NÔNG SẢN
Kết thúc phiên 13/07, các mặt hàng nông sản gần như không có quá nhiều biến động lớn sau phiên tăng mạnh đầu tuần.
Giá đậu tương hầu như đi ngang với biên độ hẹp trong phiên hôm qua. Nhập khẩu đậu tương tháng 06 của Trung Quốc tăng 11.6% lên mức 10.72 triệu tấn, do các tàu hàng cập cảng liên tiếp từ Brazil sau khi thu hoạch bị chậm trễ. Tình trạng ứ đọng hàng ở cửa và tồn kho đậu tương tăng do ép dầu giảm đang gây sức ép lên nhu cầu đậu tương của nước này. USDA chi nhánh Argentina tăng dự báo xuất khẩu đậu tương của nước này trong niên vụ 21/22 lên mức 6.5 triệu tấn, tăng 2.4% so với dự đoán trước đó, cũng góp phần gây sức ép lên giá đậu tương CBOT.
Giá ngô tiếp tục tăng 1.45% bất chấp chất lượng ngô được USDA đánh giá được cải thiện nhẹ trong tuần vừa qua. Việc tiến độ bán hàng tại Brazil chậm lại trong tháng 6 do đồng dollar suy yếu so với đồng Real Brazi sẽ tạo điều kiện cho bán hàng ngô của Mỹ. Ngoài ra, báo thời tiết trong nửa cuối tháng 7 cho thấy triển vọng khô và nóng hơn đối với các khu vực phía Tây và phía Bắc của Vành đai ngô cũng hỗ trợ lớn cho giá ngô trong phiên hôm qua.
Giá lúa mì đóng cửa phiên hôm qua đã không giữ được đà tăng mạnh mà bất ngờ giảm trở lại. Xuất khẩu lúa mì mềm trong tháng 6 ra ngoài khu vực EU và Anh của Pháp ước tính đạt 122,000 tấn, là mức xuất khẩu hàng tháng thấp nhất trong lịch sử. Thông tin này mặc dù không còn mới đối với thị trường nhưng cũng góp phần chặn đà tăng giá của lúa mì trong phiên hôm qua. Bên cạnh đó, mức giảm hôm qua của lúa mì cũng do áp lực chốt lời của giới đầu cơ tại vùng kháng cự 640.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá Cà phê Arabica giảm 1.14% về 152.25 cents/pound, giá Robusta cũng giảm 1.55% còn 1717 USD/tấn. Đồng USD bật tăng mạnh gây sức ép lên giá của cả hai mặt hàng Cà phê. Chênh lệch giá giữa hai hợp đồng Cà phê kỳ hạn tháng 9 lại tăng lên 51%, có thể tạo động lực tốt cho giá Robusta tiếp tục tăng.
Giá dầu cọ Malaysia tăng mạnh gần 3% kết hợp với giá dầu hạt cải tại Canada đang tăng lên mức cao kỷ lục do thời tiết hạn hán nghiêm trọng tại đây gây ảnh hưởng lớn đến mùa vụ cây cải dầu, là các yếu tố hỗ trợ chủ yếu.
KIM LOẠI
Sắc đỏ bao trùm bảng giá của các mặt hàng kim loại quý, giá Bạc giảm 0.4% còn 26.14 USD/ounce, giá Bạch kim cũng giảm 1.05% còn 1111.2 USD/ounce. Đồng USD tăng mạnh sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 có mức tăng mạnh nhất trong vòng 13 năm. Thị trường không còn sợ hãi trước những tin tức lạm phát và trở nên tin tưởng vào các chính sách của FED trong việc duy trì giá trị của đồng Bạc xanh. Chỉ số Dollar Index vọt tăng mạnh lên 92.7 không làm cho thị trường kim loại quý có biến động mạnh mẽ, Giá Bạc vẫn tích lũy trong khu vực 25.7 - 26.5 USD/ounce, giá Bạch kim cũng giảm nhẹ nhưng đây có thể là tín hiệu chốt lời của các nhà đầu tư, sau hai phiên liên tiếp tăng mạnh.
Diễn biến trái chiều tiếp tục được duy tri ở thị trường kim loại cơ bản. Giá đồng giảm nhẹ 0.21% còn 4.307 USD/pound trước động thái quyết liệt của chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm soát giá hàng hóa. Tuy nhiên, giá vẫn đang tích lũy đi ngang trong biên độ 4.229 – 4.332 USD/pound. Sự lây lan của biến chủng Delta cũng là một yếu tố kìm hãm đà tăng của Đồng khi các hoạt động sản xuất công nghiệp có thể bị trì hoãn. Trong khi đó, Quặng sắt là một trong những mặt hàng hiếm hoi duy trì được sắc xanh trên bảng giá với mức đóng cửa tăng 1.13% lên 210.23 USD/tấn. Sự tăng trưởng nóng của thị trường sắt thép trong nửa năm nay khiến cho yếu tố đầu cơ trên thị trường Quặng sắt có phần áp đảo so với các thị trường khác. Bên cạnh đó, nguồn cung Quặng sắt không theo kịp nhu cầu tiêu thụ khiến cho nhiều nhà sản xuất phải nhập khẩu sắt thép phế liệu. Vì vậy, bất chấp nỗ lực kiểm soát giá của chính phủ Trung Quốc, các nhà đầu tư vẫn giữ vững kỳ vọng tích cực vào tiềm năng của thị trường và không ngần ngại rót vốn để đẩy giá tăng cao hơn.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu tăng trở lại ngày hôm qua khi nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trở nên rõ ràng hơn. Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI tăng 1.55% lên 75.25 USD/thùng, dầu Brent tăng 1.77% lên 76.49 USD/thùng.
Trong Báo cáo thị trường tháng 7 ngày hôm qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cảnh báo nguồn cung dầu thô sẽ không tăng kịp với nhu cầu, khiến cho tồn kho toàn cầu trong quý III giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ. Hiện tại, OPEC+ chưa đưa ra được chính sách tăng sản lượng trong tháng 8, trong khi cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ nhiều khả năng sẽ hoãn lại đến tháng sau, khiến cho khả năng nguồn cung tăng lên trong tháng sau thấp dần đi, nhu cầu thiếu hụt sản lượng ngày càng rõ ràng.
Rạng sáng nay, báo cáo của viện dầu khí Mỹ API cho thấy tồn kho dầu nước này giảm 4 triệu thùng so với tuần trước, kéo dài chuỗi giảm trong 2 tháng. Thông tin này có thể tiếp tục hỗ trợ giá tăng ngày hôm nay.
Trong khi đó, giá khí tự nhiên quay đầu giảm 1.41% xuống 3.696 USD/MMBtu khi dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ tại Mỹ có thể giảm trong tuần này, kết hợp với tâm lý chốt lời.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)