menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG phiên 11/8: Giá dầu, đồng, cà phê … tăng

12:00 12/08/2022

Giá hàng hóa nguyên liệu đồng loạt tăng trong phiên vừa qua do USD yếu đi và các nhà đầu tư khó khăn trong việc dự đoán về chính sách lãi suất của Mỹ.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 do giá khí đốt tự nhiên tăng cao khiến một bộ phận người tiêu dùng chuyển sang sử dụng dầu.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn giao sau tăng 2,2 USD, tương đương 2,3%, lên 99,60 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,41 USD, tương đương 2,6%, lên 94,34 USD.
Trong báo cáo hàng tháng của mình, IEA cho biết: “Giá điện và khí đốt tự nhiên đã tăng lên mức kỷ lục mới, thúc đẩy việc chuyển đổi từ khí sang dầu ở một số quốc gia. IEA đã nâng triển vọng nhu cầu năm 2022 thêm 380.000 thùng/ngày (bpd)”.
Ngược lại, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới vào năm 2022, với lý do tác động của vụ xung đột giữa Nga và Ukraine, lạm phát cao và nỗ lực kiềm chế đại dịch.
OPEC dự kiến nhu cầu dầu năm 2022 sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Mức dự báo cảu OPEC về nhu cầu dầu toàn cầu năm 2022 vẫn cao hơn so với dự báo của IEA.
Giá dầu tăng một phần nữa cũng bởi USD tiếp tục giảm so với các đồng tiền đối tác chủ chốt khác sau khi báo cáo mới đây cho thấy lạm phát của Mỹ không cao như dự đoán trong tháng 7, khiến các nhà giao dịch trở lại kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, dự trữ dầu của Mỹ tăng trong tuần trước và dòng dầu thô nối lại trên đường ống cung cấp cho Trung Âu đã giới hạn mức tăng giá.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết các kho dự trữ dầu thô của nước này tăng 5,5 triệu thùng trong tuần gần đây, nhiều hơn mức dự kiến tăng 73.000 thùng. Cung cấp các sản phẩm xăng dầu đã tăng lên 9,1 triệu thùng/ngày, mặc dù dữ liệu cũng cho thấy nhu cầu giảm 6% trong bốn tuần qua so với một năm trước đó.
Mức cộng giá dầu WTI kỳ hạn 1 tháng với kỳ hạn 6 tháng hiện ở mức 4,38 USD/thùng, thấp nhất trong vòng 4 tháng, cho thấy nguồn cung đang giảm nhanh chóng.
Nhà sản xuất dầu hàng đầu của Mỹ ở Vịnh Mexico, Shell, cho biết một vụ rò rỉ đường ống đã khiến họ phải ngừng sản xuất tại ba giàn khoan nước sâu ở Vịnh Mexico của Mỹ được thiết kế để sản xuất tổng cộng 410.000 thùng dầu mỗi ngày.
Việc khôi phục dòng chảy ở đoạn phía nam của đường ống Druzhba từ Nga sang châu Âu càng xoa dịu những lo lắng về nguồn cung toàn cầu.
Trong khi đó, giá dầu thực tế đã bắt đầu giảm trên khắp thế giới, phản ánh việc giảm lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung và gia tăng lo lắng về khả năng suy giảm kinh tế toàn cầu.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng đi ngang trong phiên vừa qua, chịu tác động đồng thời bởi sự gia tăng lợi tức trái phiếu kho bạc và triển vọng tăng lãi suất của Mỹ, nhưng cũng bởi đồng USD giảm giá trên diện rộng.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên đi ngang, ở mức 1.787,57 USD/ounce, tính chung cả tuần giá tăng 0,7%; giá vàng kỳ hạn tương lai giảm 0,2% xuống 1.803,10 USD.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm hiện đang dao động gần mức cao nhất ba tuần, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng – vốn không mang lại lãi suất.
Dữ liệu vào thứ Năm cho thấy giá sản xuất của Mỹ đã bất ngờ giảm trong tháng Bảy. Trước đó, dữ liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy giá tiêu dùng của nước này không đổi so với tháng 6
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco Mary Daly cho biết việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9 là "hợp lý" với dữ liệu kinh tế gần đây bao gồm cả lạm phát, nhưng bà sẵn sàng tăng lãi suất mạnh hơn nếu các dữ liệu kinh tế cho thấy đảm bảo đủ điều kiện.
Đầu tuần này, các nhà hoạch định chính sách của Fed lưu ý rằng họ sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi không còn áp lực giá cả.
Các nhà giao dịch hiện đang định giá có 61,5% khả năng Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9 và 38,5% khả năng tăng 75 điểm cơ bản. Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, vì điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lợi.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 0,1% xuống 20,27 USD/ounce, bạch kim giảm 0,2% xuống 954,32 USD và palladium ổn định ở mức 2.277,13 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng đạt mức cao nhất trong 6 tuần do các nhà đầu tư đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, khiến hàng hóa rủi ro đồng loạt tăng giá và làm suy yếu đồng USD – khiến cho kim loại tính theo USD trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng các tiền tệ khác.
Trên sàn London, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 1,2% lên 8.185 USD/tấn vào lúc đóng cửa, sau khi có lúc đạt 8.199 USD, cao nhất kể từ ngày 1/7.
Giá đồng - kim loại được sử dụng trong ngành điện và xây dựng - đã tăng 17% so với mức thấp vào giữa tháng 7 nhưng vẫn giảm 25% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 3 do tăng trưởng kinh tế và nhu cầu chậm lại.
