menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG năm 2022: Giá năng lượng tăng mạnh, kim loại giảm sâu

09:00 02/01/2023

Trong năm 2022, thị trường hàng hóa nguyên liệu biến động mạnh. Kết thúc năm, giá dầu, than đá, khí đốt và nhiều nông sản tăng, trong khi giá kim loại cơ bản nhìn chung giảm.
 
Năng lượng: Giá dầu tăng sau nhiều biến động mạnh
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 (30/12), với dầu Brent tăng gần 3%, hay 2,45 USD, lên 85,91 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,86 USD hay 2,4% lên 80,26 USD/thùng.
Giá dầu biến động mạnh trong năm 2022, tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine. Sau đó, giá lao dốc khi nhu cầu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, giảm sút và lo ngại về suy thoái kinh tế, nhưng đã khép lại năm tăng thứ hai liên tiếp.
Giá dầu đã tăng mạnh vào tháng 3/2022, khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra làm giảm nguồn cung dầu thô toàn cầu, với giá dầu Brent đạt 139,13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008. Giá dầu đã nhanh chóng “hạ nhiệt” vào nửa cuối năm khi các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất và lo ngại về suy thoái kinh tế.
Chuyên gia phân tích Ewa Manthey của ING nhận định: “Đây là một năm đặc biệt đối với các thị trường hàng hoá, với những rủi ro nguồn cung dẫn đến sự biến động gia tăng và giá cả “nhảy múa”. Năm 2023 sẽ là một năm khó đoán định nữa với nhiều bất ổn”.
Tính chung cả năm 2022, dầu Brent tăng khoảng 10%, sau khi tăng 50% vào năm 2021; dầu WTI tăng gần 7%, sau khi tăng 55% trong năm 2021. Cả hai loại dầu đều đã giảm giá mạnh trong năm 2020 do đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Trong năm 2023, giới đầu tư năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, cảnh giác với các đợt nâng lãi suất và khả năng suy thoái kinh tế.
Kết quả một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy 30 chuyên gia kinh tế và nhà phân tích dự báo dầu Brent đạt trung bình 89,37 USD/thùng trong năm 2023, giảm 4,6% so với cuộc khảo sát hồi tháng 11/2022. Dầu WTI được dự báo trung bình đạt mức 84,84 USD/thùng trong năm 2023, cũng giảm so với dự báo trước đó.
Trong khi nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ cuối năm tăng vọt và lệnh cấm bán dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga đã hỗ trợ giá dầu, thì nguồn cung khan hiếm sẽ được bù đắp vào năm 2023 do mức tiêu thụ nhiên liệu giảm vì môi trường kinh tế xấu đi.
Dầu giảm trong nửa cuối năm 2022 khi lãi suất của các ngân hàng đồng loạt tăng để chống lạm phát, khiến đồng USD mạnh lên. Điều đó làm cho các hàng hoá định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Mặc dù nhu cầu dầu tại Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2023, một đợt bùng phát gần đây số ca nhiễm COVID-19 đã làm giảm hy vọng về việc gia tăng nhu cầu ngay lập tức tại nước này.
Dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu tại Mỹ, một chỉ báo về nguồn cung trong tương lai, tăng 33% trong năm 2022.
Đối với mặt hàng khí đốt tự nhiên, giá trên thị trường Mỹ giảm trong phiên cuối năm, xuống mức thấp nhất trong 10 tháng do dự báo thời tiết ấm hơn. Tuy nhiên, mặt hàng “nóng” của năm 2022 đã kết thúc một năm tăng thứ 3 liên tiếp do nguồn cung bị gián đoạn bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine gây chấn động trên khắp các thị trường khí đốt toàn cầu.
Theo dữ liệu của Refinitiv, mặc dù công bố tháng 12 tồi tệ nhất trong bốn năm, nhưng giá khí đốt đã ghi nhận chuỗi tăng hàng năm dài nhất, với mức tăng khoảng 20% trong năm 2022 trong năm được cho là biến động nhất đối với hàng hóa, lần đầu tiên sau 14 năm vượt qua mức 10 USD/mmBtu.
Tại châu Âu, giá khí đốt bán buôn giao ngay ở Anh và Hà Lan đều giảm trong phiên cuối năm do lượng dự trữ cao và nhiệt độ ôn hòa vào thời điểm trong năm đã gây áp lực lên giá, khiến giá các hợp đồng tham chiếu kết thúc năm tương tự như giá đầu năm.
Hợp đồng khí đốt giao sau 1 tháng ở Hà Lan phiên 30/12 giảm 4,5 euro xuống còn 79 euro mỗi megawatt giờ (MWh), trong khi hợp đồng tương tự ở Anh giảm 13 pence xuống 181 p/therm.
Các hợp đồng, cả hai đều đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022, hiện đang giao dịch quanh mức tương tự như mức đã thấy vào tháng 1/2022, trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine và trước khi dòng khí đốt của Nga đến châu Âu bị cắt giảm đáng kể.
Trong lịch sử, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt cho châu Âu. Theo dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, các kho chứa khí đốt của châu Âu đã đầy khoảng 83,2%, trong đó nước tiêu thụ lớn nhất của khu vực là Đức có mức lấp đầy là 89%. Mức nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) kỷ lục cũng đã làm dịu giá.
Kim loại quý: Giá vàng tăng nhẹ
Giá vàng tăng trong phiên 30/12 để kết thúc quý 4 tăng mạnh nhất kể từ tháng 6 năm 2020 do kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.818,70 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 vững ở mức 1.826,2 USD.
Giá vàng thỏi chỉ giảm khoảng 0,5% vào năm 2022 do các đợt tăng lãi suất liên tiếp của ngân hàng trung ương Mỹ đẩy vàng xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm vào tháng 9, nhưng đã hồi phục dần kể từ đó.
Jim Wyckoff, nhà phân tích kim loại cấp cao của Kitco cho biết: “Chỉ số đô la Mỹ yếu đi đang hỗ trợ giá cả, nhưng một yếu tố hạn chế mức tăng là sự gia tăng lợi suất trái phiếu hiện nay”.
Ông Wyckoff nhận định những người đặt cược vào khả năng giá vàng tương lai tiếp tục tăng đang có lợi thế về mặt kỹ thuật trong ngắn hạn. Trong một lưu ý gửi tới khách hàng, chuyên gia này chỉ ra giá vàng đang trong một đợt tăng tăng kéo dài 7 tuần, với ngưỡng kháng cự đầu tiên là 1.825 USD/ounce.
Các nhà phân tích lưu ý rằng tâm lý của những người tham gia thị trường năm 2023 sẽ được thúc đẩy bởi phản ứng của các ngân hàng trung ương toàn cầu đối với lạm phát bong bóng.
Fed năm 2022 đã tăng lãi suất từ mức gần bằng 0 vào tháng 3 lên mức 4,25% -4,5% trong một chu kỳ tăng lãi suất mạnh nhất kể từ những năm 1980, đẩy vàng xuống thấp hơn từ mức kỷ lục gần 2.000 USD/ounce vào tháng 3.
Vandana Bharti, trợ lý phó chủ tịch nghiên cứu hàng hóa của SMC Global Securities, cho biết đầu tư vào các quỹ ETF vàng có thể cải thiện vào năm 2023 sau khi dòng tiền chảy ra ồ ạt trong năm 2022.
Hiện thị trường đang đặt cược vào triển vọng nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ tăng cao hơn, bất chấp tình hình lợi suất trái phiếu tăng. Giá vàng hiện đã tăng gần 200 USD sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm vào cuối tháng Chín. Mức tăng trên chủ yếu do kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất chậm hơn làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD cũng như giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là một tài sản không sinh lời.
Về những kim loại quý khác, giá bạc trong phiên 30/12 giảm 0,4% xuống 23,79 USD/ounce, bạch kim tăng 0,9% lên 1.063,43 USD, trong khi palladium giảm 1,6% xuống 1.784,76 USD. Bạc và bạch kim kết thúc năm 2022 với kết quả tăng, trong khi palladium giảm 5,6% trong năm.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp của OANDA cho biết, bạch kim và palladium có thể chứng kiến "sự phục hồi tốt sau đợt phục hồi kinh tế" nếu rủi ro suy thoái có vẻ ít đi.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng loạt giảm trong năm 2022
Giá đồng giảm vào thứ Sáu (30/12), kết thúc năm giảm đầu tiên kể từ năm 2018 do lo ngại về nhu cầu do số ca nhiễm gia tăng ở Trung Quốc (nước tiêu dùng hàng đầu thế giới), tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lượng hàng tồn kho tăng.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) đã giảm 0,5% xuống 8.375 USD/tấn, tính chung trong năm 2022 giảm 13%.
Nhà phân tích Michael Widmer của Bank of America cho biết: “Ở Mỹ, người ta lo ngại Fed (Cục Dự trữ Liên bang – Ngân hàng trung ương Mỹ) sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái; ở châu Âu, cuộc khủng hoảng năng lượng đã gây căng thẳng lớn cho các tập đoàn và người tiêu dùng”.
"Ở Trung Quốc, nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 đã có tác động rõ rệt đến hoạt động giao dịch kim loại vào đầu năm”, ông Widmer cho biết.
Theo một số chuyên gia y tế quốc tế, việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế có nghĩa là dịch Covid đang lây lan nhanh trở lại.
Dự trữ đồng tại các kho đăng ký của LME ở mức 88.925 tấn đã tăng 7.525 tấn kể từ thứ Sáu. Hàng tồn kho tăng có thể sẽ là một xu hướng vào năm 2023 khi nhu cầu tiếp tục chậm lại và thặng dư tăng lên.
Về những kim loại cơ bản khác, giá chì trong phiên 30/12 tăng 0,9% lên 2.294 USD/tấn. Kim loại sản xuất pin này đã đạt 2.302,50 USD/tấn vào thứ Tư, cao nhất kể từ ngày 5/5, do lo ngại về nguồn cung và dự trữ đang giảm dần trong các kho được LME phê duyệt, mức thấp gần 15 năm ở mức 25.000 tấn. Giá nhôm hôm 30/12 giảm 1,2% xuống 2.376 USD, kẽm giảm 0,5% xuống 2.970 USD, thiếc giảm 0,1% xuống 24.900 USD và niken giảm 1% xuống 29.960 USD.
Các thị trường kim loại công nghiệp hy vọng nhu cầu cải thiện và giá tăng có thể phải đợi thêm vài tháng nữa với những cơn gió ngược của tăng trưởng chậm có thể sẽ chi phối bối cảnh kinh tế trong một thời gian.
Kể từ khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3 do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung hàng hóa từ Nga, đồng đã giảm mạnh 22%, nhôm 41% và kẽm 39%. Niken và thiếc lần lượt giảm 50% và 70%. Chì, kim loại sản xuất pin, được duy trì vững giá nhờ nguồn cung khan hiếm, hàng tồn kho thấp và được đưa vào chỉ số hàng hóa từ tháng Giêng, đã hoạt động tốt hơn, chỉ giảm 15% kể từ tháng Ba.
Lạm phát tăng vọt, phong tỏa do COVID-19 ở nước tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc và lãi suất tăng mạnh là nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của nền kinh tế và làm giảm tăng trưởng nhu cầu đối với các kim loại công nghiệp như đồng, được sử dụng trong ngành điện và xây dựng.
Các nhà phân tích của Citi cho biết: “Chúng tôi dự đoán đồng sẽ giảm xuống còn 7.800 USD/tấn trong ba tháng tới do việc bổ sung hàng hóa thành phẩm kết thúc, sản lượng luyện kim cao hơn, nhu cầu suy yếu theo mùa và tiêu dùng cuối toàn cầu yếu khiến thị trường rơi vào tình trạng dư thừa”.
Về nhóm kim loại đen, giá quặng sắt kỳ hạn tương lai tăng trong phiên 30/12, kết thúc một năm đầy biến động, với hợp đồng kỳ hạn tương lai trên sàn Đại Liên đạt mức cao nhất trong hơn 6 tháng, được thúc đẩy bởi sự lạc quan xung quanh việc nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới - Trung Quốc - dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch và đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế.
Giá giao ngay của nguyên liệu sản xuất thép cũng tăng trong tuần cuối cùng của năm 2022, đạt mức cao nhất trong 5 tháng khi các thương nhân gạt bỏ lo ngại về tình trạng lây nhiễm COVID-19 gia tăng trên khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, giá quặng sắt đã kết thúc năm 2022 ở mức thấp nhất trong ba năm.
Phiên 30/12, quặng sắt kỳ hạn tháng 5, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc, kết thúc với mức tăng 2,8% lên 863 nhân dân tệ (124,14 USD)/tấn, đầu phiên có lúc giá chạm 867,5 nhân dân tệ, mức cao nhất kể từ ngày 9 tháng 6. Tính chung cả năm, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 43%.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1 kết thúc phiên tăng 1,8% lên 117,20 USD/tấn, trong phiên có lúc gần chạm mức cao nhất trong 5 tháng, là 117,35 USD.
Dữ liệu tư vấn của SteelHome cho thấy, quặng sắt loại 62% giao ngay đã tăng lên 116 USD/tấn vào thứ Năm, mức cao nhất kể từ đầu tháng 8.
Giá quặng sắt đã đạt mức cao nhất trong năm 2022 là 163 đô la vào tháng 3 /2022 do Trung Quốc nới lỏng các hạn chế về đại dịch và hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế đang chậm lại của nước này. Sau đó giá đã giảm xuống mức 80 đô la vào tháng 11, do chính sách "Zero COVID" hà khắc của Bắc Kinh và sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản.
"Quặng sắt dự kiến sẽ vẫn mạnh trong thời gian tới (tăng lên 120 USD/tấn) và có thể tiếp tục tăng (tăng lên 150 USD/tấn) trong trường hợp tăng giá khi Trung Quốc nới lỏng tín dụng lớn trong quý 1 năm 2023 và tăng tốc tái sản xuất của Trung Quốc", các nhà phân tích của Citi cho biết.
Trong phiên 30/12, giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 1,8%, thép cuộn cán nóng tăng 1,7% và dây thép cuộn tăng 0,3%. Giá thép không gỉ tăng 0,1%.
Nông sản: giá đậu tương tăng năm thứ 4 liên tiếp
Giá đậu tương kỳ hạn trên thị trường Chicago kết thúc phiên thứ Sáu (30/12) tăng, tính chung cả năm tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu cao và hạn hán ở nước xuất khẩu lớn -Argentina - trong bối cảnh nguồn cung hạt có dầu trên thị trường toàn cầu đang căng thẳng.
Giá lúa mì cũng tăng trong phiên 30/6 bởi lo ngại về thiệt hại do bão mùa đông đối với vụ lúa mì của Mỹ, trong khi ngô giảm do yếu tố kỹ thuật.
So với đầu năm, giá lúa mì cuối năm gần như đi ngang. Giá lúa mì kỳ hạn tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3 sau khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine làm hạn chế nguồn cung toàn cầu.
Nhưng sự gia tăng thương mại ở Biển Đen trong những tháng gần đây, nhờ hành lang vận chuyển từ Ukraine và vụ thu hoạch kỷ lục của Nga, đã làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung.
Kết thúc phiên 30/12, giá ngô trên sàn Chicago giảm 1 US cent, xuống 6,78-1/2 USD/bushel, tính chung cả năm 2022 tăng gần 14,4% do nguồn cung gián đoạn bởi chiến tranh ở Ukraine và tình trạng khô hạn ở Argentina.
Giá đậu tương kết thúc phiên 30/12 tăng 7,5 cent lên 15,24 USD/bushel, tính cả năm tăng gần 13,8% - mức tăng hàng năm thứ tư liên tiếp; và lúa mì tăng nhẹ 18 US cent lên 7,92 USD/bushel, tính chung cả năm tăng gần 2,8%.
Những lo ngại về hạn hán ở Argentina, nước xuất khẩu dầu đậu tương và bột đậu tương lớn nhất thế giới, cùng với nhu cầu xuất khẩu mạnh đã đẩy giá đậu tương giao kỳ hạn tại thị trường Mỹ lên mức giá cao nhất kể từ ngày 31/3. Nó cũng đẩy giá bột đậu tương kỳ hạn tháng 1, tháng 3 và tháng 5/2023 lên các mức cao mới.
Tại Argentina, các thương nhân đang theo dõi dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ cao và mưa rào nhẹ trong những ngày tới, cùng với những lo ngại về việc trồng trọt bị chậm trễ.
Sàn giao dịch ngũ cốc ở Buenos Aires ngày 29/12 cho hay, 500.000 ha đậu tương có thể không được trồng nếu mưa tiếp tục ngăn cản tiến độ gieo trồng.
