menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 14/1/2022

11:00 17/01/2022

Giá dầu thô tiếp đà tăng mạnh trong tiền liên tiếp do các bất ổn về nguồn cung
 
 
 
NÔNG SẢN
Kết thúc tuần giao dịch 10/01 – 16/01, sắc đỏ phủ kín bảng giá các mặt hàng nông sản trên Sở Chicago, trái chiều với diễn biến chung của toàn bộ thị trường hàng hóa.
Chịu áp lực từ đậu tương, khô đậu và dầu đậu cũng đã giảm mạnh trong tuần trước. Theo Công ty Tư vấn Khí hậu Ứng dụng (CCA), bắt đầu từ tuần này, nhiệt độ sẽ giảm xuống và những cơn mưa sẽ xuất hiện tại một số khu vực của Argentina.
Đối với ngô, USDA vẫn đang khá lạc quan trước triển vọng nguồn cung ở Argentina và Brazil sau đợt hạn hán vừa qua khi các mức sản lượng dự kiến đều cao hơn so với ước tính của thị trường. Kết hợp với việc lượng mưa nhỏ xuất hiện trong cuối tuần trước ở Argentina, giá ngô đã có thời điểm suy yếu về vùng hỗ trợ 585.
Trong khi đó, đây đã là tuần giảm mạnh thứ 3 liên tiếp của lúa mì. Trong 2 báo cáo vừa qua, tồn kho ở Mỹ tăng lên, cùng với triển vọng diện tích gieo trồng lúa mì vụ đông tăng lên là tiếp tục là yếu tố về nguồn cung tạo áp lực lên giá.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

Giá Arabica nhích nhẹ 0.5% lên 239.7 cents/pound, trong khi giá Robusta giảm mạnh gần 4% về 2228 USD/tấn và là tuần giảm thứ hai liên tiếp. Số liệu xuất khẩu tích cực trong tháng 12 của Việt Nam là yếu tố thúc đẩy sức bán trên thị trường Robusta.
Giá bông tăng mạnh gần 4% lên 119.7 cents/pound và rất gần với mức đỉnh 10 năm. Các nhà đầu tư đều đang kỳ vọng vào sự hồi phục trong nhu cầu tiêu thụ của các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Bên cạnh đó, đồng USD cũng đang suy yếu, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu bông của Mỹ. Chỉ số Dollar Index giảm 0.6% còn 95.17 điểm.
Hai mặt hàng đường cũng có một tuần giao dịch thăng hoa, khi mà giá đường 11 tăng 1.4% lên 18.31 cents/pound, còn giá đường trắng đóng cửa cao hơn 3.5% và lấy lại mức 500 USD/tấn.

KIM LOẠI

Hai mặt hàng kim loại quý bật tăng trở lại trong bối cảnh đồng bạc xanh suy yếu. Chỉ số Dollar Index giảm 0.6% còn 95.57 điểm, mức thấp nhất trong vòng ba tháng. Bên cạnh đó, nỗi lo lạm phát cũng gây sức ép lên các thị trường đầu tư rủi ro và giúp cho dòng vốn đổ về các thị trường trú ẩn an toàn. Giá bạc tăng 2.3% lên 22.9 USD/ounce, giá bạch kim tăng gần 1% lên 965 USD/ounce.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng nhẹ 0.2% lên 4.42 USD/pound. Trong tuần giá giằng co mạnh và đã có úc tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng, khi có tin tức nguồn cung đồng bị thắt chặt vì mức tồn kho trên Sở LME và Sở Thượng Hải giảm mạnh. Tuy nhiên, việc nhu cầu tiêu thụ đối với đồng cũng không được cải thiện nhiều, vì dịch bệnh lây lan mạnh mẽ ở Trung Quốc, nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới, nên giá đồng đã chịu sức ép bán chốt lời và giảm mạnh trở lại.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI tháng 2 tăng 6.2% lên 83.82 USD/thùng, giá Brent tháng 3 tăng 5.27% lên 86.06 USD/thùng.
Các tổ chức lớn như Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA đều cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới tiếp tục đà tăng vững mạnh trong tháng trước, bất chấp sự đe dọa của dịch COVID-19. Điều này khiến cho tác động của các thông tin liên quan đến nguồn cung ngày càng lớn. Các số liệu gần đây nhất của EIA cũng chỉ ra rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ tiếp diễn ít nhất cho đến hết quý I, trong khi tồn kho dầu tại Mỹ liên tục suy giảm trở thành các yếu tố hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc