệu công bố tích cực như dự báo của thị trường, triển vọng nhu cầu tiêu thụ đồng phục vụ cho sản xuất cũng như lĩnh vực bất động sản tăng lên sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng giữ được đà tăng trong phiên hôm nay.
Thêm vào đó, cùng với Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và Anh cũng sẽ công bố loạt chỉ số PMI vào hôm nay, hiện thị trường đều kì vọng PMI tháng 2 tăng trưởng so với tháng 1, cho thấy những tín hiệu tích cực về tình hình hoạt động của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Điều này có thể khiến đồng Bảng Anh, Yên Nhật và Euro phục hồi so với đồng USD, đồng USD bị kìm hãm đà tăng sẽ khiến giá đồng bớt gặp sức ép.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng sẽ thận trọng hơn trước thềm công bố biên bản cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày mai và chỉ số giá PCE vào thứ Sáu. Hiện mức lãi suất mục tiêu đang được dự báo tăng thêm 50 điểm phần trăm lên mức 5.25 – 5.5%, PCE ước tính tăng 0.4% trong tháng 1, tăng 0.1% so với tháng 12. Do đó, các tác động tâm lý trái chiều có thể sẽ khiến giá đồng giằng co trong phiên hôm nay.
Về yếu tố nguồn cung, sự gián đoạn trong hoạt động khai thác và xuất khẩu ở các quốc gia khai thác hàng đầu như Peru, Indonesia và Panama khiến nguồn cung gặp gián đoạn sẽ tiếp tục hỗ trợ giá đồng trong phiên.
Giá dầu có thể suy yếu trong phiên tối khi các nhà giao dịch Mỹ quay trở lại thị trường
Sắc đỏ quay lại thị trường dầu trong phiên sáng, khi mà đồng USD phục hồi trở lại và gây sức ép lên giá.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch Mỹ vẫn chưa quay trở lại nên việc diễn biến thị trường bị nhiễu trong ngắn hạn là một điều không bất ngờ. Thị trường vẫn đang theo dõi rất sát triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc, và các chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), yếu tố sẽ tác động lên nhu cầu đầu trong trung và dài hạn.
Theo Bloomberg, xuất khẩu dầu thô và dầu nhiên liệu của Nga sang Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 1.66 triệu thùng vào tháng trước. Việc nhà nhập khẩu thế giới gia tăng mua hàng cho thấy nền kinh tế nước này đang trên đà hồi phục, và góp phần duy trì sức mua với thị trường dầu.
Trong phiên hôm nay, thị trường dầu có thể biến động nhiều hơn khi thị trường Mỹ mở cửa trở lại. Đồng thời, biên bản họp Fed của tháng một cũng sẽ được công bố. Tin tức này có thể sẽ không gây tác động lớn đối với thị trường, tuy nhiên, nếu biên bản cho thấy nhiều quan chức Fed ủng hộ lập trường “diều hâu”, duy trì tăng lãi suất thêm nhiều đợt nữa, thì giá dầu sẽ tiếp tục gặp sức ép.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)