menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 07/7/2021

09:40 08/07/2021

Giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp
 
• NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch 07/07, các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều nhau. Nhóm đậu tương hồi phục mạnh trong khi lúa mì giảm nhẹ do tác động từ mức giảm của giá ngô.
Giá đậu tương giằng co với khoảng khá rộng trong phiên hôm qua, tuy mức tăng hơn 20 cents không lớn, nhưng lại rất quan trọng để đánh giá về xu hướng trong vài ngày tới, ít nhất tới trước báo cáo WASDE của USDA vào 23:00 đêm thứ hai tuần tới.Hai thông tin chính hỗ trợ giá trong phiên tối qua là số liệu chất lượng đậu tương bị giảm 1% trong báo cáo Crop Progress, cùng với lo ngại về tình trạng đình công của công nhân tại cảng Rosario của Argentina. Thời tiết mùa vụ tại Mỹ cũng đang không được tốt như những gì USDA dự báo: mưa không nhiều và nhiệt độ ở khu vực North Dakota và South Dakota vẫn tăng lên.

Sau phiên giao dịch lao dốc đầu tuần, thị trường ngô bước vào phiên mở cửa sáng hôm qua với dấu hiệu khởi sắc hơn khi giá hồi phục trở lại. Điều này cho thấy tâm lý lạc quan hơn của giới đầu tư vì nếu thực sự tiêu cực, giá ngô sẽ còn phải tiếp tục đà giảm mạnh từ phiên kịch sàn trước đó. Diễn biến mới chỉ xuất hiện từ nửa sau phiên sáng, giá ngô bắt đầu đảo chiều và chịu áp lực bán mạnh. Tuy nhiên, lực mua ở quanh mức kĩ thuật 520 đã đẩy giá ngô về lại mức 532 cent khi kết phiên.

Giá lúa mì quay trở lại giao dịch đã tăng mạnh do số liệu về chất lượng cây trồng được xếp hạng tốt đến xuất sắc tiếp tục giảm xuống mức 16% và thấp hơn dự đoán của thị trường trong báo cáo Crop Progress. Tuy nhiên, ngay sau đó giá đã gặp phải diễn biến rung lắc và kết phiên giảm nhẹ 0.6%.
• NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Cà phê hai sàn đóng cửa phục hồi nhẹ trong phiên hôm qua. Giá Arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 1.25% lên 149.95 cents/pound, giá Robusta cùng kỳ hạn tăng 1.37% lên 1702 USD/tấn. Mức tăng của giá Cà phê Arabica chủ yếu nhờ vào lực mua kỹ thuật khi giá liên tiếp giảm trong những phiên gần đây, đồng thời giá Robusta cũng được hưởng lợi tích cực từ đà tăng này. Lực mua vào Cà phê Arabica vẫn chưa mạnh khi giá chưa vượt qua được mức 150 cents, còn Cà phê Robusta vẫn chưa thoát khỏi xu thế đi ngang.

Giá đường tiếp tục giảm theo đà giảm của giá dầu thô. Giá bông tăng nhẹ khi chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ duy trì ổn định ở mức 52% tốt – tuyệt vời, trái với dự đoán của thị trường khi thời tiết các vùng trồng bông khá thuận lợi trong tuần trước.

• KIM LOẠI
Cả hai mặt hàng kim loại quý đồng loạt giảm nhẹ do sức ép của đồng USD và sự phục hồi của thị trường chứng khoán. Giá Bạc giảm 0.17% về 26.13 USD/ounce, giá Bạch kim cũng giảm 0.19% về 1081.9 USD/ounce. Chỉ số Dollar Index tăng lên 92.6. Trong Biên bản cuộc họp tháng 6 của FED được công bố hôm qua, cơ quan này vẫn giữ một lập trường ôn hòa để đảm bảo thị trường không có quá nhiều biến động. Đồng thời, các quan chức cũng duy trì quan điểm chỉ tăng lãi suất khi thị trường lao động được phục hồi hoàn toàn.

Trái ngược với thị trường kim loại quý, hai mặt hàng kim loại cơ bản đều đóng cửa với sắc xanh. Giá Đồng tăng 1.68% lên 9529.47 USD/tấn, bất chấp việc Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục bán thêm các kim loại cơ bản từ kho dự trữ quốc gia để kiểm soát chi phí nguyên vật liêu thô tăng cao. Tuy vậy, giá Đồng vẫn chưa hoàn toàn bứt phá khỏi xu thế đi ngang. Giá Quặng sắt tăng nhẹ 0.36% lên 209.71% nhờ vào nỗ lực của phe mua giữ giá không giảm, khi thị trường vẫn giữ kỳ vọng tích cực vào nhu cầu tiêu thụ sắt thép trong thời gian sắp tới.

• NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, dầu WTI giảm 1.59% xuống 72.2 USD/thùng, dầu Brent giảm 1.48% xuống 73.43 USD/thùng. Giá dầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp trong tuần do bất ổn từ diễn biến cuộc họp của OPEC+, bất chấp các thông tin tích cực từ Báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn của EIA.

Giá WTI đã có lúc giảm xuống 70.5 USD/thùng sau khi chạm mức 74 USD/thùng tối qua do tâm lý chốt lời và đồng USD tối qua có lúc tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng sau khi biên bản cuộc họp FED phát hành. Lo ngại về bất ổn trong diễn biến cuộc họp của OPEC+ đè mạnh lên tâm lý thị trường. Đây là lần hoãn họp lâu nhất của nhóm kể từ khi đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào tháng 5 năm ngoái, cho thấy bất đồng sâu sắc trong nội bộ.

Tuy nhiên, giá đã phục hồi trở lại sau khi EIA giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm 2021 trong báo cáo tối qua. Theo đó, nhu cầu trong năm 2021 sẽ tăng 5.41 triệu thùng/ngày so với năm 2020, lên 97.7 triệu thùng/ngày.
Rạng sáng nay, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu thương mại Mỹ giảm. Thông tin này có thể trợ giúp cho giá dầu tiếp tục tăng trong sáng nay trước khi EIA phát hành báo cáo hàng tuần vào buổi tối.
Giá khí tự nhiên và giá xăng tiếp tục giảm theo xu hướng chung của giá dầu thô. Tuy nhiên hiện tại giá khí tự nhiên vẫn đang ở mức cao nhất từ năm 2019.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Link gốc