menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 27/9/2021

09:28 28/09/2021

Giá các mặt hàng năng lượng đồng loạt lập đỉnh trước lo ngại nguồn cung thắt chặt.
NÔNG SẢN
Lúa mì là mặt hàng duy nhất diễn biến trái chiều với toàn nhóm, nhưng mức giảm là không quá lớn.
Giá đậu tương tăng mạnh trong phiên tối, chủ yếu nhờ lực kéo từ mức tăng của dầu đậu tương, cùng với sự hỗ trợ từ đơn hàng hơn 300,000 tấn của Mỹ bán cho Trung Quốc, được các nhà xuất khẩu tư nhân phản ánh trong báo cáo Daily Export Sales.
Giá dầu thô tăng mạnh lên mức đỉnh trong vòng 3 năm trở lại đây, cũng đã kéo theo nhu cầu đối với nhiên liệu sinh học và qua đó, tác động tích cực lên lên giá dầu đậu tương, giúp mặt hàng này tăng trở lại sau khi đã giảm trong phiên sáng. Tuy nhiên, sự phục hồi của dầu đậu cũng gây sức ép khiến giá khô đậu chưa vượt lên được khỏi vùng giá 340 USD.
Ngô là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất nhóm nông sản trong phiên hôm qua, với mức tăng lên đên 2.42%. Dự đoán của thị trường về việc Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ hạ dự báo tồn kho ngô Mỹ 20/21 trong báo cáo Grains Stocks sắp tới là yếu tố hỗ trợ chính cho giá ngô, bên cạnh diễn biến tăng vọt của giá dầu thô.
Đối với lúa mì, mặc dù mạnh lên trong đầu phiên tối theo đà tăng của các mặt hàng nông sản khác, tuy nhiên giao hàng lúa mì chậm lại trong tuần này và thấp hơn khoảng dự đoán đã gây sức ép lớn khiến giá giảm trở lại về cuối phiên.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Sắc đỏ áp đảo trên bảng giá của các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp. Giá Arabica giằng co rồi giảm mạnh 0.4% còn 193.65 cents/pound. Giá Robusta lao đốc 1.3% còn 2121 USD/tấn. Thời tiết ở cả Việt Nam và Brazil đều đang rất thuận lợi cho niên vụ cà phê sắp tới, tuy nhiên đây lại là yếu tố gây sức ép lên giá cà phê. Một số khu vực ở miền Nam bang Minas Gerais và bang Sao Paulo đã có mưa vào cuối tuần qua khiến cho những lo ngại về thời tiết khô hạn của Brazil được làm dịu đi đáng kể. Ở Việt Nam, khu vực sản xuất cà phê lớn nhất ở Việt Nam là Tây Nguyên cũng có mưa lớn, góp phần làm tăng độ ẩm của đất và năng suất cho niên vụ sắp tới. Bên cạnh đó, đà tăng gần đây của thị trường Robusta mạnh hơn thị trường Arabica khiến cho lực bán chốt lời trên sở ICE EU cũng áp đảo hơn hẳn. Đồng Real tiếp tục suy yếu xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng cũng là yếu tố khuyến khích nông dân Brazil bán ra nhiều hơn.
Cả hai mặt hàng đường cũng song hành giảm cùng với giá cà phê. Hợp đồng đường 11 tháng 10 giảm 2% còn 18.7 cents/pound, hợp đồng đường trắng tháng 12 giảm nhẹ hơn với mức đóng cửa thấp hơn 0.4% còn 502.4 USD/tấn.

KIM LOẠI
Sắc xanh vẫn duy trì trên bảng giá của các mặt hàng kim loại. Ở thị trường kim loại quý, giá bạc tăng 1.2% lên 22.7 USD/ounce, giá bạch kim nhích nhẹ 0.17% lên 981.6 USD/ounce. Mặc dù vậy, nhưng mức tăng hôm qua chưa đủ để đưa giá bạc bứt ra khỏi khu vực đi ngang từ 22-23 USD/ounce. Còn đối với giá bạch kim, giá vẫn đang trong một nhịp điều chỉnh sau khi tăng 100 USD chỉ trong vòng 2 phiên vào tuần trước. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1.486% và các chỉ số chứng khoán chủ chốt như S&P500 và Nasdaq suy yếu cho thấy các nhà đầu tư đang có xu hướng giữ tiền mặt nhiều hơn. Vai trò của đồng USD được đề cao đã tác động tiêu cực đến giá của bạc và bạch kim. Tuy nhiên, giá của hai mặt hàng kim loại quý được hỗ trợ một phần do sự hồi phục thiếu ổn định của nền kinh tế Mỹ khi mà số đơn đặt hàng hóa lâu bền lõi giảm 0.2% trong tháng 8.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá đồng giằng co mạnh trong phiên rồi đóng cửa với mức tăng không đáng kể chưa đến 0.1% ở mức 4.29 USD/pound. Các nhà đầu tư vẫn đang tỏ ra thận trọng trước các tin tức ở phía Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược Quốc gia cho biết Trung Quốc sẽ bán đấu giá thêm 150.000 tấn kim loại công nghiệp từ kho dự trữ nhà nước vào ngày 9/10, để tiếp tục kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào. Giá đồng vì thế có thể gặp áp lực trong ngắn hạn.
Đà tăng mạnh mẽ của quặng sắt vẫn tiếp tục được nối dài khi phe mua đưa giá đóng cửa tăng hơn 7% lên 119 USD/tấn. Bất chấp các tin tức xấu xoay quanh khủng hoảng nợ Evergrande, và các biện pháp hạn chế sản lượng của Bắc Kinh, các nhà đầu tư vẫn tích cực mua vào nhằm bắt đáy, bởi giá quặng sắt dù phục hồi nhưng vẫn đang thấp hơn 50% so với mức đỉnh hồi tháng 5 năm nay.

NĂNG LƯỢNG
Giá dầu tiếp tục tăng phiên thứ 4 liên tiếp và đạt mức đỉnh trong vòng 3 năm, khi các nhà đầu tư lo ngại về khủng hoảng năng lượng lan rộng tại châu Á và châu Âu. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.99% lên 75.45 USD/thùng, giá Brent tăng 1.93% lên 78.72 USD/thùng.
Tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc khiến cho giới phân tích hạ dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2021 xuống 0.1-0.15%, càng nhấn mạnh hậu quả kinh tế của các quốc gia trong trường hợp không thể đảm bảo đủ lượng năng lượng cần thiết.
Giá cũng được hỗ trợ khi ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nâng dự báo cho giá Brent thêm 10 USD/thùng, lên 90 USD/thùng, nguyên nhân là do nhu cầu nhiên liệu phục hồi nhanh hơn nguồn cung. Tập đoàn thương mại Trafigura Group và Hess cũng cho rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ tiếp tục đẩy giá tăng trong thời gian tới.
Dầu thô cũng được hỗ trợ khi giá khí tự nhiên tăng rất mạnh 11% lên 5.706 USD/MMBTu, đây mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ tháng 2, khi đường ống và nhà máy tại Texas dừng hoạt động do nhiệt độ xuống thấp. Các cuộc biểu tình diễn ra tại các dự án mới sẽ khiến cho sản lượng không thể tăng trong vòng vài tháng tới, trong khi các nhà đầu tư đang đóng vị thế bán trước khi hợp đồng tháng 10 hết hạn cũng hỗ trợ đà tăng của khí và dầu.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Link gốc