• NÔNG SẢN
Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu đang diễn biến trầm lắng hơn với các mức thay đổi không lớn so với phiên hôm trước. Tâm lí thị trường đang trở nên thận trọng sau những phiên biến động rất mạnh và sắp tới thời điểm công bố báo cáo quan trọng.
Giá đậu tương giảm nhẹ 0.58% và khoảng dao động nằm trong biên độ của phiên trước đó. Tại Trung Quốc, dự trữ đậu tương trong tuần tính đến hết ngày 02/07 đạt mức cao nhất vào năm 2021 do khối lượng nghiền trong nước thấp hơn. Cơ quan lương thực Brazil Conab công bố số liệu cho thấy sản lượng đậu tương dự báo của nước này cũng được nâng nhẹ lên mức 135,9 triệu tấn. Ngược lại, dự đoán của thị trường trước báo cáo Cung- cầu tháng 7 cho thấy kỳ vọng sản xuất đậu tương 2021/22 và lượng dự trữ cuối kỳ sẽ giảm nhẹ là yếu tố hỗ trợ giá đậu tương trong phiên hôm qua.
Khô đậu tương cũng giảm 0.66% theo diễn biến của giá đậu tương. Dầu đậu tương giảm 0.85% trong bối cảnh giá dầu cọ Malaysia thấp hơn do áp lực chốt lời, giá dầu thô đang thấp hơn nhiều so với vùng đỉnh trước đó và đồng đô la Mỹ tương đối mạnh đã tác động lên giá. Nhưng các yếu tố cơ bản – tình trạng thiếu lao động thiếu lao động đặc biệt là vào mùa thu hoạch cao điểm từ tháng 8 đến tháng 10 - vẫn còn và sẽ tiếp tục hỗ trợ giá mặt hàng này.
Hợp đồng ngô tháng 12 đóng cửa hôm qua tiếp tục đà giảm 1.37% bất chấp các thông tin “bullish”. Cơ quan lương thực Brazil - Conab đã giảm sản lượng ngô dự báo thêm 3 triệu tấn trong niên vụ 2020/21, xuống mức 93,4 triệu tấn, và thấp hơn 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này là do sương giá đang ảnh hưởng đến khoảng 1/3 khu vực sản xuất safrinha. Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố tối hôm qua cho thấy sản lượng ethanol trong tuần trước đã tăng nhẹ lên mức trung bình 1.067 triệu thùng/ngày. Đây là tuần thứ 8 liên tiếp con số này duy trì trên mức 1 triệu thùng và đang tiệm cận với mức trước đại dịch. Những thông tin trên đã giúp hạn chế đà giảm, và khiến mức 520 một lần nữa lại đóng vai trò là mốc hỗ trợ kĩ thuật mạnh.
• NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Cà phê là mặt hàng hiếm hoi vẫn duy trì được sắc xanh trên bảng giá tới khi đóng cửa phiên giao dịch hôm qua. Giá Arabica tăng 1.53% lên 152.25 cents/pound, tương đương với mức 3357 USD/tấn, Giá Robusta cũng tăng nhẹ 0.3% lên 1707 USD/tấn. Giá Arabica giảm nhẹ từ đầu phiên về mức thấp nhất trong 1.5 tháng nhưng lực mua mạnh ở vùng này đẩy giá vượt qua mức tâm lý 150 cents/pound. Đà tăng của giá Cà phê Robusta vẫn được duy trì nhờ những lo ngại về nguồn cung ở Việt Nam khi biến chủng Delta đang lây lan mạnh mẽ.
Giá đường tiếp tục giảm theo đà giảm của giá dầu thô. Giá bông tăng nhẹ khi chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ duy trì ổn định ở mức 52% tốt – tuyệt vời, trái với dự đoán của thị trường khi thời tiết các vùng trồng bông khá thuận lợi trong tuần trước.
• KIM LOẠI
Thị trường kim loại kết thúc phiên với sắc đỏ bao trùm trên bảng giá của tất cả các mặt hàng. Ở thị trường kim loại quý, Giá Bạc giảm 0.54% về 25.99 USD/ounce, Giá Bạch kim. Giá của cả hai mặt hàng giảm mạnh khi thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục trong phiên. Tuy nhiên, xu thế đi ngang vẫn được giữ nguyên do không có tin tức cơ bản nào gây tác động mạnh lên giá.
Giá của cả hai mặt hàng kim loại cơ bản là Đồng và Quặng sắt cũng không nằm ngoài xu thế giảm của thị trường trong phiên hôm qua. Giá Đồng giảm 1.34% về 4.265 USD/pound nhưng vẫn duy trì trong biên độ đi ngang từ 4.22 – 4.33 USD/ounce trong hơn hai tuần nay. Tác động của các tin tức về nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc dường như đã phai bớt. Giá Quặng sắt giảm 1.8% về 205.93 USD/tấn. Đây có thể là tín hiệu điều chỉnh khi giá đã liên tiếp tăng trong gần 1 tuần qua.
• NĂNG LƯỢNG
Giá dầu tăng trở lại trong phiên hôm qua khi Báo cáo Thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tuần kết thúc 02/07 giảm 6.9 triệu thùng, mạnh hơn so với con số dự đoán giảm 4 triệu thùng của thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.02% lên 72.94 USD/thùng, dầu Brent tăng 0.94% lên 74.12 USD/thùng.
Bên cạnh dầu thô, tồn kho xăng cũng giảm 6.1 triệu thùng mạnh hơn nhiều dự đoán giảm 2.2 triệu thùng trong tuần trước Ngày Độc lập khi nhu cầu đi lại tăng dần lên trong khi nước Mỹ thúc đẩy các biện pháp tiêm chủng vắc-xin COVID-19. Đây là yếu tố “bullish” đẩy giá phục hồi từ mức đáy 70.2 USD/thùng trong phiên tối qua.
Đà tăng của giá bị hạn chế khi cuộc họp của OPEC+ đã hoãn lại 1 tuần mà không có dấu hiệu các bên sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán, thể hiện rõ vết nứt trong quan hệ giữa các thành viên. Trong khi đó, lo ngại về dịch COVID-19 vẫn còn khi số ca liên tục tăng khiến Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế di chuyển.
Giá khí tự nhiên tăng mạnh trở lại khi báo cáo Dự trữ khí tự nhiên của EIA cho biết tồn kho chỉ tăng 16 tỷ khối, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 34 tỷ khối của thị trường.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)