NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/09, hầu hết giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sở CBOT đều tăng lên.
Giá đậu tương chỉ tăng nhẹ nhưng diễn biến giật xuống vào đầu phiên tối và nhanh chóng hồi phục lại đáng chú ý. Số liệu bán hàng đậu tương giảm xuống trong báo cáo Export Sales đã tạo áp lực lên giá vào thời điểm công bố. Tuy nhiên, các vấn đề về thời tiết khô hạn và vận chuyển phân bón bị trì hoãn ở Brazil đã đẩy giá tăng trở lại.
Dầu đậu tương cũng tăng mạnh nhờ ảnh hưởng tích cực từ thị trường dầu thô. Trong khi đó, khô đậu tương vẫn duy trì khoảng giao dịch đi ngang 339 – 343 trong khi chưa có thông tin cơ bản mới ảnh hưởng trực tiếp tới giá.
Giá ngô tiếp tục duy trì được đà tăng và đóng cửa ở mức cao nhất tuần. Bán hàng ngô 21/22 của Mỹ tuần vừa qua đã hồi phục nhẹ trong khi giao hàng tăng mạnh đã giúp giá tăng trở lại tại vùng hỗ trợ 520.
Lúa mì là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trong nhóm nông sản. Lo ngại về vấn đề nguồn cung trên toàn cầu và sự suy yếu của đồng USD là yếu tố chính hỗ trợ đà tăng cho mặt hàng này. 38% diện tích gieo trồng lúa mì đang nằm trong vùng khô hạn, tăng từ mức 33% trong báo cáo trước. Hạn hán nghiêm trọng cản trở hoạt động gieo trồng lúa mì là thông tin đã hỗ trợ đà tăng cho giá lúa mì.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Sắc xanh tiếp tục được duy trì ở thị trường cà phê với giá Arabica tăng 3.1% lên 190.6 cent/pound, giá Robusta đóng cửa với mức tăng khiêm tốn hơn chỉ 0.2% lên 2146 USD/tấn. Thị trường cà phê không có quá nhiều tin tức mới trong các tuần gần đây, do đó, yếu tố dẫn dắt thị trường chính là sự luân chuyển dòng tiền giữa hai sở. Nếu như hai tuần trước, dòng tiền được đổ mạnh về thị trường Robusta nhờ những lo ngại về chuỗi vận chuyển ở Châu Á và số liệu xuất khẩu tiêu cực ở Việt Nam, thì sang tới tuần này, dòng tiền đã chảy lại về thị trường Arabica. Đáng chú ý, lực mua áp đảo đã giúp cho giá Arabica tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 tuần và vượt qua mức kháng cự 190.6 cent/pound.
Giá đường tiếp tục tăng song hành cùng với giá cà phê, với hợp đồng đường 11 kỳ hạn tháng 10 tăng 0.83% lên mức 19.49 cents/pound, hơp đồng đường trắng tháng 12 tăng 1% lên mức 513.4 USD/tấn. Các mặt hàng công nghiệp cũng được hưởng lợi nhiều từ sự gia tăng của các thị trường đầu tư trong các phiên.
KIM LOẠI
Sắc đỏ quay trở lại trên bảng giá của các mặt hàng kim loại. Giá bạc giảm 1% còn 22.68 USD/ounce, giá bạch kim mất mốc 1000 USD khi giá giảm 0.41% còn 997 USD/ounce. Đồng USD suy yếu cũng không thể hỗ trợ đà tăng của thị trường kim loại quý khi dòng tiền lại được ưu tiên đổ về thị trường chứng khoán Mỹ khi cả ba chỉ số thước đo là S&P500, Nasdaq, và Dow Jones đồng loạt tăng điểm trong phiên hôm qua. Trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng vọt lên mức 1.4%, đồng thời chỉ số đo lường nỗi sợ của các nhà đầu tư trên thị trường là VIX giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một tuần cũng cho thấy các nhà đầu tư không muốn đầu tư vào những thị trường trú ân an toàn. Đà tăng của bạc và bạch kim vì thế mà không được duy trì.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá đồng giằng co rất mạnh rồi đóng cửa với mức giảm 0.5% còn 4.23 USD/pound. Trong bối cảnh các tin tức tiêu cực về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc vẫn áp đảo trên thị trường, các nhà đầu tư tỏ ra rất thận trọng để chờ đợi xu hướng tăng được hồi phục đối với giá đồng. Bên cạnh đó, các nhà chức trách của Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho sự sụp đổ của tập đoàn Evergrande cũng là một tin tức rất tiêu cực gây sức ép trực tiếp lên giá đồng.
Trái lại với diễn biến của ba kim loại màu, quặng sắt là mặt hàng duy nhất vẫn duy trì được sắc xanh khi giá đóng cửa tăng 1.8% lên gần 110 USD/tấn. Dù đà tăng vượt trội so với nhóm kim loại và nhiều loại hàng hóa, nhưng mức tăng của giá quặng sắt trong hai phiên gần đây chỉ là sự phục hồi kỹ thuật nhờ tâm lý bắt đáy khi giá chạm mức thấp nhất trong vòng 1 năm. Do đó, khó có thể khẳng định giá quặng sắt sẽ phục hồi.
NĂNG LƯỢNG
Dầu thô kéo dài 3 phiên tăng mạnh tiếp nhờ nguy cơ nguồn cung dầu thắt chặt, khiến cho giá tăng lên mức đỉnh hơn 2 tháng. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.48% lên 73.3 USD/thùng, Brent tăng 1.42% lên 76.46 USD/thùng.
Gần 1 tháng sau khi cơn bão đi qua, tổng thiệt hại do bão đã lên đến 30.1 triệu thùng dầu, khiến Ida trở thành cơn bão gây thiệt hại lớn nhất đối với các hãng sản xuất dầu tại Mỹ trong vòng 13 năm. Hiện tại, vẫn còn 31 cơ sở phải đóng cửa, và gần 1/6 sản lượng dầu tại Vịnh vẫn chưa được phục hồi.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan trên thị trường chứng khoán. Các chỉ số chính tại Phố Wall đồng loạt tăng mạnh 2 phiên liên tiếp, khi các nhà đầu tư tin tưởng nhận định của FED là nền kinh tế Mỹ vẫn đang đi đúng hướng dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Trong khi đó, USD đang dần suy yếu, hỗ trợ cho giá các hàng hoá.
Giá khí tự nhiên tăng mạnh 3.56% lên 4.976 USD/MMBTu, lấy lại phần lớn mức giảm từ phiên hôm trước.