Don Roose, Chủ tịch của công ty môi giới U.S. Commodities có trụ sở tại Iowa (Mỹ), cho biết: "Bước sang năm 2023, thời tiết vẫn sẽ là vấn đề lớn. Câu hỏi đặt ra là liệu chu kỳ La Nina (hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường) hiện tại có thay đổi thành chu kỳ El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương) để chúng ta có thể có nhiều mưa hơn ở Nam Mỹ và Mỹ hay không, điều đó sẽ cho phép chúng ta xây dựng lại nguồn dự trữ ngũ cốc của Mỹ và thế giới".
Các nhà đầu tư cũng tiếp tục đánh giá triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, khi việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan tới đại dịch COVID-19 đã gây ra làn sóng lây nhiễm mới và chệch hướng những dự đoán về sự phục hồi kinh tế vào năm 2023.
Giá đường trên sàn ICE giảm trong phiên cuối cùng của năm 2022, nhưng tính chung cả năm tăng năm thứ 4 liên tiếp với cả đường thô và đường trắng.
Cụ thể, giá đường thô kỳ hạn tháng 3 phiên 30/12 giảm 0,25 cent, tương đương 1,2%, ở mức 20,04 cent/lb. Giá đường thô kết thúc với mức tăng hàng năm là 6,1% được hỗ trợ bởi tình trạng khan hiếm nguồn cung dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến quý 1 năm 2023.
Giá đường thô kỳ hạn đã tăng trong bốn năm qua, với tổng mức tăng giá là 55%.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3 trên sàn London giảm 7,40 USD, tương đương 1,3%, trong phiên 30/12 xuống 554,40 USD/tấn. Giá đường trắng đạt mức tăng hàng năm là 11,5%, cũng là năm tăng thứ tư liên tiếp của mặt hàng này, với mức tăng giá tích lũy 54,8% trong giai đoạn đó.
"Tôi cho rằng lý do chính cho sự tăng giá (đường) trong bốn năm qua, trên cơ sở chung, ngoài cuộc xung đột Ukraine năm 2022, là thời tiết. Cụ thể hơn, thời tiết khắc nghiệt", một thương nhân ở Mỹ cho biết.
Giá cà phê kỳ hạn cũng giảm trong phiên cuối năm, làm tăng thêm mức giảm trong cả năm đối với cả arabica và robusta.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 trên sàn Chicago giảm 2,75 cent vào thứ Sáu (30/12), tương đương 1,6%, xuống 1,673 USD/lb.
Giá cà phê arabica giảm 26% trong năm 2022 do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ hạn chế nhu cầu, triển vọng vụ mùa năm 2023 nhìn chung thuận lợi tại nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Brazil - và dự trữ trên sàn giao dịch tăng.
Giá cà phê arabica đã tăng 76% vào năm 2021 sau khi sương giá ở Brazil cắt giảm sản lượng.
Các đại lý lưu ý rằng dự trữ cà phê được chứng nhận ICE đứng ở mức cao nhất trong 5 tháng rưỡi là 814.686 bao, tính đến ngày 30 tháng 12. Có 235.963 bao đang chờ phân loại.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 giảm 25 USD, tương đương 1,4%, xuống 1.799 USD/tấn. Tính chung cả năm 2022, cà phê robusta giảm 24%.
Giá cacao kỳ hạn tháng 3 trên sàn London tăng 18 pound trong phiên 30/12, tương đương 0,9%, lên 2.062 GBP/tấn. Giá ca cao ở London đã tăng 21% trong năm 2022, một phần được thúc đẩy bởi sự sụt giảm giá trị của đồng bảng so với đồng đô la trong năm 2022.
Cacao kỳ hạn tháng 3 trên sàn New York cũng tăng 22 USD, tương đương 0,9%, lên 2.600 USD/tấn trong phiên cuối năm, tính chung cả năm tăng 3%, sau khi giảm 3% vào năm 2021.
Giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia tăng vào thứ Sáu (30/12) khi nhà sản xuất hàng đầu Indonesia thắt chặt các quy tắc xuất khẩu, song tính chung cả năm giá giảm lần đầu tiên sau 3 năm tăng.