Gianclaudio Torlizzi, đối tác của công ty tư vấn T-Commodity cho biết: “Quan điểm rằng lạm phát đã lên cao điểm đang đẩy giá kim loại cơ bản tăng lên”. Ông cho biết các dấu hiệu về nguồn cung thắt chặt ở Trung Quốc cũng làm tăng giá đồng.
Doanh số bán ô tô của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 7 khi các biện pháp hạn chế chống Covid-19 được nới lỏng, mặc dù doanh số bán hàng trong 7 tháng đầu năm vẫn giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng đồng catốt của Trung Quốc tăng nhẹ trong tháng Bảy.
Về các kim loại khác, giá nhôm trên sàn LME tăng 1,4% lên 2,525 USD/tấn, kẽm tăng 1,8% lên 3,672 USD, nickel tăng 4,8% lên 23,565 USD, chì tăng 1,2% lên 2,200 USD và thiếc tăng 3% lên 25,285 USD.
Giá thép thanh vằn trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,7%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,6%, thép không gỉ tăng 0,8%.
Giá quặng sắt tại châu Á đồng loạt tăng trong phiên vừa qua, với quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên sàn Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 2,3% lên 741 nhân dân tệ (109,98 USD)/tấn. Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 tăng 3% lên 113,15 USD/tấn.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn và cung cấp tin tức ngành công nghiệp SteelHome, giá quặng sắt 62% nhập khẩu ổn định ở mức 111 USD/tấn, tăng 11% so với mức thấp nhất của năm là 100 USD vào ngày 21/7.
Các nhà máy thép trong những ngày gần đây đã khởi động lại một số lò cao không hoạt động, được khuyến khích bởi tỷ suất lợi nhuận được cải thiện và nhu cầu từ lĩnh vực xây dựng tăng lên.
Nhưng triển vọng nhu cầu trung hạn đối với các sản phẩm và nguyên liệu thép vẫn bị che khuất bởi một số vấn đề, chẳng hạn như chủ trương bắt buộc cắt giảm sản lượng thép ở Trung Quốc nhằm hạn chế phát thải, cuộc khủng hoảng tài chính nhấn chìm các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc và phong tỏa chống Covid-19.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì và đậu tương Mỹ tăng vào lúc kết thúc phiên vừa qua do USD yếu đi hỗ trợ cho các mặt hàng có giá tính bằng USD. Trong khi đó, giá ngô kỳ hạn tương lai vững bởi những lo ngại về thời tiết nóng và khô làm căng thẳng vụ mùa ở khu vực Trung Tây nước Mỹ đúng giai đoạn cuối của quá trình phát triển của cây.
Giá ngô Mỹ trên sàn Chicago tăng 9-1/4 US cent lên 6,27-3/4 USD/bushel, trong khi lúa mì tăng 11 US cent kết thúc ở mức 8,10-3/4 USD/bushel; đậu tương tăng 20-3/4 USD lên 14,48-1/2 USD/bushel.
Các khu vực của Trung Tây nước Mỹ trong những ngày gần đây đã có mưa, nhưng nắng nóng ở các khu vực phía tây của vành đai nông trại dự kiến sẽ tiếp tục gây căng thẳng cho cây trồng, bao gồm cả đậu tương đang trải qua giai đoạn tăng trưởng quan trọng.
Giá đường thô giao tháng 10 kết thúc phiên này tăng 0,21%, tương đương 1,1%, lên 18,49 cent/lb, trước đó cólusc đạt mức cao nhất trong ba tuần là 18,50 US cent.
Các đại lý cho biết mặt hàng đường đang nhận được sự hỗ trợ từ đồng USD yếu đi và bức tranh vĩ mô tổng thể tích cực sau khi số liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến, cho thấy việc tăng lãi suất sẽ ít tích cực hơn trong tương lai. Giá đường trắng giao tháng 10 tăng 5,40 USD, tương đương 1,0%, lên 555,10 USD/tấn.
Giá cà phê Robusta kỳ hạn trên sàn ICE đạt mức cao nhất trong vòng 5,5 thán do lo ngại về nguồn cung thắt chặt ở nhà sản xuất hàng đầu thế giới - Việt Nam - và xuất khẩu từ Brazil giảm, trong khi giá đường thô cũng tăng.
Theo đó, cà phê robusta giao tháng 11 tăng 74 USD, tương đương 3,4%, lên 2.223 USD/tấn, đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 2 ở 2.227 USD. Giá cà phê nội địa tại Việt Nam, nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới, tăng trong tuần này giữa bối cảnh nguồn cung hạt cà phê thắt chặt, và các nhà xuất khẩu cho biết họ đã phải vật lộn để mua hạt cà phê trong vài tháng qua. "Chúng tôi cắt giảm dự báo về vụ mùa của Việt Nam lần lượt là 1 triệu và 2 triệu bao cho niên vụ 2021/22 và 2022/23", Citi trích dẫn các cuộc khảo sát về cây trồng cho thấy quá trình phát triển của cây cà phê bị thiếu phân bón.
Ngân hàng Rabobank cho biết các nhà rang xay Brazil đang mua hầu hết robusta trong nước để cắt giảm chi phí cho các hỗn hợp sản phẩm cà phê rang xay của họ, làm ảnh hưởng đến xuất khẩu robusta của Brazil – giảm hơn 60% so với mùa trước.
Giá cà phê arabica giao tháng 12 tăng 3,9 cent, tương đương 1,8%, lên 2,1955 USD/lb.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa