menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 12/7/2021

09:49 13/07/2021

Nhóm nông sản đồng loạt tăng trở lại sau báo cáo Cung – cầu.
NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá các mặt hàng nhóm đậu tương đồng loạt phục hồi trở lại, sau khi đã giảm mạnh trong tuần trước đó.
Các số liệu trong báo cáo Cung – cầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) không ảnh hưởng nhiều đến giá đậu tương. Thậm chí, việc tồn kho đậu tương Mỹ niên vụ 20/21 và 21/22 đều cao hơn mức dự đoán trung bình còn khiến giá giảm mạnh gần 20 cents ngay sau khi báo cáo phát hành. Mặc dù vậy, việc cả Brazil và Argentina đều bị giảm dự báo xuất khẩu đậu tương 20/21 đi lần lượt là 3.0 và 2.65 triệu tấn, có thể khiến nguồn cung toàn cầu thu hẹp, và qua đó giúp lực mua quay trở lại vào cuối phiên.

Tong hop dien bien thi truong

Tồn kho dầu cọ Malaysia không cao như dự đoán trước đó, trong khi xuất khẩu gia tăng khiến cho lo ngại về thiếu hụt nguồn cung với dầu thực vật, là yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá dầu đậu tương trong phiên hôm qua. Đối với khô đậu tương, mặc dù được hỗ trợ bởi mức tăng mạnh của giá đậu tương, nhưng áp lực trái chiều với giá dầu đậu khiến cho mức tăng của mặt hàng này giảm đi đáng kể.
Giá lúa mì bất ngờ tăng mạnh, dẫn dắt đà tăng chung của nhóm nông sản khi USDA công bố số liệu cho thấy mức tồn kho mặt hàng này giảm mạnh xuống mức 665 triệu tấn, thấp hơn mức dự đoán 729 và trong báo cáo tháng 6 là 770 triệu tấn.
Giá ngô tăng chủ yếu nhờ ảnh hưởng tích cực từ giá lúa mì, khi các số liệu từ báo cáo Cung – cầu không tác động quá lớn. Sản lượng Brazil đã tiếp tục bị cắt giảm xuống mức 93 triệu tấn từ mức 98.5 triệu tấn trong tháng trước. Và để bù đắp lại nguồn cung toàn cầu giảm xuống 5.5 triệu tấn khi ngô vụ 2 của Brazil bị thiệt hại, USDA đã nâng mức xuất khẩu ngô Mỹ niên vụ mới lên 1.3 triệu tấn, cũng góp phần hỗ trợ tích cực cho giá ngô.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Cà phê trên hai sàn đồng loạt tăng giá trong phiên hôm qua. Giá Arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 1.65% lên 154 cents/pound, giá Robusta cùng kỳ hạn nối dài chuỗi tăng thứ 4 liên tiếp nhưng đóng cửa ở mức không đổi so với giá tham chiếu của phiên trước đó, ở mức 1744 USD/tấn. Tình hình dịch phức tạp tại Việt Nam cùng với những khó khăn trong công tác vận chuyển hàng ở các cảng Châu Á vẫn là yếu tố củng cố đà tăng cho Cà phê Robusta. Đối với Cà phê Arabica, giá phục hồi nhờ những lo ngại về thiếu hụt lượng mưa ở Minas Gerais, vùng trồng Cà phê chủ lực của Brazil.

Giá đường tiếp tục suy yếu do áp lực giảm của giá dầu thô, đà giảm được cản lại ở mức hỗ trợ 17 cents. Trong khi đó, giá bông tiếp tục tăng nhẹ 0.5% khi tồn kho bông thế giới niên vụ 20/21 và 21/22 đều bị giảm trong báo cáo Cung – cầu Nông sản thế giới tháng 7 của USDA.
KIM LOẠI
Giá các mặt hàng kim loại quý đồng loạt tăng trong phiên đầu tuần. Giá Bạc tăng nhẹ 0.02% lên 26.24 USD/ounce, trong khi đó, giá Bạch kim tăng mạnh 2.5% lên 1123 USD/ounce. Giá Bạc giằng co mạnh trong phiên nhưng đóng cửa gần như không đổi so với phiên trước đó. Sự gia tăng của đồng USD và thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục gây sức ép lên giá kim loại quý, tuy nhiên Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm đã phần nào hạn chế các tác động tiêu cực này. Giá Bạch kim tăng lên mức cao nhất trong hai tuần, khi phe mua đã thành công đưa giá vượt qua mức cản 1100 USD. Bên cạnh đó, Bạch kim đang được giao dịch ở mức giá không cao so với sự gia tăng và biến động của các mặt hàng khác, nên triển vọng phục hồi của giá vẫn còn rất sáng sủa.

Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng giảm 0.7% còn 4.311 USD/pound khi biến chủng Delta lây lan mạnh mẽ ở Châu Á đe dọa sự phục hồi của nên kinh tế toàn cầu và làm giảm kỳ vọng đối với nhu cầu về kim loại công nghiệp. Trái lại, sắc xanh vẫn duy trì ở bảng giá Quặng sắt bất chấp các nỗ lực kiểm soát giá của Chính phủ Trung Quốc. Nhu cầu tiêu thụ thép trong xây dựng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và lợi nhuận trong giai đoạn gần đây khiến các nhà sản xuất thép không ngừng gia tăng sản lượng, thậm chí tiến hành nhập thêm cả thép phế liệu. Thêm vào đó, yếu tố đầu cơ trong thị trường Quặng sắt vẫn còn rất cao khiến nhiều nhà đầu tư liên tục mua vào và đẩy giá đi lên.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu quay đầu giảm trong phiên hôm qua khi không có nhiều tin tức hỗ trợ giá. Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI giảm 0.62% xuống 74.1 USD/thùng, dầu Brent giảm 0.52% xuống 75.16 USD/thùng.

Tâm điểm chú ý của thị trường hiện tại vẫn là diễn biến của cuộc họp OPEC+. Theo nguồn tin của Reuters, nhóm chưa đạt được bước tiến mới nào trong việc giải quyết bất đồng giữa Saudi Arabia và UAE, do đó nhiều khả năng cuộc họp chính sách sẽ chưa tiếp tục trong tuần này. Tuy nhiên giá không giảm sâu do cả Saudi Arabia và UAE đều đã chốt sản lượng cung cấp cho đối tác trong tháng 8, và số liệu cho thấy 2 nước này chưa tăng sản lượng ngay trong tháng tới.
Bất chấp giá dầu thô tăng gần 50% từ đầu năm khi nguồn cung dần thu hẹp, chính quyền Tổng thống Biden hiễn vẫn chuyển bị kế hoạch hạn chế việc bán quyền khoan dầu cũng như tăng các mức phí liên quan. Điều này có thể hạn chế dầu thô tại Mỹ đột ngột tăng mạnh.
Giá khí tự nhiên tăng mạnh 2.04% trong phiên hôm qua lên 3.749 USD/MMBtu khi nhu cầu tăng lên tại châu Âu giữa đợt nóng nóng bất thường lan rộng tại Bắc Bán cầu, ảnh hưởng đến cả châu Á và châu Âu.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Link gốc