Giá dầu cọ đã chứng kiến sự biến động trong năm 2022 do nguồn cung bị thắt chặt do xung đột ở Ukraine và sự sụt giảm nhu cầu liên quan đến đại dịch tại thị trường trọng điểm Trung Quốc.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 3 (hợp đồng tham chiếu) trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia đã kết thúc năm tăng 88 ringgit, tương đương 2,15%, lên 4.178 ringgit (949,55 USD)/tấn. Tính chung cả năm 2022 giá giảm 11%.
Indonesia sẽ thắt chặt các quy tắc xuất khẩu dầu cọ từ ngày 1 tháng 1, cho phép ít lô hàng xuất khẩu ra nước ngoài trên mỗi tấn bán trong nước, trong nỗ lực tìm cách đảm bảo đủ nguồn cung trong nước, một quan chức chính phủ cho biết.
Mitesh Saiya, quản lý tại công ty thương mại Kantilal Laxmichand & Co có trụ sở tại Mumbai, cho biết nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc trong những tháng tới khi nước này mở cửa trở lại biên giới và các vấn đề sản xuất đang hỗ trợ giá dầu cọ.
Ấn Độ đã gia hạn chính sách cho phép nhập khẩu đậu lăng và dầu thực vật như dầu cọ, dầu đậu tương và dầu hướng dương với mức thuế thấp hơn cho đến tháng 3 năm 2024, chính phủ cho biết trong một thông báo.
Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết giá dầu cọ năm 2022 sẽ trung bình ở mức 5.100 ringgit (1.155,94 USD)/tấn.
MPOB cho biết vào năm 2023, giá dầu cọ thô dự kiến sẽ ổn định và trung bình ở mức 3.800 ringgit (861,68 USD) khi nguồn cung được cải thiện.
Giá bông ICE kỳ hạn tương lai ổn định trong phiên 30/12, được hỗ trợ bởi đồng đô la yếu hơn và dữ liệu doanh số xuất khẩu hàng tuần tích cực. Tuy nhiên, giá bông trong năm 2022 đã giảm mạnh nhất kể từ năm 2014 trong năm mà sợi tự nhiên này giao dịch biến động nhất trong hơn một thập kỷ.
Hợp đồng bông kỳ hạn tháng 3 tăng 0,88 cent, tương đương 1,1%, lên 83,52 cent/lb vào ngày 30/12, sau khi tăng tới 2,4% lên 84,64 cent/lb trong phiên tăng mạnh nhất trong 7 năm.
Tuy nhiên, hợp đồng giao sau 1 tháng kết thúc năm 2022 với mức giảm khoảng 26%, ghi nhận ba quý giảm liên tiếp lần đầu tiên sau tám năm.
Giá năm 2022 được giao dịch trong phạm vi rộng từ 158,02 cent đến 70,21 cent/lb, ghi nhận mức cao nhất trong 11 năm vào tháng Năm.
Giá bông giảm trong năm 2022 do đồng bạc xanh tăng giá, lo ngại về tình trạng dư cung, lo ngại nhu cầu suy giảm và các hạn chế do COVID-19 tại nhà sản xuất hàng may mặc lớn nhất thế giới Trung Quốc.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản giảm vào thứ Sáu (30/12), ghi nhận mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2018 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự sụt giảm nhu cầu từ Trung Quốc – nước nhập khẩu cao su hàng đầu thế giới.
Hợp đồng cao su giao tháng 6 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên 30/12 giảm 1 JPY, tương đương 0,5%, xuống 218,0 JPY (1,64 USD)/kg, giảm khoảng 0,9% trong cả tuần.
Tính chung trong năm 2022, giá cao su trên sàn Osaka giảm khoảng 8,4%.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 20 CNY xuống còn 12.695 CNY (1.826 USD)/tấn trong phiên 30/12.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1 trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore kết thúc phiên này tăng 0,2% lên 129,0 US cent/kg.
“Trong thời gian tới, các nhà giao dịch sẽ xem liệu các dấu hiệu suy thoái có lấn át tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại hay không,” Farah Miller, giám đốc điều hành của Helixtap Technologies, một công ty dữ liệu độc lập tập trung vào cao su cho biết.
Tâm lý của các nhà giao dịch cao su đã bị xáo trộn trong những tuần gần đây sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chống Covid-19 nhưng lại xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới làm hạn chế hoạt động công nghiệp và tiêu dùng.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa