menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 02/3/2022

08:48 03/03/2022

Lúa mì trái chiều với toàn bộ nhóm nông sản.
NÔNG SẢN
Mức tăng rất mạnh tiếp tục được ghi nhận đối với nhóm lúa mì, đặc biệt là việc giá lúa mì Chicago tháng 05 có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng 14 năm. Tổng cộng từ đầu tuần đến nay, mặt hàng này đã tăng đến 200 cents, tương đương với 23%, chủ yếu do lo ngại về nguồn cung ngắn hạn khi cuộc chiến tranh ở Ukraine kéo dài hơn dự kiến.
Trong khi đó, giá ngô được ảnh hưởng tích cực từ mức tăng của lúa mì trong phiên sáng, nhưng bất ngờ quay đầu giảm trở lại trong phiên tối và đóng cửa với mức giảm không đáng kể 0.1%. Sản lượng ethanol trong tuần kết thúc ngày 25/02 của Mỹ giảm 27,000 thùng/ngày về dưới mốc 1 triệu thùng/ngày, cũng góp phần gây áp lực lên giá.
Đối với đậu tương, thời tiết được cải thiện ở khu vực Nam Mỹ gây áp lực khá lớn lên giá nhóm mặt hàng này, bất chấp việc Mỹ đã bán một đơn hàng khá lớn lên đến hơn 500,000 tấn cho Trung Quốc và một quốc gia giấu tên trong phiên hôm qua. Lực bán mạnh ở kháng cự tâm lý 1700 cents khiến giá giảm 1.6% về mức 1663.00 cents/giạ, kéo theo khô đậu giảm 1.39% về 448.0 USD/tấn Mỹ.
Dầu đậu tương chịu áp lực từ mức giảm của đậu tương và dầu cọ, nhưng mức tăng mạnh của dầu thô giúp cho mặt hàng này chỉ giảm nhẹ 0.45% về 75.87 cents/pound.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 trên Sở ICE US giảm gần 2.9% xuống còn 229.2 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn trên Sở ICE EU giảm khoảng 2.6% về mức 2030 USD/tấn. Mặt hàng cà phê Arabica đã chịu áp lực bán mạnh bởi giới đầu tư trong suốt phiên ngày hôm qua, do dòng tiền đang được phân bổ sang nhóm năng lượng và thị trường chứng khoán, bất chấp những thông tin cơ bản hỗ trợ về nguồn cung.
Tồn kho Arabica trên Sở ICE giảm nhẹ xuống còn 994,239 bao sau khi trải qua 4 phiên hồi phục liên tiếp, những lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn vẫn chưa được xoa dịu. Cà phê Robusta liên tục suy yếu với 6 phiên giảm liên tiếp, giá đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Do vắng bóng thông tin cơ bản hỗ trợ từ thị trường, cà phê Robusta cũng chịu áp lực bán mạnh do sự sụt giảm của giá cà phê Arabica.
Giá đường 11 tăng 1.6% lên mức 18.64 cents/pound, giá đường trắng tăng 1.2% lên 515.2 USD/tấn. Việc giá các mặt hàng dầu thô tăng mạnh khoảng 7% đã hỗ trợ giá mặt hàng đường liên tục leo thang.
Cacao đóng cửa cao hơn 0.3% và đạt mức 2529 USD/tấn sau khi đạt mức thấp nhất gần 2 tháng vào thứ 3 trong tuần trước bối cảnh giới đầu tư tập trung dòng tiền vào nhóm tài sản có vai trò trú ẩn an toàn cao hơn.
KIM LOẠI
Diễn biến trái chiều quay lại với thị trường kim loại. Giá bạc giảm 1.37% còn khoảng 25.2 USD/ounce trong khi giá bạch kim vẫn duy trì được sắc xanh với mức tăng 1.53% lên 1068USD/ounce. Dòng vốn vào thị trường kim loại quý bị cạnh tranh trở lại khi mà thị trường chứng khoán Mỹ lấy lại đà tăng với cả ba chỉ số chính là S&P500, Nasdaq và Dow Jones đồng loạt tăng điểm.
Tuy nhiên, giá bạch kim vẫn giữ được sắc xanh trong bối cảnh cả vàng và bạc đều giảm bởi trước đó giá bạch kim không tăng mạnh bằng hai kim loại quý còn lại. Bên cạnh đó, xung đột chính trị ở châu Âu vẫn mang lại nỗi lo về nguồn cung nhất định bởi Nga cũng là một nước có trữ lượng bạch kim lớn.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng bật tăng mạnh mẽ lên 4.6655 USD/pound lên mức cao nhất kể từ ngày 10/2. Tin tức sản lượng đồng ở Chile giảm vẫn đang tiếp tục phản ánh vào giá và khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung đồng trên toàn cầu.
Giá nhôm tăng gần 3% lên 3569 USD tấn và cũng là mức cao nhất mọi thời đại, và giá Niken cũng tăng gần 3.1% lên 25,879 USD/tấn do những lo ngại về nguồn cung đến từ phía Nga. Rusal là nhà sản xuất nhôm lớn nhất bên ngoài Trung Quốc và Norilsk chiếm khoảng 10% sản lượng niken tinh luyện trên toàn cầu.
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 6.95% lên 110.60 USD/thùngtrong khi giá Brent tăng 7.58% lên 112.93 USD/thùng.
Dầu thô đã tăng rất mạnh 3 phiên liên tiếp trong tuần này với biên độ lên đến 4-7 USD/thùng. Việc Nga tuyên bố sẽ không rút quân về cho đến khi đạt được mục đích khiến cho các lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU ngày càng nhiều. Điều này có thể khiến cho Nga tung ra các quyết định đáp trả, và thực tế Ngoại trưởng nước này cũng đã nhắc đến khả năng xẩy ra thế chiến thứ III. Tâm lý lo ngại khiến cho thị trường “bỏ qua” tác động của 60 triệu thùng dầu giải phóng từ các kho dự trữ của các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, dẫn đầu là Mỹ. Theo phân tích của công ty tư vấn Lipow Oil Associates, giới đầu tư đang định giá rằng thị trường sẽ gặp sự cố gián đoạn nguồn cung ít nhất 4 triệu thùng dầu/ngày, gần bằng tổng lượng xuất khẩu dầu của Nga. Trong khi đó, cuộc họp chính sách tối qua của OPEC+ kết thúc mà không có thay đổi gì trong chính sách. Nhóm tiếp tục giữ nguyên đường lối tăng sản lượng ở mức 400,000 thùng/ngày trong tháng 04/2022, con số này không thay đổi gì so với chính sách đưa ra từ cuộc họp tháng 07/2021, bất chấp nguy cơ mất cân bằng cung-cầu tại thị trường hiện tại lớn hơn rất nhiều do rủi ro địa chính trị.
Khí tự nhiên tăng 4.13% lên 4.762 USD/MMBTu khi dữ liệu từ các tàu thương mại cho thấy nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga sang châu Âu đã bị gián đoạn.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc