menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 15/9

09:12 15/09/2015

Vinanet - Thái Lan có thể không canh tác vụ lúa thứ 2 cho 2,4 triệu hecta đất trồng; giá gạo tại Indonesia tăng mạnh do hạn hán.

Bảng giá gạo ngày 14/9

 



Thái Lan có thể không canh tác vụ lúa thứ 2 cho 2,4 triệu hecta đất trồng

Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan có thể sẽ áp dụng lệnh cấm canh tác vụ lúa thứ hai trên khoảng 2,4 triệu hecta ruộng do tình trạng thiếu nước trầm trọng, theo Reuters.

Ý kiến này sẽ được đề xuất lên Quốc hội trong ngày 15/9 tới. Ông cho biết, tính đến cuối mùa mưa ngày 31/10, mực nước tại các hồ chứa nước có thể chỉ đạt 3,6 triệu mét khối và con số này sẽ không đủ để cung cấp đủ cho hoạt động trồng trọt.

Nếu Quốc hội thông qua ý kiến này, nông dân Thái Lan sẽ buộc phải ngừng canh tác trong phần lớn thời gian của niên vụ 2015. Khi đó, tổng diện tích đất chưa được canh tác, bao gồm cả 139.200 hecta trong mùa vụ chính, sẽ lên tới 2,54 triệu hecta.

Tuy nhiên, một số người dân lại phớt lờ chỉ thị của chính phủ và tiếp tục canh tác lúa trong mùa vụ chính để đảm bảo thu nhập. Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan cho biết, cắt giảm diện tích trồng lúa nhưng thay vào đó, chính phủ sẽ đảm bảo nâng nguồn thu nhập cho người dân.

Giá gạo tại Indonesia tăng mạnh do hạn hán

Theo truyền thông địa phương, giá gạo nội địa của Indonesia đang tăng mạnh do lo ngại về nguồn cung giảm vì hạn hán. Vài tuần qua, giá gạo tại tất cả các vùng trồng lúa như, miền tây, đông và trung Java, phía bắc Sulawesi và Gorontalo đồng loạt giảm liên tiếp.

Theo trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn của Indonesia, hiện tượng thời tiết El Nino sẽ tiếp kéo dài trong suốt mùa khô (từ tháng 4/2015 - tháng 12/2015) và có thể sẽ ảnh hưởng tới 18 tỉnh thành trên cả nước.

Dự trữ gạo của cơ quan Logistics Bulog hiện nay đạt 1,7 triệu tấn gạo và chỉ đủ để cung cấp cho thị trường trong nước đến cuối năm nay. Trong điều kiện thời tiết như hiện tại, phần lớn người dân rất miễn cưỡng bán gạo cho chính phủ mà thường để dự trữ. Giá gạo của Bulog hiện cũng thấp hơn so với giá thị trường nên không đủ sức hấp dẫn với người dân.

Theo FAO, giá gạo nội địa của Indonesia đã liên tục tăng kể từ tháng 4/2015. Giá gạo trung bình trong tháng 8 là 10,14 triệu rupiah/tấn (740 USD/tấn), tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn cung gạo tại Mỹ giảm do sản lượng thấp

Trong báo cáo Ước nhu cầu và nguồn cung nông nghiệp Thế giới (phát hành tháng 9/2015), USDA ước tính, sản lượng gạo niên vụ 2015 - 2016 của Mỹ chỉ đạt 11,95 triệu tấn, giảm so với ước tính trong tháng 8 là 12,63 triệu tấn và sản lượng của niên vụ 2014 - 2015 là 12,56 triệu tấn. Nguyên nhân chính do sản lượng gạo giảm mạnh.

Năng suất lúa trung bình ước tính đạt 8,27 tấn/hecta, giảm so với dự báo hồi tháng 8 là 8,41 tấn. Dự trữ gạo đầu niên vụ 2015 - 2016 của Mỹ cũng chỉ đạt 2,2 triệu tấn.

Thương nhân Nepal kêu gọi chính phủ giảm nhập khẩu gạo

Các hãng sản xuất và kinh doanh gạo của Nepal đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn do nước này tăng cường nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, đặc biệt thông qua đường biên giới.

Thị trường Nepal tràn ngập gạo rẻ của Ấn Độ kể từ khi chính phủ Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo (không phải là gạo basmati) hồi tháng 9/2011. Theo giới thương nhân Nepal, gạo của Ấn Độ rẻ hơn khoảng 0,46 USD - 0,92 USD/tấn so với gạo nội địa.

Trung bình, sản lượng gạo của Nepal sẽ đủ để đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ của người dân trong nước. 30% còn lại sẽ được chính phủ nhập khẩu thông qua con đường chính thống. Tuy nhiên, xu hướng nhập khẩu gạo ngày càng phát triển mạnh và gây tổn thương cho ngành lúa gạo nội địa.

Giới thương nhân Nepal kêu gọi chính phủ hạn chế nhập khẩu gạo từ nước ngoài bằng cách tăng thuế nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp lên 10% từ mức 8% hiện tại. 

Nguyễn Dung

Theo Oryza